Đấu kiếm hướng đến 3 HCV ở SEA Games 31: Mục tiêu vừa sức
Từng là một trong những nội dung mũi nhọn của Đoàn Thể thao Việt Nam trong quá khứ nhưng thành tích không tốt trong 5 năm trở lại đây khiến Đấu kiếm Việt Nam đặt một mục tiêu vừa phải. Trong đó, 3 HCV là chỉ tiêu đặt ra với Vũ Thành An và các đồng đội tại SEA Games 31.
Không mơ mộng viển vông
Ở SEA Games 2015, Đấu kiếm Việt Nam từng giành Huy chương Vàng (HCV) ở tổng cộng 8 trong 12 nội dung thi đấu. Trong đó, các kiếm thủ nam ở các nội dung liễu kiếm, kiếm chém và kiếm 3 cạnh mang về 6 HCV. Rõ ràng, đấy là giai đoạn hoàng kim của đấu kiếm Việt Nam. Thế nhưng ở các kỳ Đại hội sau đó vào các năm 2017 và 2019, đấu kiếm không còn giữ được vị thế hàng đầu khu vực.
Những đối thủ đến từ Singapore, Thái Lan nhờ nhận được sự đầu tư nghiêm túc và hậu hĩnh bắt đầu lấn át và vượt qua được đấu kiếm Việt Nam. Bằng chứng ở SEA Games 2017, đấu kiếm Việt Nam chỉ còn giành 3 trong tổng số 6 HCV. 2 năm sau, thành tích còn tệ hơn khi các kiếm thủ chỉ giành 4 trong tổng số 12 HCV ở Philippines.
Vấn đề này thực rế đã được nhận ra, không chỉ ở hiện tại. Bởi trong bối cảnh các kiếm thủ được đầu tư thi đấu quốc tế từ 8-10 giải thì đa phần những VĐV của Việt Nam ở bộ môn này chỉ quanh quẩn đấu trường trong nước. Hệ thống giải quốc gia sơ sài, với chỉ 2 giải/năm. Dịch COVID-19 cũng khiến giải vô địch đấu kiếm quốc gia 2021 bị hủy tổ chức.
Cần nói thêm, chỉ trước giải 1-2 ngày, các HLV, VĐV trong đó có VĐV Hà Nội trong thành phần đội tuyển quốc gia còn háo hức chuẩn bị dự giải để có cơ hội cọ xát sau thời gian dài chỉ tập chay để bảo đảm an toàn trước dịch COVID-19. Giải không được tổ chức cũng đồng nghĩa nhiều VĐV đội tuyển quốc gia không có cơ hội để kiểm nghiệm phong độ của mình. Cuối cùng, các HLV, VĐV cũng chỉ có thể đánh giá tương đối phong độ của VĐV.
Trong khi đó, ở đấu trường quốc tế, các kiếm thủ Việt Nam cũng chỉ được dự vòng loại Olympic Tokyo 2020 khu vực châu Á tại Uzbekistan. Ngoài ra, kế hoạch tập huấn kéo dài 10 ngày của đấu kiếm Việt Nam tại Hàn Quốc, Croatia và Pháp dành cho đấu kiếm Việt Nam cũng phá sản.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất luôn là nỗi đau đấu của những kiếm thủ. Để theo đuổi môn thể thao mạo hiểm này, họ vẫn phải tự chi tiền để mua quần, áo giáp. Kiếm, hành trang quan trọng nhất của VĐV chỉ dừng lại ở mức… dùng tạm. Bởi với giá trị chỉ khoảng 300.000 đồng đến 400.000/thanh có xuất xứ từ Trung Quốc, tuổi thọ của mỗi thanh kiếm chỉ kéo dài vỏn vẹn 2-3 tháng.
Vậy nên, mục tiêu mà Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thể dục Thể thao hay Tiểu ban chuyên môn kỹ thuật SEA Games 31 từng đưa ra với đấu kiếm Việt Nam hồi giữa tháng 2 vừa qua có phần chưa thực tế. Bởi đấu kiếm Việt Nam khó lòng gánh vác trọng trách làm môn thể thao mũi nhọn của Đoàn Việt Nam ở SEA Games được tổ chức trên sân nhà lần này. Con số 3 HCV trong tổng số 12 nội dung bao gồm: Kiếm chém cá nhân nam/nữ; kiếm ba cạnh cá nhân nam/nữ; kiếm liễu cá nhân nam/nữ; kiếm chém đồng đội nam/nữ; kiếm ba cạnh đồng đội nam/nữ và kiếm liễu đồng đội nam/nữ có thể xem là vừa sức, phù hợp với sự chuẩn bị còn nhiều khiêm tốn cũng như so với tầm vóc đến từ các đối thủ khác trong khu vực.
Một mục tiêu hợp lý cũng đảm bảo cho các kiếm thủ Việt Nam và Ban huấn luyện vơi đi nỗi lo và áp lực về thành tích. Khi đó, Thành An và các đồng đội sẽ có tâm lý thoải mái để bước vào thi đấu trong tháng 5 tới đây.
Đâu là những niềm hy vọng?
Tại SEA Games 31, đấu kiếm Việt Nam sẽ có 24 VĐV. Để hướng đến hoàn thành mục tiêu 3 tấm HCV, toàn đội đã tập trung từ đầu tháng 1/2022 tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội và Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia TP Hồ Chí Minh. Những cái tên được “chọn mặt gửi vàng” vẫn là tuyển thủ kỳ cựu như Vũ Thành An. Bên cạnh đó, đội tuyển cũng kỳ vọng vào sự tỏa sáng của lứa vận động viên trẻ, như: Nguyễn Minh Quang (sinh năm 1997), Vũ Thị Hồng (sinh năm 1999), Phùng Thị Khánh Linh (sinh năm 2000)...
Mặc dù gặp khó, nhưng theo huấn luyện viên trưởng Phạm Anh Tuấn, đội tuyển đấu kiếm Việt Nam vẫn nỗ lực vượt qua đồng thời dần tăng tốc cho mục tiêu vàng tại SEA Games 31. Ông Tuấn chia sẻ: “Đến giai đoạn này, tất cả khó khăn đều là chuyện ở đằng sau. Chúng tôi không còn nghĩ nhiều tới những thiếu thốn nữa. Chỉ còn lại sự quyết tâm. Tất cả chỉ nhìn về SEA Games. Chúng tôi xác định dùng kinh nghiệm, phương pháp xử lý trận đấu cũng như những miếng đánh của cá nhân mình để chia sẻ, truyền thụ cho các em, qua đó bù đắp phần nào thiếu hụt. Ngoài ra, ban huấn luyện cũng đảo nội dung, đưa các vận động viên của nội dung kiếm liễu sang giao lưu với nội dung kiếm 3 cạnh để tăng cường cọ xát”.
Vũ Thành An, niềm hy vọng của đấu kiếm Việt Nam tâm sự: “Thời gian qua, dù không được ra nước ngoài thi đấu vì dịch COVID-19, nhưng tôi cùng đồng đội vẫn nỗ lực tập luyện, rèn thể lực. Tôi sẽ cố gắng thi đấu hết mình, phấn đấu đạt kết quả cao nhất tại SEA Games 31”. Trong khi đó, Nguyễn Thị Kiều Oanh -nữ kiếm thủ 18 tuổi, cô em út của tuyển đấu kiếm Việt Nam cũng khẳng định rõ quyết tâm: “Toàn đội đang nỗ lực chạy nước rút cho giải đấu lớn trước mắt. Mặc dù các đối thủ rất mạnh, nhưng chúng tôi cũng rất tự tin”.
Vũ Thành An cầm cờ đoàn Việt Nam tại lễ khai mạc SEA Games 31
Kiếm thủ Vũ Thành An được chọn là người cầm cờ đoàn thể thao Việt Nam trong lễ khai mạc SEA Games 31. Đây sẽ là kỳ SEA Games thứ ba liên tiếp mà anh được vinh dự cầm cờ Tổ quốc trong lễ khai mạc Đại hội Thể thao Đông Nam Á.
Trước đó, Vũ Thành An được chọn cầm cờ tại lễ khai mạc SEA Games 29 ở Malaysia năm 2017, SEA Games 30 ở Philippines năm 2019. Kiếm thủ điển trai này được coi là “người cầm cờ” may mắn cho thể thao Việt Nam khi trước đó anh vinh dự thực hiện nghi lễ này ở Olympic Rio 2016 tại Brazil, ASIAD 2018 ở Indonesia.