Bóng bàn Việt Nam với niềm vui từ sân chơi ASIAD

Thứ Năm, 28/09/2023, 07:35

Không kể đến thành tích của đội tuyển nữ bóng bàn Việt Nam tại nội dung đồng đội nữ ở ASIAD 19, việc được thi đấu với những tay vợt hàng đầu thế giới của Trung Quốc, Nhật Bản cũng là niềm vui đáng kể của các tay vợt Việt Nam.

Hạnh phúc khi gặp cao thủ thế giới 

Đội tuyển bóng bàn Việt Nam đến ASIAD 19 với tâm thế thi đấu hết mình, được đến đâu hay đến đó. Đó cũng là điều bình thường khi đội không bị áp mục tiêu giành huy chương (cũng là mục tiêu bất khả thi với các đội tuyển bóng bàn Việt Nam ở ASIAD trong nhiều năm qua) mà chỉ là vượt qua vòng bảng trong điều kiện không gặp những đối thủ trên tầm. Đó cũng là mục tiêu phù hợp thực tế khi các tay vợt ít thi đấu quốc tế, chủ yếu tập huấn trong nước trong khi VĐV nhiều nước, kể cả trong khu vực Đông Nam Á, lại thi đấu quốc tế liên tục.

Bóng bàn Việt Nam với niềm vui từ sân chơi ASIAD  -0
Tay vợt Trần Mai Ngọc thi đấu tại ASIAD 19. Ảnh:Hangzhou2022

Có lẽ với tâm lý thoải mái như vậy nên đội nữ Việt Nam (hạng 116 thế giới) đã thoải mái phô diễn hết khả năng và có sự xuất thần để hạ Uzbekistan (hạng 57 thế giới) ở vòng 2 nội dung đồng đội nữ, qua đó giành quyền vào tứ kết. Đó cũng là cột mốc mới của các tay vợt nữ Việt Nam khi lần đầu tiên góp mặt ở tứ kết một kỳ ASIAD. Đáng chú ý, theo nhánh bốc thăm, đội tuyển nữ Việt Nam gặp chủ nhà Trung Quốc ở tứ kết. Biết kết quả này, những người luôn theo sát bước đi của bóng bàn Việt Nam đều không tiếc rẻ mà đều vui và cho rằng đó là cơ hội để đời với các tay vợt nữ Việt Nam.

Bởi rõ ràng, dù cầm chắc sẽ thua các tay vợt chủ nhà, đều trong nhóm hàng đầu thế giới nhưng chắc chắn đó lại là trải nghiệm khó quên với các tay vợt Việt Nam. Đối với các tay vợt nữ Việt Nam, được so tài với các tay vợt Nhật Bản, Trung Quốc tại ASIAD 19 này mới là thu lượm lớn nhất về chuyên môn. Thế nên, khi đội nữ Việt Nam thua 0-3 trước Trung Quốc ở tứ kết thì cũng chẳng ai ngạc nhiên. Trái lại là vui cho các tay vợt Việt Nam khi được so vợt với những tay vợt hàng đầu thế giới, trong đó Nguyễn Khoa Diệu Khánh gặp Chen Meng (hạng 1 thế giới), Trần Mai Ngọc gặp Sun Yingsha (hạng 2 thế giới), Bùi Ngọc Lan gặp Wang Manyu (hạng 4 thế giới).

Tương tự là câu chuyện của các tay vợt nam Việt Nam khi được so tài với các tay vợt Trung Quốc. Trên trang mạng xã hội của mình, tay vợt số 1 Việt Nam Nguyễn Anh Tú cũng hào hứng đăng tấm ảnh chụp cùng tay vợt số 3 thế giới Ma Long cũng như những khoảnh khắc thi đấu với Ma Long. Đi kèm là dòng trạng thái “Đời bóng bàn được gặp anh Long một lần là vui rồi”. Có lẽ, chỉ dòng trạng thái này cũng đủ lột tả hết tâm trạng của các tay vợt Việt Nam khi được so vợt với các cao thủ bóng bàn Trung Quốc tham dự ASIAD 19 – cũng là những tay vợt trong nhóm đầu thế giới.

Cho nên, dự ASIAD 19 không chỉ là câu chuyện thành tích mà còn là những cuộc so tài hiếm gặp, đủ để mang lại hạnh phúc cho người trong cuộc, đặc biệt là các tay vợt Việt Nam.

Nỗi niềm… kinh phí

Những câu chuyện trên của các tay vợt Việt Nam ở ASIAD 19 lại chỉ càng bộc lộ một vấn đề khác của bóng bàn Việt Nam là ít được thi đấu ở những sân chơi đỉnh cao thế giới. Cho nên, ASIAD – sân chơi mà ngành Thể thao đầu tư kinh phí tham dự mới là cơ hội để các tay vợt Việt Nam được thi đấu với những tay vợt hàng đầu thế giới, đến từ Trung Quốc, Nhật Bản… Còn nếu không dự ASIAD, VĐV Việt Nam cũng hầu như không có cơ hội so tài với những cao thủ hàng đầu thế giới và đương nhiên để lại những tiếc nuối khó nói thành lời.

Không cần đâu xa, chỉ cần lấy ví dụ về việc đội tuyển bóng bàn Việt Nam đã không thể tham dự Giải vô địch châu Á 2023, diễn ra trước ASIAD 19. Đó đương nhiên là sân chơi đỉnh cao của bóng bàn châu Á và thế giới. Thế nhưng cơ hội trôi qua với các tay vợt Việt Nam cũng bởi lý do muôn thuở là kinh phí thi đấu quốc tế trong năm 2023 của Cục TDTT dành cho đội tuyển bóng bàn quốc gia đến trước ASIAD 19 cũng đã cạn. Cân nhắc, tìm các phương án khác nhưng không ra “đáp án” nên cuối cùng chuyến thi đấu tại Giải vô địch châu Á 2023 lại bất thành.

Đối với nhiều tay vợt của đội tuyển, đây không còn là chuyện hiếm bởi nhiều năm qua họ đã phải chấp nhận không tham dự nhiều giải đấu tầm cỡ châu lục, thế giới cũng chỉ vì Cục TDTT (trước đây là Tổng cục TDTT) cũng như Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam không thể tìm được nguồn kinh phí tham dự. Và đương nhiên, VĐV Việt Nam mất những cơ hội cọ xát với những tay vợt hàng đầu thế giới. Cho nên, việc được gặp các tay vợt hàng đầu thế giới tại ASIAD 19 được xem là hạnh phúc cho các tay vợt Việt Nam. Và thực sự, các tay vợt Việt Nam đều không giấu niềm vui, hạnh phúc khi được thi đấu, chụp ảnh chung với những tay vợt mà họ thường chỉ được xem qua màn hình.

Vui cho các tay vợt nhưng đó đương nhiên là “nỗi niềm” của bóng bàn Việt Nam. Bởi thực tế, cơ hội được so tài với các tay vợt hàng đầu thế giới, từ đó nâng tầm bản thân cho các tay vợt Việt Nam luôn xuất hiện ở hàng chục giải đấu quốc tế mỗi năm do Liên đoàn Bóng bàn thế giới tổ chức. Vấn đề là các tay vợt Việt Nam có thể tham dự hay không. Mà để giải quyết vấn đề này vẫn là vấn đề kinh phí thi đấu đến từ Cục TDTT, Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam, đơn vị chủ quản của VĐV hay chính VĐV.

Với tình hình hiện tại, vai trò của Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam vẫn được đề cao bởi đây là nơi có thể huy động được nguồn kinh phí tham dự các giải quốc tế cho VĐV từ sự đồng hành của các cá nhân, doanh nghiệp. Có làm được như vậy mới khiến việc các tay vợt Việt Nam được gặp các cao thủ tại ASIAD, như ở ASIAD 19, trở thành chuyện bình thường, chứ không còn là chuyện hiếm hoi trong đời VĐV của mình. Và xa hơn, vẫn là đóng góp vào việc nâng tầm cho VĐV cũng như bóng bàn Việt Nam.

May mắn khi dự giải quốc tế trong nước

Ngay trước thềm ASIAD 19, đội tuyển bóng bàn Việt Nam được thi đấu ở giải bóng bàn quốc tế cúp “Côn Sơn” năm 2023 tại Hải Dương. Đây là giải đấu có các tay vợt trẻ của Quảng Đông (Trung Quốc) tham dự, là điều kiện cọ xát quốc tế khá bất ngờ cho các tay vợt Việt Nam sau khi không thể dự giải vô địch châu Á 2023. Tuy nhiên, việc các địa phương tổ chức giải quốc tế, tạo điều kiện cho các tay vợt Việt Nam cọ xát cũng không ổn định, chỉ có thể hiểu theo hướng “được lúc nào, hay lúc đó”.

Minh Khuê

Minh Hà
.
.
.