Chuyện ít biết về tuyển mộ VĐV thể thao đỉnh cao

Chủ Nhật, 28/05/2023, 09:30

Bóng đá có lẽ là môn thể thao duy nhất tại Việt Nam mà VĐV trẻ tiềm năng tự tìm đến những trung tâm huấn luyện. Ở nhiều môn thể thao đỉnh cao khác, câu chuyện "cọc đi tìm trâu" của các địa phương là một câu chuyện thú vị, nhưng cũng bao hàm góc khuất với không ít màn cạnh tranh ngầm.

Ngược xuôi tìm VĐV

Ở tuổi 26, Vương Thị Bình là một trong những võ sĩ thi đấu quyền biểu diễn (Seni) giàu kinh nghiệm nhất của Pencak Silat Việt Nam. Cô sinh ra và lớn lên ở Tuyên Quang, nhưng lại thi đấu cho đội Silat Hà Nội. Cái duyên đến với thể thao của Vương Thị Bình đến từ 9 năm trước, khi các tuyển trạch viên đội Silat Hà Nội đến Tuyên Quang và phát hiện ra một VĐV tiềm năng.

anh1 (1).jpg -0
Nhiều VĐV Việt Nam có xuất phát tập điền kinh.

Trong đội hình đội Pencak Silat Hà Nội thời điểm hiện tại cũng có nhiều VĐV từ các tỉnh, thành phía Bắc khác. Họ có thể đến từ Tuyên Quang, Sơn La, Hải Dương... và được đánh giá "có tố chất thi đấu thể thao thành tích cao". Con đường từ những cô, cậu bé đang ngồi học trên ghế nhà trường đến VĐV đội tuyển quốc gia của họ cũng là một câu chuyện dài.

Những tỉnh, thành như Hải Dương, Hải Phòng, Sơn La, Lào Cai... thường tuyển mộ VĐV từ chính địa phương mình. Điều này được họ thực hiện thông qua một mạng lưới các tuyển trạch viên không chính thức. Thông thường, những tuyển trạch viên này là giáo viên thể dục ở các trường tiểu học, trung học; và họ có mối quan hệ thân thiết nhất định với các HLV thể thao thành tích cao.

"Một em nhỏ có tố chất VĐV được thể hiện đầu tiên ở vóc dáng bên ngoài. VĐV cử tạ có tay ngắn, lưng dài và chân ngắn. VĐV điền kinh thì yêu cầu những đặc điểm về hình thể hoàn toàn ngược lại. Trong trường hợp không tìm được VĐV có vóc dáng quá khác biệt, chúng tôi sẽ phải thực hiện đo các thông số cá nhân của em đó như sức bật, lực tay, có cận thị hay không", một HLV cho biết.

Trong quá trình dạy ở trường, chính những giáo viên thể dục nói trên sẽ tìm ra một vài học sinh có tố chất nổi trội so với bạn bè đồng trang lứa. Những giải thể thao phong trào như Hội khỏe Phù Đổng cũng là một cơ hội tốt để vận động viên tương lai có cơ hội lọt vào mắt xanh của các giáo viên. Từ đó, các em được giới thiệu cho đội thể thao của địa phương.

Một chi tiết khác giúp các HLV lựa chọn VĐV tiềm năng là gia cảnh. Không phải ngẫu nhiên mà phần lớn các VĐV thể thao đỉnh cao Việt Nam đều sinh ra trong gia đình nghèo khó, đông anh chị em. Điều kiện gia đình khó khăn lại trở thành một điểm cộng cho VĐV trong mắt HLV, bởi các em được đánh giá là những người giàu nghị lực, không ngại chịu khó, chịu khổ.

Mạng lưới tuyển trạch viên, cũng như yêu cầu với một đầu mối "săn đầu người" của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quân Đội sẽ cao hơn rất nhiều. Những đơn vị trên không chỉ tuyển mộ VĐV trong một vài tỉnh thành nhất định. Các đội thể thao của Hà Nội hiện tuyển mộ VĐV trên toàn bộ các tỉnh thành phía Bắc, TP Hồ Chí Minh ở khu vực phía Nam. Về phía Quân Đội, mạng lưới của họ đã "phủ sóng" toàn quốc.

Cạnh tranh và lựa "hàng dạt"

Trong câu chuyện của các đơn vị có đội thể thao lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quân Đội, họ sẽ đứng trước áp lực cạnh tranh trực tiếp về việc tuyển mộ VĐV với các địa phương. Khi ấy, bên có được VĐV thường là những đơn vị có uy tín và truyền thống đào tạo. Uy tín cá nhân của tuyển trạch viên đầu mối cũng rất quan trọng, nhưng điều kiện kinh tế cũng là một nhân tố không thể bỏ qua.

"Với những tuyển trạch viên vệ tinh là giáo viên thể dục tại địa phương, ít khi nào họ chỉ giữ mối liên hệ với chỉ một HLV thể thao đỉnh cao. Họ có thể quen biết HLV của nhiều địa phương khác nhau. Nếu tuyển trạch viên đó không quá thân thiết với ai, họ sẽ ưu tiên cho người sẵn sàng hỗ trợ họ ít nhiều về mặt tài chính, có thể là vài triệu đồng", một HLV giấu tên tiết lộ.

Câu chuyện tiền lót tay tưởng như chỉ có ở bóng đá chuyên nghiệp, trên thực tế, cũng đã xuất hiện trong giới thể thao thành tích cao. Số tiền có thể không lớn, nhưng cũng là nguồn động viên quý báu giúp những tuyển trạch viên vệ tinh có ý thức hơn trong việc nhìn nhận, đánh giá những em nhỏ có tố chất theo đuổi thể thao đỉnh cao trong tương lai.

Một nguồn vận động viên khác phổ biến hơn, và được các đoàn thể thao sử dụng nhiều hơn trong những năm gần đây, là tuyển mộ VĐV từ những môn khác tại địa phương khác. Ít ai biết trước khi trở thành tuyển thủ Boxing quốc gia, Nguyễn Thị Tâm là một VĐV điền kinh của đội Công an Nhân dân. Đồng đội của Tâm, nhà vô địch SEA Games 32 Hà Thị Linh vốn là VĐV bóng chuyền.

Chia sẻ bên lề SEA Games 32, nhà vô địch Pencak Silat Quàng Thị Thu Nghĩa cho biết cô cũng là một VĐV được chuyển từ môn thể thao khác. Ban đầu, các tuyển trạch viên thể thao Sơn La đưa Thu Nghĩa lên đội Boxing tập luyện. Sau một thời gian, nữ võ sĩ này không được đánh giá cao ở môn Boxing, nên phải chuyển sang đội Điền kinh. Nhưng cuối cùng, cái duyên lại đưa cô thành danh cùng Pencak Silat.

"Việc một VĐV vốn ban đầu tập môn thể thao này, nhưng sau đó lại tạo dựng tên tuổi với một môn khác không phải chuyện quá lạ", một HLV chia sẻ. Thông thường, các VĐV thường có xuất phát điểm tập Điền kinh, Võ cổ truyền hoặc Bóng đá. Chỉ đến khi lên trung tâm huấn luyện thể thao rèn luyện, họ mới được đánh giá thêm về tố chất trước khi chuyển sang một vài môn nhất định.

Bỏ tiền túi để tuyển quân

Những chuyến đi về vùng sâu, vùng xa tuyển mộ VĐV thường khá tốn kém. HLV không chỉ mất nhiều thời gian để đến những nơi thâm sơn cùng cốc. Những khoản chi phí cho việc đi lại, cũng như cảm ơn những tuyển trạch viên vệ tinh có công phát hiện VĐV cũng chiếm một phần tiền không nhỏ. Đáng chú ý hơn, có những khoản chi mà HLV không thể hạch toán khi về đội.

Vì lý do đó, nhiều HLV thừa nhận công tác huấn luyện với họ không chỉ là đam mê đơn thuần. Không ít người dành thời gian, và cả tiền túi của bản thân ra để thực hiện những chuyến đi về vùng sâu vùng xa, nhằm tìm ra những VĐV giàu tiềm năng. Đó là điểm sáng cần ghi nhận với những người làm công tác huấn luyện của thể thao Việt Nam, dù họ hiếm khi nào nói ra trước truyền thông.

Ở chiều ngược lại, các HLV làm việc vì đam mê thường có điều kiện kinh tế gia đình ở mức nhất định. Có những HLV thẳng thắn nói họ chỉ thực sự toàn tâm toàn ý với công tác huấn luyện khi kinh tế và thu nhập ổn từ những công việc khác.

An Khánh
.
.
.