Những chuyện được ghi tại một giải cầu lông quốc gia

Chủ Nhật, 03/09/2023, 07:00

Diễn ra bên cạnh dịp nghỉ lễ 2/9, Giải Vô địch Cầu lông cá nhân Quốc gia 2023 là một trong những sân chơi lớn của cầu lông thành tích cao Việt Nam. Đằng sau nhiều trận đấu hấp dẫn là không ít câu chuyện vui buồn của những VĐV dành cả thanh xuân cùng môn thể thao này.

Tiến Minh, cánh chim không mỏi

Ở tuổi 40, Nguyễn Tiến Minh chính là tay vợt nhiều tuổi nhất tham dự Giải Vô địch cầu lông cá nhân Quốc gia 2023. Có thể ví Tiến Minh như "cây trường sinh" của cầu lông Việt Nam, khi anh có hơn 2 thập niên thi đấu các giải trong nước và quốc tế. Tại các giải vô địch quốc gia, phần lớn VĐV đều kém Tiến Minh trên dưới 20 tuổi.

Không ai có thể chống lại dòng chảy thời gian, và Tiến Minh cũng không phải ngoại lệ. Tay vợt sinh năm 1983 đã bước qua thời kỳ đỉnh cao từ lâu. Nhưng ngay cả khi vượt quá độ tuổi U40, Tiến Minh cho thấy anh vẫn đủ khả năng duy trì một vị trí trong nhóm những tay vợt hàng đầu Việt Nam.

Những chuyện được ghi tại một giải cầu lông quốc gia -0
Tiến Minh vẫn thi đấu bền bỉ ở tuổi 40.

Cuối năm 2022, Tiến Minh là một trong những tay vợt của TP Hồ Chí Minh tham dự Đại hội Thể thao Toàn quốc. Anh đăng ký tranh tài ở 2 nội dung là đơn nam và đồng đội nam. Trong hạng mục đồng đội nam, Tiến Minh và các tay vợt đàn em lọt vào trận cuối cùng. Còn ở nội dung đơn nam, Tiến Minh cũng vào sâu tới Bán kết.

Trong số các VĐV cầu lông nam Việt Nam thời điểm hiện tại, số tay vợt có thể vượt qua Tiến Minh chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những người đủ khả năng đánh bại tay vợt cựu số 5 thế giới là Nguyễn Hải Đăng (TP.HCM) và Lê Đức Phát (Quân đội). Nhưng trong phần lớn những màn so tài như thế, Hải Đăng, Đức Phát cũng phải mất rất nhiều thời gian để vượt qua Tiến Minh.

Làm thế nào Tiến Minh có thể duy trì phong độ đỉnh cao hơn 20 năm? Gần như mọi tay vợt thi đấu cùng thời với anh đã giải nghệ, nhưng Tiến Minh vẫn cần mẫn tranh tài. Mới 2 năm trước, để tích lũy đủ điểm tham dự Olympic Tokyo, Tiến Minh đã chủ động đăng ký thi đấu nhiều giải quốc tế để có thêm một lần đến Thế vận hội.

Trong nhiều năm qua, đồng nghiệp và bạn bè đều khẳng định Tiến Minh là hình mẫu cho tất cả mọi người học theo. Trong các môn thể thao chuyên nghiệp, Tiến Minh là VĐV hiếm hoi, thậm chí là duy nhất, đã vươn đến đẳng cấp hàng đầu thế giới. Bên cạnh những yếu tố về kỹ thuật và thể lực, đam mê cháy bỏng với cầu lông chính là lý do giúp Tiến Minh có thể thi đấu bền bỉ suốt thời gian qua.

Ở thời điểm sức mạnh và tốc độ không còn như trước, Tiến Minh vẫn có kinh nghiệm thi đấu đủ dày dạn để vượt qua những đàn em kém mình đến 20 tuổi. Tại Giải Vô địch Cầu lông cá nhân Quốc gia 2023, Tiến Minh để thua set đầu khi chạm trán Phan Phúc Thịnh. Nhưng đến 2 set còn lại, anh đã bình tĩnh bào mòn thể lực người đàn em để có một trận thắng ngược đầy thuyết phục.

Nỗi buồn của Đức Phát

Trong 6 tháng qua, Lê Đức Phát chính là tay vợt Việt Nam tích cực xuất ngoại thi đấu nhất. VĐV sinh năm 1998 mở đầu năm mới bằng ngôi Á quân giải cầu lông quốc tế Vietnam Challenge. Không lâu sau đó, anh bắt đầu chuyến du đấu với hàng loạt điểm đến tại Trung và Nam Á. Thành quả đến với Đức Phát như một lẽ ngẫu nhiên. Từ một vị trí ngoài top 200, anh đã lọt vào top 90 thế giới.

Tuy nhiên, việc cày ải các giải đấu quốc tế cũng khiến Đức Phát đánh mất nhiều điều. Thứ nhất, tay vợt thuộc đoàn Quân đội bắt đầu có biểu hiện quá tải. Tại giải cầu lông Maldives International Series diễn ra hồi giữa tháng 8, Đức Phát phải xin bỏ cuộc khi đang thi đấu hiệp 3 trận bán kết.

Thứ hai, việc tập trung thi đấu các giải quốc tế khiến thứ hạng trong nước của Đức Phát chịu ảnh hưởng tiêu cực. Trong bảng xếp hạng mới nhất dành cho các VĐV Việt Nam, Đức Phát tụt xuống vị trí thứ 5. Thứ hạng này không phản ánh đúng khả năng của Đức Phát, nhưng lại đúng nguyên tắc bởi anh bỏ lỡ một số giải quốc nội.

Việc tụt xuống hạng 5 Việt Nam khiến Đức Phát không được xếp hạt giống tại nội dung đơn nam Giải Vô địch Cầu lông cá nhân Quốc gia 2023. Điều này dẫn tới một sự cố hy hữu: Lá thăm may rủi đưa Đức Phát và Hải Đăng, 2 tay vợt hàng đầu Việt Nam hiện tại, gặp nhau ngay vòng đấu thứ 3. Trong cuộc đấu đó, Hải Đăng là người giành chiến thắng và khiến Đức Phát bị loại sớm.

Sau trận đấu với Hải Đăng, Đức Phát hóm hỉnh chia sẻ trên trang cá nhân: "Lần đầu tiên trong lịch sử, tay vợt số 1 và số 2 Việt Nam gặp nhau ở vòng loại". VĐV sinh năm 1998 cũng ngầm ám chỉ công tác điều hành giải đấu có vấn đề, khiến một số tay vợt phải nhận thất bại không đáng có dù họ xứng đáng giành chiến thắng.

Trên thực tế, cầu lông là một trong những môn thể thao hiếm hoi của Việt Nam có hệ thống giải đấu đa dạng, cả trong hạng mục thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp. Trung bình mỗi năm, Việt Nam là điểm đến của 3 giải đấu quốc tế trong hệ thống thuộc Liên đoàn Cầu lông Thế giới (BWF). Nhưng vì một lý do nào đó, mức độ phát triển của cầu lông vẫn chưa tương xứng với quy mô.

Với số lượng người tập luyện đông đảo, cầu lông có thể trở thành một trong những môn thể thao thu hút người xem và nguồn tài trợ bậc nhất. Chia sẻ của Đức Phát chỉ là một phần nhỏ ẩn chứa những câu chuyện lý giải vì sao cầu lông Việt Nam chưa thể chuyên nghiệp hóa, với những VĐV bước ra thế giới giống như Thái Lan, Indonesia và Malaysia.

Tháng 9 bận rộn của Thùy Linh

Tay vợt nữ số 1 Việt Nam Nguyễn Thùy Linh mở đầu tháng 9 bằng những trận đấu cuối cùng tại Giải Vô địch cầu lông cá nhân Quốc gia 2023. Với đẳng cấp của tay vợt đang nằm trong top 30 thế giới, Thùy Linh thường thi đấu vượt trội trước những người đàn chị, đàn em khi trở lại giải quốc gia.

Ngay sau khi giải kết thúc, Thùy Linh sẽ lên đường dự China Open, một trong những giải cầu lông danh giá nhất. Tiếp đó, cô trở lại TP Hồ Chí Minh tranh tài tại Vietnam Open, giải đấu cô đang là đương kim vô địch. Đến cuối tháng, Á vận hội Hàng Châu sẽ trở thành giải đấu lớn nhất chờ đón Thùy Linh.

Khép lại tháng 9 bận rộn, Thùy Linh sẽ hướng đến 2 giải cầu lông quốc tế tổ chức tại Nhật Bản và Hàn Quốc trong tháng 11. Hiện tại, cô đang tìm kiếm sự giúp đỡ để làm visa xuất cảnh, điều kiện bắt buộc để có thể xuất ngoại thi đấu.

An Khánh
.
.
.