Không huy chương Olympic: Thể thao Việt Nam còn nhiều vấn đề cần giải quyết

Chủ Nhật, 11/08/2024, 06:50

Phần thi của VĐV Canoeing Nguyễn Thị Hương đã khép lại trọn vẹn hành trình của đoàn Việt Nam tại Olympic Paris. Thể thao Việt Nam lại trắng tay một lần nữa ở đấu trường Thế vận hội. Có nhiều điểm sáng đã hé lộ, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần giải quyết.

Khả thi và bất khả thi

Theo thống kê của ban tổ chức Olympic Paris, kỳ Thế vận hội năm nay có 10.700 vận động viên tham dự, thi đấu ở 329 nội dung thuộc 32 môn thể thao. Nhẩm tính nhanh, ta ước chừng có trên dưới 1.000 huy chương được trao. Tỷ lệ VĐV giành huy chương Olympic, vì thế, chỉ là 1 trên 10. Bên cạnh 1 người có huy chương, 9 người còn lại trắng tay.

Công thức tính xác suất nhận huy chương kể trên ở các kỳ Olympic đã tồn tại nhiều thập niên qua. Dù chương trình thi đấu mở rộng hơn, ban tổ chức tạo điều kiện cho nhiều VĐV tham gia hơn, tỷ lệ VĐV giành huy chương vẫn không thay đổi. Điều đó cho thấy sự khắc nghiệt của Olympic, và giành được 1 huy chương ở sân chơi này không hề dễ.

Đoàn thể thao Việt Nam dự Olympic Paris có 16 vận động viên. Nếu tính theo công thức trên, Việt Nam có thể giành 1-2 huy chương. Nhưng đây chỉ là con số ước tính theo lý thuyết "đếm cua trong lỗ". Trên thực tế, Việt Nam hoàn toàn không có cơ sở để giành huy chương ở kỳ Olympic này.

Ở mỗi nội dung thi đấu của Olympic, ban tổ chức chỉ trao 1 HCV, 1 HCB, và 1-2 HCĐ. Điều kiện cần và đủ để VĐV lọt vào nhóm nhận huy chương, là người đó phải nằm trong nhóm 3-4 VĐV giỏi nhất thế giới. Ngay cả trong trường hợp sai số xuất hiện, VĐV phải thuộc top 5, hoặc top 10 thế giới để tăng cơ hội cạnh tranh huy chương Olympic.

Nhìn vào thực tế, trong số các VĐV Việt Nam tham gia tranh tài ở Olympic Paris, không có ai hiện nằm trong top 5 thế giới tại nội dung họ thi đấu. Số VĐV thuộc top 10 thế giới cũng là con số không. Trịnh Văn Vinh tạm xếp hạng 6 thế giới, nhưng đây là bảng xếp hạng của năm 2024. Cuối năm ngoái, anh không có tên trong top 10 thế giới.

Trong bối cảnh thể thao Việt Nam trắng tay, Trịnh Thu Vinh nổi lên như một điểm sáng hiếm hoi. Xạ thủ đơn vị Công an Nhân dân giành 2 vé vào thi đấu chung kết. Cô đứng hạng 4 nội dung 10m súng ngắn hơi, và hạng 7 nội dung 25m súng ngắn. Đó là thành tích vượt ngưỡng hiện tại của Thu Vinh, người chỉ được xếp hạng trong top 20 thế giới.

Nếu Việt Nam muốn hướng đến huy chương Olympic môn bắn súng trong tương lai, cách tốt nhất là nâng tầm những VĐV hiện có trong đội tuyển quốc gia. Trịnh Thu Vinh, Phạm Quang Huy, Lê Thị Mộng Tuyền, Hà Minh Thành và nhiều tay súng khác cần lọt vào top 5, top 10 thế giới. Họ phải làm được trước khi mơ đến một tấm huy chương Olympic.

Tuy nhiên, ta không thể bỏ qua sự thật: Bắn súng là môn có kết quả thi đấu thiếu ổn định. Tại nội dung 25m súng ngắn nữ của Thu Vinh, xạ thủ Hàn Quốc Kim Ye Ji được đánh giá cao nhất, nhưng lại không vượt qua vòng loại. Người gánh chỉ tiêu HCV thay cô là Yan Ji In, cuối cùng lại trở thành gương mặt bước lên bục cao nhất.

6-the-thao.jpg -0
Trịnh Văn Vinh chịu áp lực giành huy chương dù thành tích ngoài top 10.

Thay đổi lớn, thay đổi nhỏ

Ở góc độ khách quan, công tác tuyển chọn, sàng lọc VĐV thể thao thành tích cao của Việt Nam hiện làm tương đối tốt. Tuyển thủ quốc gia là những người có thành tích tốt tại các giải trong nước, và chỉ có gương mặt xuất sắc nhất mới được đại diện tranh tài ở sân chơi quốc tế. Những giải đấu như SEA Games, ASIAD cũng dần sát với Olympic hơn.

Phần lớn HLV thể thao Việt Nam, ở cấp độ đội tuyển quốc gia và địa phương, là những người tâm huyết với nghề. Họ thường xuất thân từ vận động viên, không ngại gian khổ để liên tục sống xa nhà vì công việc. Thu nhập của VĐV, HLV thể thao hiện tại cũng ở mức không quá thấp, đủ để họ có thể yên tâm phần nào với cuộc sống hiện tại.

Trên góc độ tài chính, ngân sách Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mỗi năm cấp cho Cục Thể dục Thể thao rơi vào khoảng 900 tỷ mỗi năm. Số tiền này được phân bổ cho các Trung tâm Thể thao Quốc gia, và các đơn vị trực thuộc Cục. Toàn bộ kinh phí tập luyện, thi đấu quốc tế của các đội tuyển thể thao quốc gia cũng nằm trong khoảng 900 tỷ này.

Trong bối cảnh VĐV cần thi đấu quốc tế nhiều hơn để hướng đến ASIAD và Olympic, Cục TDTT dần hình thành cơ chế "mở", phối hợp với các địa phương. Nhiều tuyển thủ, HLV thi đấu quốc tế theo danh sách được Cục TDTT và Liên đoàn Thể thao quốc gia đăng ký. Nhưng trên thực tế, kinh phí của họ được địa phương, đơn vị chủ quản chi trả.

"Chịu chi" nhất trong việc gánh kinh phí là những đơn vị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hay Quân Đội. Trong câu chuyện của thể thao Hà Nội, họ không ngần ngại chi tiền để chiêu mộ những chuyên gia, HLV đẳng cấp quốc tế đến làm việc. Những chuyên gia nước ngoài của Hà Nội cũng không ngại hỗ trợ VĐV đơn vị khác để góp vào thành công chung.

Theo thời gian, nhiều địa phương khác sẽ đầu tư mạnh mẽ hơn để hướng đến mục tiêu giành vé dự Olympic. Đó cũng là lúc thể thao Việt Nam cần sự hợp tác giữa trung ương (cụ thể là Cục TDTT) với các địa phương, nhằm hướng đến thành tích chung. Đây cũng là nút thắt cần tháo gỡ cho bài toán kinh phí của ngành TDTT như một cách huy động nguồn lực xã hội hóa.

VĐV dự Olympic, chuyên gia phải ở nhà

2 tấm vé tham dự Olympic Paris của Boxing Việt Nam có dấu ấn rất lớn từ chuyên gia Tawan Mungphingklang. HLV người Thái Lan trên danh nghĩa là chuyên gia của đội Boxing nữ Hà Nội, nhưng ông cũng không ngại hướng dẫn, chỉ dạy VĐV đơn vị khác. Võ Thị Kim Ánh và Hà Thị Linh thường tập luyện dưới sự chỉ bảo của ông Tawan ở đội tuyển quốc gia.

Ở vòng loại 1 Olympic môn Boxing, ông Tawan có tên trong danh sách đội tuyển. Ông đến Italia làm nhiệm vụ với kinh phí do đoàn Hà Nội chi trả. Đến vòng loại 2 tổ chức tại Thái Lan, chuyên gia này không có tên trong danh sách. Nhưng bằng một cách nào đó, ông vẫn có thể làm nhiệm vụ, có thẻ HLV và làm việc trong khu kỹ thuật.

1 tháng trước khi môn Boxing của Olympic Paris chính thức diễn ra, chuyên gia Tawan Mungphingklang cùng HLV Nguyễn Như Cương và 2 VĐV đến Pháp làm việc từ khá sớm. Nhưng cuối cùng, tên của ông Tawan không có trong danh sách cán bộ làm nhiệm vụ. Ít ngày trước trận đấu đầu tiên của đội tuyển, chuyên gia này lên máy bay trở về Việt Nam.

An Khánh
.
.
.