Nguyễn Đình Bắc đến CLB Hà Nội và sự trái khoáy của V.League
Vừa trở lại sau án kỷ luật nội bộ, Nguyễn Đình Bắc đã chia tay CLB Quảng Nam để gia nhập CLB Hà Nội theo thỏa thuận cho mượn 1,5 mùa giải. Với người hâm mộ V.League, những vụ chuyển nhượng theo dạng “luân chuyển” cầu thủ giữa các CLB không còn mới mẻ.
Sự trái khoáy của V.League
V.League có lẽ là giải đấu hiếm hoi trên thế giới ngầm chấp nhận chuyện “một ông chủ, nhiều đội bóng”. Chính xác hơn, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) phải nhắm mắt cho qua để giải đấu vận hành trơn tru và về đích an toàn. Gọi là ngầm chấp nhận, bởi lẽ có những chuyện ai cũng biết nhưng không thể chứng minh.
Năm 2019, bầu Đức từng gây sóng gió cho V.League khi tuyên bố “5 thằng gầy đánh 1 thằng mập cũng chết”, ám chỉ việc bầu Hiển ảnh hưởng tới nhiều đội bóng. Ở thời điểm đó, CLB TP Hồ Chí Minh do HLV Chung Hae-soung thắng như chẻ tre ở lượt đi và bất ngờ trở thành ứng cử viên vô địch sáng giá. Tuy nhiên, bầu Đức nói thẳng CLB TP Hồ Chí Minh không thể lên ngôi vì họ chỉ co một mình.
Sau đó, lời tiên tri của bầu Đức trở thành sự thật. Một trong những bước ngoặt dẫn khiến CLB TP Hồ Chí Minh hụt hơi và bị CLB Hà Nội vượt qua là thất bại trên sân Tam Kỳ của CLB Quảng Nam. Ở trận đấu đó, trọng tài đã cho đội chủ nhà hưởng phạt đền trong tình huống hậu vệ TP Hồ Chí Minh phạm lỗi bên ngoài vòng cấm khi tỷ số là 0-0.
Từ lâu, CLB Quảng Nam được xem là “con nuôi” của bầu Hiển. Người ghi bàn giúp Quảng Nam gây sốc trước CLB TP Hồ Chí Minh ở mùa giải năm đó là Hoàng Vũ Samson tiền đạo huyền thoại của CLB Hà Nội. Trong những năm trước, CLB Hà Nội thường xuyên cho CLB Quảng Nam mượn cầu thủ, thậm chí mượn cả quản lý cấp cao để thoát khủng hoảng.
Điển hình là mùa giải 2020, CLB Hà Nội chuyển Ibou Kebe cho Quảng Nam, cho dù tiền đạo người Pháp có giá đến 80.000 USD. Khi Quảng Nam sa sút và gần như xuống hạng, HLV Nguyễn Thành Công được chọn làm người “giải cứu”. HLV Nguyễn Thành Công là người dẫn dắt Sài Gòn FC - một đội được hình thành từ đội trẻ Hà Nội trước đó. Không những vậy, ông Dương Nghiệp Khôi, cựu Phó Tổng Thư ký VFF, Giám đốc Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Hà Nội cũng được điều vào Quảng Nam để lên kế hoạch đưa CLB trở lại V.League nhanh nhất có thể.
Những câu chuyện như thế không hiếm tại V.League. Thay vì gọi đó là chuyển nhượng, người hâm mộ thường gọi vui là “luân chuyển” cầu thủ, HLV…
Mùa này, chuyện cũ tiếp diễn nhưng được mở rộng hơn với sự xuất hiện của bầu Thụy và LPBank. Sau khi LPBank tài trợ cho HAGL, đội bóng phố Núi đã nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ CLB Công an Hà Nội để đua trụ hạng. Ngược lại, HAGL đồng ý để HLV Kiatisuk đến CLB Công an Hà Nội… đua vô địch.
Mới nhất, Nguyễn Đình Bắc rời CLB Quảng Nam đến CLB Hà Nội gần như ngay sau khi bị kỷ luật nội bộ. Nguyễn Đình Bắc vốn là ngôi sao của sân Tam Kỳ, góp công lớn giúp họ trở lại V.League và chơi tốt ở đầu mùa giải này. Vụ chuyển nhượng chóng vánh này khiến không ít người cho rằng CLB Quảng Nam kỷ luật Nguyễn Đình Bắc để đẩy anh đến CLB Hà Nội một cách hợp tình, hợp lý hơn.
Nhìn thoạt qua, sự kỳ quặc trên thị trường chuyển nhượng của V.League có thể khiến nhiều người khó chịu, thậm chí bất mãn. Thế nhưng nhìn nhận khách quan thì đây là “đặc sản” không thể thiếu của V.League. Nhiều CLB không thể vận hành hoặc cạnh tranh ở giải đấu hang đầu Việt Nam nếu không có nhà tài trợ, không có sự giúp đỡ của những “CLB anh em” khác.
Nước đi mạo hiểm của Nguyễn Đình Bắc
Thông thường, sự luân chuyển cầu thủ chỉ giới hạn trong phạm vi nhất định. Các CLB sẵn sàng cho mượn ngoại binh, nhưng hiếm khi nhả ngôi sao nội. Đây là điều dễ hiểu, bởi lẽ những ngôi sao nội không chỉ đóng góp về chuyên môn mà còn là hình ảnh, biểu tượng của CLB.
Trường hợp như Nguyễn Đình Bắc xuất hiện không nhiều. Sự chóng vánh trong thương vụ này cũng khiến giới mộ điệu lo ngại cho bản thân tiền đạo trẻ quê Nghệ An. Đừng quên Đình Bắc vừa phải đương đầu với cuộc khủng hoảng truyền thông do chính anh tạo ra và đánh mất phong độ ở Quảng Nam. Chuyển đến một CLB lớn hơn về cả tầm vóc lẫn tham vọng là nước đi rất mạo hiểm của tiền đạo 19 tuổi này.
Đến sân Hàng Đẫy, Nguyễn Đình Bắc sẽ không được đảm bảo đá chính cho dù HLV Daiki Iwamasa muốn trẻ hóa đội hình. Thậm chí, cơ hội ra sân đều đặn mỗi trận từ ghế dự bị của Đình Bắc cũng giảm đi đáng kể.
Sau thời gian dài khủng hoảng, CLB Hà Nội đang trở lại mạnh mẽ cùng HLV Daiki Iwamasa. Họ đã thắng 3 trong 4 trận gần đây và chỉ thua ngược Thép Xanh Nam Định vào phút chót. Với 19 điểm đang có sau lượt đi, CLB Hà Nội vẫn quyết tâm đua vô địch ở lượt về. Vì thế, Nguyễn Đình Bắc sẽ phải cạnh tranh quyết liệt để được thi đấu, chứng minh tài năng. Nếu không cải thiện phong độ, Đình Bắc có thể ngồi mòn ghế dự bị tại Hàng Đẫy và thui chột kinh nghiệm.
Đình Bắc khá may mắn khi đến CLB Hà Nội đúng thời điểm Phạm Tuấn Hải dính chấn thương và phải nghỉ thi đấu 1 tháng. Đình Bắc có phong cách và vị trí chơi bóng khá giống Tuấn Hải, anh có thể được HLV Daiki Iwamasa sử dụng ngay lập tức để thay thế ngôi sao nay.
Phạm Tuấn Hải không trách Nguyễn Tăng Tiến
Tiền đạo của CLB Hà Nội, Phạm Tuấn Hải dính chấn thương và phải nghỉ thi đấu ít nhất 1 tháng sau pha vào bóng thô bạo của Nguyễn Tăng Tiến bên phía Quảng Nam. Theo chẩn đoán ban đầu, cầu thủ sinh năm 1998 không bị tổn thương về xương. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra tổng thể sau đó cho thấy tiền đạo 26 tuổi chấn thương vùng khớp cổ chân phải.
Chấn thương này khiến Phạm Tuấn Hải bỏ lỡ 2 trận đấu quan trọng của tuyển Việt Nam tại vòng loại World Cup 2026 gặp Indonesia. Dù vậy, anh không trách Nguyễn Tăng Tiến va xem đây là một phần của bóng đá.
Phạm Tuấn Hải cho biết: “Tôi rất tiếc nuối khi không thể cùng anh em cầu thủ chiến đấu ở trận tới. Tôi mong đội tuyển Việt Nam sẽ chơi tốt. Còn về phía Tăng Tiến, tôi không trách anh ấy. Với việc không chấn thương nặng ở pha bóng đó, tôi đã thấy mình rất may mắn rồi”.