Chuyện tấm bằng của ông Mai Đức Chung

Thứ Tư, 16/02/2022, 07:43

Muốn dẫn dắt tuyển nữ Việt Nam tại World Cup 2023, huấn luyện viên Mai Đức Chung phải có bằng Pro. Khi điều kiện này không thể đáp ứng, ông sẽ chỉ có thể dự giải đấu trong vai trò cố vấn kỹ thuật.

Sau khi đội tuyển nữ Việt Nam giành vé dự World Cup 2023, huấn luyện viên Mai Đức Chung từng bày tỏ nguyện vọng thôi làm huấn luyện viên trưởng ở giải đấu này. Đây là vấn đề mới được ông Chung đề cập trên truyền thông chứ chưa có cuộc trao đổi cụ thể nào với Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF). Khi đội tuyển nữ Việt Nam trở về nước, ở nhiều buổi gặp gỡ, giao lưu, mừng công, nhiều lãnh đạo ngành thể thao cũng như người hâm mộ đã mong muốn ông Mai Đức Chung tiếp tục công việc ở  World Cup 2023. Huấn luyện viên Mai Đức Chung cũng có ý định suy nghĩ lại để tiếp tục công việc của mình.

Tuy nhiên, một vấn đề nảy sinh là theo quy định của Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA), muốn dẫn dắt đội tuyển nào đó tại vòng chung kết World Cup, huấn luyện viên cần phải có bằng Pro. Muốn hoàn thành khoá học này, ông Chung phải mất 2 năm do đó sẽ không đáp ứng điều kiện để dẫn dắt tuyển nữ Việt Nam ở World Cup 2023.

2.jpg -0
HLV Mai Đức Chung chưa có bằng Pro. Ảnh: VFF.

VFF cũng đang tìm cách xử lý để huấn luyện viên Mai Đức Chung có thể được dẫn dắt tuyển nữ Việt Nam ở World Cup 2023. Theo Tổng Thư ký VFF Lê Hoài Anh, quy định của FIFA như vậy nhưng theo tìm hiểu thì một huấn luyện viên nếu đã có thời gian 5 năm dẫn dắt đội tuyển quốc gia, có năng lực chuyên môn được AFC xác nhận thì vẫn có khả năng tham dự World Cup. Trước mắt VFF sẽ kiến nghị AFC xác nhận năng lực của huấn luyện viên Mai Đức Chung, sau đó tuỳ tình hình, VFF sẽ có phương án giải quyết.

Huấn luyện viên Mai Đức Chung cũng cho biết, ông có bằng cấp tương đương bằng Pro. Ông được Ban tổ chức Asian Cup 2022 chấp thuận. Đây là giải đấu tương đương vòng loại World Cup nên đấy cũng có thể coi là cơ sở để ông Chung được FIFA đặc cách.

Trong trường hợp FIFA không chấp thuận, huấn luyện viên Mai Đức Chung vẫn có thể tham dự World Cup 2023 trong vai trò cố vấn kỹ thuật cho ban huấn luyện. Lúc đó, VFF sẽ bổ nhiệm một huấn luyện viên trưởng trên danh nghĩa để cùng ông Chung dẫn dắt đội tuyển nữ Việt Nam. Sau khi huấn luyện viên Mai Đức Chung có ý định thôi dẫn dắt tuyển nữ Việt Nam, đã có nhiều ý kiến “hiến kế” cho VFF tìm huấn luyện viên ngoại. Đây được xem là xu thế tất yếu để nâng tầm bóng đá nữ Việt Nam ở sân chơi thế giới. Tuy nhiên, VFF không có kế hoạch cho việc này, phương án ưu tiên vẫn dành cho huấn luyện viên nội.

Một trong những ứng viên nổi bật là huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn. Ông không chỉ đáp ứng điều kiện về bằng cấp mà từng dẫn dắt U20 Việt Nam dự U20 World Cup 2017. Đây cũng là phương án hỗ trợ đắc lực cho huấn luyện viên Mai Đức Chung trong trường hợp mà VFF cần phải bổ nhiệm một huấn luyện viên đáp ứng đủ điều kiện. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, ông Akira Ijiri - huấn luyện viên chuyên trách trong công tác đào tạo bóng đá nữ trẻ tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam cũng là phương án tối ưu.

Chuyện bằng cấp của ông Mai Đức Chung cũng là vấn đề chung của bóng đá Việt Nam một thời gian dài. Trước đây, cũng có nhiều huấn luyện viên kỳ cực không đủ điều kiện bằng cấp nên thường phải dẫn dắt các câu lạc bộ trong nước dưới danh nghĩa Giám đốc kỹ thuật. Câu chuyện của cố huấn luyện viên Lê Thuỵ Hải trước đây là một điển hình.

Vấn đề được đặt ra, vì sao VFF tìm cách và cố “lách luật” cho huấn luyện viên Mai Đức Chung? Thực tế, không ai hiểu bóng đá nữ Việt Nam hơn huấn luyện viên Mai Đức Chung. Sự thay đổi ngay lập tức trong thời gian ngắn cũng khó có thể giúp bóng đá nữ thay đổi được điều gì. Bên cạnh đó, ông Chung cũng xứng đáng dự World Cup 2023 sau những gì cống hiến. Đó cũng là cách để tri ân ông thầy đã ngoài 70 tuổi.

Chắc chắn sẽ có một cuộc chuyển giao trong tương lai vì sự phát triển chung của bóng đá Việt Nam. Nhưng trước mắt, ông Chung vẫn sẽ dẫn dắt tuyển nữ Việt Nam ở SEA Games 31. Và từ giờ đến khi tuyển nữ Việt Nam đến World Cup 2023, VFF sẽ phải xây dựng cả một lộ  trình. Thậm chí, “đối tác” đồng hành và sau này thay thế ông Chung có thể sẽ sớm bắt tay vào công việc. Đó là sự chuyển giao mang tính kế thừa cần thiết.

Quang Hải vắng mặt ở Lễ trao giải Quả bóng vàng

Trước đó, tiền vệ Nguyễn Quang Hải được xét nghiệm và cho kết quả dương tính với COVID-19. Đó là lý do anh vắng mặt ở trận giao hữu của câu lạc bộ Hà Nội với Nam Định hôm 12/2, trận đấu kết thúc với tỉ số hòa 1-1. Quang Hải được cho dừng tập luyện và tự cách ly tại nhà điều trị. Hiện tại, tiền vệ sinh năm 1997 không xuất hiện triệu chứng sốt, mệt mỏi.

Việc mắc COVID-19 khiến cho kế hoạch của tiền vệ tuyển Việt Nam ít nhiều có sự đảo lộn, nhất là sự kiện chuẩn bị cho đêm Gala trao giải Quả bóng vàng Việt Nam 2021 vào tối 16/2 tại TP Hồ Chí Minh. Theo đó, tiền vệ của câu lạc bộ Hà Nội sẽ không thể tham dự đêm Gala vì sức khỏe vẫn chưa đảm bảo.

Với màn thể hiện của mình trong màu áo câu lạc bộ Hà Nội và đội tuyển Việt Nam trong năm 2021, tiền vệ Nguyễn Quang Hải đã lọt vào danh sách rút gọn 5 ứng viên sáng giá cho danh hiệu quả bóng vàng Việt Nam 2021. 4 ứng viên còn lại là tiền vệ Nguyễn Hoàng Đức, Quế Ngọc Hải (Viettel), Nguyễn Tuấn Anh (Hoàng Anh Gia Lai) và Nguyễn Tiến Linh (Bình Dương).

Quang Hải từng giành Quả bóng vàng 2018, Quả bóng bạc 2019 và Quả bóng đồng 2017. Quang Hải được đánh giá là ứng viên hàng đầu cho Quả bóng vàng nam năm nay. Cả hai thi đấu rất tốt, tạo nhiều ấn tượng trong màu áo đội tuyển Việt Nam ở vòng loại World Cup 2022 và AFF Cup 2020.

Dự kiến, Quang Hải sẽ tập trung phục hồi và trở lại trong trận đấu đầu tiên của mùa giải khi câu lạc bộ Hà Nội gặp Thanh Hóa ngày 25/2 trên sân nhà.

H.H.

Hưng Hà
.
.
.