Công tác y tế của Đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 32:

Liệu cơm gắp mắm

Thứ Năm, 20/04/2023, 07:07

Trong danh sách 1.003 thành viên của Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 32, đội ngũ y tế có 31 người. Với việc Đoàn Thể thao Việt Nam có 702 VĐV tham dự, khối lượng công việc của đội ngũ y tế của Đoàn được dự báo là rất nặng nhọc, phải khéo léo phân bổ người theo hướng “liệu cơm gắp mắm”. Và người trong và ngoài cuộc cũng chỉ mong chữ “ổn” cho đến khi kết thúc các cuộc tranh tài ở SEA Games.

Muốn hơn cũng khó

Theo danh sách Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 32 có 31 người thuộc đội ngũ y tế trong đó có 16 bác sĩ, 3 y sĩ, 7 kỹ thuật viên, 5 diều dưỡng viên…

Trong buổi gặp mặt báo chí gần đây, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 Đặng Hà Việt kể rằng nếu trừ 5 người thuộc đội ngũ y tế để phục vụ 2 đội tuyển bóng đá nam, nữ thì Đoàn Thể thao còn 26 bác sĩ, y sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng viên phục vụ cho 37 môn, phân môn với khoảng hơn 650 VĐV. Lãnh đạo Tổng cục TDTT cũng như Đoàn Thể thao Việt Nam dự SEA Games 32 đã giải thích thêm là 26 người trong đội ngũ y tế không phải phục vụ cùng lúc hơn 650 VĐV vì tại SEA Games 32, có môn thi đấu trước, có môn thi đấu sau. Nhờ đó, khối lượng công việc của đội ngũ y tế cũng được giảm tải đáng kể.

Tuy nhiên, như chính ông Đặng Hà Việt chia sẻ thì những bác sĩ, nhân viên y tế… liên quan mật thiết, hằng ngày với thể thao thành tích cao tại các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia, Bệnh viện Thể thao Việt Nam đều đã được huy động để phục vụ Đoàn Thể thao Việt Nam dự SEA Games lần này. Phía Tổng cục TDTT có muốn huy động thêm cũng khó vì hiện tại, không dễ tìm được những bác sĩ, y sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng viên thực sự hiểu được và điều trị cho VĐV thể thao thành tích cao.

Ông Đặng Hà Việt cũng nói thêm rằng, các bác sĩ, kỹ thuật viên, y sĩ trong Đoàn Thể thao Việt Nam không chỉ là những người điều trị, xử lý những vấn đề y tế theo chuyên môn mà còn giúp đỡ VĐV hồi phục sau thi đấu. Như thế để thấy nhiệm vụ của đội ngũ y tế sẽ rất nặng nề.

Câu chuyện của Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 liên quan đến khối lượng công việc của đội ngũ y tế cũng được nhiều bác sĩ thể thao chia sẻ. Bác sĩ Phạm Mạnh Hùng, từng tham dự nhiều kỳ SEA Games và ASIAD giai đoạn những năm 2000 và đầu những năm 2010 trong thành phần Đoàn Thể thao Việt Nam cũng kể, khối lượng công việc của đội ngũ y tế thuộc Đoàn Thể thao Việt Nam trong các kỳ SEA Games hay ASIAD là thực sự nặng nề. Họ không chỉ là đồng hành cùng các đội tuyển tại các địa điểm tập luyện, thi đấu mà tham gia hồi phục cho các VĐV, đặc biệt VĐV chủ lực, khi họ về phòng nghỉ ngơi vào mỗi tối.

Sau đó, họ phải quán xuyến hay nói cách khác là chỉ định việc ăn gì, uống gì cho VĐV. Không kể, các bác sĩ cũng phải nắm bắt hết tình trạng cơ thể, chấn thương của từng VĐV để đưa ra chỉ định phù hợp. Bên cạnh đó, có những giải pháp về tâm lý để giúp VĐV thi đấu với trạng thái tốt nhất. Trong nhiều kỳ Đại hội, như bác sĩ Phạm Mạnh Hùng kể, các bác sĩ đội như ông có rất ít thời gian nghỉ ngơi. Nhưng chỉ có làm việc với khối lượng như vậy mới đáp ứng phần nào yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho các VĐV.

Không kể, như bác sĩ Phạm Mạnh Hùng nói, nếu có điều kiện thì mỗi đội cần có 1 bác sĩ, 1 kỹ thuật viên luôn đồng hành trong quá trình chuẩn bị, tập huấn chứ không chỉ là lúc đi thi đấu. Nhưng có lẽ đó sẽ là câu chuyện dài cần tiếp tục tìm lời giải trong tương lai với thể thao Việt Nam.

Còn như chia sẻ của lãnh đạo Đoàn Thể thao Việt Nam thì đã làm tốt nhất có thể để huy động được từng ấy người cho đội ngũ y tế của Đoàn Thể thao Việt Nam. Con số 31 người của kỳ SEA Games 32 cũng bằng với kỳ SEA Games 31 cách đây gần 1 năm.

2.jpg -0
VĐV Hoàng Thị Ngọc Hoa được chăm sóc y tế sau khi tham dự nội dung marathon nữ tại SEA Games 31. Ảnh: Tuấn Anh.

Bao giờ mới được gấp đôi

Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 Đặng Hà Việt cũng bày tỏ rằng mong có gấp đôi số lượng bác sĩ, y sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng viên so với con số hiện tại của Đoàn Thể thao Việt Nam. Nhưng đúng là trong tình thế hiện tại, đặc biệt về con người, thì đành chấp nhận và tìm giải pháp khắc phục.

Trong các giải pháp này, như Phó trưởng Đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 Hoàng Quốc Vinh thông tin thì sẽ căn cứ vào lịch thi đấu xem môn nào có lịch thi đấu dày đặc, nhiều nguy cơ chấn thương thì sẽ ưu tiên về khâu phân bổ bác sĩ, y sĩ, kỹ thuật viên… Việc phân bổ, điều tiết con người như thế này được giao cho Tổ trưởng Tổ y tế của Đoàn Thể thao Việt Nam.

Và người hiểu chuyện cũng dự báo, sẽ không loại trừ khả năng, cả các HLV cũng vẫn kiêm nhiệm vai trò huấn luyện, săn sóc viên, kỹ thuật viên về hồi phục cho VĐV. 

Ở đây, cũng còn phải tính đến những yếu tố phát sinh như số trường hợp VĐV bị chấn thương hoặc chấn thương tăng nặng cùng lúc, rồi số VĐV cần hồi phục nhiều hơn, lâu hơn thì khối lượng công việc của đội ngũ y tế cũng tăng lên đáng kể. Và không ngẫu nhiên, nhiều người còn mong có nhiều hơn số kỹ thuật viên, điều dưỡng viên so với con số hiện tại trong thành phần Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 32.

Tuy vậy, để đội ngũ y tế có thể đông hơn còn phụ thuộc vào định hướng, cụ thể hóa các giải pháp của ngành Thể thao. Cách đây ít lâu, Tổng cục TDTT và Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã thống nhất về việc đào tạo đội ngũ y tế thể thao. Nhưng để việc này “đơm hoa kết trái” cũng phải cần chờ một thời gian dài. Bởi như người trong nghề đúc kết, để trở thành một bác sĩ thể thao, kỹ thuật viên thể thao… phải cần trải qua nhiều năm rèn luyện, va đập với thực tế và đủ tình yêu với lựa chọn nghề nghiệp của mình. Và trong các giải pháp trước mắt, cũng cần tính đến việc huy động các nguồn lực xã hội hóa để thêm nhiều bác sĩ, kỹ thuật viên có thể tham gia hỗ trợ Đoàn Thể thao Việt Nam ở các kỳ cuộc lớn như SEA Games.

Còn trước mắt, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 Đặng Hà Việt Nam dù khẳng định luôn cần nhiều hơn số lượng người so với đội ngũ y tế hiện tại của đoàn nhưng cũng tin rằng những con người hiện tại sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đó cũng là mong muốn chung của nhiều người, để khâu y tế của Đoàn Thể thao Việt Nam không bị quá tải. Và xa hơn cũng là mong muốn về sự dồi dào về con người, nhất là những người giỏi, của y học thể thao Việt Nam…

Tham gia tích cực vào phòng, chống doping

Một trong những nhiệm vụ khác quan trọng của các bác sĩ trong Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 32 chính là việc tư vấn kịp thời, chính xác cho VĐV trong việc sử dụng các loại thuốc, thực phẩm chức năng. Từ đó, triệt tiêu khả năng VĐV bị dương tính với chất cấm trong tập luyện, thi đấu thể thao (doping). Đây cũng là lưu ý quan trọng của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao với Đoàn Thể thao Việt Nam trong quá trình tập luyện, thi đấu ở SEA Games 32.

Minh Khuê

Minh Hà
.
.
.