Quảng Ninh FC bị cấm dự V.League Lời cảnh tỉnh với Hà Nội FC, HAGL

Thứ Hai, 01/11/2021, 08:33

Lần đầu tiên trong lịch sử, VFF và VPF quyết định cấm một đội bóng không tham dự V.League nói riêng và các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam nói chung. Đó cũng là lời cảnh tỉnh cho nhiều đội bóng, thậm chí là cả những trường hợp tưởng chừng như bền vững trước tâm huyết từ các ông bầu.

VFF, VPF không còn nhân nhượng

Thuật ngữ “cấp phép ngoại lệ” xuất hiện nhiều lần trong 2 năm trở lại đây. Chính xác là tại V.League 2020 và 2021. Khi đó, trong các cuộc họp thường niên của BCH VFF, một trong những nội dung thường xuất hiện ở cuối thời lượng là thông qua ý kiến của các uỷ viên về việc có chấp nhận cấp phép ngoại lệ với một số đội bóng không đạt được tiêu chí bóng đá chuyên nghiệp theo yêu cầu của AFC (Cơ sở vật chất, Năng lực tài chính, Phát triển bóng đá trẻ; Nhân lực pháp lý…) hay không.

Những cánh tay khi đó, dù là thuận tình hay miễn cưỡng, đều giơ lên, như một sự đồng thuận trong việc dang tay cứu các trường hợp gồm Sông Lam Nghệ An, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hoá, Hà Tĩnh… không rơi vào tình cảnh bị đánh văng khỏi sân chơi bóng đá chuyên nghiệp. Nhưng cũng chính bởi sự nhân nhượng đó, chính VFF và VPF đã có những lúc phải hứng chịu tác dụng phụ. Bởi trong 2 năm qua, ảnh hưởng thấy rõ của dịch COVID-19 đã khiến nhiều CLB lao đao. Và trong đó, Nam Định, Thanh Hoá, SLNA đặc biệt là Hải Phòng là những CLB than vãn nhiều về câu chuyện tài chính, lương, thưởng, chế độ cho các cầu thủ sau một giai đoạn dài V.League không thể vận hành vì dịch bệnh trên khắp cả nước.

Chính điều đó khiến VFF và VPF quyết định mạnh tay. Than Quảng Ninh trở thành CLB đầu tiên trong lịch sử bị loại khỏi hệ thống giải chuyên nghiệp quốc gia bao gồm V.League, Cúp Quốc gia và hạng Nhất Quốc gia. Một văn bản được VFF gửi đến Than Quảng Ninh, với hàng loạt những tiêu chí không được CLB này đảm bảo để tham dự giải chuyên nghiệp. Tất nhiên, một trong số đó chính là việc Than Quảng Ninh đã nợ lương, thưởng, lót tay quá nhiều đối với cầu thủ. Công ty TNHH MTV bóng đá Quảng Ninh cũng thông báo tạm dừng hoạt động 1 năm và tiến hành thanh lý đồng loạt với các cầu thủ đội hình chính.

Rõ ràng với năng lực vận hành bằng con số 0 như vậy, việc để Than Quảng Ninh thi đấu mùa tới là điều bất khả thi.

Quảng Ninh FC bị cấm dự V.League Lời cảnh tỉnh với Hà Nội FC, HAGL -0
Than Quảng Ninh bị loại khỏi hệ thống giải chuyên nghiệp quốc gia.

Nỗi lo "bong bóng" ở V.League

Khác với Sài Gòn Xuân Thành, Xi măng The Vissai Ninh Bình, Thể Công hay Đồng Nai, Than Quảng Ninh không chủ động giải thể và xin rời khỏi cuộc chơi V.League. Họ bị VFF và VPF dựa trên tiêu chí bóng đá chuyên nghiệp cấm tham dự giải. Đó có thể là một lời khen cho VFF và VPF, khi ít nhất họ cũng không thể cứ mãi nhắm mắt làm ngơ cho sự yếu kém của một CLB. Nhất là khi trường hợp của Than Quảng Ninh thì ai cũng biết rằng không thể cứu vãn.

Nhưng cũng có một điểm đặc biệt khác ở trường hợp Than Quảng Ninh mà những Hùng Vương An Giang, Đồng Tháp, Huế, Ninh Bình,… không xảy ra. Đó là đội bóng đất Mỏ tan rã khi họ đang là thế lực nhiều năm ở V.League. Kể từ khi thăng hạng năm 2014 cho đến nay, Quảng Ninh luôn nằm trong diện top 4 đội mạnh nhất Việt Nam. Ở V.League 2021 vừa rồi, Than Quảng Ninh thậm chí còn kết thúc trong top 3 đội dẫn đầu, sau khi giải khép lại dang dở tại vòng đấu thứ 12. Nghịch lý còn được thấy rõ hơn. Bởi tại V.League 2021, các cầu thủ liên tục đình công, kêu gào thảm thiết trên mạng xã hội vì bị CLB nợ lương, thưởng. Nhưng khi ra sân, họ vẫn có được kết quả rất tốt. Thành quả ấy, như tiền vệ Nghiêm Xuân Tú hay Mạc Hồng Quân chia sẻ đến từ hai lý do. Một, họ đá vì chính sự chuyên nghiệp của bản thân. Và hai, họ đá vì ông bầu Phạm Thanh Hùng, người đã cho họ một cuộc sống khác ở Than Quảng Ninh sau những năm gian truân trong sự nghiệp quần đùi áo số.

Đó chính là vấn đề. Các cầu thủ Việt Nam đa phần không chơi vì tiền, vì sự chuyên nghiệp thì cũng vì các ông bầu sẵn sàng chi đậm để nuôi cuộc sống của họ. Bóng đá Việt Nam hiện tại dù không còn nhiều những ông bầu chịu chơi song vẫn còn đó sự hiện diện của hai cái tên lừng lẫy. Đấy là bầu Đức của HAGL và bầu Hiển bên phía Hà Nội FC. Sợi dây liên kết bền vững giữa họ với đội bóng chủ quản đã kéo dài hơn 1 thập kỷ. Điều đó đủ giúp cho Hà Nội FC hay HAGL vững vàng trước những biến động lớn của V.League trong lịch sử. Thay vì những rối ren kiểu Xi Măng The Vissai Ninh Bình, Sài Gòn Xuân Thành bởi bầu Thuỵ, bầu Trường hết vui là rút; hoặc không đủ sức đi đường dài như Thanh Hoá (với FLC) hay Than Quảng Ninh, Hà Nội FC và HAGL hưởng lợi bởi sự bền vững và có tâm đến từ bầu Đức và bầu Hiển.

Nhưng câu hỏi ngược lại được đặt ra rằng, nếu bầu Đức và bầu Hiển vào một ngày nào đó cũng không còn thiết tha với bóng đá, như cách mà bầu Phạm Thanh Hùng chấm dứt lương duyên với Than Quảng Ninh thì HAGL và Hà Nội FC sẽ đi đến đâu? Than Quảng Ninh thực tế có những tiêu chuẩn để phát triển bóng đá một cách căn cơ. Họ có sân vận động tốt, một hệ thống đào tạo trẻ đã phát triển trong 5-6 năm cùng cơ chế, nhà tài trợ từng có lúc rất béo bở. Nhưng chỉ cần ông bầu Phạm Thanh Hùng lao đao và “rút ống thở”, Than Quảng Ninh cũng rơi vào cảnh chết dần, chết mòn để rồi chung cuộc, VFF và VPF quyết định đưa ra một án “tử” cho đội bóng vùng Đông Bắc.

Đó có thể là một lời cảnh báo, cho cách làm bóng đá chuyên nghiệp của Việt Nam. Bởi chỉ cần gặp những biến cố về kinh tế, bất cứ CLB nào có truyền thống của Việt Nam cũng hoàn toàn đứng trước nguy cơ rơi xuống vực thẳm. Bài học đến từ Thể Công trong quá khứ là điển hình như thế…

Một doanh nghiệp muốn tái khởi động với bóng đá Quảng Ninh

Theo thông tin có được, một doanh nghiệp bày tỏ nguyện vọng được “ôm” CLB Than Quảng Ninh nhưng với điều kiện không phải gánh món nợ cũ mà muốn làm lại từ đầu khi cho đội bóng “khởi nghiệp” từ giải hạng ba. Dĩ nhiên tỉnh không đồng ý. Và giải đấu cao nhất của Việt Nam mùa 2022 sẽ chỉ còn 13 thay vì 14 đội như trước. Việc CLB Than Quảng Ninh bị cấm thi đấu đặt ra những thách thức không nhỏ cho những nhà tổ chức, đồng thời có thể mở ra những điều chỉnh quan trọng trong quá trình chuẩn bị của 13 CLB chuyên nghiệp còn lại.

Với việc V.League 2022 nhiều khả năng chỉ còn 13 đội, thì nếu giải vận dụng thể thức thi đấu vòng tròn hai lượt (26 vòng) với 13 đội thì số vòng mặc dù không thay đổi nhưng số lượng trận giảm đi 26 trận - từ 182 trận xuống còn 156 trận. Mỗi vòng đấu có 1 đội nghỉ. Còn nếu V-League 2022 thi đấu 20 vòng thì dự kiến sẽ chia thành 2 giai đoạn như mùa 2020. Giai đoạn 1 gồm 13 vòng với 78 trận, giai đoạn 2 dự kiến tách nhóm, gồm nhóm đua trụ hạng có 7 vòng với 21 trận, nhóm đua vô địch có 5 vòng với 15 trận.

Thuỷ Tiên
.
.
.