Cờ vua đi tìm sự khẳng định

Thứ Năm, 17/02/2022, 09:49

Mặc nhiên, cờ vua Việt Nam được đánh giá là có trình độ đồng đều nhất tại khu vực Đông Nam Á nhưng thành tích tại các kỳ SEA Games gần đây lại không phản ánh điều đó. Thế nên, khi SEA Games 31 diễn ra ngay tại Việt Nam, các nhà quản lý, HLV đều muốn các kỳ thủ Việt Nam khẳng định vị thế số 1 Đông Nam Á.

5 HCV là mục tiêu bất di bất dịch

Tại SEA Games 31, môn cờ vua có 10 bộ huy chương (cá nhân nam, nữ cờ tiêu chuẩn, cờ nhanh, cờ chớp; đồng đội nam, nữ cờ nhanh, cờ chớp), cũng là một trong những kỳ SEA Games có nhiều bộ huy chương cờ vua nhất từ trước đến nay. Thực tế, ở sân chơi SEA Games, với tư cách nước chủ nhà, Việt Nam có thể tạo ra nhiều nội dung thi đấu nữa. Nhưng như chia sẻ của phụ trách bộ môn cờ vua (Tổng cục TDTT), Phó Chủ tịch Liên đoàn cờ vua Việt Nam Nguyễn Minh Thắng thì với sự chỉ đạo xuyên suốt từ lãnh đạo Chính phủ, ngành Thể thao trong đó đề cao yếu tố “chơi đẹp”, những nhà quản lý không đề xuất thêm các nội dung thi đấu khác nhằm “vét” HCV. Nếu không, sẽ có hàng loạt nội dung mới khác bên cạnh các nội dung quy chuẩn kể trên, kiểu như đồng đội 2 nam, 1 nữ; đồng đội 2 nam, 2 nữ…

Trong khi đó, đội tuyển cờ vua Việt Nam lại đăng ký giành tới 5 HCV, bằng một nửa tổng số HCV, trong đó kỳ vọng giành HCV chủ yếu tập trung vào các kỳ thủ nam. Như thế để thấy chỉ tiêu của đội tuyển là thực sự cao, nhất là khi không tận dụng ưu thế chủ nhà để đề ra thêm nhiều nội dung thi đấu nhằm bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu.

Chính chỉ tiêu trên cũng từng nhiều người bất ngờ khi ở kỳ SEA Games 30, trong 6 nội dung thi đấu, đội tuyển cờ vua Việt Nam chỉ giành được 2 HCB bởi Lê Quang Liêm (cá nhân cờ chớp) và Nguyễn Ngọc Trường Sơn (cá nhân cờ nhanh) cùng 4 HCĐ. Đấy thực sự là kỳ SEA Games thất bại của cờ vua Việt Nam dù đã chọn những kỳ thủ tốt nhất, trong đó có cả Lê Quang Liêm, Nguyễn Ngọc Trường Sơn tham dự. Như người trong cuộc thừa nhận thì khi đó, yếu tố không may dồn vào kỳ thi đấu của các kỳ thủ Việt Nam, dẫn đến việc không thể giành dù chỉ 1 tấm HCV như kỳ vọng.

Trong khi đó, cờ vua Việt Nam từng giành tới 6 HCV ở kỳ SEA Games năm 2011 tại Indonesia để khẳng định rõ vị thế số 1 tại Đông Nam Á. Nhưng rõ ràng, ở một môn thi đấu đòi hỏi sự tập trung cao độ thì sự sa sút nhất thời cũng khiến những kỳ thủ ở đẳng cấp cao như Lê Quang Liêm, Nguyễn Ngọc Trường Sơn có thể hụt bước. Đấy là điều đã được các nhà quản lý tính đến khi đề ra chỉ tiêu cho đội tuyển cờ vua ở SEA Games 31.

“Việc chúng ta đặt chỉ tiêu giành một nửa trong tổng số 10 HCV ở SEA Games 31 là chỉ tiêu khá cao. Điều này đòi hỏi các đội tuyển, các kỳ thủ phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và thi đấu nỗ lực. Tuy nhiên, khi đặt ra chỉ tiêu này, chúng tôi cũng phải căn cứ vào trình độ, đẳng cấp của các kỳ thủ Việt Nam so với khu vực Đông Nam Á”, ông Nguyễn Minh Thắng từng cho hay. Vấn đề giờ hoàn toàn nằm ở khâu chuẩn bị kỹ lưỡng đến đâu.

1.jpg -0
Kỳ thủ Lê Quang Liêm dự một giải cờ quốc tế thi đấu theo hình thức trực tiếp tại Mỹ vào tháng 8/2021.

Chỉ mong tiêu tiền để được thi đấu

Cũng nhằm hoàn tất mục tiêu giành 5 HCV ở SEA Games 31 đồng thời giành huy chương tại ASIAD 19 năm 2022 ở Trung Quốc, các nhà quản lý đã tập trung đội tuyển cờ vua từ đầu năm 2022 và xuyên suốt năm 2021. Có lẽ, cờ vua là đội tuyển ít chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 hơn nhiều đội tuyển khác. Ông Bùi Vinh - HLV khu vực phía Bắc của đội tuyển quốc gia, gồm 14 kỳ thủ, trong đó có 8 kỳ thủ Hà Nội, đang tập trung tại Hà Nội kể rằng, cờ vua may mắn hơn các môn khác vì còn có những giải đấu trực tuyến (online). Cũng vì vậy, các kỳ thủ vẫn giữ được phần nào cảm giác thi đấu, dù những giải cờ trực tuyến chỉ thuộc nội dung cờ nhanh, cờ chớp. Cũng nhờ các phần mềm trực tuyến nên việc tập trung đội tuyển, tổ chức huấn luyện, thi đấu nội bộ cũng diễn ra linh hoạt, liên tục và bảo đảm kế hoạch huấn luyện. Trong đó, hằng tuần kỳ thủ Lê Quang Liêm từ Mỹ vẫn có thể dành thời gian trao đổi với các đồng đội về chuyên môn.

Tất nhiên, cờ vua cũng có nội dung khó có thể tổ chức thi đấu trực tuyến, đặc biệt là nội dung cờ tiêu chuẩn, vốn danh giá nhất trong các nội dung của môn cờ vua, do diễn ra lâu, khó thu hút người xem. Cũng vì thế, lý tưởng nhất vẫn là được dự các giải đấu quốc tế - nơi các kỳ thủ được đối mặt trực tiếp với nhau với những diễn biến tâm lý đa dạng, khó lường hơn khi thi đấu trực tuyến. Điều này sẽ thực sự tốt cho các kỳ thủ khi thi đấu ở SEA Games 31, cũng thi đấu theo hình thức trực tiếp.

Trong làng cờ vua Việt Nam, trong 2 năm qua, chỉ có Lê Quang Liêm được tham dự các giải đấu quốc tế theo hình thức trực tiếp do đang học tại Mỹ. Còn các kỳ thủ trong nước phải chấp nhận với việc thi đấu nội bộ, tham dự một số giải quốc gia và thi đấu trực tuyến các giải cờ quốc tế.

Thực tế, họ có muốn dự các giải quốc tế thi đấu theo hình thức trực tiếp cũng khó. Ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến việc di chuyển, thi đấu quốc tế của cờ vua Việt Nam không thể diễn ra như kế hoạch trong suốt năm 2021, dẫn đến kinh phí thi đấu quốc tế của bộ môn cờ vua (Tổng cục TDTT) hầu như không hề suy giảm. Khi chưa có dịch COVID-19, khoản kinh phí thi đấu quốc tế khoảng 60.000 USD mỗi năm như muối bỏ bể với nhu cầu của VĐV. Nhưng bởi dịch COVID-19 nên việc sử dụng khoản kinh phí ấy cũng thành bất khả thi. Nói như nhiều người thì muốn tiêu tiền cũng không dễ.

Đến năm 2022 này, chính những nhà quản lý bộ môn cũng mong muốn được chi dùng khoản kinh phí ấy để các kỳ thủ dự các giải quốc tế nhằm giữ cảm giác thi đấu và nâng trình độ, qua đó có sự chuẩn bị tốt nhất cho SEA Games 31 và ASIAD 19.

Thực tế, nhiều quốc gia đã tổ chức các giải cờ vua quốc tế thi đấu theo hình thức trực tiếp. Tuy nhiên, chính nhà quản lý cũng không dám chắc về khả năng các kỳ thủ Việt Nam dự một số giải dạng này trước thềm SEA Games 31 liên quan đến việc phòng dịch, khả năng lây nhiễm dịch của các kỳ thủ cũng như chi phí tốn kém liên quan đến di chuyển, điều trị người nhiễm COVID-19 tại nước sở tại trong trường hợp có VĐV Việt Nam bị lây nhiễm…

Cũng vì vậy, trước mắt các kỳ thủ vẫn phải chấp nhận phương án thi đấu nội bộ, thi đấu quốc tế theo hình thức trực tuyến, lấy giải quốc gia (trong đó có Giải vô địch quốc gia vào cuối tháng 2)… làm nơi rèn giũa trình độ, bản lĩnh. Còn nếu được dự các giải quốc tế theo hình thức trực tiếp thì quá lý tưởng. Và sự lý tưởng ấy cần đến sự quyết đoán của các nhà quản lý để hiện thực hóa.

Lê Quang Liêm khó dự đủ 3 nội dung

Tại SEA Games 31, kỳ thủ số 1 Việt Nam Lê Quang Liêm sẽ từ Mỹ trở về và chỉ có thể dự nội dung cờ nhanh và cờ chớp trong khi không thể dự nội dung cờ tiêu chuẩn. Nguyên nhân là do thời gian chuẩn bị và thi đấu nội dung cờ tiêu chuẩn khoảng gần chục ngày, dẫn đến anh khó thu xếp được việc học và huấn luyện tại Mỹ.

Minh Khuê

Minh Hà
.
.
.