Thiếu đạn tập - “bài toán” khó của đội tuyển bắn súng Việt Nam
Đội tuyển bắn súng Việt Nam đang chuẩn bị cho ASIAD 19, diễn ra vào tháng 9 tới ở Trung Quốc nhưng vẫn trong cảnh thiếu đạn tập. Và như thế khó nói tới chuyện đạt thành tích như kỳ vọng của người ngoài cuộc. Giờ các tuyển thủ chủ chốt cũng chỉ có thể nâng cao thành tích nếu được đi tập huấn nước ngoài sớm ngày nào hay ngày đó.
“Bài ca” muôn thuở
Lần chuẩn bị cho ASIAD 19 này không biết là lần thứ bao nhiêu trước mỗi sự kiện lớn của thể thao khu vực Đông Nam Á, châu Á, đội tuyển bắn súng quốc gia lâm vào cảnh thiếu đạn tập. Tập chay với việc nâng súng lên, đặt súng xuống mà chẳng có viên đạn nào rời khỏi nòng thực sự là nỗi ám ảnh với người trong nghề và nỗi ái ngại những người quan tâm đến môn thể thao từng mang về thành tích “vô tiền khoáng hậu” cho thể thao Việt Nam là giành 1 HCV, 1 HCB ở một kỳ Olympic (năm 2016).
Trong môn bắn súng hay bất cứ môn thể thao nào khác, khi thiếu thiết bị tập luyện thì thực sự khó nói đến chuyện thành tích tương xứng với tiềm năng của mỗi VĐV. Tất cả đều biết điều đó nhưng với riêng bắn súng, các giải pháp vẫn chưa thể xoay chuyển tình thế thiếu đạn tập triền miên.
Thực tế, từ sau kỳ Olympic 2016, hy vọng các tuyển thủ bắn súng sẽ có đủ đạn tập đã dấy lên. Nhưng rồi tất cả lại theo vòng luẩn quẩn thiếu đạn tập do thiếu kinh phí hoặc thủ tục thực hiện mua sắm đạn thể thao, chuyển về đến các đội tuyển, đơn vị cũng không hề đơn giản. Ngay cả khi đơn vị quản lý các cấp độ đội tuyển bắn súng quốc gia có thể chi 1-2 tỷ đồng để mua đạn tập thì cũng chỉ là “muối bỏ biển”. Các HLV, VĐV bắn súng cũng lên tiếng, cũng bày tỏ mong muốn có đủ đạn tập nhưng họ không thể giải quyết vấn đề ngoài chuyện tập luyện, thi đấu khi tham gia đội tuyển quốc gia hay ở CLB.
Cũng không ngẫu nhiên khi thành tích của đội tuyển bắn súng quốc gia từ năm 2016 đến nay ở đấu trường Olympic suy giảm. Từ chỗ có vé trực tiếp tham dự và có VĐV giành ngôi vô địch Olympic 2016 thì đến kỳ Olympic sau đó tại Nhật Bản, đội tuyển không thể giành vé trực tiếp. Khi đó, đội tuyển đành tham dự bằng suất đặc cách.
Còn những VĐV khác ở đội tuyển cũng không thể gây ấn tượng kể cả khi thi đấu ở các giải Đông Nam Á. Họ tỏ ra lép vế so với các xạ thủ Thái Lan, Singapore cũng chỉ vì thiếu đạn tập và dự các giải đấu quốc tế nằm rèn bản lĩnh. Đấy mới là vấn đề đáng lo ngại chứ không hẳn chỉ là yếu tố trường bắn. Đến trước SEA Games 31 năm 2022 tại Việt Nam, trường bắn ở Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội được cải tạo với hệ thống bia tự động, đúng như mong muốn của người làm nghề. Nhưng điều đó mới đáp ứng một nửa nhu cầu của họ. Nửa còn lại là đạn tập vẫn chưa được giải quyết căn cơ.
Không kể, việc thiếu đạn cũng ảnh hưởng đến khâu đào tạo tại các địa phương. Trong đó, nhiều VĐV mới được tuyển cũng tỏ ra chán nản khi phải tập chay, không như kỳ vọng. Và chuyện họ bỏ ngang cũng là bình thường dù các HLV cũng đành cắn răng chấp nhận. Họ đều hiểu, tuyển được VĐV đã khó nhưng giữ được lại càng khó hơn. Nhưng không giữ được VĐV chỉ vì VĐV thiếu đạn tập thực sự là nỗi đau của người làm nghề. Rồi không chỉ địa phương, mà các cấp độ đội tuyển quốc gia cũng bị ảnh hưởng về nguồn tuyển chọn VĐV. Trong khi đó, bắn súng vẫn được coi là môn trọng điểm có thể giành huy chương Olympic, ASIAD cho thể thao Việt Nam.
Đáp án cũ cho bài toán cũ
Đến trước ASIAD 19, đội tuyển bắn súng Việt Nam vẫn là một trong những đội tuyển trọng điểm của thể thao Việt Nam. Nhưng thực tế vẫn giống như các kỳ chuẩn bị gần đây khi đội tuyển thiếu đạn nổ trầm trọng, xạ thủ đành phải tập chay.
Gần đây, phía Cục TDTT cùng đại diện các Phòng chuyên môn của Cục TDTT đã xác nhận: “Đạn nổ dành cho đội tuyển bắn súng Việt Nam vào lúc này đã hết. Tuyển thủ đang chờ nhà cung cấp chuyển đạn nổ về Việt Nam”.
Trước đó, bộ phận chuyên môn của ngành Thể thao đã hoàn tất các thủ tục đối với nhà cung cấp để có đạn nổ phục vụ tập luyện nhưng theo cam kết, nhanh nhất vào tháng 8, đạn nổ dành cho súng thể thao mới được chuyển về Việt Nam. Trước đó, chủ động nắm bắt tình hình nên ngay đầu năm 2023, theo quy trình, đội tuyển bắn súng Việt Nam và các đội tuyển thể thao quốc gia đã có những báo cáo về sự chuẩn bị cơ sở vật chất cũng như đề xuất cung cấp, mua trang thiết bị theo quy định hàng năm tới lãnh đạo Cục TDTT (khi đó là Tổng cục TDTT), từ đó lãnh đạo báo cáo Bộ VH-TT-DL.
Hiện tại, biết rằng khó có thể giành huy chương tại ASIAD 19 nếu thiếu đạn tập khi tập huấn trong nước nên các tuyển thủ trọng điểm đều mong được đi tập huấn nước ngoài. Đây là giải pháp từ nhiều năm qua được các cấp độ đội tuyển bắn súng quốc gia và nhiều địa phương thực hiện để giải quyết trước mắt tình hình thiếu đạn tập.
Bởi khi đi tập huấn tại nước ngoài, các xạ thủ lại có đủ đạn tập luyện và được cung cấp đủ đạn dự các giải đấu, từ đó tạo nên sự tự tin và bản lĩnh dày dạn trong khi thi đấu. Đổi lại, giải pháp này khá tốn kém so với kinh phí mà bộ môn được cấp và chỉ dồn vào số VĐV trọng điểm hoặc có khả năng giành HCV ở SEA Games.
Phụ trách bộ môn bắn súng (Cục TDTT) Vũ Anh Đào chia sẻ: “Từ 30/7 tới 10/8, đội tuyển bắn súng Việt Nam sẽ được tập huấn Hàn Quốc. Sau đó, đội sẽ dự giải bắn súng vô địch thế giới trong tháng 8 rồi tiếp đó sẽ tập trung tập luyện ở Hàn Quốc trước khi tham dự ASIAD 19”.
Hiện tại, bên cạnh ASIAD 19, đội tuyển bắn súng Việt Nam còn có nhiệm vụ tranh suất chính thức dự Olympic Paris năm 2024. Nhưng với những khó khăn triền miên về đạn tập thì các xạ thủ khó đạt thành tích tốt nhất so với bản thân. Khi đó, đội tuyển nói riêng và thể thao Việt Nam cũng “khó được nhờ”.