Góc khuất đằng sau cụm từ thể thao chuyên nghiệp

Thứ Hai, 30/10/2023, 07:57

Việt Nam chưa có nhiều VĐV thường xuyên thi đấu ở các môn thể thao chuyên nghiệp như tennis, billiards, cầu lông, boxing. Đằng sau việc họ không sẵn sàng "cháy hết mình" với sân chơi chuyên nghiệp là những câu chuyện về cuộc sống cùng nỗi lo về cơm áo gạo tiền.

Giá trị của thể thao "nghiệp dư"

Cụm từ thể thao chuyên nghiệp được nhắc đến nhiều trong một vài năm qua. Không ít ông bầu, huấn luyện viên nhắc tới thể thao chuyên nghiệp như một xu hướng tất yếu, nơi VĐV có thể kiếm được số tiền lên tới hàng tỷ/năm. Vậy thể thao chuyên nghiệp là gì, và khác thể thao nghiệp dư như thế nào?

Dưới góc nhìn của giới chuyên môn, "thể thao nghiệp dư" là cụm từ chung để chỉ những VĐV đang thi đấu trong hệ thống thể thao thành tích cao. Nói cách khác, họ là những người tập luyện, thi đấu cho một đơn vị, địa phương nhất định; đồng thời tham dự các giải đấu nằm trong hệ thống của Ủy ban Olympic.

Đấu trường lớn nhất của sân chơi thể thao nghiệp dư chính là Thế vận hội. Có nhiều lý do khiến phần lớn VĐV thể thao của Việt Nam hiện thi đấu theo hệ thống thể thao nghiệp dư. Thứ nhất, theo bối cảnh lịch sử, các VĐV từ thời bao cấp thường là công nhân, cán bộ, viên chức nhà nước.

Góc khuất đằng sau cụm từ thể thao chuyên nghiệp -0
Võ sĩ Nguyễn Thị Thu Nhi đã bỏ Boxing chuyên nghiệp để trở lại thi đấu nghiệp dư.

Hệ thống thể thao thành tích cao được Nhà nước bao cấp trong thời gian dài, trên thực tế, vẫn còn tồn tại đến ngày nay. VĐV được hưởng lương, chế độ theo chính sách của Nhà nước. Đây cũng là lý do thứ hai khiến các VĐV thể thao Việt Nam thường gắn bó với hệ thống thể thao thành tích cao.

Trong trường hợp VĐV được các trung tâm thể thao của đơn vị hoặc địa phương quản lý, họ sẽ được hưởng nhiều ưu đãi. Thứ nhất, VĐV, và cả HLV sẽ có tiền ăn tập hằng tháng. Có thể xem đây như một khoản lương ổn định giúp VĐV duy trì cuộc sống. Phần lớn các VĐV có lương tháng trung bình vào khoảng 8-10 triệu đồng.

Mức thu nhập ổn định bất chấp biến động của kinh tế là lý do khiến nhiều VĐV quyết định gắn bó lâu dài với thể thao thành tích cao. Họ chấp nhận bị gắn mác VĐV nghiệp dư, thay vì trải nghiệm sân chơi chuyên nghiệp, nơi VĐV phải tự túc mọi khoản chi tiêu để hướng đến sân chơi lớn nhất.

Trong môn cầu lông, Thùy Linh không phải VĐV duy nhất du đấu nước ngoài mà không có HLV đi cùng. Xét về mặt lý thuyết, Thùy Linh vẫn là VĐV nằm trong hệ thống thể thao thành tích cao. Cô vẫn tham dự các giải vô địch quốc gia cũng như SEA Games, ASIAD và Olympic. Đây là những giải đấu Thùy Linh được ngân sách Nhà nước bao cấp, và cô luôn có HLV đi cùng.

Tuy nhiên, những giải đấu chuyên nghiệp nằm trong hệ thống của Liên đoàn Cầu lông Thế giới (BWF) lại là câu chuyện khác. Tại Việt Nam, những giải đấu này được xếp vào nhóm giải chuyên nghiệp, hoặc xem như "giải giao hữu quốc tế". Vì thế, các đơn vị chủ quản chỉ có thể hỗ trợ một phần trong khả năng của họ, và VĐV phải tự túc.

Nghèo vì thể thao chuyên nghiệp

Mọi người thường nhắc nhiều đến việc VĐV phải lên sân chơi chuyên nghiệp thay vì nghiệp dư. Nhưng cuối cùng, điều quan trọng là VĐV nhận về bao nhiêu tiền mỗi tháng. Với cá nhân mình, tôi chọn thi đấu ở sân chơi nghiệp dư chứ không đấu chuyên nghiệp nữa". Đó là chia sẻ của một tuyển thủ Boxing quốc gia khi được hỏi về khả năng thi đấu chuyên nghiệp trong tương lai.

Trên thực tế, VĐV này từng đầu quân cho một CLB võ thuật chuyên nghiệp tại TP Hồ Chí Minh. Đằng sau những lời quảng cáo hào nhoáng như chế độ ăn uống khoa học, hay tập luyện cùng HLV và thiết bị hiện đại... là một mức thu nhập không đáng với công sức bỏ ra. VĐV này nhận lương 15 triệu đồng/tháng khi đầu quân cho CLB, cùng nghĩa vụ phải đứng lớp dạy để lương không bị cắt giảm.

Áp lực phải vừa tập luyện, vừa thi đấu, đồng thời đứng lớp cùng mật độ dày đặc tới mức không có thời gian nghỉ ngơi là nguyên nhân khiến VĐV này cảm thấy quá tải. Không lâu sau đó, anh cũng thông báo chia tay CLB, đồng thời để ngỏ khả năng sẽ không bao giờ thi đấu Boxing chuyên nghiệp nữa.

Trở lại đội tuyển Boxing quốc gia, VĐV này được nhận mức đãi ngộ từ địa phương và cả đội tuyển. Anh hài lòng với khoản lương hằng tháng dao động vào khoảng 18-20 triệu đồng. Bên cạnh đó, VĐV này còn có thêm tiền thưởng, cũng như bồi dưỡng chế độ khi thi đấu tại các giải vô địch quốc gia và quốc tế.

Trên thực tế, sân chơi thể thao chuyên nghiệp còn mới mẻ tại Việt Nam. Các CLB thể thao chuyên nghiệp cũng chưa nhiều, và có mức đãi ngộ rất khác giữa các CLB. Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam đã xuất hiện một vài CLB võ thuật chuyên nghiệp có chế độ tốt tới mức VĐV muốn "xếp hàng ứng tuyển", nhưng số người được chọn là rất ít.

Trái ngược với CLB võ thuật trên là hằng hà sa số những nơi được gắn mác "thể thao chuyên nghiệp", nhưng VĐV tập luyện tại đây không được hưởng đãi ngộ xứng đáng với nỗ lực. Có những CLB thường xuyên mua đồ ăn nhanh và nước ngọt có ga trong bữa ăn dành cho VĐV. Thật khó tưởng tượng VĐV có thể thi đấu ra sao với chế độ ăn uống thiếu khoa học đó.

Một rủi ro khác luôn chờ chực VĐV khi tập luyện, thi đấu là nguy cơ gặp chấn thương. Rất ít CLB sẵn sàng đứng ra hỗ trợ, chi trả cho những VĐV không may bị đau khi tập luyện, thi đấu. Cách những CLB đối xử với VĐV của mình khi họ sa cơ lỡ vận chính là cơ hội tốt nhất để đánh giá về sự tử tế của CLB, nơi chữ "chuyên nghiệp" không chỉ là hình thức.

Ngăn cản VĐV thi đấu chuyên nghiệp

Với các trung tâm huấn luyện thể thao của địa phương, họ có một lý do để không muốn VĐV của mình thi đấu thể thao chuyên nghiệp, nhất là trong các môn võ. Khác với sân chơi thể thao thành tích cao, võ thuật chuyên nghiệp có mức độ khốc liệt lớn hơn rất nhiều. Khả năng gặp chấn thương trong tập luyện, thi đấu vì thế cũng tăng lên.

Trong bối cảnh các môn thể thao chuyên nghiệp dần xuất hiện nhiều sự kiện tại Việt Nam, một số địa phương đã ra quy định hạn chế VĐV của mình thi đấu. Theo đó, VĐV chỉ được phép tự do tham dự những giải đấu cấp độ "hội làng", không cần đến Sở Văn hóa - Thể thao của bất kỳ địa phương nào cấp phép tham dự.

Ở chiều ngược lại, những sự kiện lớn hơn, cần có giấy phép từ cấp Sở trở lên, VĐV phải được trung tâm huấn luyện thể thao của địa phương cấp phép thi đấu. Đây là nguyên nhân khiến một số VĐV của địa phương không thể tham gia sân chơi thể thao chuyên nghiệp, nhưng họ chỉ có thể tranh tài ở những giải "hội làng".

An Khánh
.
.
.