Bóng chuyền nam Hà Nội tiếp tục vượt khó

Thứ Năm, 09/02/2023, 09:40

Khi Giải vô địch bóng chuyền quốc gia năm 2023 sắp khởi tranh, theo kế hoạch là từ ngày 24-2, đội bóng chuyền nam Hà Nội vẫn là một trong số ít đội tại giải không thuê VĐV ngoại. Kinh phí không dư dả trong khi áp lực từ vị trí thứ 3 ở mùa giải năm ngoái thực sự là bài toán khó, đòi hỏi nỗ lực vượt khó gấp bội của đội bóng Thủ đô.

Từ tấm huy chương bất ngờ

Cách đây hơn nửa năm, đội bóng chuyền nam Hà Nội được nhắc đến liên tục ở Giải vô địch quốc gia năm 2022. Khi ấy, Hà Nội gây bất ngờ lớn với việc giành tấm HCĐ. Nếu cách đó gần 20 năm, việc giành HCĐ chẳng có gì đáng kể với bóng chuyền nam Hà Nội khi vị thế lúc đó của của đội luôn ở hàng đầu quốc gia. Cho đến tận năm 2005, bóng chuyền nam Hà Nội (khi đó còn mang tên Bưu điện Hà Nội) vẫn còn góp mặt ở chung kết giải bóng chuyền vô địch quốc gia và thua Thể Công. Còn tại mùa giải 2004, đội nam Bưu điện Hà Nội lên ngôi vô địch quốc gia.

bóng chuyền nam hà nội 1.jpg -0
Đội bóng chuyền nam Hà Nội sẽ phải nỗ lực gấp bội ở mùa giải 2023.

Nhưng đó là lúc đội nam Bưu điện Hà Nội vẫn thuộc diện được đầu tư tốt với dàn lực lượng có chất lượng hàng đầu Việt Nam. Những người góp mặt ở Bưu điện Hà Nội giai đoạn đó giờ vẫn cống hiến cho bóng chuyền Việt Nam trong vai trò HLV như HLV Nguyễn Tuấn Kiệt ở Than Quảng Ninh hay HLV Bùi Trung Thảo ở Tràng An Ninh Bình. Chỉ đến khi cái tên Bưu điện Hà Nội không còn trên bản đồ bóng chuyền Việt Nam do những khó khăn của doanh nghiệp đỡ đầu cho đội thì bóng chuyền Hà Nội, trong đó có bóng chuyền nam mới bước vào giai đoạn khó khăn.

Nhắc lại hành trình giành tấm HCĐ tại Giải vô địch quốc gia năm 2022, Trưởng bộ môn bóng chuyền – bóng rổ (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội) Bùi Đình Lợi vẫn bảo rằng: “Chúng tôi dự giải trong vai một trong những đội bóng khó khăn nhất khi không có nhà tài trợ, thành tích tại 2 giải vô địch quốc gia trước đó cũng không đáng kể. Rồi chế độ bồi dưỡng tập luyện và thi đấu của các cầu thủ cũng chỉ theo đúng mức chi của ngành Thể thao Hà Nội. Không có tài trợ, đội cũng không thể thuê ngoại binh, chỉ sử dụng hoàn toàn cầu thủ từ hệ thống đào tạo của mình. Thế nên lúc đó lọt vào tứ kết đã là bất ngờ, rồi lọt vào bán kết để giành HCĐ cũng là ngoài dự tính của thầy trò, là sự may mắn với đội bóng”.

Người trong cuộc khiêm tốn như vậy nhưng nếu xét kỹ thì đó cũng chính là sự ghi nhận thành quả trong đào tạo của bóng chuyền Hà Nội bên cạnh sự tinh quái, lão luyện của đội ngũ HLV. Trong đó có HLV Nguyễn Hữu Bình, người đã gắn bó hàng chục năm với đội và từng từ chối nhiều lời mời để ở lại gắn bó với bóng chuyền Thủ đô.

Với các HLV, VĐV của đội bóng này, tấm HCĐ khi ấy quý như vàng kể cả khi nó có thể chìm nghỉm so với hàng trăm HCV mà nhiều đội thể thao khác của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội giành được. Đơn giản vì tấm HCĐ ấy mang nhiều ý nghĩa, chứa đựng tâm huyết, sự vượt khó và cả tài năng trong một môn thể thao, lại là môn tập thể, có sức cạnh tranh cao như bóng chuyền.

Sau này, ông Bùi Đình Lợi kể lại, khi được lãnh đạo Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội đánh giá cao về thành tích đoạt HCĐ ở Giải vô địch quốc gia, ông và các HLV, VĐV trong đội càng ấm lòng, thêm động lực. Điều đó cũng phù hợp với định hướng lâu nay của lãnh đạo ngành Thể thao Hà Nội là bên cạnh phát triển những môn thể thao thành tích cao, những môn cá nhân có thể mang về huy chương thế giới, châu lục, khu vực Đông Nam Á cho thể thao Hà Nội thì cũng phải chú trọng phát triển những môn thể thao tập thể, đã thân quen với người Hà Nội như bóng đá, bóng chuyền…

Đến áp lực không tên

Thực tế, từ sau khi giành HCĐ ở Giải vô địch quốc gia, nhà quản lý, Ban huấn luyện đội bóng chuyền nam Hà Nội cũng kỳ vọng sẽ có những bước tiến mới, đặc biệt trong khâu vận động tài trợ. Bởi có nguồn tài trợ sẽ giúp hỗ trợ thu nhập hằng tháng cho VĐV, hỗ trợ tập luyện cho đội, có kinh phí để thuê VĐV ngoại…

Thế nhưng, từ đó đến nay, khâu tìm kiếm nhà tài trợ cho đội bóng hầu như không có bước chuyển đáng kể. Trong khi đó, với vị thế của đội bóng giành HCĐ quốc gia, đội nam Hà Nội cũng sẽ được các đội khác nhìn nhận khác. “Hành trình thi đấu ở mùa giải 2023 của đội sẽ thực sự gian nan khi các đội sẽ rất cẩn trọng khi thi đấu với Hà Nội. Đó là điều đương nhiên và chúng tôi phải tìm cách thích nghi” – ông Bùi Đình Lợi nói.

Không cần phải đợi đến lúc này, những người có trách nhiệm mới cảm nhận rõ áp lực dành cho đội bóng. Ngay ở Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2022, bóng chuyền nam Hà Nội cũng không thể giành dù chỉ HCĐ. Cũng ở buổi tiệc vinh danh các đội thể thao Hà Nội giành huy chương ở Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2022 vào trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, đội chuyền nam cũng đành không có mặt do không giành huy chương ở Đại hội. Lúc đó, người ta càng hiểu rõ áp lực dành cho đội bóng ở các sân chơi quốc gia có sức cạnh tranh cao.

Sau Tết Nguyên đán Quý Mão, các cầu thủ Hà Nội đã bắt tay vào tập luyện ngay, rồi dự một số giải đấu ở các địa phương để tạo hưng phấn trong quá trình chuẩn bị cho Giải vô địch quốc gia 2023. Ít ngày nữa, đội tới Ninh Bình dự cúp Hoa Lư Bình Điền 2023 mà không phải chi kinh phí tham gia nên đây được xem như cơ hội quý với đội bóng “con nhà nghèo” như Hà Nội. Biết là sẽ khó khăn ở mùa giải 2023 nhưng thầy trò vẫn quyết tâm vượt khó.

Quyết tâm của người trong cuộc là vậy nhưng những người gắn bó với đội cũng chỉ mong thời gian tới, đội bóng giàu truyền thống này cũng không phải nhắc đi nhắc lại điệp khúc vượt khó.

Minh Hà
.
.
.