Làm mới đội tuyển Việt Nam thế nào?
Sau thất bại tại AFF Cup 2020, đội tuyển Việt Nam dường như đã chạm đến ngưỡng sau 4 năm thành công dưới thời ông Park Hang-seo. Vấn đề được đặt ra là chúng ta cần những đổi mới ngay từ chiến lược phát triển.
Sau khi bị Thái Lan loại ở bán kết AFF Cup 2020, huấn luyện viên Park Hang-seo đã nói rằng: “Rõ ràng, kết quả là chúng ta đã thất bại. Tuyển Việt Nam không vào được trận chung kết. Thua thì thật tiếc nhưng về đội hình, con người thì đó là sự lựa chọn tốt nhất rồi. Ở trận lượt đi có nhiều vấn đề. Tôi và các cầu thủ thừa nhận thất bại nhưng chúng tôi đã cố gắng hết sức”.
Thực tế, các cầu thủ đã cố gắng hết sức, ông Park cũng đã vận dụng hết khả năng ứng biến của mình, nhưng đó là tất cả những gì mà tuyển Việt Nam có thể làm. Đó được xem như một hệ quả tất yếu sau một chuỗi thành công thời gian qua.
Kể từ khi huấn luyện viên Park Hang-seo đến Việt Nam, ông đã mang đến những thành công từ cấp độ U23 đến đội tuyển quốc gia. Sân chơi khu vực là chức vô địch AFF Cup 2018 và tấm Huy chương Vàng SEA Games 2019. Đỉnh cao là việc ông Park đã giúp tuyển Việt Nam lần đầu tiên lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Để có được thành công đó, bên cạnh khả năng ứng biến, ông Park đã được thừa hưởng một thế hệ cầu thủ tài năng. Trong suốt 4 năm làm việc tại Việt Nam, những gương mặt quen thuộc như: Quang Hải, Duy Mạnh, Văn Hậu, Đình Trọng, Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường…
Sau 6 thất bại liên tiếp tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022, và mới nhất là trước Thái Lan ở bán kết AFF Cup 2020, nhiều người đặt ra câu hỏi: Phải chăng đội tuyển Việt Nam đã đến ngưỡng của thành công? Căn cứ vào màn trình diễn của tuyển Việt Nam, ở những trận thua đã qua, nhiều ý kiến cho rằng, tuyển Việt Nam đã dần chạm đến cái ngưỡng của chính mình.
Nhìn sang đối thủ Thái Lan, họ từng có giai đoạn chững lại kể từ sau khi tham dự vòng loại thứ 3 World Cup 2018 đến hiện tại. Bóng đá Thái Lan thất bại ở các mặt trận như AFF Cup, SEA Games. Trong khoảng thời gian đó, tuyển Việt Nam đã soán ngôi số 1 Đông Nam Á ở nhiều khía cạnh. Nhưng đó là giai đoạn, người Thái lại thành công ở nhiều phương diện khác. Họ có nhiều cầu thủ xuất ngoại hơn. Bên cạnh đó, giải vô địch quốc gia cũng được nâng tầm lên qua từng mùa giải. Thế nên, những thời điểm chững lại của đội tuyển quốc gia Thái Lan về mặt thành tích cũng chỉ là nhất thời. Điều quan trọng chính là chiến lược phát triển nền bóng đá dựa trên những thành công đó.
Bóng đá Việt Nam nên coi đây là bài học để có thể rút kinh nghiệm. Muốn đội tuyển quốc gia duy trì được thành công và có thể vươn tầm, cần quan tâm đến nền móng của sự phát triển. Khâu đào tạo trẻ ra sao? Giải vô địch quốc gia thế nào? Buồn thay, đây lại là điểm yếu của bóng đá Việt Nam trong thời gian mà các đội tuyển quốc gia thành công.
V.League là một trong những giải hiếm hoi bị huỷ trong năm 2021 do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong khi đó, lứa cầu thủ trẻ kế cận đội tuyển quốc gia lại không có chất lượng tốt. Sau vòng loại U23 châu Á 2022, ông Park đã thừa nhận rằng, các cầu thủ còn trẻ và cần có thêm thời gian tích luỹ kinh nghiệm. Thực tế, ông Park đã gọi đến 9 cầu thủ U23 tập trung cùng đội tuyển quốc gia chuẩn bị cho AFF Cup 2020. Thế nhưng, sau đó không có cầu thủ nào được trao cơ hội thi đấu, dù chỉ là trong đội hình dự bị. Sắp tới, người hâm mộ sẽ lại có lý do để lo lắng cho lứa U23 khi phải thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Huy chương Vàng tại SEA Games 31.
Huấn luyện viên Hoàng Văn Phúc bày tỏ quan điểm: “Sau AFF Cup 2020, tuyển Việt Nam đã có những bài học cần thiết để thay đổi và tiếp tục phát triển. Quan điểm của tôi cho rằng tuyển Việt Nam luôn luôn phải làm mới mình. Khi chúng ta đã đạt được nhiều thành tích cao trong 3-4 năm qua thì bản thân huấn luyện viên Park Hang-seo cũng như ban huấn luyện cần phải tính toán để có được những phương án mới trong việc xây dựng đội bóng, điều đặc biệt là phải luôn khiến cho các đối thủ có sự bất ngờ khi đối đầu ở các giải đấu khác nhau”.
Tuy nhiên, để làm mới đội tuyển, đó không chỉ là câu chuyện của riêng ông Park. Điều này cần đến sự thay đổi chiến lược của nền bóng đá.
Đội tuyển Việt Nam chia tay hai trợ lý
Kết thúc AFF Cup 2020, đội tuyển Việt Nam cũng nói lời chia tay với 2 chuyên gia người Hàn Quốc là bác sỹ Choi Ju-young và trợ lý Kim Tae-min. Bác sỹ Choi Ju-young là người đã đồng hành cùng đội tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam từ tháng 12/2018 đến nay. Với kiến thức và kinh nghiệm 18 năm phục vụ cho các đội tuyển quốc gia của Hàn Quốc, ông đã có những đóng góp quan trọng trong công tác phục hồi chấn thương cho các cầu thủ.
Các giải đấu trọng điểm như ASIAD, AFF Cup, Asian Cup, Vòng loại U23 châu Á đến Vòng loại World Cup,… đều có sự đồng hành trong công tác vật lý trị liệu của ông. Sau 3 năm gắn bó cùng đội tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam, bước sang tuổi 70, bác sỹ Choi Ju-young bày tỏ nguyện vọng được kết thúc công việc để trở về Hàn Quốc, dành nhiều thời gian hơn cho gia đình.
Về phía trợ lý Kim Tae-min, ông bắt đầu làm việc tại đội tuyển Việt Nam trong vai trò trợ lý cho huấn luyện viên Park Hang-seo kể từ đợt tập huấn hồi tháng 8/2021 để chuẩn bị cho Vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Trợ lý Kim Tae-min cũng là thành viên ban huấn luyện U23 Việt Nam tham dự Vòng loại U23 châu Á 2022 tại Kyrgyzstan hồi tháng 10/2021. Được biết, sau khi kết thúc công việc tại đội tuyển Việt Nam, ông Kim Tae-min sẽ trở về Hàn Quốc để đảm nhiệm vai trò Trợ lý huấn luyện viên trưởng tại U20 Hàn Quốc. Chúc trợ lý Kim Tae-min gặt hái thành công trên cương vị mới.
Như vậy, đến thời điểm này bóng đá Việt Nam đã nói lời chia tay với 4 chuyên gia người Hàn Quốc. Trước đó, sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại vòng loại U23 châu Á 2022, trợ lý Kim Han-yoon và huấn luyện viên thủ môn kỳ cựu Kim Hyun-tae cũng đã hết hợp đồng với VFF và trở về Hàn Quốc.
H.H