Rõ thêm trọng điểm đầu tư Olympic của thể thao Việt Nam
Khi các cuộc đấu của xạ thủ Việt Nam tại Olympic Paris 2024 (Olympic 2024) khép lại cũng là lúc thể thao Việt Nam nhìn nhận rõ hơn về hướng đầu tư trọng điểm cho đấu trường Olympic trong tương lai của mình.
Từ hành trình đáng nhớ của Trịnh Thu Vinh
Không giành huy chương nhưng hành trình của xạ thủ CAND Trịnh Thu Vinh ở Olympic 2024 đã thực sự truyền cảm hứng cho nhiều người.
Cũng phải kể thêm rằng, sau quá trình chuẩn bị đầu tư tối đa cho xạ thủ này trong suốt hơn 1 năm, những chuyên gia trong làng bắn súng Việt Nam đều tin rằng xạ thủ này đã có bước tiến dài về chuyên môn, đặc biệt từng vào chung kết nội dung 10m súng ngắn hơi tại cả Giải vô địch thế giới năm 2023 (hạng 5), ASIAD 19 (hạng 7). Đó không chỉ là bước tiến thuần túy về kỹ thuật mà còn cả về cảm giác, trạng thái, bản lĩnh thi đấu. Đấy là những sở cứ để tin rằng xạ thủ này có thể vào chung kết ít nhất 1 trong 2 nội dung thi đấu của mình tại Olympic 2024 là 10m súng ngắn hơi và 25m súng ngắn thể thao.
Cho nên, trước Olympic 2024 mới có cả mức treo thưởng cho thành tích vào chung kết từng nội dung thi đấu của cả xạ thủ Trịnh Thu Vinh cũng như Lê Thị Mộng Tuyền. Để rồi cuối cùng, chính Trịnh Thu Vinh đã đáp ứng mong đợi bằng việc vào chung kết cả 2 nội dung thi đấu của mình. Đến lúc đó, tất cả đều hiểu rằng, không có chuyện ăn may hay xuất thần của cô trong những bài bắn của mình. Cũng nhờ vậy, người hâm mộ mới có cơ hội trong cảnh hồi hộp, chờ đợi, hy vọng khi Trịnh Thu Vinh bước vào loạt chung kết của mình. Bởi chắc chắn đó là cảm giác hiếm hoi mà người hâm mộ Việt Nam trải qua khi tại Olympic 2024, nhiều cuộc đấu có VĐV Việt Nam tham dự đều được dự báo là phần thua nhiều hơn dành cho VĐV Việt Nam. Đó cũng là điều bình thường khi ở nhiều môn, chỉ riêng việc giành vé trực tiếp tham dự Olympic đã được xem là kỳ công.
Còn khi Trịnh Thu Vinh tạo ra những cảm giác đặc biệt của việc đang gần tấm huy chương Olympic thì điều đó có một giá trị khác, thực sự đặc biệt cho cả người hâm mộ cũng như thể thao Việt Nam. Tất nhiên có tiếc nuối. Và cũng có sự nhìn nhận khách quan rằng “không giành huy chương cũng là bình thường” khi các xạ thủ khác thi đấu tại bài bắn chung kết quá ổn định, thực sự để nữ xạ thủ Việt Nam học hỏi.
Nữ xạ thủ này xứng đáng được nhận lời cảm ơn từ những cảm xúc mà cô tạo ra cho những người theo dõi bài bắn của cô. Và đương nhiên với cả những người ngóng đợi kết quả trong mỗi bài bắn chung kết của cô khi họ không thể theo dõi qua truyền hình do các nhà đài Việt Nam không thể sở hữu bản quyền Olympic 2024 bởi giá bản quyền quá cao so với tiềm lực của các nhà đài.
Ở khía cạnh nào đó, Trịnh Thu Vinh cũng không cần phải nói lời xin lỗi sau khi cô đã nỗ lực hết mình ở từng bài bắn vòng loại đến vòng chung kết ngay trong lần đầu tham dự một kỳ Olympic. Việc cô trở thành nữ xạ thủ Việt Nam đầu tiên có tới 2 lần vào đến bài bắn chung kết, cũng là xạ thủ Việt Nam thứ hai giành quyền vào bài bắn chung kết tại một kỳ Olympic cũng thực sự đáng khâm phục. Với riêng nữ xạ thủ 24 tuổi trưởng thành từ hệ thống đào tạo của thể thao CAND này, Olympic 2024 chắc chắn là kỳ Olympic đáng nhớ, tạo điểm tựa, động lực để cô có thể giành vé dự các kỳ Olympic tiếp theo và tự tin sắm vai trò đầu tàu trong việc giành huy chương. Có lẽ, đánh giá của chuyên gia Park Chung-gun về việc đã có hy vọng ở đấu trường Olympic tới cho bắn súng Việt Nam khi đề cập đến màn trình diễn của Trịnh Thu Vinh cũng sẽ là động lực khác cho nữ xạ thủ này.
Đến yêu cầu đầu tư trọng điểm, có hiệu quả
Cùng với cử tạ, phần nào là bắn cung, từ lâu nay bắn súng đã được xem là trọng điểm đầu tư cho các Olympic của thể thao Việt Nam. Không cần phải kể nhiều, chỉ riêng việc Hoàng Xuân Vinh giành 1 HCV, 1 HCB tại Olympic 2016 (thành tích tốt nhất từ trước đến nay của thể thao Việt Nam tại một kỳ Olympic) đã cho thấy vị trí quan trọng của môn bắn súng trong làng thể thao thành tích cao Việt Nam. Và đến gần đây nhất là thành tích đáng ghi nhận của Trịnh Thu Vinh tại Olympic 2024.
Dự thảo Chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do ngành Thể thao xây dựng có đề cập đến mục tiêu ít nhất từ 25 đến 30 VĐV vượt qua vòng loại Olympic năm 2028; rồi trong giai đoạn từ năm 2031 đến năm 2045, có VĐV giành được huy chương Olympic… Đương nhiên, các VĐV bắn súng vẫn được xem là chủ lực trong việc thực hiện mục tiêu của thể thao Việt Nam.
Và khi đã khẳng định rõ được trọng điểm đầu tư cho đấu trường Olympic (được đánh giá là danh giá nhất và khốc liệt nhất trong làng thể thao thế giới) thì vấn đề còn lại là sự đầu tư, định hướng. Đó là sự định hướng để làm sao có nhiều địa phương phát triển môn bắn súng so với con số trên chục đơn vị hiện nay. Đó còn là sự bảo đảm VĐV luôn có đạn tập, nếu không lại có cảnh VĐV chán nản chia tay môn bắn súng chỉ vì thiếu đạn tập.
Còn sự đầu tư đương nhiên phải bảo đảm có hàng chục VĐV đạt đẳng cấp châu Á, thế giới thay vì 1-2 VĐV như hiện nay. Để làm được chỉ có cách tìm đủ nguồn kinh phí từ nhà nước, Liên đoàn Bắn súng Việt Nam cũng như các nhà tài trợ khác để các xạ thủ trọng điểm luôn được rèn luyện trong môi trường đỉnh cao.
Hiểu đơn giản, đó phải là sự đầu tư đến nơi, đến chốn thay vì kêu khó, kêu khổ.
Chuẩn bị ngay cho AIMAG 6
Ngay sau khi về nước vào ngày 6-8, xạ thủ Trịnh Thu Vinh sẽ nghỉ ngơi ít ngày trước khi bước vào quá trình chuẩn bị cho Đại hội Thể thao trong nhà và võ thuật châu Á 6 (AIMAG 6) diễn ra tại Thái Lan vào tháng 11 tới. Đây cũng là lần đầu tiên, môn bắn súng xuất hiện trong chương trình thi đấu của AIMAG. Dự kiến, nhiều xạ thủ hàng đầu châu Á sẽ góp mặt và có thể, Trịnh Thu Vinh sẽ lại so kè với các xạ thủ Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc… từng thi đấu với cô tại Olympic 2024. (Minh Khuê)