Đi tìm quy định chuyển nhượng điền kinh phù hợp

Thứ Năm, 11/01/2024, 08:27

Những quy định chặt chẽ của Liên đoàn Điền kinh Việt Nam nhằm hạn chế tối đa chuyện chèo kéo VĐV, “ngắt ngọn” của đơn vị này với đơn vị khác được áp dụng đang phát huy tác dụng nhất định. Tất nhiên, trong sự phát triển của thể thao vẫn sẽ cần xem xét thêm ở nhiều khía cạnh khác.

Giữ người cho nơi đào tạo

Gần đây, trường hợp chân chạy ngắn nổi tiếng Lê Tú Chinh xin nghỉ thi đấu ở đội điền kinh TP Hồ Chí Minh đã gây chú ý trong dư luận.

2012020huyen2.jpg -0
VĐV Lê Tú Chinh khi còn thi đấu cho điền kinh TP Hồ Chí Minh.

Đáng chú ý, cô gái vàng một thời trên đường chạy ngắn của điền kinh Việt Nam cũng như TP Hồ Chí Minh còn 2 năm trong hợp đồng với ngành Thể thao TP Hồ Chí Minh. Ở độ tuổi 27, dù từng bị chấn thương nặng, phải nghỉ thi đấu cả năm song Lê Tú Chinh vẫn là cái tên được nhiều đơn vị chú ý, mong có trong đội hình. Năm 2023, sau 1 năm phẫu thuật và hồi phục thể lực, Lê Tú Chinh được trở lại đội tuyển điền kinh Việt Nam đồng thời được tham dự SEA Games 32 ở Campuchia. Tại SEA Games 32, Lê Tú Chinh tham dự nội dung tiếp sức 4x100m nữ và giành HCB. Tại giải điền kinh vô địch quốc gia 2023, Lê Tú Chinh không tham dự do cần thêm thời gian để tránh tái phát chấn thương.

Hiện tại, dù vẫn còn hợp đồng nhưng Lê Tú Chinh đã được ngành Thể thao TP Hồ Chí Minh chấp thuận cho nghỉ thi đấu theo nguyện vọng cá nhân, không hưởng các chế độ của đơn vị từ ngày 1/1/2024. Trong thời gian tới, nếu được ngành Thể thao TP Hồ Chí Minh cho phép tới đơn vị khác thì cô vẫn sẽ phải chấp nhận không có thành tích được tính huy chương trên đường chạy ở hệ thống thi đấu quốc gia trong vòng 24 tháng kể từ khi chuyển nhượng theo quy định của Liên đoàn Điền kinh Việt Nam.

Quy định này đã được nêu rõ, nhất là trong điều lệ thi đấu các giải điền kinh quốc gia. Theo đó, trường hợp VĐV chuyển nhượng từ đơn vị này sang đơn vị khác thì phải hoàn tất hồ sơ theo quy định và phải đủ thời gian 24 tháng (tính từ ngày chuyển nhượng) thì mới được thi cho đơn vị mới. Các VĐV chuyển nhượng chưa đủ 24 tháng sẽ không được thi đấu chính thức tranh huy chương, nhưng vẫn được thi đấu kiểm tra để công nhận thành tích, đẳng cấp và kỷ lục; VĐV đa quốc tịch (có quyền công dân của hai hay nhiều quốc gia), muốn về thi đấu cho một đơn vị nào đó thì vận động viên đó cần có tối thiểu 90 ngày liên tục ở Việt Nam gần nhất tính đến ngày tổ chức giải... Ngoài ra, quy định cũng ghi rõ, VĐV trước đây đã thi cho một đơn vị, nay vì bất kỳ lý do gì mà chuyển sang thi cho một đơn vị khác, thì đều được coi là chuyển nhượng.

Như thế, đơn vị nào đó muốn có Lê Tú Chinh sẽ phải “vắt chân” để làm việc với đơn vị chủ quản hiện nay của Lê Tú Chinh, qua đó kịp cho cô gái này có thể dự Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2026 - một trong những mục tiêu quan trọng về dài hạn của các đơn vị, địa phương hiện nay.

Gần đây nhất, một trường hợp cũng gây chú ý trong làng điền kinh Việt Nam là việc chuyển đơn vị thi đấu của chân chạy rào Huỳnh Thị Mỹ Tiên khi cô chuyển đến đơn vị mới là Đồng Nai. Trước đó, Huỳnh Thị Mỹ Tiên đã hết hợp đồng với đơn vị Vĩnh Long và chuyển tới Đồng Nai. Dù việc chuyển tới Đồng Nai hoàn toàn “yên ả” với sự chia sẻ của đơn vị cũ Vĩnh Long, tuy nhiên, ở đơn vị mới, căn cứ theo quy định của của Liên đoàn Điền kinh Việt Nam, Huỳnh Thị Mỹ Tiên chỉ có thể thi đấu kiểm tra ở các giải đấu thuộc hệ thống thi đấu quốc gia trong năm 2023 và 2024.

Theo lý giải của Liên đoàn Điền kinh Việt Nam, nếu không có quy định chặt chẽ, rất dễ xảy ra vấn đề các đơn vị mạnh có kinh phí lớn sẽ “hớt ngọn”, không chăm chút cho hệ thống đào tạo mà chỉ chăm chăm tìm VĐV mạnh của nơi khác. Việc đặt ra quy định, đặc biệt là khoảng thời gian 24 tháng sau khi được chuyển nhượng cũng nhằm ngăn ngừa các trường hợp chèo kéo, chuyển nhượng VĐV không phù hợp…

Xem xét tìm lối đi phù hợp nhất

Việc ngăn ngừa các trường hợp chèo kéo, chuyển nhượng VĐV không phù hợp cũng là việc bất đắc dĩ nhưng tất cả đều có lý do. Trước đây, không ít địa phương đã mất công, tiền của để đào tạo VĐV nhưng rồi do chế độ đãi ngộ nên không giữ được VĐV trước các đơn vị khác. Đáng chú ý, ở những cuộc chuyển nhượng thế này, đơn vị đào tạo thường chịu thiệt vì không nhận được phí bồi thường về đào tạo VĐV, thậm chí bị ảnh hưởng đến thành tích chung. Trong khi đó, đơn vị muốn có VĐV lại không muốn chi tiền bồi thường chi phí đào tạo.

Thế nên quy định về chuyển nhượng của Liên đoàn Điền kinh Việt Nam mới được đưa ra để hạn chế tối đa các trường hợp chèo kéo VĐV, giúp các đơn vị yên tâm đào tạo VĐV. Thực tế hiện nay, việc chi ra vài trăm triệu đồng lót tay cùng mức lương tháng 30-40 triệu đồng để có một VĐV điền kinh hàng đầu quốc gia vẫn là quá ít so với công sức, chi phí đào tạo VĐV.

Tất nhiên, về mặt nào đó, nếu VĐV đến đơn vị mới với sự đồng thuận của đơn vị cũ hoặc hết hợp đồng với đơn vị cũ và được chuyển đến đơn vị mới thì quy định chỉ được thi đấu kiểm tra trong 24 tháng có còn phù hợp? Phụ trách bộ môn điền kinh (Cục TDTT), Tổng thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng phân tích ở khía cạnh khác: “Đơn cử trong nội dung tiếp sức, nếu một đơn vị chuyển nhượng 2 VĐV mạnh nhất mang thì xem như đơn vị cũ bị “gãy” thành tích. Đồng thời, sẽ xảy ra trường hợp các đơn vị mất quân và không đủ nguồn lực nên bỏ luôn đào tạo nội dung tiếp sức. Từ đó làm mất phong trào ảnh hưởng đến sự phát triển của điền kinh nói chung”.

Nhưng đây chỉ là một khía cạnh của vấn đề nên Liên đoàn Điền kinh Việt Nam cũng khẳng định sẽ tiếp tục thảo luận về câu chuyện chuyển nhượng VĐV trong cuộc họp của Ban Chấp hành Liên đoàn trong tháng 1 này theo hướng bảo đảm công bằng, phù hợp nhất cho các đơn vị, nhất là đơn vị đào tạo VĐV cũng như các VĐV.

Thời gian qua, điền kinh Việt Nam đã không còn những ồn ào trong chuyển nhượng VĐV. Nhưng rõ ràng luôn có sự vận động không ngừng nghỉ trong đời sống của thể thao nói chung, điền kinh nói riêng, đặc biệt có thể là sự xuất hiện của các câu lạc bộ điền kinh chuyên nghiệp trong tương lai. Cho nên việc xem xét các quy định để bảo đảm lợi ích các bên, đơn vị đào tạo VĐV – VĐV – đơn vị muốn chuyển nhượng VĐV vẫn luôn cần thiết.

Không thiếu nỗi lo

Một số chuyên gia điền kinh đã bộc lộ lo ngại về câu chuyện chuyển nhượng VĐV khi nơi chiêu mộ thì không muốn chi tiền, nơi đào tạo thì muốn giữ VĐV ở lại để tận dụng tài năng, bảo đảm thành tích cho đơn vị dù chế độ đãi ngộ không tốt. Đó lại là những vấn đề có thể ảnh hưởng đến sự phát triển chung của điền kinh Việt Nam. (Minh Khuê)

Minh Hà
.
.
.