Nỗi khổ của cơn sốt bóng đá nữ
Không phải đến lúc đội tuyển nữ Việt Nam ghi 16 bàn thắng vào lưới Maldives, người hâm mộ mới hân hoan quan tâm đến màn thể hiện của những cô gái đá bóng. Sức hút của bóng đá nữ hóa ra không hề thấp, nhưng con đường để truyền tải hình ảnh của Huỳnh Như, Hải Yến, Tuyết Dung... đến khán giả hóa ra lại gian nan hơn chúng ta nghĩ.
Cơn sốt tìm kiếm
Đội tuyển nữ Việt Nam bắt đầu hành trình chinh phục vòng loại Asian Cup 2022 bằng trận đấu gặp Maldives vào ngày 23/9 trên đất khách. Đó cũng là thời điểm chứng kiến "Bóng đá nữ Việt Nam" trở thành một trong những từ khóa thịnh hành nhất trên trang tìm kiếm Google, với hàng trăm nghìn lượt tra cứu thông tin. Mối quan tâm dành cho đội tuyển nữ hôm ấy vượt xa cả những chương trình truyền hình, những bộ phim ăn khách đang công chiếu.
Ở một góc độ nào đó, cơn sốt quan tâm, theo dõi hành trình của đội tuyển nữ Việt Nam tại vòng loại Asian Cup 2022 có phần không hề thua kém đội tuyển nam ở vòng loại World Cup những ngày qua. Khả năng chuyên môn không hẳn là thứ người hâm mộ tìm kiếm khi xem một trận bóng đá nữ. Điều quan trọng hơn cả là họ muốn cùng đồng hành, cổ vũ cho đội tuyển nữ Việt Nam trên hành trình chinh phục tấm vé dự World Cup như HLV Mai Đức Chung từng chia sẻ.
Làm thế nào để xem trực tiếp? Diễn biến trận đấu thế nào, kết quả ra sao? Người hâm mộ lục tung các trang mạng để cùng dõi theo đội tuyển nữ Việt Nam, nhưng gần như không tìm được gì cả. Trận đấu giữa đội tuyển nữ Việt Nam và Maldives không được truyền hình trực tiếp. Diễn biến trận đấu chỉ được tóm tắt qua trang chủ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam khi 90 phút bóng lăn kết thúc, cùng vài tấm ảnh hiếm hoi được gửi về từ Tajikistan.
Thời khắc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam thông báo kết quả trận đấu giữa đội tuyển nữ Việt Nam và Maldives cũng là lúc người hâm mộ vỡ òa trong niềm vui chiến thắng. Các học trò của HLV Mai Đức Chung không chỉ giành trọn 3 điểm, mà còn lập kỷ lục chiến thắng ở một trận đấu chính thức khi ghi đến 16 bàn vào lưới đối thủ. Cá nhân tiền đạo Hải Yến đóng góp 6 bàn trong số đó, thể hiện sức mạnh vượt trội của bóng đá nữ Việt Nam trên bình diện châu Á.
Một vài người hâm mộ có thể giật mình khi biết tin tuyển nữ Việt Nam thắng Maldives 16-0, nhưng hẳn họ sẽ còn bất ngờ hơn khi thấy HLV Mai Đức Chung bức xúc trong phòng họp báo. Thầy Chung "gái" nói ông không hài lòng với màn trình diễn của các cầu thủ, bởi chúng ta đã bỏ lỡ quá nhiều cơ hội ghi bàn trong hiệp 1. Nếu thi đấu đúng phong độ, đội tuyển nữ Việt Nam có thể ghi đến hơn 20 bàn vào lưới Maldives.
Trong quá khứ, không ít lần đội tuyển nữ Việt Nam từng gây hiệu ứng với người hâm mộ như trận thắng Maldives. Tại SEA Games 22, sân Lạch Tray từng chứng kiến hiện tượng có một không hai ở một giải đấu bóng đá nữ: Phe vé. Từ chỗ miễn phí vé vào cửa trận đầu tiên, Ban tổ chức sân Lạch Tray phải giới hạn khán giả đến sân bằng việc bán vé, nhưng 3 vạn chỗ ngồi không thỏa mãn nổi nhu cầu của người hâm mộ. Đến trận chung kết có ĐT nữ Việt Nam, nhiều người sẵn sàng bỏ ra hàng trăm ngàn đồng để vào sân chung vui.
Xem như thế nào?
Ai có thể không yêu một đội bóng luôn hướng đến chiến thắng với nhiều pha lập công như vậy? Rõ ràng, sự quan tâm của người hâm mộ dành cho đội tuyển nữ hoàn toàn có thật, từ số lượng tìm kiếm ghi nhận trên Google Trend cho đến hàng vạn lượt chia sẻ kết quả trận đấu qua mạng xã hội. Bóng đá nữ hóa ra không hề kén chọn, xa lạ với người hâm mộ như chúng ta vẫn nghĩ. Nhưng CĐV làm thế nào để thể hiện tình yêu từ màn ảnh nhỏ, khi ĐT nữ không đá trên sân nhà?
Không có kênh truyền hình nào chiếu trực tiếp trận Việt Nam - Maldives, cũng như những trận đấu khác trong khuôn khổ vòng loại giải bóng đá nữ Asian Cup 2022. Sự thờ ơ hóa ra không phải xuất phát từ người hâm mộ, mà xuất phát chính nơi những người tổ chức sự kiện. Họ khiến cho hàng chục ngàn người nóng lòng theo dõi một trận đấu phải nín thở chờ đợi suốt 2 giờ đồng hồ mới biết được kết quả. Nóng lòng vì không biết ĐT nữ thắng thua ra sao, nhiều người còn tìm đến các trang cá độ chỉ để biết tỷ số.
Với những trận đấu không được truyền hình trực tiếp như trận giữa ĐT nữ Việt Nam và Maldives, các đội tuyển quốc gia nước ngoài sẽ chọn phương án đáp lại nhu cầu người hâm mộ bằng việc tường thuật trực tiếp trên các kênh mạng xã hội. Những dòng trạng thái liên tiếp được đăng lên trên Facebook, Twitter... từ VFF là cách tốt nhất để họ thông báo đến người hâm mộ, nhưng không ai nghĩ đến chuyện làm một việc như thế. Trận đấu giữa đội tuyển nữ Việt Nam và Maldives, suy cho cùng, chỉ là giọt nước tràn ly giúp chúng ta thấy được sự mâu thuẫn giữa tình yêu với bóng đá nữ của người hâm mộ và sự khó khăn khi thể hiện tình yêu đó. Mọi người đều muốn xem, muốn theo dõi, nhưng không biết tìm đến đâu để xem cả. Những người có trách nhiệm làm điều đó cũng không nghĩ ra phương án truyền tải hình ảnh những cô gái đá bóng đến người hâm mộ.
Sẽ không lạ nếu như ở kỳ SEA Games tới, những trận đấu bóng đá nữ có đội tuyển Việt Nam góp mặt lại rực sắc đỏ. Người hâm mộ không ngại ngần đến phủ kín sân vận động để cổ vũ ĐT nữ như cách họ đã làm với ĐT nam. Nhưng họ sẽ thể hiện tình yêu như thế nào khi đội tuyển nữ thi đấu ở nước ngoài? Đó sẽ là điều cần phải giải quyết trong tương lai.
Cầu thủ nữ đã bớt khó khăn
Kết thúc chiến dịch SEA Games 2019, các cầu thủ nữ Việt Nam trở về với tấm Huy chương vàng. Họ chia sẻ thành công của bóng đá nữ thời gian gần đây một phần xuất phát từ việc cầu thủ dần có thu nhập tốt hơn trước nhờ sự xuất hiện của các nhà tài trợ. Hiện tại, nhưng cầu thủ nữ thuộc đội 1 CLB Hà Nội nhận lương khoảng 10-12 triệu đồng mỗi tháng. Mức thu nhập này giúp họ tích lũy được ít nhiều cho tương lai. CLB Thái Nguyên sau thời kỳ khó khăn về tài chính cũng được Tập đoàn T&T hỗ trợ, cải thiện tình hình.
Bên cạnh việc thu nhập được nâng cao, cầu thủ nữ Việt Nam giờ đây còn có cơ hội được xuất ngoại. Nếu không vướng dịch bệnh, những tuyển thủ như Tuyết Dung, Hải Yến đã được sang châu Âu thử sức mình. COVID-19 khiến kế hoạch đem chuông đi đánh xứ người của một vài cầu thủ phải gác lại, nhưng nó sẽ tiếp tục đến trong tương lai. Ngoài ra, các cầu thủ nữ hiện tại còn được hỗ trợ học văn hóa song song với quãng thời gian đá bóng. Nhiều người đã tốt nghiệp đại học và sẵn sàng chuyển sang công tác huấn luyện khi giải nghệ.