Rowing Việt Nam, những người hùng từ con số 0
Bên cạnh bóng đá, Rowing là một trong những môn thể thao hiếm hoi được tổ chức thi đấu trước lễ khai mạc ASIAD 19. Đó cũng là thời điểm giúp người hâm mộ tiếp nhận thêm thông tin về Rowing. Đây là môn thể thao khá mới mẻ với khán giả Việt Nam, nhưng VĐV của chúng ta đã tiến rất xa trên tầm quốc tế.
Tiến bộ giữa những siêu cường
Tại Á vận hội Jakarta 2018, nhóm VĐV Lường Thị Thảo, Hồ Thị Lý, Tạ Thanh Huyền, Phạm Thị Thảo giành HCV môn Rowing nội dung thuyền nữ 4 người. Đây là một trong những bất ngờ lớn nhất của Rowing, cũng như đoàn thể thao Việt Nam tại kỳ ASIAD 5 năm trước. Nhưng nếu nhìn vào những gì Rowing thể hiện, các VĐV, HLV không hề gặp may mắn.
Năm 2002, đoàn thể thao Việt Nam đến Busan (Hàn Quốc) dự ASIAD 14 mà không có VĐV nào thi đấu ở môn Rowing. Phải mất thêm 1 năm, lứa tay chèo đầu tiên của Rowing Việt Nam mới xuất hiện ở một giải đấu cấp độ quốc tế. Đó là SEA Games 22, nơi Việt Nam đăng cai tổ chức. Kể từ đó, Rowing Việt Nam liên tiếp chứng kiến những bước phát triển.
ASIAD 15 tại Doha là lần đầu tiên Rowing Việt Nam có điều kiện tranh tài ở một kỳ Á vận hội. 10 VĐV đại diện cho Rowing Việt Nam đến Qatar năm 2006 chưa thể giành huy chương, nhưng kinh nghiệm họ có được đã truyền đến lớp đàn em trong tương lai. Thành tích của Rowing Việt Nam trên đấu trường châu lục, vì thế, ngày một tốt hơn.
Từ một quốc gia có "vùng trắng" về Rowing, các VĐV Rowing dần cho thấy họ sẵn sàng mang chỉ tiêu huy chương đến ASIAD. Năm 2010 tại Quảng Châu, Việt Nam bất ngờ giành không chỉ 1, mà 2 HCB. Bốn năm tiếp theo tại Incheon, Hàn Quốc, các tay chèo Rowing Việt Nam cho thấy thành tích họ đạt được không hề may mắn. Đội tuyển có 1 HCB và 2 HCĐ.
Tại 3 kỳ ASIAD gần nhất, Rowing đã mang về 7 huy chương các loại (1 HCV, 4 HCB, 2 HCĐ) cho thể thao Việt Nam. Thành tích này nhiều khả năng sẽ tiếp tục được duy trì tại Á vận hội Hàng Châu. Ngay trong ngày thi đấu vòng loại đầu tiên của môn Rowing, Việt Nam đã có 4 đại diện giành vé vào vòng chung kết với thành tích đủ để cạnh tranh huy chương.
Thành tích của Rowing Việt Nam tại đấu trường ASIAD càng đáng quý hơn khi đây là môn thể thao rất khó phát triển. Mỗi kỳ ASIAD thường có 45-50 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc châu Á tham dự, nhưng chưa đầy một nửa trong số đó mang theo đội tuyển Rowing. Tại ASIAD 18, chỉ có 12/23 đội tuyển giành được huy chương, đồng nghĩa 11 nước trắng tay ra về.
Giành huy chương Rowing tại ASIAD là điều rất khó, và vươn đến tấm HCV lại càng khó hơn. Trong nhiều thập niên qua, Trung Quốc luôn cho thấy sức mạnh thống trị ở môn thể thao này. Họ thường giành 60-70% số bộ huy chương Rowing của ASIAD. Tại ASIAD 18, ngoài Trung Quốc, không có đội tuyển Rowing nào giành nhiều hơn 1 HCV.
Vượt sóng tại thành phố Cảng
Nhiều năm qua, đội tuyển Rowing Việt Nam thường tập huấn dài ngày ở Hải Phòng. Địa hình sông nước cùng điều kiện tập luyện, lưu trú tốt quanh sông Giá giúp Việt Nam dần xây dựng cơ sở vật chất tốt, biến nơi đây trở thành "thủ phủ" của Rowing. Theo thời gian, môn thể thao mới lạ này cũng được các địa phương quan tâm nhiều hơn.
Tại kỳ Đại hội thể thao toàn quốc 2018, môn Rowing chỉ có 14 đoàn đăng ký tham dự. Nhưng đến năm ngoái, Ban tổ chức ghi nhận có 18 đoàn. Bên cạnh đó, một số địa phương đã dần bắt tay vào phát triển Rowing như Sóc Trăng, Bắc Ninh, Kiên Giang. Cùng du nhập vào Việt Nam đầu thế kỷ 21, nhưng Rowing lại phát triển tốt hơn Canoeing nhờ một điểm cơ bản.
Theo chia sẻ của những HLV gắn bó cùng Rowing Việt Nam từ ngày đầu tiên, môn thể thao này và Canoeing nhìn bề ngoài có vẻ là "đua thuyền" giống nhau, nhưng bộ kỹ năng yêu cầu lại khác hẳn. Canoeing yêu cầu VĐV phải có kỹ thuật tốt, phối hợp chuẩn để lướt trên mặt nước thật nhanh. Ngược lại, Rowing đòi hỏi thể lực bền bỉ nơi VĐV.
Vì lý do đó, theo thời gian, Việt Nam dần dần hình thành hướng phát triển các môn Đua thuyền với Rowing làm mũi nhọn. Điều đó phần nào được thể hiện qua các kỳ đại hội thể thao quốc tế. Rowing thường xuyên giành vé tham dự Olympic, đồng thời các tay chèo Việt Nam luôn có thành tích cao khi tham dự đấu trường SEA Games, ASIAD, đặc biệt là VĐV Rowing nữ.
Hình ảnh nhóm VĐV Rowing Việt Nam bước lên bờ sau khi giành HCV ASIAD 18, đến giờ vẫn khiến nhiều người cảm thấy xót xa. Bốn cô gái Việt Nam bước đi với bộ trang phục thi đấu ướt toàn bộ nửa dưới thân người. Nhưng đó là điều VĐV Rowing nào cũng phải trải qua, khi họ luôn tập luyện trong tình trạng ngâm nước cả ngày cùng thuyền.
Thật khó để yêu cầu Rowing Việt Nam lập lại kỳ tích giành HCV ASIAD, bởi nhiều nội dung thi đấu 5 năm trước không được đưa vào chương trình thi đấu của Á vận hội Hàng Châu. Nhưng với nền tảng sẵn có cùng một dàn VĐV đồng đều, trải dài qua nhiều thế hệ, Rowing Việt Nam đủ sức tiếp tục làm nên thành công trên đấu trường quốc tế.
Thất thường tại "ao làng"
Rowing nằm trong chương trình thi đấu Olympic, nhưng điều đó không đảm bảo cho môn thể thao này xuất hiện thường xuyên ở đấu trường SEA Games. Năm 2017, Rowing bị chủ nhà Malaysia loại khỏi chương trình thi đấu. Một trong những lý do khiến Malaysia quyết định bỏ Rowing khỏi SEA Games, bất chấp chỉ trích, là bởi họ không có khả năng cạnh tranh HCV.
Năm 2015, các tay chèo của Malaysia chỉ giành vỏn vẹn 1 HCĐ trong 18 nội dung thi đấu của môn Rowing. Đến năm 2023 vừa qua, Campuchia cũng loại bỏ Rowing khỏi chương trình thi đấu SEA Games 32. Một năm trước đó, Rowing Campuchia chỉ giành 1 HCĐ. Cuộc so kè vị trí nhất toàn đoàn trong môn Rowing thường chỉ diễn ra giữa Việt Nam và Indonesia.
Việc các quốc gia thường loại bỏ những môn Olympic như Rowing khỏi chương trình thi đấu SEA Games đã khiến Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á ra một quyết định quan trọng. Kể từ SEA Games 33 tổ chức vào năm 2025 tại Thái Lan, quốc gia đăng cai phải đảm bảo những môn thể thao Olympic có trong chương trình thi đấu.