Cú hích từ xạ thủ Trịnh Thu Vinh

Thứ Ba, 30/07/2024, 07:51

Thành tích của xạ thủ Trịnh Thu Vinh tại Olympic 2024 dù chưa mang về huy chương nhưng đã tạo ra cú hích cho thể thao Việt Nam.

Trịnh Thu Vinh trở thành xạ thủ nữ đầu tiên của bắn súng Việt Nam lọt vào chung kết nội dung 10m súng ngắn hơi nữ tại Olympic 2024. Dù cô chỉ về thứ 4 và không giành huy chương nhưng thành tích vào chung kết của Thu Vinh đã tạo ra cú hích cho thể thao Việt Nam.

Ông Đặng Hà Việt, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic 2024 cho biết: “Hôm nay là ngày thi đấu xuất sắc của Thu Vinh, dù tiếc rằng xạ thủ này đã không thể vượt qua chính mình để đoạt huy chương”.

Sau khi chứng kiến phần thi của Thu Vinh, cựu huấn luyện viên đội tuyển bắn súng Việt Nam – bà Nguyễn Thị Nhung chia sẻ: “Trịnh Thu Vinh đã có màn trình diễn rất tốt. Khi bắn loại trực tiếp thì tâm lí khác biệt hoàn toàn so với vòng loại. 8 người vào chung kết gần như có cơ hội như nhau. Ai bản lĩnh, ai theo được đấu pháp đề ra từ đầu, vượt qua được chính mình thì sẽ thắng. Với thành tích đứng thứ 4, dù không có huy chương nhưng ở lần đầu tiên dự Olympic, màn thể hiện của Thu Vinh rất xuất sắc”.

Sau 8 năm, kể từ Olympic 2016, thể thao Việt Nam mới lại có một vận động viên tiệm cận và có khả năng cạnh tranh huy chương Thế vận hội. Tại Brazil năm 2016, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh giành một Huy chương Vàng (nội dung 10m súng ngắn hơi) cùng một Huy chương Bạc (50m súng ngắn thể thao).

anh-2-3083-1722163699.png -0
Xạ thủ Trịnh Thu Vinh.

Trước khi thể thao Việt Nam lên đường dự Olympic 2024, giới chuyên môn và các nhà quản lý đều đã đưa ra nhận định, bắn súng là một trong những môn có thể tranh huy chương. Thành tích của Trịnh Thu Vinh cho thấy, đó là những đánh giá có cơ sở. Bởi lẽ, nhìn lại quá trình đầu tư cho các môn thể thao trọng điểm, bắn súng là môn có nhiều tiềm năng.

Qua đây cũng cho thấy, việc xác định môn thể thao cần đầu tư trọng điểm là hướng đi hợp lý của ngành Thể thao. Kể từ cú hích đến từ Hoàng Xuân Vinh năm 2016, bắn súng Việt Nam được biết đến nhiều hơn. Cũng từ đây, vấn đề đầu tư cho bắn súng cũng được đặt mục tiêu trọng tâm.

Sau SEA Games 31, đội tuyển bắn súng cũng được thừa hưởng cơ sở vật chất hiện đại với trường bắn tại Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội. Bắn súng đã trải qua hành trình vượt khó cả từ những giai đoạn “tập thiếu đạn”.

Nhìn lại lịch sử bắn súng Việt Nam từ khi hội nhập với đấu trường Olympic và bắt đầu trở lại dự Olympic vào năm 1980, chúng ta mới có 19 suất dự Olympic qua những lần tham dự. Từ năm 1980 đến năm 2008, các suất dự Olympic của bắn súng Việt Nam đều là suất đặc cách của Liên đoàn Bắn súng thế giới. Đến Olympic London 2012, bắn súng Việt Nam bắt đầu giành suất chính thức tham dự (hai xạ thủ có suất chính thức là Lê Thị Hoàng Ngọc, Hoàng Xuân Vinh).

Mỗi thành tích có được đều đáng ghi nhận và là cú hích cho những bước phát triển tiếp theo. Như chuyên gia Park Chung-gun từng nói: “Mỗi thành tích đều là một sự tích lũy. Trịnh Thu Vinh được thay đổi tích cực chuyên môn qua từng kì tập huấn, thi đấu. Chúng tôi hướng đến mục tiêu ít nhất phải lọt vào chung kết nội dung tại Olympic lần này”.

Ngày 2/8, Trịnh Thu Vinh sẽ còn thi đấu 1 nội dung 25m súng ngắn thể thao nữ. Cựu huấn luyện viên Nguyễn Thị Nhung cho rằng: "Đây là nội dung không phải sở trường của Trịnh Thu Vinh nên cơ hội vào chung kết tương đối khó. Nhưng với sức trẻ, quyết tâm và tâm thế của Thu Vinh, tôi mong trước mắt, em sẽ nỗ lực để vượt qua vòng loại để được vào chung kết".

Hy vọng, Trịnh Thu Vinh sẽ giữ vững bản lĩnh của mình để có thành tích tốt nhất. Sau ngày thi đầu tiên, Thu Vinh đang mang đến niềm tin lớn. Đây là lúc mà tất cả cùng hy vọng.

Thanh Thúy có thể dự SEA V.League 2024

Chặng 1 giải bóng chuyền nữ SEA V.League 2024 sẽ diễn ra tại Vĩnh Phúc từ ngày 2/8 đến 4/8.

Mới đây, ban tổ chức giải đấu đã công bố danh sách đội hình các đội tuyển tham dự giải đấu.

Tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam bao gồm 14 vận động viên và không có nhiều sự thay đổi so với giải AVC Challenge Cup và FIVB Challenger Cup trước đó.

Cụ thể, chủ công Phạm Thị Nguyệt Anh sau thời gian vắng mặt sẽ trở lại đội tuyển quốc gia, thay thế vị trí của cầu thủ trẻ Nguyễn Thị Trà My.

Thời gian qua, Nguyệt Anh thi đấu với phong độ chói sáng trong màu áo Câu lạc bộ Binh chủng Thông tin, giúp đội nhà có được những thành tích ấn tượng. Sự trở lại của nữ vận động viên sinh năm 1998 giúp tuyển nữ Việt Nam củng cố hàng công. Ngoài ra, danh sách tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam vẫn có mặt chủ công Trần Thị Thanh Thúy. Do lịch trình sang Thổ Nhĩ Kỳ lùi lại so với dự kiến ban đầu, nhiều khả năng chủ công người Bình Dương sẽ ra sân thi đấu ở chặng 1 SEA V.League sắp tới.

Thành phần ban huấn luyện của tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam bao gồm huấn luyện viên trưởng Nguyễn Tuấn Kiệt, 2 huấn luyện viên phó Nguyễn Đình Tiến, Vũ Thị Hoa, huấn luyện viên thể lực Lê Thị Hiền, bác sĩ Nguyễn Đức Tuấn và chuyên viên thống kê Nguyễn Trung Nam.

H.H

Hưng Hà
.
.
.