Hải Phòng, đội bóng của những Chủ tịch đặc biệt nhất V.League
Một CLB thường được biết đến nhờ cầu thủ, huấn luyện viên và thành tích thi đấu trên sân cỏ. Nhưng ở thành phố Cảng, nhân vật mang dấu ấn lớn nhất đến đội bóng trong 13 năm qua luôn là Chủ tịch CLB. Mỗi người mỗi vẻ, mỗi thời mỗi khác, họ đều mang đến một phần lịch sử rất riêng cho bóng đá quê hương.
Một thời hoa lửa
2008-2010 là giai đoạn hoàng kim của bóng đá Hải Phòng. Trên sân họ có Leandro, ngoại binh hay nhất lịch sử V.League. Ở băng ghế chỉ đạo là những nhà cầm quân lão luyện như Vương Tiến Dũng và Alfred Riedl. Đội bóng thành phố Cảng đứng thứ 3 V.League 2008, và giành ngôi Á quân vào năm 2010. Họ cũng gây chú ý bằng bản hợp đồng chiêu mộ Denilson.
Đó chỉ là phần nổi của 3 năm Hải Phòng xưng hùng tại V.League. Sân Lạch Tray hồi đó nổi tiếng nhờ sở hữu mặt cỏ đẹp không kém gì sân vận động quốc gia. Trên các khán đài, băng rôn, biểu ngữ chăng rợp trời với nguồn kinh phí 100% do câu lạc bộ tài trợ. Mỗi khán giả vào sân Lạch Tray xem bóng đá sẽ được phát đồ cổ vũ miễn phí, và món phụ kiện này chỉ dùng được 1 lần.
Tính sơ sơ trong mỗi trận đấu trên sân nhà, Hải Phòng chi khoảng vài trăm triệu đồng chỉ để "bao" kinh phí cổ vũ cho các CĐV. Số tiền này được bù lại phần nào bằng doanh thu từ việc bán vé. Lạch Tray nổi tiếng là một trong những sân bóng có giá vé cao nhất V.League, khi vé ngồi khán đài C, D ngày đó cũng có giá 30.000 đồng. Vé tốt khán đài A có thể là 100-120.000 đồng.
Chịu chơi trên sân nhà, Hải Phòng cũng chịu chơi không kém trong những chuyến hành quân. CLB bao tiêu chi phí đi lại cho các CĐV, thế nên mỗi trận sân khách của Hải Phòng luôn có hàng chục xe khách đi cùng. Điều đó giúp CLB thành phố Cảng tạo nên một nghịch lý ở các sân Hàng Đẫy, Mỹ Đình... khi CĐV đội khách vào sân cổ vũ còn đông hơn đội nhà!
Ai là người đứng sau một Hải Phòng rực lửa như vậy ở V.League? Đó chính là Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành. Trên cương vị Chủ tịch CLB Hải Phòng ngày ấy, ông biến Lạch Tray trở thành chảo lửa luôn chật kín 3 vạn khán giả mỗi khi đội bóng thành phố Cảng thi đấu. Vậy ông Lê Văn Thành đã làm cách nào để thu hút khán giả đến sân?
3 năm Hải Phòng xưng bá V.League gắn liền với một cái tên bất hủ: Leandro. Anh không phải ngoại binh được các CLB Việt Nam săn đón nhất trong đội hình Matsubara vô địch BTV Cup 2007, nhưng lại được Hải Phòng đặc biệt quan tâm. Tóc vàng, mắt xanh, cao lớn, điển trai, lại sở hữu kỹ thuật cá nhân thượng thừa, Leandro được đánh giá sẽ là người hùng ở thành phố Cảng, và điều đó đã trở thành sự thật.
Sau Leandro, Hải Phòng lại trở thành tâm điểm V.League một lần nữa bằng bản hợp đồng mang tên Denilson. Họ từng có thời gian khá dài theo đuổi Mohammed Kallon, chân sút từng khoác áo Inter Milan, nhưng lập tức chấm dứt đàm phán khi biết có thể đưa Denilson về. Nhà vô địch World Cup 2002 chỉ chơi đúng 1 trận trong màu áo Hải Phòng, nhưng hiệu ứng và đẳng cấp anh mang lại là điều không thể bàn cãi.
Sau này, trên cương vị Bí thư Thành ủy Hải Phòng, ông Lê Văn Thành cũng thường xuyên quan tâm đến đội bóng thành phố Cảng. Cho đến nay, Hải Phòng vẫn là một trong số những địa phương rót nhiều kinh phí nhất để duy trì và phát triển bóng đá chuyên nghiệp. Khi CLB cạnh tranh chức vô địch V.League 2016, ông Thành còn đích thân xuống sân dặn dò, động viên các cầu thủ trong đội.
Chủ tịch thích... pháo sáng
Sau thời kỳ hoàng kim, bóng đá Hải Phòng từng có thời gian dài chìm nổi dưới thời Chủ tịch Trần Mạnh Hùng. Vốn không phải người hoạt động trong lĩnh vực thể thao, bầu Hùng như một ngôi sao lạ đáp xuống V.League và tạo ra vô vàn tranh cãi. Không ít lần ông đứng lên bảo vệ quyền lợi cho đội bóng, cũng như biến CLB trở thành một hiện tượng kỳ lạ của bóng đá Việt Nam.
Danh hiệu duy nhất CLB Hải Phòng từng giành được, chức vô địch Cúp Quốc gia 2014 đến vào thời ông Hùng làm Chủ tịch. HLV trưởng của đội khi ấy là Dylan Kerr, người từng làm việc ở đội tuyển Việt Nam với tư cách HLV... thể lực. Kerr đang làm tốt công việc của mình nhưng vẫn bị ông Hùng "trảm" để đưa vị tướng trẻ Trương Việt Hoàng về. 2 năm sau khi vô địch Cúp Quốc gia, Hải Phòng trở thành Á quân V.League.
Ông Hùng "bói cá" lắm công nhưng cũng nhiều tội với bóng đá Hải Phòng, đặc biệt khi thành tích CLB sa sút những năm gần đây. Bầu Hùng ra đi, một nhân vật khác lên ngồi ghế nóng với bảng thành tích còn kỳ lạ hơn cả ông Hùng. Đó là doanh nhân Văn Trần Hoàn, người còn được biết đến với tên gọi Hoàn "pháo".
Cái tên Hoàn "pháo" đã nổi danh từ rất lâu trong cộng đồng người hâm mộ bóng đá Hải Phòng. Liên tục bị phạt vì đốt pháo sáng trên sân, ông Hoàn từng chơi trội bằng cách thuê nguyên 1 tòa nhà bên cạnh sân Lạch Tray để trèo lên sân thượng đốt cho... thoải mái. "Loại pháo sáng tôi đốt là pháo chuyên dụng của dân đi biển, thế nên có đầy đủ chứng từ, nguồn gốc xuất xứ, thậm chí có cả... hóa đơn đỏ", ông Hoàn giải thích. Cách đây vài năm, vị Chủ tịch tương lai của CLB Hải Phòng còn đề xuất lên VFF và VPF cho phép đốt pháo sáng có quy củ, tổ chức để tăng độ cuồng nhiệt trên các khán đài. Nguyện vọng này dĩ nhiên không trở thành hiện thực. Tình yêu với pháo sáng của ông Hoàn chỉ kìm hãm lại trong vài năm gần đây khi VFF xử mạnh tay với các trường hợp quá khích.
Ông Hùng "bói cá", vị Chủ tịch đa nhân cách
Hồi còn giữ cương vị Chủ tịch CLB Hải Phòng, ông Trần Mạnh Hùng rất ít khi ngồi xem đội nhà thi đấu. Thay vào đó ông thường xuất hiện ở những trận đấu thuộc giải hạng dưới như để xem giò một số cầu thủ tiềm năng cho đội trong tương lai. Quan hệ của ông với giới lãnh đạo của các CLB khác cũng tốt, đặc biệt là Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức. Không ít lần bầu Hùng và bầu Đức gặp nhau nói chuyện vui vẻ trên sân bóng. Hải Phòng cũng thường xuyên mượn được cầu thủ từ HAGL để bổ sung lực lượng.
Nhưng bầu Đức chỉ là một trong số rất ít nhân vật có thiện cảm với ông Hùng "bói cá". Không ít cầu thủ từng khoác áo Hải Phòng như thủ môn Đậu Ngọc Tân, tiền vệ Vương Quốc Trung... từng nói họ gặp khó khăn thế nào khi ký kết hợp đồng với đội bóng đất Cảng thời ông Hùng làm Chủ tịch. Bê bối lớn nhất của Hải Phòng là việc họ bị tiền đạo Errol Stevens kiện ra tòa và đòi bồi thường 200.000USD.