Đôi chân đeo chì của các tài năng trẻ Việt Nam

Chủ Nhật, 24/07/2022, 10:08

Trong một cuộc tọa đàm với sinh viên, ông Nguyễn Đắc Văn - một người đại diện cầu thủ ở Việt Nam nhắc đến việc Nguyễn Hoàng Đức, ngôi sao đội tuyển quốc gia không thể xuất ngoại. Ông cho rằng ở tuổi 24, Hoàng Đức vẫn loay hoay với ràng buộc hợp đồng cùng CLB chủ quản Viettel. Và thực tế, Nguyễn Quang Hải - cầu thủ mà ông đại diện cũng chỉ bắt đầu cho giấc mơ ra nước ngoài chơi bóng ở tuổi 25.

Những bản hợp đồng “trói buộc”

Cầu thủ Việt Nam có 3 mốc tuổi quan trọng trong cuộc đời. Đó là 18, 23 và 25. Ở tuổi 18, như bao ngành nghề khác trong xã hội, các cầu thủ trẻ đủ tư cách để ký một hợp đồng chuyên nghiệp. Đó cũng là cột mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành trong năng lực và bước chuyển mình trên diện pháp lý với cầu thủ Việt Nam.

anh 1.jpeg -0
Quang Hải xuất ngoại khi đã 25 tuổi.

Sang tuổi 23, hợp đồng chuyên nghiệp của cầu thủ Việt Nam được nâng tầm lên một cấp độ cao hơn. Họ bắt đầu có những khoản lót tay cho riêng mình. Khoản tiền từ 1-2 tỷ đồng/năm với một mức lương cao hơn là chuyện phổ biến với các cầu thủ. Đây cũng là ranh giới quan trọng trong nghề quần đùi áo số. Bởi họ không còn được coi là cầu thủ trẻ, được thi đấu cho các đội tuyển U (U15, U17, U19 hay U23) trong sự nghiệp.

Với nhiều CLB Việt Nam, khi bước sang tuổi 23, các cầu thủ bắt đầu được phép rời khỏi đội bóng do chính mình đào tạo. Sông Lam Nghệ An là điển hình cho điều đó. Nhiều tài năng trẻ của đội bóng xứ Nghệ lựa chọn việc ra đi khỏi đội bóng ở mốc tuổi này. Nguyễn Trọng Hoàng, Ngô Hoàng Thịnh là ví dụ tiêu biểu nhất. Họ ra đi không hẳn vì không yêu SLNA. Đơn thuần, việc lựa chọn một CLB khác giúp họ có lương tốt hơn, lót tay nhiều hơn so với SLNA, đội bóng vốn dĩ thắt lưng buộc bụng về tài chính trong nhiều năm đề nghị.

Cũng có những cầu thủ sớm có tư tưởng rằng, nghề nghiệp của mình cũng chỉ trải qua đôi ba lần lót tay. Nhìn những người đàn anh của mình như Công Vinh, Hồng Sơn, Như Thành nhận vài chục tỷ, họ cũng xem như việc nhận lót tay từ việc chuyển nhiều CLB qua giai đoạn trung bình 2-3 năm/lần là chuyện tất lẽ dĩ ngẫu. Nhưng trên bàn đàm phán, CLB có “sỏi” hơn cầu thủ.

Trở lại cột mốc tuổi 18, các cầu thủ tuy trưởng thành về tâm sinh lý nhưng chưa chín chắn về suy nghĩ và trải đời. Cầu thủ Việt Nam thời điểm đó cũng chưa có người đại diện sẵn sàng tư vấn họ về mặt pháp lý. Và dĩ nhiên, các đội bóng chủ quản ở Việt Nam đều muốn giữ chân tài năng do mình đào tạo càng lâu càng tốt với một chi phí lương và lót tay vừa phải.

Vậy là nhiều CLB “trói chân” cầu thủ theo diện 2 năm hoặc thậm chí là 5 năm. Dần dà trong vòng 5 năm trở lại đây, nhiều cầu thủ chỉ chia tay đội bóng khi đã 25 tuổi hoặc thậm chí là 27, 28 tuổi. Các cầu thủ này tất nhiên vẫn sẽ nhận lót tay và lương cao hơn so với giai đoạn dưới 23 tuổi.

Khoản thu nhập này tùy vào hợp đồng họ ký kết với CLB. Nhưng tất nhiên, chế độ không thể nào ở ngưỡng 2,5 - 3 tỷ/năm; lương từ 30-40 triệu đồng/tháng! Dẫu vậy, ngay cả khi biết điều đó, các cầu thủ trẻ ở Việt Nam cũng chẳng thể nào từ chối được. Bởi đó là câu chuyện chung của cả nền bóng đá Việt Nam. Và ở tâm thế vẫn còn vô danh cùng được CLB chủ quản nuôi ăn, dạy dỗ, họ cũng phải chấp nhận đổi thêm vài năm thanh xuân của mình cho phí “trung thành”.

Giấc mơ xuất ngoại ở tuổi hết tiềm năng

Vài ngày trước, ông Nguyễn Đắc Văn, người đại diện cho một số cầu thủ Việt Nam và đã đưa Văn Hậu, Quang Hải sang châu Âu chơi bóng có nói thế này: “Như trường hợp của Hoàng Đức. Gần đây, tôi hay tin một CLB Hàn Quốc liên hệ. Nhưng Hoàng Đức làm sao đi được đây. Muốn đi học hỏi nâng cao trình độ thì tôi nghĩ cầu thủ Việt Nam nên ra đi ở tầm tuổi 18-20 là hợp lý. Thực sự 25 tuổi là “già” rồi”.

Ý ông Văn không phải mỉa mai Hoàng Đức. Mà chính ông nhận ra vấn đề trong việc đưa cầu thủ Việt Nam sang nước ngoài chơi bóng trong vài năm gần đây. Suốt từ năm 2015 cho đến nay, 6 tuyển thủ quốc gia đã ra nước ngoài chơi bóng. Trong số này, Công Phượng, Xuân Trường thậm chí xuất ngoại tới 2-3 lần.

Nhưng thực tế, trước khi Quang Hải hết hợp đồng với Hà Nội FC để tự do sang Pau FC chơi bóng thì cũng chỉ có Đặng Văn Lâm xuất ngoại theo cách tương tự. Chính xác hơn, Muangthong United trả Hải Phòng tới hơn 10 tỷ đồng để có được Văn Lâm. Rồi chính những tranh cãi về thu nhập đã giúp Văn Lâm tự do rời Muangthong United một cách đúng luật để đầu quân cho Cerezo Osaka của Nhật Bản.

4 trường hợp còn lại, từ Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh đến Văn Hậu đều ra nước ngoài theo diện cho mượn. Và điều đó giới hạn rất nhiều khả năng và nỗ lực thể hiện mình ở CLB nước ngoài của họ. “Nhiều CLB ở Việt Nam ký hợp đồng đào tạo với cầu thủ đến 25 tuổi. Các CLB nước ngoài không sẵn sàng bỏ tiền ra mua một cầu thủ còn tới 4-5 năm hợp đồng cả. Trừ khi anh là Ronaldo hay Messi - những người có thể mang về giá trị rất lớn về chuyên môn lẫn kinh tế”, ông Đắc Văn nói.

“ Văn Hậu đã không may mắn vì ảnh hưởng của COVID-19. Lúc đó, các giải đấu ở Hà Lan bị dừng lại, hệ quả là các CLB gặp vấn đề tài chính. Trong khi đó, Hà Nội FC muốn lấy lại Văn Hậu. Tôi không thể làm khác vì Văn Hậu vẫn là người của Hà Nội FC. Nếu Văn Hậu có thể ở lại Heerenveen thì giá trị của cậu ấy còn cao hơn. Một điều cần phải nói, đó là khi Văn Hậu đến Hà Lan, trong hợp đồng còn yêu cầu cậu ấy phải về đá SEA Games. Đó là thiệt thòi lớn. Từ sự việc của Văn Hậu, tôi cũng rút ra nhiều kinh nghiệm. Thực sự làm sao bây giờ nói Quang Hải ký với Hà Nội FC rồi đội tạo điều kiện xuất ngoại được. CLB nước ngoài họ không làm việc như thế”.

Ông Văn đã rút kinh nghiệm từ chính trường hợp của Văn Hậu để giúp Quang Hải đi theo một lộ trình khác với tỷ lệ thành công cao hơn. Nhưng ông cũng không thể thắng được thực tế hiện tại của nhiều CLB tại V.League trong cách “trói chân” cầu thủ. Quang Hải suy cho cùng dù ra đi theo diện tự do cũng đã ở tuổi 25. Chính ông Văn cũng tự nhận rằng, 25 tuổi thì thực sự “già” để kỳ vọng vào một bước nhảy vọt lớn cho chính cầu thủ ấy và cả nền bóng đá này.

Suy cho cùng, việc xuất ngoại không chỉ nằm ở phía khát khao cầu thủ, quan hệ của người đại diện mà còn là cả cái tầm của CLB. Về điều này, Việt Nam đang thua Thái Lan, nơi mà những gương mặt mười tám đôi mươi đã được tạo điều kiện xuất ngoại, thậm chí là những lần ra đi theo diện “mua đứt bán ngọn”.

CLB nước ngoài khó mua cầu thủ hết tiềm năng

Nhà môi giới Jernej Kamensek – người từng đưa Omar, Ceh, HLV Petrovic đến Việt Nam và suýt giúp Văn Thanh sang châu Âu cách đây 5 năm cho rằng cầu thủ Việt Nam, trong đó có trường hợp của Quang Hải nên xuất ngoại từ năm 19-20 tuổi.

Ông Kamensek phân tích: “Tôi tin rằng ngay cả khi Quang Hải xuất ngoại ở tuổi 30, cậu ấy vẫn sẽ tiến bộ. Môi trường bóng đá chuyên nghiệp ở nước ngoài, dù là hạng đấu thấp vẫn cao hơn so với mặt bằng V.League.

Dẫu vậy, mấu chốt trong câu nói của tôi là nếu cậu ấy xuất ngoại khi còn trẻ thì Quang Hải sẽ có nhiều thời gian hơn để thích nghi với đẳng cấp bóng đá cao hơn ở nước ngoài cũng như có nhiều cơ hội để tiến xa hơn. Phải thừa nhận rằng 25 tuổi là một cột mốc rất muộn cho cầu thủ từ nền bóng đá ít tên tuổi như Việt Nam sang một giải đấu phát triển hơn. Bản thân các CLB nước ngoài có xu hướng thích những cầu thủ trẻ, có tiềm năng với giá trị thấp”.

An Khánh
.
.
.