Billiards Snooker và lỗ hổng của các Liên đoàn Thể thao quốc gia

Thứ Sáu, 02/08/2024, 06:16

Nguyên nhân sâu xa khiến Liên đoàn Billiards Snooker châu Á đình chỉ hoạt động của Liên đoàn Billiards Snooker Việt Nam xuất phát từ lỗ hổng trong mô hình quản lý liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia hiện tại của Việt Nam, đồng thời tiềm ẩn không ít mối nguy trong tương lai.

Mô hình hai thành phần

Chỉ trong ít ngày, Billiards Snooker đã thành câu chuyện được nhắc đến nhiều nhất thay vì bóng đá hay Olympic. Câu chuyện bắt nguồn từ việc các cơ thủ Việt Nam bị Liên đoàn Billiards Snooker châu Á (ACBS) cấm thi đấu với lý do Liên đoàn Billiards Snooker Việt Nam (VBSF) tổ chức giải không do ACBS cấp phép. VBSF cũng bị ACBS đình chỉ hoạt động.

Nhưng sau đó, một nhân tố khác lại xuất hiện: Liên đoàn Billiards Snooker Hà Nội (HBSF). Đơn vị này khẳng định ACBS không có căn cứ đình chỉ VBSF, cũng như cấm các cơ thủ Việt Nam vì những giải đấu "trái phép" do HBSF tổ chức, không phải VBSF. Ngoài ra, HBSF không phải thành viên của ACBS, nên họ có thể tổ chức giải mà không bị cấm.

Để hiểu rõ hơn câu chuyện, chúng ta cần hiểu về mô hình quản lý thể thao chung tại Việt Nam. Dù là thể thao thành tích cao hay thể thao quần chúng, các môn này được quản lý bởi hai thành phần. Thứ nhất là các Đơn vị trực thuộc nhà nước. Thứ hai là các Tổ chức xã hội, nghề nghiệp.

Ở cấp độ nhà nước, đơn vị quản lý cao nhất các môn thể thao là Cục Thể dục Thể thao. Tại địa phương, đơn vị quản lý là Sở Văn hóa Thể thao, phía dưới có Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT. Trong khi đó, Tổ chức xã hội, nghề nghiệp được hiểu là Liên đoàn, Hiệp hội thể thao.

Theo Luật Thể dục Thể thao số 77/2006/QH11, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 26/2018/QH14, Liên đoàn thể thao quốc gia là tổ chức xã hội - nghề nghiệp về một môn hoặc một số môn thể thao và được gia nhập liên đoàn thể thao quốc tế tương ứng. Tuy nhiên, Liên đoàn thể thao quốc gia chỉ là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, không có thẩm quyền "ra lệnh" cho cơ quan quản lý nhà nước.

Lỗ hổng trong mô hình quản lý, làm việc của Liên đoàn Thể thao quốc gia bắt đầu xuất hiện trong những năm gần đây. Về mặt pháp luật, quyền hạn và nghĩa vụ của Liên đoàn Thể thao quốc gia rất nhiều. Tuy nhiên, công việc của họ bị hạn chế không ít, từ cấp trung ương đến địa phương.

Có một chuyện được truyền lại về một giải thể thao thành tích cao cấp độ quốc gia thời gian gần đây. Ở giải đấu đó, một khoản chi phí ngoài dự tính đã phát sinh, khi ban tổ chức (gồm Liên đoàn thể thao quốc gia và địa phương đăng cai) bật điều hòa trong nhà thi đấu. Việc này khiến BTC phải trả thêm vài triệu đồng tiền điện.

Vài ba triệu đồng chỉ là con số nhỏ, nhưng không bên nào chịu nhường nhau. Ban đầu, Liên đoàn Thể thao quốc gia đề nghị phía địa phương thanh toán, hỗ trợ. Địa phương này sau đó lập tức phản pháo với lý do "Liên đoàn chỉ là tổ chức xã hội nghề nghiệp, không có quyền ra lệnh cho cơ quan quản lý nhà nước, ngay cả ở cấp địa phương".

anh2.jpg -0
Billiards Việt Nam có nguy cơ bị cấm dự SEA Games và ASIAD với lệnh cấm vừa qua.

Lỗ hổng nhỏ và lớn

Từ câu chuyện nhỏ như việc không bên nào chịu thanh toán tiền điện, lỗ hổng quản lý của Liên đoàn thể thao quốc gia dần lớn hơn khi xuất hiện các giải đấu trong nước và quốc tế. Lỗ hổng này lộ ra khi xuất hiện Liên đoàn Billiards Snooker Hà Nội, cũng như một đơn vị cấp phép tổ chức đăng cai giải Billiards quốc tế là Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội.

Nếu HBSF, một đơn vị không trực thuộc ACBS, có thể thoải mái tổ chức các giải đấu quốc tế dưới giấy phép được cấp từ địa phương, câu chuyện được đặt ra ở đây là: Sự tồn tại của Liên đoàn Billiards Snooker có ý nghĩa gì? VBSF có quyền hạn ra sao trong việc quản lý HLV, VĐV, tổ chức các giải đấu quốc gia, cũng như hợp tác quốc tế?

Trong câu chuyện riêng của HBSF và VBSF, nếu HBSF khẳng định họ không phải thành viên của ACBS, một tổ chức VBSF đang trực thuộc, vậy mối quan hệ giữa HBSF và VBSF là như thế nào? HBSF là một thành viên, cơ sở trực thuộc của VBSF, hay hoàn toàn nằm ngoài tầm quản lý của VBSF? Mỗi câu trả lời đều mang lại một mối nguy khác.

Nếu HBSF là thành viên, cơ sở của VBSF, tại sao VBSF lại để HBSF tổ chức những giải đấu không được ACBS cấp phép, dẫn đến việc VBSF bị đình chỉ hoạt động, còn các VĐV Việt Nam cũng phải nhận án cấm thi đấu 6 tháng?

Nếu HBSF là đơn vị độc lập, nằm ngoài tầm quản lý của VBSF, thì VBSF, một Liên đoàn cấp độ quốc gia, có thẩm quyền ra sao với các Liên đoàn địa phương? HBSF quản lý Billiards ở Hà Nội như thế nào nếu như xuất hiện một Liên đoàn cấp độ địa phương ở Hà Nội, nhưng họ lại không thể kiểm soát?

Một vấn đề khác cần được quan tâm, đó là HBSF liên tục sử dụng cụm từ "giải thể thao quần chúng quốc tế" khi nhắc về những giải Billiards họ tổ chức gần đây. Tuy nhiên, cụm từ trên chỉ được áp dụng với những giải thể thao có tính chất quần chúng. Trong khi đó, Billiards ở Việt Nam đang được quản lý, phát triển theo mô hình thể thao thành tích cao.

Việc đánh tráo khái niệm, cố tình viện dẫn sai khái niệm về Billiards tại Việt Nam cần được nhìn nhận ở góc độ quản lý nhà nước. Bởi, việc này còn liên quan đến quá trình cấp phép, tổ chức các giải thể thao trong nước và quốc tế tại Việt Nam. Sẽ ra sao nếu những giải thể thao thành tích cao và chuyên nghiệp bị buông lỏng quản lý, xuất hiện tràn lan dưới mác phong trào?

Billiards Việt Nam cần tính đường dài cho ASIAD 2030

Billiards đã nằm trong chương trình thi đấu sơ bộ của ASIAD 2030 tại Doha, Qatar. Tại giải đấu này, ACBS chắc chắn sẽ lại là đơn vị tham gia tổ chức, quản lý và điều hành giải bên cạnh Ủy ban Olympic châu Á (OCA). Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến VBSF gần đây liên tục cảnh báo các cơ thủ, đơn vị có đội Billiards tại Việt Nam về nguy cơ bị cấm thi đấu.

Khác với SEA Games, nơi 2-4 HCV bị mất có thể không ảnh hưởng đến xếp hạng chung của đoàn thể thao Việt Nam, ASIAD lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Bởi, Billiards Việt Nam đang có những cơ thủ hàng đầu thế giới. Việc họ giành huy chương có thể quyết định thành bại về chỉ tiêu của đoàn Việt Nam.

Trước đây, ở 4 kỳ ASIAD đưa Billiards vào chương trình thi đấu, các cơ thủ Việt Nam từng giành 1 HCV, 2 HCB, 2 HCĐ. Mọi chuyện sẽ ra sao nếu những VĐV có khả năng tranh huy chương vàng ASIAD như Trần Quyết Chiến, Bao Phương Vinh, Dương Quốc Hoàng... không thể đại diện Việt Nam tranh huy chương ở Á vận hội 6 năm tới?

An Khánh
.
.
.