Thể thao Việt Nam hậu Olympic 2024

Thứ Bảy, 10/08/2024, 07:37

Đoàn thể thao Việt Nam đã kết thúc Olympic 2024 khi không giành được huy chương nào. Sẽ có những bài học được rút ra, điều quan trọng là chúng ta sẽ rút ra được vấn đề gì trong việc đầu tư cho thể thao thành tích cao.

Thể thao Việt Nam bắt đầu ghi dấu ấn ở đấu trường Olympic tại Sydney (Australia) 2000. Chúng ta tham dự với 7 VĐV, với tấm HCB của nữ võ sĩ taekwondo Trần Hiếu Ngân ở hạng cân 57kg, thể thao Việt Nam lần đầu tiên có tên trên bảng tổng sắp huy chương.

images1962109_1.jpg -0
Thu Vinh là điểm sáng của Thể thao Việt Nam.

Đến Olympic Athens (Hy Lạp) 2004, chúng ta tham dự với 11 VĐV, không giành huy chương.

Tại Olympic Bắc Kinh (Trung Quốc) 2008, thể thao Việt Nam tham dự với 21 VĐV, giành 1 HCB nhờ công của lực sỹ cử tạ Hoàng Anh Tuấn (hạng 56kg nam).

Đến Olympic London (Anh) 2012, chúng ta tham dự với 18 VĐV, giành 1 HCĐ sau khi Trần Lê Quốc Toàn được đôn từ hạng tư nội dung 56kg lên vị trí thứ ba, thế chỗ VĐV của Azerbajan bị tước huy chương vì doping.

Tại  Olympic Rio (Brazil) 2016 – kỳ Thế vận hội thành công nhất đến thời điểm hiện tại. Chúng ta tham dự với 23 VĐV, trong đó xạ thủ bắn súng Hoàng Xuân Vinh xuất sắc giành 1 HCV nội dung 10m súng ngắn hơi và 1 HCB nội dung 50m súng ngắn.

Tuy nhiên, tại Olympic Tokyo 2020, thể thao Việt Nam với 18 VĐV đã không có huy chương. Và mới đây, tại Olympic Paris 2024, chúng ta tham dự với 16 VĐV và cũng không giành được huy chương. Việc thất bại ở hai kỳ Olympic liên tiếp khiến thể thao Việt Nam bị đặt dấu hỏi về mọi mặt, từ công tác đầu tư, huấn luyện.

Trước khi tham dự Olympic 2024, thể thao Việt Nam đã phải điều chỉnh chỉ tiêu về số vận động viên đoạt vé trực tiếp. Từ 18 xuống còn 12-15 vận động viên. Mục tiêu phấn đấu giành huy chương cũng đã không hoàn thành. 

16 VĐV Việt Nam đến Paris gồm: Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Nguyễn Huy Hoàng và Võ Thị Mỹ Tiên (bơi lội), Trần Thị Nhi Yến (điền kinh), Trịnh Thu Vinh và Lê Thị Mộng Tuyền (bắn súng), Trịnh Văn Vinh (cử tạ), Nguyễn Thị Hương (canoeing), Phạm Thị Huệ (rowing), Nguyễn Thùy Linh và Lê Đức Phát (cầu lông), Võ Thị Kim Ánh và Hà Thị Linh (boxing), Lê Quốc Phong và Đỗ Thị Ánh Nguyệt (bắn cung), Hoàng Thị Tình (Judo).

Trong số này, Trịnh Thu Vinh là cái tên được chú ý nhất bởi thành tích của cô đã tiệm cận nhóm huy chương khi về thứ 4 ở nội dung 10m súng ngắn hơi nữ. Nhưng cần nhìn nhận thực tế, đó là thành tích đáng khích lệ, nhưng để có thể tranh huy chương ở kỳ Thế vận hội sau là điều khó nói khi 4 năm tới sẽ còn có nhiều thay đổi. 

Theo đánh giá của chuyên gia Nguyễn hồng Minh: “Chúng ta cần phải đánh giá kỹ lưỡng về từng nội dung, từng môn thể thao mà vận động viên Việt Nam có khả năng tranh chấp thành tích cao trên đấu trường thế giới. Từ đó, chúng ta nên đầu tư tập trung vào số lượng môn cụ thể, trọng điểm thay vì dàn trải. Hẳn nhiên, đi cùng với đó không chỉ là vận động viên mà còn các yếu tố phụ trợ như dinh dưỡng thuốc men, cơ sở vật chất tập luyện và kế hoạch chương trình tập huấn”.

Thể thao Việt Nam hậu Olympic 2024 sẽ còn nhiều vấn đề cần bàn. Chúng ta cần khắc phục những vấn đề đã tồn tại cố hữu trong rất nhiều năm qua từ công tác đầu tư, đạo tạo đến huấn luyện. Nhưng đây cũng là lúc mà thể thao cần được dành nhiều nguồn lực.

Tại Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030 diễn ra tháng 12/2023, nhà quản lý từng đưa ý kiến sẽ xây dựng, tuyển chọn các vận động viên nòng cốt để từ đó chọn ra nguồn lực khoảng 30 tuyển thủ tiêu biểu nhất, đủ khả năng tranh huy chương cao nhất tại đấu trường ASIAD và Olympic.

Nhưng hiện tại, chúng ta đang đối mặt với thực tế là lép vế hơn so với một số quốc gia khu vực trên đấu trường Olympic. Nhìn vào thực tế để thấy, thành tích ở SEA Games không nói lên tất cả. Đã đến lúc cần thêm một sự thay đổi, một cú hích lớn để thể thao Việt Nam có thể hướng đến những đấu trường như ASIAD hay Olympic với một sự chắc chắn hơn.

Tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam thắng Indonesia

Chiều 9/8, tại Nakhon Ratchasima (Thái Lan), đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đã giành chiến thắng 3-1 trước Indonesia ở trận ra quân chặng 2, Giải Bóng chuyền nữ Đông Nam Á - SEA V.League 2024.

ttttttt copy.jpg -0
Tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam có trận thắng vất vả trước Tuyển bóng chuyền nữ Indonesia.

Ở set thứ nhất, dù không tung ra đội hình mạnh nhất khi để Bích Tuyền ngồi trên băng ghế dự bị nhưng các cô gái bóng chuyền Việt Nam vẫn thi đấu áp đảo đối thủ và dễ dàng giành chiến thắng 25-15.

Sang set 2, đội tuyển bóng chuyền nữ Indonesia có màn trình diễn ấn tượng và liên tiếp có những điểm số dẫn trước trong cả hiệp đấu. Các cô gái Indonesia đập bóng và chắn bóng đều tốt. Trong khi các cô gái Việt Nam liên tiếp mắc lỗi ở bước 1 và vất vả trong khâu triển khai tấn công, qua đó các cô gái bóng chuyền Việt Nam đã để thua 15-25 trước Indonesia.

Set 3 chứng kiến trận đấu diễn ra đầy kịch tính khi Việt Nam và Indonesia bám đuổi nhau cho đến giữa set trước khi các cô gái Việt Nam tận dụng tốt các cơ hội, trong khi Indonesia bắt bước 1 không tốt dẫn đến nhận thất bại 21-25 trước Việt Nam.

Bước vào set 4, các cô gái bóng chuyền Việt Nam tiếp tục thể hiện phong độ ấn tượng với hàng tấn công thi đấu đa dạng, liên tiếp giành điểm vươn lên và giành chiến thắng kịch tính với tỷ số 25-21. Chung cuộc, tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam thắng Indonesia 3-1 (25-15; 15-25; 25-21; 25-21). (H.H)

Hưng Hà

.
.