Cầu thủ nữ phải đá trên sân không khán đài: Ai mang lại công bằng?

Thứ Sáu, 05/11/2021, 07:52

Đội tuyển nữ Việt Nam đang có cơ hội lớn giành vé đến sân chơi World Cup, nhưng dường như sự bất công với những cô gái đá bóng vẫn hiện hữu mà chưa biết khi nào mới có thể lấp đầy. Sau bài toán thu nhập, giờ là lúc những người làm bóng đá nên thể hiện sự công bằng khi để các cầu thủ chơi trên sân bóng đúng nghĩa.

Đá giữa trưa, sân không khán đài

"Đây là lịch thi đấu của giải nữ Cúp Quốc gia. Chúng tôi phải thi đấu lúc 13 giờ 30, khởi động từ 12 giờ 45 và chơi ở sân bóng không có khán đài. Với những gì bóng đá nữ đã làm và nhận được, chúng tôi kính mong mọi người sẽ tôn trọng hơn". Đó là dòng trạng thái bức xúc của tiền đạo Huỳnh Như trên trang Facebook cá nhân chỉ 1 ngày sau khi nhận thông tin. Đội trưởng tuyển nữ Việt Nam xóa dòng tin này nhưng nhiều khán giả đã nhanh chóng chụp lại và chia sẻ. Trên thực tế, Huỳnh Như không phải đá vào giữa trưa khi trận chung kết Cúp Quốc gia nữ giữa Hà Nội và TPHCM sẽ diễn ra vào lúc 15:30. 2 đội bóng phải ra sân thi đấu khi nhiều người còn đang ngái ngủ là Than Khoáng sản Việt Nam và Phong Phú Hà Nam. Thật khó tưởng tượng những cầu thủ nữ sẽ thể hiện ra sao dưới tiết trời đang giao mùa, lại đúng cái giờ mà thông thường họ sẽ được nghỉ ngơi, thư giãn.

Không chỉ có Cúp Quốc gia nữ, giải bóng đá nữ vô địch quốc gia cũng chứng kiến lịch thi đấu thiếu khoa học tương tự. Theo thông tin được VFF công bố mới đây, một nửa số trận tại giải đấu này sẽ diễn ra vào lúc 14 giờ 30. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến thể trạng cũng như màn trình diễn của các cầu thủ. Đáng chú ý hơn, lịch thi đấu này được đưa ra bất chấp những lời góp ý từ quá khứ.

Cầu thủ nữ phải đá trên sân không khán đài: Ai mang lại công bằng? -0
Các tuyển thủ Việt Nam chuẩn bị trở về CLB và thi đấu trên sân không có… khán đài.

"V.League là giải đấu kinh khủng. Các trận đấu diễn ra vào lúc 15, 16 giờ chiều dưới thời tiết nóng bức nên cầu thủ cũng không chịu di chuyển nhiều". HLV Toshiya Miura từng nhận xét như vậy về bóng đá Việt Nam 7 năm trước, thời điểm ông mới rời Nhật Bản để đến đây làm việc. Gần 1 thập niên đã trôi qua, trong khi bóng đá nam bắt đầu có sự cải thiện về mặt chuyên nghiệp thì bóng đá nữ dường như vẫn giậm chân tại chỗ. Tại sao các trận bóng nữ phải diễn ra vào giữa trưa? Phải chăng vì sức chịu đựng của cầu thủ nữ cao hơn cầu thủ nam? Câu trả lời nên dành cho những người có kinh nghiệm về chuyên môn cũng như công tác tổ chức. Nhưng bên cạnh việc thi đấu ở thời điểm phản khoa học như vậy, một điều khác làm đội trưởng đội tuyển nữ Việt Nam bức xúc là việc các cầu thủ phải chơi trên sân không có khán đài.

Nghịch lý bóng đá nam - nữ

Sân vận động quốc gia Mỹ Đình đã đi vào hoạt động 18 năm, nhưng đến giờ vẫn là "cấm địa" với đội tuyển nữ Việt Nam. Những trận đấu thuộc Cúp Quốc gia nữ và Giải bóng đá nữ vô địch quốc gia đều diễn ra ở Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam. Điều tréo ngoe là nơi này chỉ cách sân Mỹ Đình chưa đầy 1km, nhưng khoảng cách đến sân vận động quốc gia của các cầu thủ nữ Việt Nam dường như vẫn còn rất xa.

Nỗi bức xúc của Huỳnh Như có lẽ một phần xuất phát từ hiệu ứng đội tuyển quốc gia ít ngày trước. Trận đấu giữa Việt Nam và Nhật Bản ở vòng loại World Cup 2022 sắp tới sẽ đón khán giả đến sân Mỹ Đình, và 7000 vé nhanh chóng được bán sạch trong vòng 23 phút. Nhưng ở chiều ngược lại, những nhà tổ chức vẫn bảo lưu ý định để những trận bóng đá nữ diễn ra trên sân không khán giả, thậm chí không có cả... khán đài. Những ai từng theo dõi trực tiếp 1 trận đấu trong khuôn khổ các giải bóng đá nữ ở Việt Nam sẽ nhận thấy khán giả đến sân không nhiều. Dù vậy, điều mà Huỳnh Như và nhiều cầu thủ nữ khác muốn được ghi nhận là việc họ có cơ hội chơi ở một sân bóng thực sự, nơi có khán đài và có dù chỉ một vài cổ động viên đến theo dõi, cổ vũ. Điều đó sẽ khích lệ tinh thần cho họ lớn hơn nhiều thay vì làm như hiện tại.

Các cầu thủ nữ như Huỳnh Như, Tuyết Dung... chưa bao giờ đòi hỏi quyền lợi của mình phải được như những cầu thủ nam. Họ chỉ có những nguyện vọng tối thiểu như một cầu thủ bình thường: Được ra sân thi đấu, có mức thu nhập đủ trang trải cho cuộc sống thường ngày và chơi bóng trên những sân vận động thực thụ. Nếu Mỹ Đình vẫn là cấm địa với cầu thủ nữ, tại sao trận đấu lại không thể tổ chức ở Hàng Đẫy hoặc một sân bóng nào khác?

Nếu xét về khả năng hy sinh và cống hiến cho bóng đá Việt Nam, cầu thủ nữ rõ ràng đã đánh đổi rất nhiều so với những đồng nghiệp nam. HLV Mai Đức Chung từng đau đáu khi nói mỗi CLB nam ở V.League hàng năm tiêu tốn 50-70 tỷ đồng, trong khi một đội bóng nữ chỉ mất... 3-4 tỷ đồng/năm đã là rất tốt rồi nhưng vẫn không có ai đầu tư. Ở SEA Games 2017, một cầu thủ trong ĐT nữ Việt Nam thậm chí mang bầu nhưng vẫn ra sân thi đấu và giành HCV.

Không thể phủ nhận bóng đá nữ Việt Nam đã được quan tâm hơn nhiều trong những năm qua, từ chế độ đãi ngộ đến việc nâng cao chất lượng tập luyện, bồi bổ cầu thủ... Giờ là lúc chúng ta cần nghiêm túc xem xét đến việc xây dựng hình ảnh, nâng cao chất lượng những giải bóng đá nữ trong mắt người hâm mộ. Đó mới là nhân tố quyết định thu hút khán giả và nhà tài trợ, thay vì những hình ảnh "thiếu chuyên nghiệp" năm nào.

Bóng đá nữ SEA Games diễn ra ở các "chảo lửa"

Trước thông tin SEA Games sẽ diễn ra vào tháng 5/2022 tới, một trong những điều làm người hâm mộ bóng đá nữ quan tâm nhất là địa điểm diễn ra các trận đấu. Ban đầu sân vận động Lạch Tray được chọn làm nơi tổ chức, rồi quyền đăng cai sau đó được chuyển sang Thiên Trường. Nhưng với việc ban lãnh đạo CLB Hải Phòng đã bỏ tiền nâng cấp, tu sửa Lạch Tray thời gian qua, đây có thể sẽ lại là địa điểm tổ chức bóng đá nữ SEA Games.

Trong quá khứ, sân Lạch Tray từng là nơi chứng kiến trận đấu đông khán giả đến xem nhất của đội tuyển nữ Việt Nam. Trận chung kết bóng đá nữ SEA Games 2003 giữa Việt Nam và Myanmar 18 năm trước từng có 3 vạn khán giả đến cổ vũ chật kín sân bóng. HLV Mai Đức Chung đến giờ thỉnh thoảng vẫn kể về ấn tượng không thể nào quên tại kỳ SEA Games năm ấy, khi khán giả ban đầu đến sân rất ít nhưng sau mỗi trận lại ngày một nhiều lên, thậm chí có cả... phe vé bóng đá nữ.

An Khánh
.
.
.