Đằng sau trào lưu nhập tịch cầu thủ tại ASEAN Cup 2024

Thứ Hai, 16/12/2024, 07:46

Kỳ ASEAN Cup 2024 đã chứng kiến sự lên ngôi của những cầu thủ nhập tịch. Phần lớn các đội tuyển dự giải đều sở hữu ít nhất 1 "ngoại binh". Đằng sau hiện tượng này là câu chuyện của từng quốc gia, nơi những mục tiêu dài hạn tạm thời gác qua, và được ưu tiên bởi tham vọng ngắn hạn.

Các “ông Tây” nở rộ

Nguyễn Filip và Nguyễn Xuân Son, 2 tuyển thủ trong màu áo Việt Nam, không phải những cầu thủ nhập tịch hiếm hoi tham dự ASEAN Cup 2024. Họ chỉ nằm trong số rất ít ngôi sao có gốc gác nước ngoài đến với giải vô địch Đông Nam Á lần này. Họ gần như mặc định có một suất thi đấu chính thức, đồng thời là gương mặt chủ chốt của đội bóng.

anh1 (1).jpg -0
Coulibaly là trụ cột ở đội tuyển Campuchia.

Trong ngày khai mạc ASEAN Cup 2024, Campuchia gây bất ngờ khi có 1 điểm trước Malaysia. Người hùng trong chiến tích đó là Abdel Kader Coulibaly, tiền đạo sinh ra tại Bờ Biển Ngà. Anh có 5 năm chơi bóng tại Campuchia trước khi nhập tịch và khoác áo cho đội tuyển Đông Nam Á.

Bên cạnh Abdel Kader Coulibaly, Campuchia còn nhập tịch nhiều cầu thủ khác để thi đấu tại ASEAN Cup 2024. Đó là hậu vệ Hikaru Mizuno, Takaki Ose, tiền vệ Yudai Ogawa, tiền đạo Andres Nieto và Nick Taylor. Họ trở thành xương sống trong đội hình của tuyển Campuchia.

Những người ghi bàn cho Malaysia trong trận hòa với Campuchia cũng là 2 cầu thủ nhập tịch. Stuart Wilkin sinh ra tại Anh, có ông bà là người gốc Malaysia. Trong khi đó, Fergus Tierney là người nước ngoài "xịn" nhưng lớn lên ở Malaysia, và anh được cấp quốc tịch từ nhỏ.

Trường hợp của Stuart Wilkin tương tự Nguyễn Filip ở đội tuyển Việt Nam, và Malaysia cũng có một chân sút đồng hương với Nguyễn Xuân Son. Đó là Paulo Josue, người hùng lập cú đúp giúp Malaysia thắng ngược Timor Leste. Trước đó, Malaysia cũng nhập tịch một chân sút gốc Argentina có tên Sergio Aguero, trùng tên với cựu tiền đạo Man City.

Bên phía đội tuyển Thái Lan, những cầu thủ đóng góp 4/10 bàn thắng của họ vào lưới Timor Leste ở trận mở màn ASEAN Cup cũng có nguồn gốc nước ngoài. Đó là Ben Davis, Patrik Gustavsson và Look Mickelson. Họ có bố mẹ, hoặc ông bà là người gốc Thái Lan di cư từ nhiều năm trước.

Xu hướng chung của các đội tuyển Đông Nam Á đến ASEAN Cup 2024 giờ đây rất rõ ràng. Họ không chỉ nhập tịch một vài cầu thủ như trong quá khứ, hoặc như Việt Nam làm ở thời điểm hiện tại. Nhiều đội tuyển sẵn sàng cấp quốc tịch cho cầu thủ gốc nước ngoài với số lượng lớn.

Ở một góc độ nào đó, những "ông Tây" đã giúp ASEAN Cup nâng cao trình độ chuyên môn rõ rệt. Campuchia giờ đây có thể đá ngang ngửa với những đội bóng khác trong khu vực như Malaysia và Singapore. Thái Lan cũng sở hữu đội hình giàu chiều sâu, và Việt Nam có một chân sút giải đáp những bài toán khó trên hàng công.

Thói quen của quá khứ

Trên thực tế, việc nhập tịch cầu thủ không phải câu chuyện quá mới tại giải bóng đá vô địch Đông Nam Á. 3/4 danh hiệu Tiger Cup/AFF Cup của Singapore mang dấu ấn của các cầu thủ nhập tịch. Đó là giai đoạn 2004-2012, khi họ sở hữu nhiều cầu thủ gốc nước ngoài đẳng cấp cao như hậu vệ Daniel Bennett và tiền đạo Aleksandar Duric.

Thành công với cầu thủ nhập tịch của bóng đá Singapore trước đây đã tạo động lực cho nhiều đội tuyển khác học theo. Việt Nam, Indonesia và Malaysia giai đoạn 15-20 năm trước cũng có một số cầu thủ nhập tịch lên tuyển. Nhưng phần lớn trong số họ thi đấu không như kỳ vọng, nên kế hoạch nhập tịch lại bị gác sang một bên.

Sau Singapore, một đội tuyển khác ở khu vực Đông Nam Á gặt hái thành công với cầu thủ nhập tịch là Philippines. Họ triệu tập ồ ạt những ngôi sao gốc Philippines hồi hương khoảng 15 năm trước, và tạo nên một đội tuyển rất mạnh. Người nổi tiếng nhất trong số đó là Neil Etheridge, thủ môn từng bắt chính nhiều mùa giải tại Anh.

Thái Lan từng tự hào vì sở hữu một đội tuyển mạnh không có cầu thủ nhập tịch hay Thái kiều. Nhưng theo thời gian, thói quen này của họ dần thay đổi. Khoảng một phần ba đội hình đội tuyển Thái Lan có nguồn gốc nước ngoài. Họ thậm chí còn có thời gian tranh chấp một cầu thủ nhập tịch với Việt Nam là hậu vệ Tristan Đỗ.

Sau Tristan Đỗ, Thái Lan cũng lấy được một cầu thủ nhập tịch khác từ Singapore là Ben Davis. Sự phức tạp trong lịch sử, gia phả của những cầu thủ quốc tế đã tạo nên cuộc cạnh tranh thú vị về việc sở hữu cầu thủ gốc nước ngoài ở Đông Nam Á. Nhưng sau cùng, mỗi đội tuyển đều có lựa chọn tốt hơn cho riêng mình.

Nguyên nhân sâu xa của câu chuyện nhập tịch cầu thủ, dù ít hay nhiều, vẫn là thành tích chung. Thay vì đầu tư phát triển để hướng đến cái đích dài hạn, vốn cực kỳ tốn kém và nhiều rủi ro, các nước phải hướng đến phương án nhanh hơn, chắc chắn hơn. Cầu thủ nhập tịch và có bố mẹ là người di cư là lời giải cho bài toán đó.

Thông tin mở trong kỷ nguyên mới cũng giúp các cầu thủ ngoại tự tin hơn trong việc nhập tịch. Họ không chỉ khoác áo các đội bóng Đông Nam Á vì lợi ích tài chính, mà còn thực sự muốn gắn bó với nơi này. Nhiều cầu thủ nước ngoài nhập tịch Việt Nam, trên thực tế, vẫn sinh sống và làm việc ở Việt Nam sau khi giải nghệ.

Điều quan trọng cần làm với các đội tuyển có cầu thủ nhập tịch, đó là "công thức" không nên áp dụng tràn lan. Ví dụ tiêu biểu nhất chính là đội tuyển Indonesia. Họ có một đội hình gồm những cầu thủ nhập tịch đủ sức tranh vé dự World Cup. Nhưng với một đội hình toàn "nội binh", Indonesia lại đang gặp khó và trở nên tầm thường.

Cầu thủ gốc Việt Nam ở đội tuyển Lào

Tại ASEAN Cup 2024, đội tuyển Lào có một cầu thủ gốc Việt là tiền vệ Damoth Thongkhamsavath. Cầu thủ sinh năm 2004 có ông bà là người quê Quảng Bình. Thongkhamsavath từng thi đấu cho các đội U19 và U23 Lào trước khi khoác áo đội tuyển quốc gia. Trước đó, Lào còn có một cầu thủ gốc Việt khác trong đội U23 là tiền đạo Nalongsit Chanthalangsy.

Ở trận đấu gặp đội tuyển Việt Nam, Thongkhamsavath được đá chính ngay từ đầu. Anh đã trải qua khoảnh khắc thú vị, khi có dịp thi đấu cùng những ngôi sao của cố hương. Cầu thủ này rời sân ở phút 80, đồng thời thể hiện tầm quan trọng nhất định trong đội hình đội tuyển Lào.

Trước Damoth Thongkhamsavath và Nalongsit Chanthalangsy của Lào, Campuchia cũng có 2 cầu thủ gốc Việt trong đội hình. Đó là anh em Keo Sokngon và Keo Sokpheng. Cả hai là người dân tộc Khmer, sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, sau đó chuyển đến Campuchia sinh sống, khoác áo tuyển Campuchia.

An Khánh
.
.
.