Khám phá công thức phát triển võ thuật chuyên nghiệp

Chủ Nhật, 09/06/2024, 09:31

Trong bối cảnh thể thao Việt Nam dần đi theo mô hình xã hội hóa, những giải võ thuật chuyên nghiệp cũng vì thế cũng xuất hiện với mức thưởng không nhỏ. Nhưng mọi vận động viên đều có ê kíp đi cùng, và họ không thể hưởng trọn nguồn lợi ích được xem như thành quả của một đội nhóm.

Học theo quốc tế

Trong 2 năm hình thành và phát triển, giải vô địch MMA Việt Nam Lion Championship đã dần định hình được công thức đào tạo võ sĩ chuyên nghiệp. Một số phòng tập võ thuật tư nhân, đặc biệt là ở 2 khu vực Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đang thực hiện việc "nuôi" võ sĩ để đưa đi thi đấu. Điều này cũng được áp dụng ở các môn Boxing và Muay.

Những phòng tập nói trên hoạt động như một bộ môn thể thao ở cấp độ địa phương. Họ có tuyển trạch viên, huấn luyện viên, tổng quản lý, cùng một phòng tập được xây khép kín, có khu vực cho võ sĩ ăn ở, lưu trú ngay trong CLB. Với những VĐV trẻ, họ còn được tạo điều kiện học đến hết bậc phổ thông ngay tại địa phương.

anh 1.jpg -0
Nhiều võ sĩ MMA Việt Nam đang ăn tập tại các CLB.

Công thức chăm sóc, đào tạo khép kín như vậy giúp các CLB trên có thể đào tạo, rèn quân bài bản giống như mô hình phát triển thể thao thành tích cao. Tuy nhiên, con đường họ hướng đến là những giải võ thuật chuyên nghiệp trong và ngoài Việt Nam, chứ không phải sân chơi nghiệp dư trong nước. Đây cũng là mô hình chung của nhiều CLB quốc tế.

"Các VĐV được chúng tôi nuôi dạy có sự đồng ý của gia đình. CLB dạy các em cả trong khâu tập luyện, thi đấu lẫn học văn hóa. Khác với học viên đến CLB tập luyện và phải trả tiền, VĐV được CLB chăm sóc không phải chi bất kỳ một khoản phí nào cả", quản lý của một CLB tại TPHCM chia sẻ.

Bên cạnh việc không phải nộp phí đào tạo, võ sĩ tại các phòng tập này còn được tạo điều kiện kiếm thêm thu nhập khi làm trợ giảng, hỗ trợ các HLV dạy học viên. Khoản tiền này có thể không quá lớn, nhưng giúp các em có thể hỗ trợ gia đình một phần. Và còn một điều thú vị khác nữa: Khoản tiền này được CLB gửi về gia đình, thay vì đưa học viên.

Khi được hỏi vì sao VĐV không được cầm tiền, HLV nói: "Các em vẫn có tiền tiêu vặt, nhưng chỉ ở mức tối thiểu. Không ít VĐV trẻ từng mất tương lai, sa đà vào thói hư tật xấu chỉ vì ở tuổi 15-16 lúc nào cũng có sẵn vài ba triệu đồng trong túi. Sau khi để mất nhiều VĐV như thế, chúng tôi mới phải thiết quân luật, đưa ra quy định khó khăn trên".

Một vấn đề khác được các CLB làm chặt chẽ ngay từ đầu là yêu cầu VĐV đồng thuận với những quy định về mặt pháp lý. Đổi lại cho việc được bao nuôi, đào tạo và học văn hóa miễn phí, VĐV phải cam kết thi đấu cho CLB trong một khoảng thời gian nhất định. Trong trường hợp những võ sĩ này muốn dứt áo ra đi, họ sẽ phải trả phí không hề ít.

Thành công của mô hình đào tạo trên đã bắt đầu xuất hiện. Một số võ sĩ vốn tập phong trào đã tham dự một số giải thể thao thành tích cao trong nước và đạt thành tích tốt. Trên sân chơi MMA chuyên nghiệp Việt Nam, nhiều võ sĩ ăn tập tại CLB đã đánh bại đối thủ vốn xuất thân trong ngành thể thao thành tích cao, vốn vượt trội về mặt kinh nghiệm.

Bí mật chuyện chia tiền thưởng

Lion Championship là một trong những giải đấu tiên phong trong việc công khai tiền thưởng cho võ sĩ. Những gương mặt nằm trong top 5 của mỗi hạng cân được nhận 40 triệu đồng cho mỗi chiến thắng. Trong trường hợp thắng trận tranh đai, họ còn nhận về số tiền dao động từ 120 đến 200 triệu đồng. Đây không phải là con số nhỏ.

Để làm phép so sánh, một VĐV đội tuyển quốc gia (không phải bóng đá) đang được nhận tiền tập tương đương 7 triệu đồng mỗi tháng. Họ phải lên tuyển trong 29 tháng liên tục mới có thể kiếm được 200 triệu. Tuy nhiên, chiếc đai vô địch không phải thứ giành được chỉ sau một đêm. Đi cùng mỗi nhà vô địch là một đội ngũ, kèm chi phí không nhỏ.

Một HLV MMA Việt Nam cho biết: "Võ sĩ MMA phải học nhiều môn võ khác nhau để phối hợp. Nếu võ sĩ thuê HLV chuyên biệt và trả tiền theo buổi, con số có thể còn lớn hơn thu nhập từ mỗi trận đấu. Vì thế, nhiều VĐV thỏa thuận cùng HLV bằng cách chia tiền thưởng theo tỷ lệ phần trăm".

Con số được võ sĩ chia tiền cho HLV phụ trách mình chưa bao giờ được công khai. Nhưng theo chia sẻ từ những người trong cuộc, mức chia vào khoảng 20% thù lao lên đài, không tính những khoản thưởng phụ từ ban tổ chức. HLV không nhận về được bao nhiêu khi mỗi võ sĩ thuộc top 5 chỉ thi đấu 2-3 lần trong năm, còn nhà vô địch chỉ đấu 1-2 trận.

Bên cạnh HLV, những nhân vật khác xuất hiện trong đội nhóm của một võ sĩ bao gồm săn sóc viên, bác sĩ đội. Mỗi người cũng cần được chia 10-15% tiền thi đấu tùy theo vị trí. Nếu mở rộng đội nhóm này, võ sĩ sẽ chẳng còn lại được bao nhiêu tiền. Vì thế, cách tốt nhất để họ tiết kiệm kinh phí là lập nhóm tập luyện, thi đấu cùng nhau và chia tiền.

Một đội nhóm càng nhiều cá nhân sẽ càng phát sinh nhiều vấn đề. Vì lý do đó, mô hình lập nhóm tập luyện dần được thay thế bởi các CLB chuyên nghiệp như chia sẻ ở đầu bài viết. CLB sẽ đảm nhiệm mọi phần việc cho võ sĩ chuyên tâm ăn tập. Bù lại, số tiền võ sĩ phải chia cho CLB cũng không hề nhỏ, rơi vào khoảng trên dưới 50% tiền thi đấu.

Treo thưởng 400-500 triệu, nhận chỉ 4-5 triệu?

Boxing là một trong những môn võ đầu tiên ở Việt Nam xuất hiện sự kiện thi đấu chuyên nghiệp. Trong 10 năm qua, một số giải Boxing chuyên nghiệp đã gây chú ý bằng việc treo khoản tiền thưởng lớn cho các võ sĩ. Trương Đình Hoàng từng thượng đài trong "trận đấu 400 triệu", còn Nguyễn Thị Thu Nhi được hứa thưởng 500 triệu khi có đai thế giới.

Trái với lời tuyên bố hào nhoáng của các ông bầu võ thuật, số tiền võ sĩ Boxing nhận về không nhiều như vậy. Theo chia sẻ của người trong cuộc, mức tiền thượng đài trong mỗi trận đấu của họ chỉ dao động ở mức 4-6 triệu đồng. Ở một số sự kiện đặc biệt, họ mới có tiền thượng đài ở mức 12-14 triệu đồng.

Thu nhập bất ổn từ thi đấu chuyên nghiệp cũng là lý do khiến các VĐV Boxing vẫn gắn bó với thể thao thành tích cao. Thu Nhi chính là ví dụ tiêu biểu nhất, khi trong 2 năm qua, cô đã liên tục luân chuyển đến 3 đơn vị để thi đấu trong nước: Cần Thơ, Hậu Giang, Bà Rịa Vũng Tàu.

An Khánh
.
.
.