Môn vật Việt Nam và bài toán chuyên gia
Bước sang năm 2023, lần đầu tiên trong hơn 20 năm qua đội tuyển vật Việt Nam sẽ không có chuyên gia ngoại đồng hành. Tất nhiên, đó là câu chuyện trước mắt, còn về lâu dài vẫn cần đến những chuyên gia ngoại có thể nâng tầm cho nhiều đô vật Việt Nam.
Dấu ấn chuyên gia ngoại
Cuối tháng 12 năm 2022, chuyên gia người Georgia Mindiashvili So So đã rời Việt Nam sau khoảng hơn 20 năm gắn bó với vật Việt Nam. Đó cũng là chuyên gia cuối cùng trong nhóm chuyên gia thuộc các nước Liên Xô cũ trước đây không còn đồng hành cùng vật Việt Nam.
Hơn 20 năm trước, ông Mindiashvili So So (nội dung vật cổ điển) cùng một số chuyên gia ngoại thuộc các nước Liên Xô cũ bắt đầu làm việc với đội vật Hà Nội. Như lời kể của Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao 1 (Tổng cục TDTT) Hoàng Quốc Vinh, người từng có thời gian dài gắn bó với thể thao Hà Nội, sự xuất hiện của các chuyên gia đến từ các nước Liên Xô cũ đã thay đổi hoàn toàn phong cách tập luyện, thi đấu của các đô vật Hà Nội. Tất cả theo hướng hiện đại, tích cực hơn và phù hợp với thể trạng người Việt Nam. Cũng nhờ vậy, đội vật Hà Nội dần có nhiều lớp VĐV đủ sức ganh đua HCV quốc gia và luôn trong nhóm đầu, cạnh tranh ngôi số 1 toàn đoàn với đội Quân đội. Cũng nhờ nền tảng ấy mà sau khi các chuyên gia ngoại chuyển lên đội tuyển quốc gia, đội vật Hà Nội vẫn phát triển ổn định để rồi liên tục lên ngôi số 1 toàn đoàn tại các giải vật vô địch quốc gia trong nhiều năm qua.
Cách đây gần chục năm, ông Mindiashvili So So cùng chuyên gia Chkhartishvini Fridon (nội dung vật tự do) trở thành chuyên gia của đội tuyển vật Việt Nam. Khoảng thời gian ấy chứng kiến nhiều thành công của các đô vật Việt Nam, trong đó các đô vật nội dung vật cổ điển với dấu ấn của chuyên gia Mindiashvili So So thường xuyên vô đối tại sân chơi SEA Games. Còn ở nội dung vật tự do, với sự đồng hành của chuyên gia Chkhartishvini Fridon (mới mất hồi tháng 3-2022 trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games 31), trong khi các đô vật nam luôn giữ vững vị thế số 1 Đông Nam Á thì các đô vật nữ còn tạo nên những dấu ấn mạnh mẽ hơn.
Việc giành ngôi số 1 Đông Nam Á, hàng loạt huy chương tại giải vô địch châu Á, ASIAD, giải trẻ thế giới và đáng kể là 3 tấm vé trực tiếp tham dự Olympic năm 2012, 2016 của các đô vật nữ Việt Nam đã đủ nói lên dấu ấn của chuyên gia ngoại ở đội tuyển vật Việt Nam. HLV đội tuyển vật tự do Phạm Đức Khang kể rằng, chính việc được thọ giáo, được sự chỉ đạo của chuyên gia Fridon từ khi còn là VĐV cho đến lúc trở thành HLV đã mang đến hành trang dày dặn cho anh. Còn Phó Chủ tịch Liên đoàn vật Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội, từng là VĐV, HLV đội tuyển vật Hà Nội cũng như đội tuyển quốc gia cũng ghi nhận: “Các chuyên gia ngoại như Fridon, So So đã mang đến làn gió mới cho các đội tuyển vật từ Hà Nội đến đội tuyển quốc gia, giúp nâng tầm nhiều VĐV”. Ở góc nào đó, các chuyên gia cũng như người nhà với các HLV, VĐV đội tuyển vật nhờ khả năng giao tiếp thành thạo bằng tiếng Việt.
Thế nhưng, thời gian gắn bó với đội tuyển quá dài trong khi lại lớn tuổi, không thể trực tiếp thị phạm cho VĐV cũng khiến hiệu quả trong huấn luyện của các chuyên gia bị giới hạn dần. Sự mới mẻ của những ngày đầu cũng dần trở nên quá quen thuộc trong khi đội tuyển luôn cần sự tươi mới để tiếp tục thực hiện mục tiêu nâng tầm. Có lẽ, đó cũng là lý do chuyên gia ngoại không còn gắn bó với đội tuyển vật Việt Nam và cả hai bên đều hiểu rõ việc chia tay là khó tránh khỏi. Ngày cuối năm 2022, khi chứng kiến cuộc liên hoan chia tay của những người có trách nhiệm với chuyên gia So So, người ta dễ dàng cảm nhận đó là cuộc chia tay đầy tình cảm, không có sự trách móc mà chỉ có sự tri ân.
Thuê chuyên gia để hướng đến việc nâng tầm
Từ trước đến nay, vật vẫn được xem là một trong số ít môn có thể mang đến sự bảo đảm về HCV cho thể thao Việt Nam mỗi khi được góp mặt ở sân chơi SEA Games. Cũng vì thế, mục tiêu tiếp tục khẳng định ngôi số 1 Đông Nam Á cũng được đặt ra tại SEA Games 32 vào tháng 5 tới dù các đội tuyển vật Campuchia đang được đầu tư mạnh mẽ, có nhiều VĐV nhập tịch, hay đội tuyển vật Indonesia vẫn luôn khó lường. Với sân chơi này, như người trong nghề nhận xét, các HLV nội cũng có thể đảm đương được nhiệm vụ.
Nhưng rõ ràng, vật Việt Nam còn hướng đến các mục tiêu ngoài SEA Games nên mới cần đến chuyên gia ngoại. Đây mới là vấn đề được quan tâm khi trong nhiều năm gần đây, đội tuyển vật Việt Nam vẫn đặt mục tiêu gây dựng vị thế ở châu lục và giành vé dự Olympic thông qua thành tích của các đô vật nữ. Gần nhất, ở ASIAD 19 vào tháng 9 tới ở Trung Quốc, đội tuyển vật Việt Nam kỳ vọng có thể giành huy chương khi nội dung vật tự do nữ được tổ chức.
Thế nên, sau khi chia tay chuyên gia So So, Tổng cục TDTT cũng đã tính tới các phương án thuê chuyên gia ngoại cho đội vật tự do để giúp nâng tầm các đô vật nữ. Trong đó xác định không vội vã mà phải chắc chắn, bảo đảm chuyên gia sẽ giúp đội vật tự do, đặc biệt là vật tự do nữ hoàn thành các mục tiêu.
Phương án thuê chuyên gia từ các nước thuộc Liên Xô cũ cũng đã được tính đến. Rồi phương án thuê chuyên gia từ Hàn Quốc và đặc biệt là Nhật Bản (vốn có nhiều đô vật nữ hạng nhẹ hàng đầu thế giới và phù hợp với mục tiêu đầu tư cho các hạng cân nhẹ của vật tự do nữ Việt Nam) cũng được mang ra bàn bạc. Câu chuyện kinh phí cũng được đặt ra nhưng những người có trách nhiệm hy vọng có thể giải quyết được nhờ mối quan hệ tốt với Liên đoàn vật thế giới để từ đó có hỗ trợ nhất định cho vật Việt Nam.
Điều này cũng được ông Tạ Đình Đức, phụ trách môn vật (Tổng cục TDTT) khẳng định. Vấn đề vẫn phải tìm đúng người để thực hiện trọn vẹn mục tiêu nâng tầm cho môn vật để có thành tích ổn định ở sân chơi châu lục và luôn giành vé trực tiếp dự Olympic.