Thể thao Việt Nam năm 2025: Liệu có đột phá?
Năm 2025 được xem là năm bản lề của thể thao thành tích cao Việt Nam trong thực hiện Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 20230, tầm nhìn đến năm 2045. Người ta đang chờ sự đột phá trong năm bản lề này dù biết rằng sẽ không dễ...
Cái khó bó cái khôn - chuyện muôn thuở
Từ nhiều năm nay, mỗi khi thể thao Việt Nam giành thành tích ấn tượng tại Olympic hay ASIAD, người trong nghề đều hết sức khiêm tốn và chỉ cho rằng đó là câu chuyện vượt khó. Và nếu nhìn vào những gì mà VĐV thể thao thành tích cao của Việt Nam nhận được thì đúng là chuyện vượt khó khi mức đầu tư cho họ thua xa nhiều VĐV ngay trong khu vực Đông Nam Á. Ở cấp trung ương, ngân sách hơn 800 tỷ đồng được cấp cho Cục TDTT mỗi năm lại để chi cho nhiều mảng việc, trong đó có thể thao thành tích cao. Và chỉ riêng kinh phí thi đấu quốc tế từ nguồn ngân sách cấp cho Cục TDTT cũng không đủ đáp ứng yêu cầu nâng tầm cho các môn trọng điểm.
Và nếu theo cách tính của người trong cuộc thì kinh phí thi đấu quốc tế hằng năm của 1 môn trọng điểm cũng không đủ chi cho 1 VĐV trọng điểm của bộ môn ấy nếu xét ở các góc độ về tập huấn, thi đấu quốc tế, dinh dưỡng, hồi phục sau tập luyện, thi đấu... Đó là thực tế và người trong ngành cũng hiểu, đành “liệu cơm gắp mắm”. Và khi việc đầu tư cho VĐV trọng điểm còn có khó khăn nhất định thì khó nói chuyện đầu tư mạnh cho các mảng khác dù mảng đó sẽ hỗ trợ đáng kể cho VĐV.
Trong chia sẻ với báo chí gần đây, Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt cho rằng, việc đầu tư trang thiết bị phục vụ tập luyện, hồi phục, dinh dưỡng cho VĐV tại các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia, nơi phục vụ hầu hết các đội tuyển quốc gia, vẫn là vấn đề nan giải. Trong khi đó, đây lại là các yếu tố quyết định đến sự phát triển thành tích của VĐV.
Ông Đặng Hà Việt đã dẫn ra rằng, ở nhiều nền thể thao trên thế giới, hệ thống trang thiết bị phục vụ hồi phục cho VĐV luôn được đầu tư tối đa. Bởi điều đó sẽ giúp VĐV bớt mệt mỏi sau tập luyện, có thể đáp ứng được giáo án của HLV và đương nhiên là tránh được chấn thương. Đi kèm đó là đội ngũ nhân viên y tế hỗ trợ VĐV; hệ thống máy móc ứng dụng trí tuệ nhân tạo để cân, đong, đo, đếm dinh dưỡng cho VĐV. Theo đó, VĐV chỉ cần lấy món ăn và đưa vào trước thiết bị tính lượng calo. Thiết bị đó sẽ báo số lượng calo và từ đó VĐV biết để điều chỉnh...
Cũng theo ông Đặng Hà Việt, trong 4 trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia, chỉ Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia TP Hồ Chí Minh có hệ thống phòng hồi phục sau tập luyện tương đối ưng ý. Tuy nhiên khâu vận hành các thiết bị này cũng gặp khó khăn về nhân sự. Trong khi đó, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để tính lượng dinh dưỡng cho VĐV ở từng môn cũng chưa thể áp dụng bởi cần có nguồn lực để đầu tư. Và kể cả khi có nguồn lực đầu tư thì cũng cần đội ngũ nhân lực để vận hành. Đây lại là khâu khó với ngành Thể thao bởi các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia hiện nay đều không tự chủ tài chính, trông vào ngân sách.
Với mức lương thấp hơn mặt bằng chung, chỉ riêng việc thu hút đội ngũ nhân viên y tế để giúp VĐV hồi phục sức khỏe sau tập luyện, thi đấu cũng đã rất khó khăn. Cho nên. khó nói tới chuyện thu hút đội ngũ nhân lực vận hành các trang thiết bị hiện đại hỗ trợ VĐV hồi phục sức khỏe, bảo đảm dinh dưỡng phục vụ tập luyện, thi đấu. Đó thực sự là vấn đề nan giải với ngành Thể thao bên cạnh cái khó về tạo điều kiện để VĐV thi đấu quốc tế liên tục nhằm nâng tầm.
Không chỉ các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia mà ngay các địa phương, trong đó có Hà Nội, cũng “nghẽn” ở điểm này. Ngay ở Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội – đầu tàu thể thao thành tích cao của cả nước, cũng không có hệ thống phòng hồi phục sau tập luyện, đội ngũ nhân viên y tế chỉ có vài người phục vụ cho khoảng 3.000 VĐV... Hiện tại, khi hệ thống phòng ở, khu tập luyện, của một số môn cũng như nhà ăn VĐV ở Trung tâm đang được đầu tư thì những HLV, VĐV ở đây vẫn mong có điều kiện chăm sóc y tế, dinh dưỡng tốt hơn. Nếu không, mỗi khi gặp chấn thương lại phải tìm đến cơ sở chữa trị ngoài Trung tâm và đương nhiên không thể thanh toán bằng nguồn ngân sách.
Tháo điểm nghẽn
Từ trước đến nay, để ứng phó với việc thiếu trăm bề về trang thiết bị hỗ trợ hồi phục cho VĐV, về điều kiện dinh dưỡng... nhiều bộ môn cả ở Cục TDTT cũng như các địa phương chọn cách đưa một số VĐV trọng điểm đi tập huấn dài hạn ở nước ngoài, tại những nơi có điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị hồi phục, thực sự chú trọng về khâu dinh dưỡng cho VĐV... Nhưng đó cũng chỉ là cách làm mang tính tình thế, giải quyết việc trước mắt bởi kinh phí cũng có hạn. Điều đó cũng lý giải một phần nguyên nhân thành tích của thể thao Việt Nam ở Olympic, ASIAD luôn trồi sụt như trong những năm vừa qua dù mức độ xã hội hóa, chung tay đầu tư cho VĐV với Nhà nước đã tăng lên so với chục năm trước. Rõ nhất là việc “trắng” huy chương trong 2 kỳ Olympic gần đây sau khi giành 1 HCV, 1 HCB tại Olympic Rio năm 2026; hay việc thể thao Việt Nam đang thiếu những nhân tố bảo đảm cơ hội tranh chấp huy chương Olympic như một số nước trong khu vực Đông Nam Á đang sở hữu.
Cục TDTT cũng rất kỳ vọng năm 2025 sẽ tạo nên những tín hiệu khởi sắc hơn để có thể duy trì thành tích ổn định, để năm 2025 thực sự là năm bản lề cho các năm tiếp theo. Theo tính toán của nhà quản lý, tính từ năm 2025 tới năm 2045, thể thao Việt Nam sẽ trải qua 5 kỳ Olympic, 6 kỳ ASIAD và 11 kỳ SEA Games. Mỗi kỳ đều có yêu cầu cao về mục tiêu và đều không dễ thực hiện. Không ngẫu nhiên tại hội nghị triển khai nhiệm vụ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục TDTT, đề xuất đầu tư trang thiết bị phục vụ cho tập luyện, hồi phục, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào công tác chăm sóc VĐV... đã được nêu ra.
Thực tế, Cục TDTT dù biết nhưng cũng đang không thể gỡ vướng ngay những cái khó trên. Điều đó có thể ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả thực hiện các mục tiêu thể thao thành tích cao của Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thế nên, câu chuyện nằm ở sự đột phá trong tư duy quản lý về hướng đầu tư cho các đội tuyển trọng điểm, các VĐV trọng điểm ngay trong ngành Thể thao. Còn cứ ở mức bình bình, đều đều như trong những năm qua thì khó nói chuyện đột phá.
17 môn thể thao trọng điểm trong giai đoạn tới
Cục TDTT đã lên danh sách 17 môn thể thao trọng điểm để hoàn thành các mục tiêu huy chương trong Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 20230, tầm nhìn đến năm 2045 gồm: bơi, điền kinh, bắn súng, thể dục dụng cụ, cử tạ, đấu kiếm, boxing, taekwondo, xe đạp, cầu lông, bắn cung, judo, vật, đua thuyền (thuộc nhóm Olympic), wushu, cầu mây, karate (nhóm ASIAD). Dù xác định được môn trọng điểm nhưng cách đầu tư trọng điểm thế nào cũng vẫn là bài toán khó trong điều kiện hiện nay. (Minh Khuê)