Con đường từ bóng tối bước ra ánh sáng của MMA Việt Nam
Tương tự Boxing, võ tổng hợp (MMA) từng bị cấm tổ chức, thi đấu ở Việt Nam trong một khoảng thời gian dài. Nhưng đến khi MMA được hợp pháp hóa trên dải đất hình chữ S, môn võ đại chúng này lập tức thu hút công chúng với tốc độ như vũ bão.
Từ thi đấu chui...
"Tôi là một trong những võ sĩ thuộc thế hệ đầu của Boxing Việt Nam. Ở thập niên 90 của thế kỷ trước, chúng tôi tập luyện ở địa phương, hướng đến tập trung lên đội tuyển quốc gia thì Boxing bị cấm thi đấu. Vì thế nên thời điểm ấy, không ít trận đấu chui được tổ chức. Võ sĩ và huấn luyện viên lên đài luôn trong tình trạng sợ bị cơ quan chức năng sờ gáy", một vận động viên Boxing giấu tên từng tập luyện ở Hà Nội chia sẻ.
Phải đến khi SEA Games 2003 được tổ chức tại Việt Nam, Boxing mới chính thức được gỡ bỏ lệnh cấm. Tròn 2 thập niên trôi qua, môn võ này của Việt Nam đã có những đại diện tranh tài ở đấu trường Olympic. Nguyễn Văn Đương, Nguyễn Thị Tâm trở thành những tay đấm đem chuông đi đánh xứ người. Trên đài Boxing nhà nghề, chúng ta cũng có không ít võ sĩ giành đai vô địch châu Á, thậm chí vô địch thế giới như trường hợp của Nguyễn Thị Thu Nhi.
Câu chuyện khổ tận cam lai của Boxing cũng rất đúng khi nhìn lại hành trình của MMA Việt Nam suốt 1 thập niên qua. Là sân chơi cho mọi môn phái, mọi thể thức võ thuật tham dự để tìm ra những võ sĩ hàng đầu, MMA có tốc độ phát triển rất nhanh ở phạm vi quốc tế. Nhưng trong lãnh thổ Việt Nam, môn võ này từng nhiều năm phải nhận lệnh cấm vì những hành động vượt ngoài khuôn khổ của một số cá nhân.
Ở góc độ nghệ thuật và điện ảnh, mọi người đều ghi nhận Johnny Trí Nguyễn là lá cờ đầu đưa hình ảnh võ thuật Việt Nam đến công chúng quốc tế. Nhưng với tư cách một võ sư, một đơn vị tổ chức sự kiện võ thuật, anh ít nhiều phải chịu trách nhiệm trong việc biến hình ảnh MMA trở nên méo mó trong mắt khán giả. Chính Johnny Trí Nguyễn khiến các sự kiện MMA không được cấp phép tổ chức trong thời gian dài khi tiến hành hàng loạt giải đấu chui.
Núp bóng các cuộc thi lên cấp đai võ thuật, Johnny Trí Nguyễn đã tổ chức 4 sự kiện MMA chui từ năm 2013 đến 2016. Trong bối cảnh Việt Nam chưa có một cơ quan nào chuyên trách để xây dựng luật thi đấu cũng như các biện pháp bảo hộ cho môn võ có tính thực chiến cao như MMA, việc này khiến các võ sĩ tham dự tự đặt mình vào vị trí nguy hiểm.
Để ngăn chặn những sự việc xấu có thể xảy ra, Tổng cục TDTT phải ra văn bản cấm tổ chức thi đấu MMA tại Việt Nâm. Võ đường của Johnny Trí Nguyễn cũng bị phạt nặng do tổ chức sự kiện võ thuật trái pháp luật. Đây không phải điều quá lạ lẫm. Trước Việt Nam, những quốc gia phát triển như Pháp hay Mỹ cũng từng cấm thi đấu MMA trong nhiều năm liền vì thấy môn võ này quá nguy hiểm.
... đến công khai, minh bạch
Kể từ khi MMA chính thức bị cấm ở Việt Nam, ngững người tập luyện môn võ này chỉ có thể cọ xát, giao lưu phía sau cánh gà. Nhưng với sự phát triển nhanh chóng của những giải đấu MMA trên toàn thế giới như UFC, Bellator hay ONE Championship, rất nhiều người hy vọng được chứng kiến những trận đấu MMA tại Việt Nam trong tương lai gần. Điều đó trở thành sự thật khi Liên đoàn MMA Việt Nam (VMMAF) ra đời vào tháng 5/2020.
Nhìn vào danh sách các thành viên trực thuộc VMMAF, có thể thấy đây là đơn vị liên kết chặt chẽ giữa nguồn tài trợ xã hội hóa với công tác quản lý nhà nước. Chủ tịch VMMAF là một doanh nhân có tiếng trong hoạt động vận tải biển, còn Tổng thư ký là võ sư Mai Thanh Ba, nhà cựu vô địch thế giới Tán thủ. Nhưng đáng chú ý nhất là những gương mặt xuất hiện trong Ban chuyên môn.
Là cơ quan quyết định trong việc đưa ra điều lệ cũng như đường lối phát triển của VMMAF, Ban chuyên môn có không ít lãnh đạo cấp cao của ngành thể thao. Ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I giữ vị trí Trưởng ban. Những Ủy viên giữ vị trí Phó Trưởng ban là ông Vũ Đức Thịnh (Trưởng bộ môn Boxing - Kickboxing TCTDTT) và Lê Minh Hà (Phó Giám đốc Trung tâm thể thao Ba Đình, TCTDTT).
Ở thời gian đầu thành lập, VMMAF không quá vội vã tổ chức các giải đấu hay sự kiện võ thuật nhằm quảng bá sớm tên tuổi. Thay vào đó, họ chú trọng xây dựng điều lệ thi đấu, đồng thời hỗ trợ các địa phương phát triển phong trào MMA. Nhiều lớp bồi dưỡng, đào tạo huấn luyện viên và trọng tài MMA được tổ chức nhằm đưa phong trào phát triển võ thuật tổng hợp tại Việt Nam đi theo hướng đúng đắn ngay từ đầu.
Phải đến cuối năm 2021, tròn 18 tháng sau khi thành lập, VMMAF mới tổ chức sự kiện võ thuật đầu tiên mang tên Cúp MMA Việt Nam. Với 16 võ sĩ tranh tài ở 8 trận thi đấu trong 1 đêm sự kiện, Cúp MMA Việt Nam như một món ăn khai vị hứa hẹn cho sự bùng nổ các giải đấu võ tổng hợp trong thời gian tới. Thành công từ Cúp MMA giúp môn võ này bước ra ánh sáng, với giải đấu chuyên nghiệp mang tên Lion Championship.
Trong buổi họp báo ra mắt Lion Championship, VMMAF dần lộ rõ tham vọng của họ. Các sự kiện, các trận đấu MMA sẽ không diễn ra nhỏ lẻ, thất thường như trước nữa mà dần được tổ chức định kỳ như bóng đá. Đó mới thực sự là tiền đề cho MMA đi sâu vào tiềm thức độc giả như một giải đấu chuyên nghiệp, nơi võ sĩ có thể sống với nghề và thi đấu giữa hàng ngàn khán giả theo dõi.
Giải vô địch MMA Việt Nam đưa khán giả đến xem như thế nào?
Trong ngày thi đấu vòng loại khu vực phía Bắc, Giải vô địch MMA Việt Nam 2022 - Lion Championship đã gây ấn tượng với khán đài chật kín khán giả. Không ít người hâm mộ có vé mời đến Nhà thi đấu quận Cầu Giấy phải đứng xem hoặc ngồi ngay trên lối đi bởi không còn ghế ngồi nữa. Đó là hình ảnh rất hiếm thấy, ngay cả với những trận đấu bóng đá.
Nhằm mục đích thu hút khán giả đến xem, ban tổ chức Lion Championship đã đẩy mạnh công tác truyền thông, đưa tin về giải đấu đến khán giả ngay trước khi sự kiện diễn ra. Thay vì quảng bá trên truyền hình, họ đẩy mạnh đưa tin qua mạng xã hội bằng các trang cộng đồng (Fanpage) có nhiều người theo dõi trên Facebook. Nhiều vé mời cũng được phát tới cộng đồng người hâm mộ võ thuật Thủ đô.
Chất lượng các trận đấu ở vòng loại Lion Championship cũng là một vấn đề đáng quan tâm tại giải đấu. Số lượng võ sĩ tập luyện, thi đấu MMA tại Việt Nam chưa nhiều dẫn tới nhiều cặp đấu có trình độ khá chênh lệch từ vòng đấu loại. Để khắc phục, Ban tổ chức đã thu hút những gương mặt quen thuộc với công chúng đến tham dự như "Độc cô cầu bại Muay Thái" Nguyễn Trần Duy Nhất, hay võ sĩ 2 lần liên tiếp vô địch Kickboxing SEA Games Nguyễn Thị Hằng Nga.
Sự xuất hiện của Duy Nhất, Hằng Nga là lời khẳng định đanh thép nhất cho trình độ của các cặp đấu tại Lion Championship. Vốn tập luyện ở TP Hồ Chí Minh nhưng Duy Nhất được sắp xếp thi đấu vòng loại khu vực phía Bắc nhằm tạo hiệu ứng cho giải đấu. Hình ảnh "Độc cô cầu bại" được hàng chục nhân viên an ninh hộ tống đến tận răng trước người hâm mộ cho thấy sức hút không thể xem qua của Duy Nhất.