Cuộc sống đời thường của những cô gái đá bóng đi World Cup

Thứ Sáu, 11/02/2022, 08:39

Cầu thủ nữ một ngày tập luyện ra sao, ăn uống, sinh hoạt như thế nào? Thu nhập hàng tháng của họ có giúp trang trải cuộc sống, hỗ trợ cho gia đình được hay không? Càng tìm hiểu sâu về cầu thủ nữ Việt Nam, chúng ta lại càng cảm thấy khó tin khi biết họ sẵn sàng sống với đam mê bất chấp mọi thứ.

Lương tháng cao nhất 12 triệu

"Hiện giờ thu nhập của cầu thủ nữ nhìn chung tốt hơn hồi trước khá nhiều. Tôi là cầu thủ đá chính ở CLB, lại là thành viên đội tuyển quốc gia nên chế độ đãi ngộ khá tốt". Đó là chia sẻ của hậu vệ Hoàng Thị Loan hồi SEA Games 2019. Nhưng khi cô nói về số tiền một tuyển thủ đội tuyển nữ Việt Nam nhận được, tất cả không khỏi bất ngờ: 10-12 triệu đồng/tháng.

Mức thu nhập tính theo lương trung bình khoảng 10-12 triệu đồng/tháng như Loan nhận được là con số cao nhất nhì với cầu thủ nữ Việt Nam ở thời điểm này. Chỉ có những cầu thủ trụ cột tại 2 CLB bóng đá nữ Việt Nam là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mới đủ khả năng trang trải chừng đó tiền cho các cầu thủ vì ngân sách dồi dào, lại có nhà tài trợ. Ở những CLB khác, thu nhập hàng tháng có thể chỉ loanh quanh vài ba triệu đồng.

Thu nhập thấp là nguyên nhân chính khiến không ít cầu thủ nữ sớm chia tay với trái bóng tròn để mưu sinh. Câu chuyện của CLB nữ Sơn La khiến người hâm mộ bóng đá Việt Nam không khỏi giật mình trước thực trạng trần trụi về những cô gái đá bóng. Từ 30 cầu thủ được ăn tập 10 năm trước, đến giờ họ chỉ còn đúng... 4 người. "Cầu thủ của tôi đã đi lấy chồng, hoặc làm công nhân hết rồi", HLV Lường Văn Chuyên than thở.

Tại Sơn La, một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước, các cầu thủ chỉ được nhận lương khoảng 3 triệu đồng/tháng. Ngay cả khi cầu thủ có thêm tiền tập luyện, rồi bớt cả tiền khẩu phần ăn hàng ngày để có thêm vài ba đồng giắt túi, con số cũng chỉ nhích lên khoảng 5-7 triệu đồng. Nếu đi làm công nhân ở Thái Nguyên, Bắc Ninh, thu nhập hàng tháng chí ít cũng được 8-10 triệu đồng nên tất cả đều dần dần từ bỏ đá bóng.

Với những cầu thủ còn tiếp tục gắn bó với bóng đá, họ buộc phải tìm đủ nghề tay trái ngay trong thời gian còn thi đấu. Tuyết Dung từng có thời gian sử dụng trang Facebook cá nhân để liên tục đăng tin tuyển dụng xuất khẩu lao động giúp người thân. Hoàng Thị Loan thích bán hàng online, còn đội trưởng Huỳnh Như thử sức với công việc kinh doanh ở quê nhà. Cứ mỗi lần tập trung đội tuyển, họ phải tạm gác lại chuyện cá nhân để tập luyện, cống hiến nên công việc kinh doanh thường không trôi chảy như mong muốn.

Cuộc sống đời thường của những cô gái đá bóng đi World Cup -0
Phần lớn các tuyển thủ nữ Việt Nam có thu nhập khoảng 10-12 triệu đồng/tháng.

Không hình ảnh, không nhà tài trợ

Có lẽ lịch sử bóng đá nữ thế giới chưa bao giờ ghi nhận về một đội tuyển quốc gia "dám" phát trực tiếp bữa tiệc mừng công như tuyển nữ Việt Nam. Ngay trong ngày chính thức giành vé dự World Cup, các nữ cầu thủ Việt Nam thỏa sức "quậy" trong phòng khách sạn bằng âm nhạc và một vài chai rượu vang. Họ vô tư thưởng thức, ăn mừng mà chẳng mảy may nghĩ tới cảnh một vài hình ảnh trong buổi tiệc đó có thể hơi phản cảm với người hâm mộ.

"Chào mọi người, tôi là Kiều. Ngồi cạnh tôi lúc này là đội trưởng Huỳnh Như, chị ấy không đứng vững được nữa rồi". Hậu vệ Chương Thị Kiều vô tư chia sẻ hình ảnh trước hơn 1000 người hâm mộ đang xem trực tiếp qua kênh Facebook của đồng đội Trần Thị Duyên. Mặt đỏ phừng phừng như gấc chín, Kiều, Duyên và nhiều cầu thủ nữ Việt Nam khác cùng vui đùa hồn nhiên, vô tư với một vài nhân viên khách sạn ở Ấn Độ.

Những hình ảnh về một buổi tiệc mừng công với rượu và âm nhạc như thế sẽ không bao giờ xuất hiện nếu nhân vật chính ở đó là các cầu thủ nam. Mỗi bài đăng trên mạng xã hội của họ đều trị giá hàng trăm triệu đồng, nên tất cả đều được chăm chút thật cẩn thận trước công chúng, nhưng cầu thủ nữ lại khác. Tất cả những gì họ muốn chỉ là được chú ý, quan tâm nhiều hơn một chút, thế nên đôi lúc họ chẳng nghĩ ngợi xem liệu hình ảnh mình thể hiện ra tốt hay xấu.

Bóng đá nữ nói chung và bóng đá nữ Việt Nam nói riêng không được xã hội quan tâm, đó là sự thật trần trụi. Trên thực tế, giải vô địch bóng đá nữ quốc gia thường xuyên tổ chức trên những sân bóng không có khán giả. Một tuyển thủ nữ từng than phiền "tại sao chúng tôi phải đá trên sân không có... khán đài?", nhưng thực tế khán giả đến xem vẫn rất ít. Có thời gian khi giải tổ chức ở Hà Nam, người dân còn hồn nhiên thả bò vào gặm cỏ bên ngoài đường biên.

Không được quan tâm, không có khán giả nên bóng đá nữ Việt Nam hiếm khi nào tìm được nhà tài trợ tâm huyết. Ông Trần Anh Tú không ngần ngại nói công ty của ông bỏ tiền ra tài trợ cho giải VĐQG nữ với số tiền mang tính tượng trưng và nghĩa vụ, bởi nếu ông không làm thì sẽ chẳng có ai làm cả. Thực tế đúng là như vậy. Ngân sách cho một CLB nữ mỗi năm chỉ tiêu tốn 3-5 tỷ đồng, nhưng số doanh nghiệp làm bóng đá nữ chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Năm 2020, CLB nữ Thái Nguyên từng đứng trước nguy cơ giải thể vì nhà tài trợ (một công ty may mặc) nói họ không kham nổi kinh phí. Công ty đó trong năm 2020 vẫn công bố khoản lãi lên tới 153 tỷ đồng, và năm 2021 vừa qua lãi kỷ lục 232 tỷ đồng. Trên thực tế, họ chỉ rút lui vì không còn nghĩa vụ ràng buộc với đội bóng nữa, và khoản tài trợ vài ba tỷ mỗi năm kia được xem là khoản chi phí không sinh lời cần bị loại bỏ.

Mong các chị em hạnh phúc

Nếu như HLV Lường Văn Chuyên đau đầu vì cầu thủ liên tục bỏ đội để về quê lấy chồng, thì HLV Mai Đức Chung lại có một nỗi trăn trở khác. Ở tuổi ngoài 70, ông cảm thấy chạnh lòng khi nhiều cầu thủ nữ quá đam mê với bóng đá nên không có thời gian chăm lo cho hạnh phúc gia đình. "Bố" Chung từng nói ông hiếm khi nào nhận được thiệp mời đám cưới của các nữ cầu thủ, khi hầu hết họ chọn cuộc sống độc thân ngay cả khi đã giải nghệ.

Phạm Hải Yến, tiền đạo ghi bàn thắng quyết định giúp tuyển nữ Việt Nam đánh bại Thái Lan ở SEA Games 2019, từng gây ấn tượng khi được người yêu ra tận sân bay đón về 3 năm trước. Nhưng đến thời điểm hiện tại, cô gái vàng của bóng đá nữ Việt Nam đã trở về trạng thái độc thân. Người đàn chị của Hải Yến là Huỳnh Như đã ngoài 30 tuổi nhưng chưa có ai kề vai sát cánh. Thật khó để tìm người yêu khi quanh năm chỉ có trái bóng và những đồng đội xung quanh.

"Tôi từng yêu một người trong 4 năm liền, nhưng mọi chuyện cuối cùng không thành. Công việc khiến tôi không còn thời gian dành cho bản thân nữa. Giờ người ấy cũng có gia đình rồi, còn tôi chỉ có bóng đá", Huỳnh Như chia sẻ. Từ chỗ cảm thấy buồn bã, chạnh lòng vì độc thân trong nhiều năm, giờ đội trưởng đội tuyển nữ Việt Nam có vẻ chẳng bận tâm mấy đến chuyện đó nữa. Cô thường đem điều đó ra làm chuyện vui để cười xòa cùng mọi người.

Dường như bóng đá là kẻ thù với không ít người phụ nữ muốn gắn bó cuộc đời mình với nó. HLV Kim Chi, người dẫn dắt Huỳnh Như ở CLB TP Hồ Chí Minh lẫn đội tuyển quốc gia cũng ở vậy suốt nhiều năm qua chứ không lập gia đình. Không ít cựu cầu thủ nữ Việt Nam cũng chọn ở vậy, thay vì lập gia đình khi cống hiến cả thanh xuân cho đội tuyển quốc gia.

Người hiếm hoi tìm được hạnh phúc cho bản thân, lại có gia đình nhỏ của riêng mình trong lúc còn chơi bóng là tiền vệ Phạm Hoàng Quỳnh. Hoa khôi một thời của đội tuyển nữ Việt Nam bén duyên với cựu tuyển thủ U23 Hồ Ngọc Thắng trong chuyến du đấu hồi ASIAD 2014. Cả hai hẹn hò với nhau trong 4 năm rồi quyết định đi đến hôn nhân. Hoàng Quỳnh đã nghỉ đá bóng để lập gia đình, sinh con nhưng cuối cùng vẫn quay lại sân cỏ để thỏa mãn với đam mê.

Tiền thưởng đi World Cup đủ để nuôi một CLB nữ trong 5 năm

Ngay sau khi có tin đội tuyển nữ Việt Nam giành vé dự World Cup, hàng loạt tổ chức đã thông báo treo thưởng tiền tỷ. Ước chừng đội tuyển nữ Việt Nam sẽ nhận khoảng 20-30 tỷ đồng, con số đủ để duy trì ngân sách một CLB nữ trong vòng 5 năm. Dù vậy, số tiền đó chưa bằng một nửa tiền một CLB tại V.League duyệt chi trong vòng 1 năm. Điều đó cho thấy sự khác biệt lớn giữa bóng đá nam và bóng đá nữ.

Cuộc sống đời thường của những cô gái đá bóng đi World Cup -0
Cầu thủ nữ không để ý nhiều đến việc xây dựng hình ảnh, vì họ thường không được chú ý nhiều.

Khoản đầu tư vào bóng đá nữ không nhiều như bóng đá nam, nhưng cách doanh nghiệp lại không quá mặn mà với việc này. Thay vì đầu tư lâu dài và mang về lợi ích bền bỉ, dường như các nguồn lực xã hội hóa vẫn bỏ quên bóng đá nữ vì hiệu ứng truyền thông thường chỉ mang tính nhất thời. Đó là lý do trong nhiều năm qua, giải bóng đá nữ vô địch quốc gia thường chỉ có 7-8 đội tham dự, bao gồm cả đội B của 2 địa phương Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Việc không có nguồn lực xã hội hóa cho bóng đá nữ khiến áp lực duy trì thành tích, cũng như cải thiện bộ môn này đặt cả vào VFF. Thế hệ những cầu thủ 10x lên đội tuyển Việt Nam thời gian tới sẽ là thành viên của đội U14 quốc gia từng được VFF bao ăn ở, tập luyện suốt một thời gian dài. Đó là phương án khả dĩ nhất được VFF tính toán đến để duy trì lứa cầu thủ kế cận khi những Thùy Trang, Huỳnh Như dần luống tuổi.

Đơn Ca
.
.
.