Jiu Jitsu, môn võ "tối thượng" phát triển như vũ bão tại Việt Nam

Chủ Nhật, 12/03/2023, 09:37

Được ví như vua của các môn võ hiện đại, Jiu Jitsu được phổ biến rất nhanh trên toàn thế giới. Xu hướng đó cũng đang diễn ra ở Việt Nam, khi các lớp đào tạo võ sĩ Jiu Jitsu luôn "cháy chỗ", huấn luyện viên không đáp ứng nổi nhu cầu theo học khi số học viên cứ ngày một tăng lên.

Xuất xứ Nhật Bản, phát triển từ Brazil

Quá trình hình thành và phát triển Jiu Jitsu cho thấy môn võ này mang tính quốc tế rất cao. Vốn có nguồn gốc từ Nhật Bản, Jiu Jitsu được du nhập đến Nam Mỹ trong giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Các tài liệu lịch sử ghi nhận "cha đẻ" đưa môn võ này xuất ngoại là Mitsuyo Maeda, một nhà ngoại giao kiêm võ sư Nhật Bản.

Jiu Jitsu, môn võ
Jiu Jitsu là môn võ có độ thực chiến rất cao.

Trong thời gian đầu phát triển Jiu Jitsu, Maeda gọi môn võ này là Kano Jiu Jitsu, với những thế võ phát triển từ Judo. Nhưng trong khi Judo là môn võ vật sử dụng những thế đánh ở tư thế đứng, Jiu Jitsu lại chủ yếu bao gồm những đòn đánh trong tư thế nằm. Phương pháp đấu đối kháng mới lạ này nhanh chóng thu hút người dân Nam Mỹ theo học, đặc biệt là Brazil.

Một trong những nguyên nhân giúp Jiu Jitsu nhanh chóng phổ biến tại Brazil là bởi nơi đây có cộng đồng rất đông Nhật kiều sinh sống. Theo thời gian, võ sư Maeda tiếp tục đưa thêm nhiều kỹ thuật vật phương Tây và của những môn võ khác vào Jiu Jitsu. Hệ phái đó được biết đến dưới tên gọi Jiu Jitsu Brazil (BJJ).

So với Jiu Jitsu truyền thống của Nhật Bản hay Judo, BJJ tỏ ra hữu dụng hơn hẳn trong thực chiến. Những người theo học Jiu Jitsu đều nhận định môn võ này giúp tự vệ tốt hơn hẳn, đặc biệt là trong những tình huống một đấu một. Jiu Jitsu yêu cầu người học thu hẹp khoảng cách với đối thủ, quật xuống nền đất, kiểm soát thế đánh để chiếm ưu thế.

Những người học Jiu Jitsu thường truyền nhau câu nói: "Jiu Jitsu là môn võ hiếm hoi giúp một người nhỏ bé chiến thắng đối thủ cao lớn hơn mình nhờ võ nghệ và kỹ thuật". Quả đúng như vậy, nhiều giải vô địch Jiu Jitsu không giới hạn về hạng cân từng được tổ chức. Ở đó, khán giả đã chứng kiến nhiều võ sĩ đánh bại đối thủ nặng cân hơn mình.

Ưu thế của Jiu Jitsu càng được khẳng định khi võ tổng hợp (MMA) bắt đầu xuất hiện trên các sàn đấu võ thuật quốc tế. Những người hâm mộ MMA thế hệ đầu tiên từng truyền miệng về một giải võ thuật "mở rộng" dành cho mọi hệ phái võ cuối thập niên 80 tại Mỹ. Người chiến thắng đã đánh bại 15 đối thủ liên tiếp, và anh là một võ sĩ Jiu Jitsu.

"Mốt" tại Việt Nam

So với nhiều môn võ khác như Muay hay Kickboxing, Jiu Jitsu được du nhập vào Việt Nam khá muộn. "Vua của các môn võ" mới được công chúng biết đến khoảng 10 năm gần đây. Nhưng chỉ trong thời gian ngắn, Jiu Jitsu đã cho thấy vì sao môn võ này được yêu thích trên toàn thế giới, thu hút rất đông học viên tham gia.

Một huấn luyện viên của câu lạc bộ võ thuật Vietnam Top Team cho biết các lớp dạy Jiu Jitsu luôn trong tình trạng "cháy hàng". Số lượng học viên theo học Jiu Jitsu luôn nằm trong tốp đầu, khiến các huấn luyện viên phải làm việc với cường độ tối đa. Mọi lớp học đều kín học viên, và hiếm khi có người nghỉ phép.

Có 2 nguyên nhân khiến Jiu Jitsu trở thành môn võ "mốt" tại Việt Nam vào thời điểm này. Thứ nhất, Jiu Jitsu rất hiệu quả trong khoản tự vệ một đối một. Nhu cầu học võ để bảo vệ bản thân của mọi người ngày một tăng. Thay vì chọn những môn võ thi đấu "đẹp" như trước kia, họ dần chuyển sang những môn có tính thực chiến, và Jiu Jitsu trở thành phương án tối ưu.

Bên cạnh những đòn đấm và đá như nhiều môn võ khác, Jiu Jitsu sở hữu những đòn hiểm, vô hiệu hóa đối phương nhanh chóng như khóa chân, kẹp cổ, bẻ tay. Đây là những thế võ rất hiệu quả trong việc khắc chế đối phương nếu bị tấn công trên đường phố. Dường như cũng vì lẽ đó nên không ít học viên theo học Jiu Jitsu là phụ nữ.

Thứ hai, mức độ phổ biến của Jiu Jitsu đi kèm với trào lưu phát triển MMA tại Việt Nam. Sau mùa giải đầu tiên của giải vô địch MMA Việt Nam Lion Championship, công chúng và những người làm chuyên môn đã thấy tận mắt ưu thế trong thi đấu của Jiu Jitsu. Vì lý do đó, nhiều võ sĩ đã bắt đầu tập Jiu Jitsu bên cạnh môn võ sở trường của họ.

"Tập Jiu Jitsu để thi đấu hoàn toàn khác với tập cho khỏe người, hay tự vệ thông thường", một võ sĩ chia sẻ. Người này cho biết thêm, anh đã trải qua hơn 1 năm tập Jiu Jitsu, nhưng vẫn chứng kiến khác biệt lớn khi bước vào trận đấu thực sự. Mức độ thành thạo Jiu Jitsu chính là thước đo quyết định võ sĩ đó có thể thi đấu MMA chuyên nghiệp hay không.

Đồng ý với nhận định của võ sĩ trên, một HLV MMA tại Việt Nam cũng nói một người theo học Jiu Jitsu cần 5 năm để thành thạo môn võ này. Đó cũng là lý do giải thích tại sao phần lớn võ sĩ MMA quốc tế chỉ thành danh khi đã ngoài 30 tuổi. Bên cạnh những môn võ đánh đứng như Boxing, Kickboxing hay Muay, họ cần làm chủ kỹ thuật đánh nằm của Jiu Jitsu để thành công.

Trong bối cảnh những lớp học Jiu Jitsu xuất hiện ngày một nhiều, việc quản lý, cấp chứng chỉ HLV cho môn võ này là điều cần thiết. May mắn là trong thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có một Liên đoàn phụ trách môn Jiu Jitsu. Liên đoàn Jiu Jitsu Việt Nam đã đào tạo không ít VĐV, trọng tài Việt Nam đạt chuẩn quốc tế.

Võ sĩ Jiu Jitsu Việt Nam xuất thân từ đâu?

Tương tự Kurash, phần lớn võ sĩ Jujitsu Việt Nam xuất thân từ môn Judo. Việc thành thạo những kỹ thuật vật đứng của Judo giúp họ sớm làm quen với những đòn vật, khóa siết trong tư thế nằm từ Jiu Jitsu. Một môn võ khác cũng đóng góp võ sĩ Jiu Jitsu trong thời gian đầu là Karate.

Một trong những gương mặt tiêu biểu nhất của Jiu Jitsu Việt Nam thời điểm hiện tại là Dương Thị Thanh Minh. Nữ võ sĩ sinh năm 1992 vừa trở thành học viên Việt Nam đầu tiên đạt chứng nhận Jiu Jitsu đai đen quốc tế. Trước khi đến với môn võ này, cô là thành viên của đội Judo Đà Nẵng. Thanh Minh bắt đầu thử tập Jiu Jitsu sau khi cô gặp chấn thương vai từ Judo.

"Việc chuyển sang Jiu Jitsu giúp vai tôi không phải chịu những đòn vật với lực lớn như trước nữa", Thanh Minh nói. Bù lại, Jiu Jitsu cũng khiến nữ võ sĩ 31 tuổi chịu không ít đau đớn về thể xác. Những VĐV tập Jiu Jitsu đã quá quen với cảnh giãn, thậm chí đứt dây chằng sau các buổi tập.

An Khánh
.
.
.