Bóng chuyền nữ Việt Nam: Sau kỳ tích là... khó khăn

Thứ Hai, 07/08/2023, 08:10

Bóng chuyền nữ Việt Nam đang trải qua năm 2023 đầy rực rỡ với các danh hiệu quốc tế liên tiếp, cùng lần đầu bước chân ra thế giới. Tuy nhiên, đằng sau kỳ tích đó là tương lai rất nhiều trở ngại. Và vấn đề đầu tiên vẫn là “tiền đâu?”.

Kỳ tích của bóng chuyền nữ Việt Nam

Không thể lật đổ người Thái Lan ở SEA Games 32, nhưng tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam vẫn có màn trình diễn đáng nhớ, qua đó tái khẳng định vị thế á quân ở khu vực Đông Nam Á. Tất nhiên, đó không phải kỳ tích đáng nói, đặc biệt khi Thái Lan chỉ mang đến Campuchia đội hình 2.

Thành công lớn nhất của tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam nằm ở 2 chức vô địch liên tiếp các giải đấu tầm châu lục. Đầu tiên, đội bóng của HLV Trần Tuấn Kiệt lên ngôi Giải bóng chuyền nữ các câu lạc bộ châu Á 2023 trong sự ngỡ ngàng của tất cả. Trước giải đấu tại Vĩnh Phúc hồi tháng 4 năm nay, HLV Trần Tuấn Kiệt chỉ dám đặt mục tiêu… cọ xát là chính. Trong khi đó, cựu Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam, ông Trần Đức Phấn cho rằng lọt vào chung kết giải đấu châu Á là nhiệm vụ bất khả thi với các đội bóng Việt Nam.

Bóng chuyền nữ Việt Nam: Sau kỳ tích là... khó khăn -0
Tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam càng thành công, càng… lo lắng.

Tiếp đến, tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam lên ngôi ở AVC Challenge Cup 2023 sau chiến thắng nghẹt thở 3- 2 trước chủ nhà Indonesia. Chiến thắng này giúp Trần Thị Thanh Thúy và các đồng đội lần đầu tiên được bước ra sân chơi thế giới, tham dự CLB bóng chuyền nữ thế giới FIVB Challenger Cup 2023. Cho dù thua chủ nhà Pháp ngay ở vòng đầu tiên, nhưng tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đã có những trải nghiệm tuyệt vời.

Cần biết rằng Pháp lần lượt đánh bại Ukraine và Thụy Điển sau đó để thẳng tiến lên ngôi vô địch FIVB Challenger Cup 2023. Sau 3 trận đấu, đội chủ nhà chỉ thua đúng 1 sét. Vì vậy, không thể vì trận thua chóng vánh trước Pháp mà hạ thấp màn trình diễn của tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam suốt một năm qua. Các chiến thắng liên tiếp ở giải châu Á góp phần quan trọng giúp tuyển nữ Việt Nam trở lại với bảng xếp hạng thế giới sau 1 năm vắng bóng. Thứ hạng 47 hiện tại sẽ giúp đội bóng của HLV Trần Tuấn Kiệt có nhiều cơ hội thi đấu quốc tế hơn trong tương lai.

Chuyên gia bóng chuyền Nguyễn Bá Nghị, nguyên Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam cho biết: “Tham gia nhiều giải quốc tế là bước thay đổi trong đầu tư của tuyển bóng chuyền Việt Nam, giúp VĐV có cơ hội cọ xát quốc tế nâng cao trình độ. Đây cũng là bước đầu trên đường Việt Nam đuổi theo bóng chuyền nữ Thái Lan - vốn đã vươn tầm thế giới”.

Trở ngại vì thiếu kinh phí

Trước FIVB Challenger Cup 2023 đúng 1 tháng, Trần Thị Thanh Thúy và các đồng đội vẫn chưa chắc có thể sang Pháp vì thiếu kinh phí. Tổng thư ký Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (VFV) Lê Trí Trường cho biết việc đội tuyển bóng chuyền nữ giành quyền tham dự FIVB Challenge Cup nằm ngoài kế hoạch thi đấu trong năm 2023. Và vì thế, VFV không có sẵn… kinh phí cho giải đấu này.

Hiện tại, bóng chuyền nữ Việt Nam vẫn đang ở trong guồng quay phát triển chóng mặt với một loạt giải đấu lớn. Sau FIVB Challenger Cup 2023 là SEA V.League, VTV Cup và giải Vô địch châu Á 2023.

Cơ hội cho các cô gái của tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam tích lũy kinh nghiệm và tiến lên một đẳng cấp mới đang trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, sau những giải đấu này là gì thì không ai có câu trả lời xác đáng. Bóng chuyền nữ Việt Nam vẫn chưa thể chuyên nghiệp hóa cho dù đã từng có giai đoạn sử dụng ngoại binh. Vụ lùm xùm của cô trò Kim Huệ cách đây chưa lâu là một ví dụ. Trên hết, tài chính là trở ngại lớn nhất khiến bóng chuyền nữ Việt Nam không thể phát triển đúng tiềm năng. Bóng chuyền được xem là môn thể thao phong trào được yêu thích bậc nhất trong xã hội, có lẽ chỉ sau bóng đá.

Giải vô địch bóng chuyền quốc gia luôn rơi vào cảnh thiếu tài trợ. Nếu có tài trợ thì lại gây ra điều tiếng không hay, ví dụ như việc ông bầu Đào Hữu Huyền bơm tiền cho giải nhưng lại đứng đầu một đội bóng lớn của giải. Chưa kể tình trạng một số “đại gia” vừa nhảy vào bộ môn này, tạo ra cơn sốt ảo trong thời gian ngắn trước khi “vỡ trận” như FLC, khiến mọi chuyện đâu lại vào đấy, thậm chí còn khó khăn hơn trước.

Ông bầu Đào Hữu Huyền từng nhiều lần kêu gọi các doanh nghiệp lớn khác đầu tư vào bóng chuyền, nhưng không có ai đủ đam mê như ông. Về cơ bản, làm bóng chuyền còn phức tạp và khó phát sinh lợi ích hơn bóng đá. Chính vì vậy, cho dù chi phí cho bóng chuyền thấp hơn rất nhiều so với bóng đá, nhưng các ông bầu không mấy mặn mà.

Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam thay đổi vị trí HLV trưởng tại chặng 2 SEA V.League

Tại chặng 2 SEA V.League 2023, HLV Nguyễn Tuấn Kiệt sẽ nhường chiếc ghế thuyền trưởng cho vị trợ lý quen thuộc Nguyễn Trọng Linh. Hiện tại, chặng 1 SEA V.League 2023 đang diễn ra ở Vĩnh Phúc. HLV Nguyễn Tuấn Kiệt muốn nhân dịp này rà soát lại đội hình để hướng đến VTV Cup và giải Vô địch châu Á 2023.

Đến chặng 2 tổ chức ở Thái Lan, HLV Nguyễn Tuấn Kiệt sẽ ở lại cùng với các trụ cột của tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam. “Đội hình một” của Việt Nam sẽ di chuyển lên Lào Cai tập huấn, chuẩn bị cho các giải đấu vào đầu nói trên. Trong khi đó, “đội hình hai” sẽ do trợ lý Nguyễn Trọng Linh dẫn dắt đánh chặng 2 SEA V.League 2023. Tất nhiên, bóng chuyền nữ Việt Nam không đặt nặng thành tích ở chặng 2, mà xem đây là cơ hội cho các vận động viên mới thể hiện mình.

Nếu điều kiện cho phép, tuyển nữ Việt Nam hoàn toàn có thể duy trì phương án tách đội này trong thời gian tới, đảm bảo cho các VĐV xuất sắc nhất quốc gia có đủ sân chơi để phát triển tài năng.

Anh Khánh
.
.
.