Giữ nhịp sống thể thao
Khi nhiều lĩnh vực đã bắt đầu thích nghi với tình hình mới của dịch COVID-19 thì thể thao cũng không là ngoại lệ. Trong đó, việc tổ chức các giải đấu trong tình hình dịch COVID-19 cũng được cân nhắc thực hiện thí điểm để tìm ra mô hình chuẩn tổ chức, qua đó giữ nhịp sống cho thể thao thay vì “đóng cửa” - chỉ tập luyện mà không thi đấu.
Hàng loạt giải thể thao ở chế độ chờ
Khoảng từ tháng 5 hằng năm thường là lúc các giải trẻ, giải vô địch quốc gia trong hệ thống thi đấu thể thao thành tích cao Việt Nam được tổ chức. Ước tính, trong năm 2021, thể thao thành tích cao Việt Nam có gần 200 giải đấu cấp quốc gia. Nhưng đến nay, mới có 46 giải đấu được tổ chức.
Từ tháng 5 cũng là lúc dịch COVID-19 diễn biến phức tạp dẫn đến nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội ở các cấp độ khác nhau. Điều này khiến nhiều giải đấu thể thao phải lùi thời gian tổ chức, hoãn, hủy. Trong số này, 2 giải đấu gây chú ý nhất là Giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam (VBA) và Giải Bóng đá chuyên nghiệp vô địch quốc gia (V-League) đã phải dừng giữa chừng.
Đáng chú ý, VBA 2021 đã trở thành giải đấu đầu tiên ở Việt Nam áp dụng phương án tổ chức theo hình thức bong bóng – hình thức thi đấu đã được Giải bóng rổ nhà nghề Mỹ áp dụng thành công trong điều kiện dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Với hình thức tổ chức thi đấu này, các đội và Ban tổ chức giải, giới truyền thông đều trú tại một khách sạn gần nhà thi đấu.
Tại khách sạn, mỗi đội bóng, Ban tổ chức cùng tổ trọng tài được ở một tầng riêng biệt và việc di chuyển giữa các tầng được hạn chế đến mức tối đa. Tương tự, đội ngũ truyền thông cũng ở tách biệt. Từng nhóm phải tuân thủ những nguyên tắc riêng để hạn chế tiếp xúc với nhóm còn lại.
Về việc ăn uống, các đội bóng được chia giờ để hạn chế ăn cùng nhau. Tại nhà hàng, mỗi đội cũng được ngồi ở một khu vực riêng biệt.
Trong khi đó, từ nơi ở đến nơi tập luyện, thi đấu, các đội đều bảo đảm “một cung đường, hai điểm đến”. Tại địa điểm thi đấu cũng áp dụng các quy định phòng dịch nghiêm ngặt. Ngoài ra, việc xét nghiệm COVID-19 diễn ra định kỳ và ngay khi đặt chân vào “bong bóng", mọi nhân sự đều phải cách ly tại phòng trong 14 ngày đầu tiên và lấy mẫu xét nghiệm 3 lần. Tương tự, đối với toàn bộ nhân sự bên trong “bong bóng", việc lấy mẫu xét nghiệm diễn ra định kỳ.
Thực tế, việc thi đấu tập trung tại một địa điểm, sinh hoạt tập trung tại một nơi kết hợp với việc xét nghiệm liên tục được xem là cách làm hiệu quả nhất để tổ chức giải trong điều kiện dịch COVID-19. Với cách làm này, tưởng như VBA 2021 sẽ đi đến đích nhưng rồi dịch bùng phát mạnh mẽ ngay khu vực gần địa điểm thi đấu dẫn đến phải cách ly xã hội theo mức cao nhất khiến giải phải dừng giữa chừng.
Còn V-League–2021 sau thời gian dài gián đoạn và cũng từng tính đến việc tổ chức thi đấu tập trung nhưng dưới sức ép của một số đội bóng nhóm dưới, Ban tổ chức giải đấu đành chấp nhận phương án hủy giải đấu.
Cả hai giải đấu trên bị hủy khiến nhà tổ chức thiệt hại không ít tiền trong đó riêng VBA 2021 ước tính thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Còn thiệt hại đối với nhà tổ chức V-League cũng không hề nhỏ khi không thể thực hiện được hết quyền lợi cho nhà tài trợ.
Ước tính, còn hàng chục giải đấu khác cũng phải lùi lịch thi đấu để chờ dịch lắng xuống rồi tổ chức. Riêng các giải trẻ đã bị hủy. Và như người trong nghề tính toán vào dịp cuối năm nay, khi dịch bệnh dự kiến được kiểm soát, hệ thống thi đấu quốc gia sẽ rơi vào cảnh bội thực giải đấu. Điều này cũng sẽ tương tự vào dịp cuối năm ngoái khi các giải đấu được tổ chức cấp tập do trước đó bị hoãn vì tình hình dịch phức tạp.
Không thể bị động trước dịch
Dù sao, nếu chỉ chờ dịch COVID-19 bị kiểm soát hoàn toàn rồi tổ chức giải thì chính những người làm thể thao thành tích cao sẽ rơi vào trạng thái bị động, không thể giải quyết được vấn đề chuyên môn cơ bản là phải tổ chức thi đấu để đánh giá chính xác năng lực, phong độ của VĐV và tìm kiếm nhân tố mới cho đội tuyển quốc gia.
Trong chia sẻ gần đây, HLV đội tuyển điền kinh Hà Nội – kỷ lục gia marathon Việt Nam Nguyễn Chí Đông cũng cho rằng: “Bản thân những người làm công tác huấn luyện như chúng tôi cũng đều sốt ruột vì VĐV không có điều kiện dự giải trong hệ thống thi đấu quốc gia do tình hình dịch bệnh. Chúng tôi mong ngóng từng ngày việc tổ chức lại các giải đấu đã bị hoãn”.
Và dù các HLV, VĐV không nói ra thì ngoài yếu tố chuyên môn, việc đạt huy chương tại Giải vô địch quốc gia cũng mang lại tiền thưởng cho HLV, VĐV, nhất là với HLV, VĐV ở những đơn vị có mức tiền thưởng cho huy chương Giải vô địch quốc gia cao như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Ninh Bình…
Tất cả để thấy, việc tham dự giải đấu là nhu cầu của các đơn vị, các HLV, VĐV và việc tổ chức giải đấu cũng là yêu cầu đối với những nhà quản lý phía Tổng cục TDTT, Liên đoàn Thể thao quốc gia. Nếu không, tất cả sẽ không thể tránh khỏi thụt lùi. Trong khi đó, ngay ở nhiều nước Đông Nam Á trong đó có Thái Lan, Singapore, các giải đấu vẫn được tổ chức và đương nhiên, đó là lợi thế lớn so với những nền thể thao phải hoạt động cầm chừng trong thời gian dài vì dịch COVID-19 như Việt Nam.
Không kể, hiện tại, nhiều địa phương đã thực hiện tiêm vaccine cho VĐV để có thể đáp ứng yêu cầu của BTC giải. Trong số này, rõ nhất là thể thao Hà Nội đã tiêm đủ mũi 1 vaccine phòng COVID-19 và đang tiến hành hoàn thành tiêm mũi 2 cho hơn 1.500 cán bộ, HLV, VĐV, nhân viên trong diện được tiêm.
Thực tế, giải pháp “thẻ xanh COVI-19” (dành cho người đã được tiêm đủ mũi vaccine phòng COVID-19, người đã được chữa khỏi COVID-19, có xét nghiệm COVID-19 trước 72 giờ khi đến địa điểm mới) đang được nhắc đến để áp dụng vào nhiều lĩnh vực, coi như điều kiện cơ bản đối với những người muốn tham gia hoạt động đông người ở lĩnh vực đó. Vì thế ngành Thể thao hoàn toàn có thể cân nhắc để thực hiện trong việc tổ chức giải đấu.
Còn trước mắt, cuộc họp gần đây của Tổng cục TDTT về việc tổ chức các giải đấu quốc gia đã thống nhất việc sẽ tổ chức thí điểm 1-2 giải vào thời gian tới trong điều kiện dịch COVID-19. Rõ ràng, những nhà quản lý đã phần nào thể hiện sự chủ động trước dịch COVID-19. Đến đây mới thấy tiếc cho V-League phải hủy giữa chừng, khi hoàn toàn có thể đi tiên phong trong việc thí điểm tổ chức giải trong điều kiện có dịch COVID-19. Có điều, khi không có sự đồng thuận, sự quyết liệt và quyết đoán từ phía chịu trách nhiệm với giải đấu thì cũng phải chấp nhận phương án này.
Tất nhiên, quá trình tổ chức thí điểm các giải thể thao trong thời gian tới sẽ không dễ, cần đến sự phối hợp tốt của địa phương đăng cai, sự tuân thủ nghiêm ngặt của các đoàn tham dự nhưng người có trách nhiệm hoàn toàn có thể tham khảo từ mô hình của VBA – 2021 cũng như cập nhật các giải pháp về y tế để bảo đảm an toàn tối đa cho người tham dự.
Phụ trách bộ môn bóng rổ Hà Nội Đào Văn Kiên cũng nhận định, cần thiết phải thí điểm để tìm ra mô hình mẫu. Nếu không, các hoạt động của thể thao thành tích cao nói chung và bóng rổ nói riêng sẽ “giậm chân tại chỗ”.
Như Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT - ông Trần Đức Phấn cho biết: "Có thí điểm tổ chức một số giải thể thao quốc gia của một số môn mới biết được việc tổ chức giải đấu trong giai đoạn dịch COVID-19 như thế nào”. Rõ ràng, “phải đi mới đến”, mới giữ được nhịp sống cho thể thao thành tích cao Việt Nam.