Tăng thu nhập để “giữ chân” vận động viên

Thứ Hai, 07/10/2024, 07:17

Cơ chế "không cho phép VĐV được nhận 2 đầu lương" đã khiến nhiều địa phương tìm thêm nhiều phương án mới nhằm cải thiện thu nhập VĐV. Đây là cách làm phổ biến trong thời điểm hiện tại, nhằm giữ chân những người hoạt động trong ngành Thể thao.

Cơ chế "không cho phép VĐV được nhận 2 đầu lương" đã khiến nhiều địa phương tìm thêm nhiều phương án mới nhằm cải thiện thu nhập VĐV. Đây là cách làm phổ biến trong thời điểm hiện tại, nhằm giữ chân những người hoạt động trong ngành Thể thao.

Hạn chế và giải pháp

Một VĐV thể thao thành tích cao có 2 khoản thu nhập chính. Thu nhập không thường xuyên đến từ thành tích, huy chương tại các giải quốc gia và quốc tế. Ở góc độ này, tiền thưởng ở cấp trung ương và địa phương hoàn toàn tách biệt, không liên quan đến nhau. Câu chuyện chỉ phức tạp trong khoản thu nhập thường xuyên, là tiền ăn tập hàng tháng.

Theo quy định hiện hành, VĐV ở đội tuyển quốc gia và VĐV ăn tập tại địa phương có chế độ hoàn toàn khác nhau. Chế độ này bao gồm tiền tập và tiền ăn, được tính theo ngày công trong tháng. Cuối tháng, các trung tâm sẽ tính công tập luyện để hạch toán tiền lương, chế độ cho VĐV.

Điểm hạn chế trong cách tính lương VĐV là với những tuyển thủ quốc gia, họ thường tập luyện tập trung tại đội tuyển, chứ không ở địa phương. Theo đó, VĐV chỉ được nhận 1 đầu lương của đội tuyển quốc gia. Bởi trên thực tế, VĐV khi đó không ăn tập tại địa phương nên không được tính tiền, không có lương định kỳ từ trung tâm.

Tăng thu nhập để “giữ chân” vận động viên -0
VĐV thành tích cao có những khoản hỗ trợ tương đương lương hàng tháng.

Mô hình "không cho phép VĐV được nhận 2 đầu lương" đã tồn tại nhiều năm tại Việt Nam. Ở góc độ khách quan, cách làm này giúp nguồn tiền ngân sách đổ vào ngành Thể thao không bị thất thoát. Bởi, VĐV chắc chắn chỉ tập luyện ở một nơi trong một thời điểm nhất định. Những khoản thu nhập chồng chéo có thể phát sinh tiêu cực theo thời gian.

Ở chiều ngược lại, mô hình này lại khiến nhiều đơn vị, và bản thân một số VĐV không mặn mà với việc lên tập trung đội tuyển quốc gia. Một trong những ví dụ điển hình nhất diễn ra ở Bình Dương. Là một trong những tỉnh có mức đầu tư rất cao vào thể thao thành tích cao, Bình Dương hiện trả lương ăn tập vào khoảng 12-13 triệu đồng/tháng/VĐV.

Nếu tính thêm tiền thưởng kiện tướng (tính theo huy chương tại các giải vô địch quốc gia, nhận về hàng quý), mỗi VĐV Bình Dương có thu nhập bình quân không dưới 15-16 triệu đồng mỗi tháng. Con số này lớn hơn rất nhiều so với đãi ngộ cho tuyển thủ quốc gia, vốn chỉ ở mức 7-7,5 triệu đồng/tháng tiền tập, không được giữ tiền ăn.

Sự đối nghịch trong câu chuyện "lương địa phương cao hơn lương đội tuyển" đã khiến một số đơn vị phải nghĩ đến phương án mới nhằm giữ chân VĐV, đồng thời tạo động lực để VĐV cống hiến nhiều hơn. Bởi, thành tích của một VĐV phải được hướng đến các giải đấu quốc tế như Olympic, ASIAD và SEA Games, chứ không thể ở mãi các giải trong nước.

Vì lý do đó, thay vì trả lương ăn tập hằng tháng cho VĐV thể thao thành tích cao, nhiều địa phương đã nghĩ ra một thuật ngữ mới. Ở mỗi nơi, khoản chi này lại mang tên gọi khác nhau. Đó là phần "hỗ trợ VĐV thể thao thành tích cao có đóng góp đặc biệt", hoặc "trợ cấp VĐV địa phương tập trung tại đội tuyển quốc gia".

Lương VĐV giờ không thấp

Những khoản hỗ trợ, trợ cấp VĐV kể trên, thực chất là tiền lương. Hằng tháng, đơn vị chủ quản sẽ chuyển tiền đúng hạn vào tài khoản của vận động viên. Nhưng không phải VĐV nào cũng được nhận khoản đãi ngộ này. Họ thường là những người có thành tích tốt, nổi trội tại các giải quốc gia và quốc tế, thậm chí từng giành suất tham dự Olympic.

"Trong quá khứ, VĐV có thành tích nổi bật của một số địa phương còn được cấp đất xây nhà, hoặc nhận một căn chung cư. So với những trường hợp đó, việc nâng cao chế độ đãi ngộ cho VĐV ngày nay vẫn chưa thể sánh bằng. Như trong trường hợp của chúng tôi, VĐV hưởng đãi ngộ đặc biệt được hỗ trợ khoảng 20 triệu đồng mỗi tháng, tách biệt với lương đội tuyển", HLV một khu vực phía Bắc cho biết.

Một số địa phương, như Hà Nội, đã thông qua những khoản hỗ trợ kể trên bằng quy định cụ thể. Trong trường hợp của VĐV Hà Thị Linh và Đỗ Thị Ánh Nguyệt, những người vừa có suất tham dự Olympic, họ được trợ cấp 18,5 triệu đồng mỗi tháng trong 4 năm tới. Đây là khoản thu nhập rất lớn, giúp VĐV có thể an tâm tiếp tục sống với nghề.

Những khoản đãi ngộ như trên cũng giúp nhiều đơn vị như Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng nổi lên như "điểm sáng" thu hút VĐV thể thao thành tích cao. Nhiều gương mặt nổi bật ở một số địa phương khác đã quyết định dứt áo ra đi, tìm cơ hội mới. Điều đó khiến không ít địa phương phải tìm cách giữ chân VĐV còn lại, và thu nhập từ đó lại được đẩy lên.

Tại Nghệ An, VĐV thể thao thành tích cao thường hướng đến mục tiêu giành HCV Đại hội Thể thao Toàn quốc. Việc vô địch Đại hội có thể giúp họ nhận mức hỗ trợ 5 triệu đồng/tháng trong 4 năm liền, tương đương 240 triệu đồng. Số tiền này không hề nhỏ, nếu VĐV vẫn duy trì tập luyện hàng tháng và nhận lương vào khoảng 8-10 triệu đồng.

Với Thái Bình, VĐV tập luyện ở địa phương được nhận đãi ngộ theo thâm niên. Mỗi tháng tập luyện trên hợp đồng, VĐV được tích lũy 1 tháng lương cơ bản. Đến ngày giải nghệ, tùy vào thành tích thi đấu, VĐV được nhân hệ số tiền hỗ trợ. Một VĐV giải nghệ sau 10 năm ăn tập có thể nhận số tiền lên tới 200 triệu đồng.

"Mỗi nhà mỗi cảnh, từng địa phương đều có chế độ đãi ngộ khác nhau để giữ chân tài năng thể thao. Nhưng VĐV ở lại cống hiến hay đi nơi khác, hoặc nghỉ tập sớm, hoàn toàn phụ thuộc vào chính các em. Thật khó để yêu cầu VĐV bây giờ chịu khổ luyện thành tài, khi điều kiện các gia đình khá lên, nhiều em quen được chiều chuộng", một HLV nói.

An Khánh
.
.
.