Làm thế nào để Việt Nam có võ sĩ MMA dự SEA Games 33?

Thứ Sáu, 19/05/2023, 08:05

Kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 33 còn hơn 2 năm nữa mới tổ chức. Tuy nhiên, thông tin ban đầu về việc Võ tổng hợp (MMA) có thể được đưa vào chương trình thi đấu SEA Games tới đã khiến nhiều quốc gia trong khu vực bắt đầu lên kế hoạch tuyển chọn, đào tạo vận động viên. Việt Nam không thể đứng ngoài guồng quay đó.

2 năm huy hoàng của võ học

2022 và 2023 là 2 năm chứng kiến những thành công ngoài mong đợi của thể thao Việt Nam. Chúng ta không chỉ đứng nhất toàn đoàn ở kỳ SEA Games tổ chức trên sân nhà, mà còn vượt lên tất cả khi tiếp tục bảo vệ vị trí số 1 tại giải đấu vừa qua. Một trong những nhân tố làm nên thành công rực rỡ của thể thao Việt Nam nằm ở nhiều môn võ.

Theo ghi nhận của đoàn thể thao Việt Nam, các võ sĩ đã mang về không dưới 35% số Huy chương Vàng ở 2 kỳ SEA Games gần nhất. Xét trên bình diện chung, đây là con số rất ấn tượng bởi các môn võ thuật chỉ chiếm khoảng 30% chương trình thi đấu SEA Games 31 và 32. Nói cách khác, thể thao Việt Nam luôn có lợi thế ở các môn võ khi bước ra đấu trường quốc tế.

Nhìn về quá khứ, tấm huy chương đầu tiên của thể thao Việt Nam tại đấu trường Olympic đến từ một môn võ. Đó là tấm HCB Taekwondo mà võ sĩ Trần Hiếu Ngân giành được tại Olympic Sydney 2000. Đến các kỳ ASIAD diễn ra suốt 2 thập niên qua, những môn võ như Karate, Wushu, Pencak Silat... luôn "lĩnh ấn tiên phong" với chỉ tiêu giành HCV cho đoàn thể thao Việt Nam.

Làm thế nào để Việt Nam có võ sĩ MMA dự SEA Games 33? -0
Nhiều khả năng MMA sẽ xuất hiện ở SEA Games 33.

Một chi tiết đáng chú ý là thành tích của võ thuật Việt Nam trên đấu trường quốc tế thời gian gần đây ngày một tốt dần lên, dù chúng ta phải cạnh tranh quyết liệt với những quốc gia khác trong khu vực. Ở môn Karate, Philippines không ngần ngại nâng chất lượng đội tuyển quốc gia bằng những vận động viên có nguồn gốc từ Nhật Bản. Campuchia cũng có một nhà vô địch châu Á môn Jujitsu được đào tạo ở Mỹ.

Xu hướng "ngoại binh" có thể thấy rõ nhất ở môn Judo. Ngay cả một quốc gia vốn tự hào về việc sử dụng vận động viên "nội binh" như Thái Lan cũng chuyển sang chuộng VĐV nhập tịch có nguồn gốc từ Nhật Bản và Trung Quốc. SEA Games 33 thậm chí còn chứng kiến một trận chung kết Judo hy hữu, khi 2 VĐV tranh HCV của Campuchia và Thái Lan đều là người gốc Nhật Bản.

SEA Games 33 tới sẽ chứng kiến Thái Lan đăng cai tổ chức. Với truyền thống võ học, sẽ không lạ nếu như Thái Lan tối ưu hóa khả năng tranh huy chương bằng việc đưa vào chương trình thi đấu nhiều môn võ. Muay sẽ trở lại SEA Games, cùng với đó, nhiều khả năng là sự xuất hiện lần đầu của một môn thể thao mới: MMA.

Đại hội Thể thao trong nhà và Võ thuật châu Á 2023 (AIMAG) chuẩn bị diễn ra tại Thái Lan vào cuối năm nay. Đây cũng là giải thể thao đưa MMA vào chương trình thi đấu. Sự xuất hiện của MMA là chỉ dấu cho thấy môn võ này sẽ xuất hiện ở SEA Games trong tương lai gần và nhiều quốc gia cần chuẩn bị trong 2 năm nữa.

Lợi thế không thể bỏ qua

Giữa những hỗn mang của trào lưu nhập tịch võ sĩ và phần nào đó là công tác trọng tài, võ thuật Việt Nam vẫn khẳng định mạnh mẽ về sức mạnh. Các võ sĩ Việt Nam đứng nhất toàn đoàn ở nhiều môn như Karate và Judo, đồng thời không bị đối phương bỏ lại quá xa ở Wushu, Taekwondo hay Pencak Silat. Vậy đâu là lý do khiến võ thuật Việt Nam mạnh như vậy?

Với truyền thống võ học, các võ sĩ Việt Nam thường không chỉ tập luyện 1 môn võ đơn thuần. Boxing, Pencak Silat là những môn võ hiếm hoi yêu cầu võ sĩ không nên tập quá nhiều môn võ khác để không bị "lai", phát sinh động tác thừa trong thi đấu. Nhưng sự kết hợp có thể thấy ở Muay - Kickboxing, Võ cổ truyền - Vovinam, cũng như nhiều môn võ khác.

Xét về mặt lý thuyết, võ sĩ Việt Nam thường theo đuổi võ thuật vì đam mê. Đây là điều kiện đầu tiên giúp họ tập nhiều hơn 1 môn võ mà không cần huấn luyện viên phải hướng dẫn, chỉ đạo. Điều đó vô tình trở thành một lợi thế giúp võ sĩ Việt Nam sớm tiếp cận sớm với MMA, môn thể thao được xem là thu hút tinh hoa của mọi môn võ.

Vốn chỉ xuất hiện tại Việt Nam khoảng 10 năm gần đây, MMA đã thực sự tạo ra một trào lưu mạnh mẽ trong cộng đồng người học. Các học viên đến tìm hiểu MMA không chỉ để thỏa mãn sự tò mò. Họ tập MMA để nâng cao sức khỏe, cũng như trải nghiệm một môn võ có tính thực chiến cao, được quốc tế quảng bá với những ngôi sao đẳng cấp thế giới.

Thành công của phong trào MMA đã tạo đà để Lion Championship, giải vô địch MMA đầu tiên tại Việt Nam, ra đời. Nhưng nếu xét về tính chất, Lion Championship được xem như một giải MMA chuyên nghiệp. Hệ thống thi đấu, tuyển chọn VĐV của Lion Championship hoàn toàn khác với MMA thành tích cao, nơi tìm ra những VĐV thi đấu ở SEA Games và AIMAG.

Bên cạnh khác biệt về hệ thống thi đấu, MMA thành tích cao còn khác với MMA chuyên nghiệp ở việc giới hạn một số đòn đánh, cũng như cách thức cho điểm. Đây là nguyên nhân lý giải vì sao những võ sĩ đã quen thi đấu MMA chuyên nghiệp sẽ không phù hợp khi đấu MMA thành tích cao. Do đó, việc tìm một nguồn VĐV MMA mới để chinh phục SEA Games, cũng như AIMAG là điều cần thiết.

Trong câu chuyện của Việt Nam, điều kiện tiên quyết để một môn thể thao trở thành thể thao thành tích cao, cũng như bước ra đấu trường quốc tế là phải có hệ thống giải thi đấu trong nước. MMA không thể nằm ngoài quy luật đó. Vì thế, một giải MMA quốc gia là điều cần được xem xét, tổ chức trong tương lai gần để tìm ra những võ sĩ đại diện cho Việt Nam.

Có trọng tài mới không sợ xử ép

Trong khuôn khổ môn Boxing SEA Games 32, nhiều khán giả Việt Nam đã cảm thấy khó hiểu khi võ sĩ Nguyễn Văn Đương bị trọng tài yêu cầu dừng trận đấu, đồng thời bị xử thua khi anh đang thắng điểm. Theo lý giải của Ban tổ chức, việc này được quyết định bởi bác sĩ của trận đấu, khi Đương có biểu hiện rách mí mắt, chảy máu 2 lần liên tiếp mỗi lần bị đối phương đấm. Tuy nhiên, bản thân Đương nói anh hoàn toàn bình thường, đủ sức khỏe thi đấu chứ không hề bị chảy máu nhiều như bác sĩ nói.

Lý giải về việc có hay không chuyện võ sĩ Việt Nam bị xử ép khi thi đấu quốc tế, một trọng tài cho biết: "Chuyện này rất khó giải thích, nhưng trong trường hợp của Đương, thì Việt Nam không có trọng tài Boxing nào làm nhiệm vụ ở SEA Games 32. Nếu chúng ta có một ai đó trong Ban Trọng tài, kết quả có thể sẽ khác".

Nhận định của trọng tài trên cho thấy tầm quan trọng của trọng tài khi thi đấu quốc tế. Ở SEA Games vừa qua, phán quyết từ chấm điểm của trọng tài cho các võ sĩ Việt Nam luôn công bằng hơn ở những môn mà chúng ta có trọng tài làm nhiệm vụ. Điều đó sẽ không thay đổi trong câu chuyện của một môn võ mới như MMA, khi chúng ta cần trọng tài đại diện Việt Nam ở đấu trường quốc tế, cũng như bảo vệ VĐV.

An Khánh
.
.
.