"Billiards kiểu mới" vào Việt Nam và hình mẫu xã hội hóa thể thao

Thứ Sáu, 09/06/2023, 04:46

Hướng đi cho những môn thể thao được xã hội hóa và kiếm tiền như thế nào không còn là câu chuyện mới tại Việt Nam nữa. Những người làm thể thao của Việt Nam có thể tham khảo hình mẫu từ nhiều nơi, tiêu biểu là Hiệp hội Billiards Chuyên nghiệp (PBA), đơn vị chuẩn bị tổ chức một hệ thống giải quốc tế tại Việt Nam.

Cơn sóng không thể cản

Năm 2019, cùng thời điểm nhiều CLB hàng đầu châu Âu nung nấu ý định thành lập Super League, một nhóm những người điều hành Billiards quốc tế thành lập Hiệp hội Billiards Chuyên nghiệp (PBA). Có trụ sở nằm tại Hàn Quốc, PBA được xem như một "kẻ ly khai" khỏi Liên đoàn Billiards Thế giới (UMB), tổ chức chính danh được Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) công nhận.

anh2.jpg -0
PBA mang đến cho người hâm mộ những trận đấu hấp dẫn với tiết tấu nhanh và nhiều thể thức đấu mới lạ.

Trong bối cảnh dự án Super League nhanh chóng chết yểu ít ngày sau khi được công bố, PBA đã phát triển với một tốc độ không thể ngăn cản. Hàng loạt cơ thủ Carom và Billiards truyền thống vốn thi đấu trong các giải thuộc hệ thống của UMB, nay chuyển sang đầu quân cho PBA. Họ tự nguyện làm điều này dù biết mình có thể bị UMB cấm thi đấu 1-3 năm khi trở lại.

Năm 2022, tròn 3 năm kể từ khi thành lập, PBA thông báo hệ thống giải đấu của họ đã kinh doanh có lãi. Đây là tiền đề giúp PBA bắt đầu tiến đến tổ chức những giải Billiards chuyên nghiệp nằm ngoài lãnh thổ Hàn Quốc. Vậy đâu là lý do giúp PBA có thể nhanh chóng thành công sau khi ly khai khỏi UMB, bất chấp những phản đối và cấm đoán từ đơn vị chính danh này?

Trước khi thành lập, những nhà quản lý đứng sau dự án PBA đã tìm ra hướng đi đúng cho Liên đoàn Thể thao non trẻ này. Họ tạo ra một quy chuẩn mới cho Carom và Billiards theo hướng đi mới: Đưa các trận đấu lên truyền hình, phục vụ khán giả. Mục tiêu của PBA là chuẩn hoá giải đấu, đưa các trận Billiards lên sóng trực tiếp ở đẳng cấp cao nhất.

Nguyên nhân sâu xa khiến PBA ly khai khỏi UMB là bởi mô hình quản lý Carom, Billiards như một môn thể thao Olympic không còn phù hợp với tình hình hiện tại nữa. Khác với bóng đá, Billiards là môn thể thao mang tính đặc trưng của cá nhân. Điều đó sẽ tất yếu dẫn đến việc tồn tại những hệ thống thi đấu song song, giống như câu chuyện của ATP và WTA trong môn Quần vợt.

Liên đoàn Quần vợt Quốc tế (ITF) là đơn vị chính danh quản lý môn thể thao quý tộc này ở cấp độ Olympic và các giải đồng đội như Davis Cup và Hopman Cup. Mặt khác, thị phần quần vợt chuyên nghiệp nằm hoàn toàn trong tay 2 tổ chức ATP (quản lý VĐV nam) và WTA (quản lý VĐV nữ). Sức mạnh của ATP và WTA là nguyên nhân khiến ITF luôn phải nhún nhường để có những tay vợt hàng đầu tham dự.

Trong câu chuyện của môn quần vợt, từng có thời điểm nhiều tay vợt hàng đầu thế giới "chê" tham gia các giải đấu đồng đội và Olympic. Phải đến thập niên 80 của thế kỷ trước, khi mối quan hệ giữa ATP, WTA và ITF dần mật thiết hơn, những VĐV quần vợt chuyên nghiệp mới trở lại đấu trường Thế vận hội và coi đây là giải đấu xứng đáng để họ tranh tài.

Cạnh tranh và hợp tác

Để tồn tại và phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, các môn thể thao đỉnh cao cần phải có doanh thu đủ bù đắp chi phí. Không môn thể thao nào có thể tồn tại nếu sống mãi vào ngân sách của một vài ông bầu. Vì thế, doanh thu từ các giải đấu trở thành một nguồn tiền ổn định giúp nuôi sống các môn thể thao đỉnh cao, tiêu biểu như câu chuyện của PBA cùng Billiards.

Trong quá khứ, UMB thường bán bản quyền truyền hình các giải đấu Billiards cho một vài đối tác như Kozoom, sau đó là Five&Six. Tuy nhiên, thể thức thi đấu các giải của UMB vẫn diễn ra theo lối cũ: Những trận đấu dài, thiên về phần "tĩnh" hơn "động", với hình ảnh nhiều cơ thủ đứng bất động, nhìn chăm chăm vào bàn Billiards và suy nghĩ về đường cơ trước khi đánh.

Nói cách khác, UMB có một hệ thống giải đấu lớn, nhưng thể thức thi đấu lại không hỗ trợ cho các nhà đài phát sóng sản phẩm của họ. Khán giả theo dõi Billiards giờ đây ngày một khó tính hơn trước. Họ không muốn xem những trận đấu dài với tiết tấu chậm, bởi thiết bị theo dõi chủ yếu giờ đây là điện thoại và máy tính bảng, những thứ không thể cầm liên tục nhiều giờ đồng hồ.

Khác với UMB, PBA thiết lập một hệ thống các giải đấu tuân theo những tiêu chí mà độc giả mong muốn. Các trận đấu của PBA diễn ra với tốc độ cao, kết thúc nhanh chóng, thậm chí có giới hạn thời gian giữa những đường cơ, buộc cơ thủ phải liên tục thi đấu. Đó là nguyên nhân giúp khán giả không thể rời mắt khỏi những giải đấu của PBA, nơi họ luôn tìm được trận đấu yêu thích.

"Bóng đá vô nghĩa nếu không có khán giả". Biểu ngữ đó thường được giăng ở một vị trí trang trọng trên sân Old Trafford, và đây dường như cũng chính là tôn chỉ của PBA trong môn Billiards. Họ nghĩ ra nhiều giải đấu mới cùng thể thức thi đấu mới, theo cả mô hình cá nhân và đồng đội. Khán giả trước đây vốn chỉ xem những thứ nhà đài có, nay đã tìm xem được những thứ họ cần.

Chia sẻ về vấn đề bản quyền PBA và những khúc mắc giữa PBA và UMB, bà Mai Quỳnh Anh, đại diện Box Sports, đơn vị sở hữu bản quyền phát sóng PBA chia sẻ: "Chúng tôi nhận thức được mối quan hệ có phần không tốt giữa PBA và UMB. Tuy nhiên, tất cả đều xuất phát từ việc đáp ứng nhu cầu theo dõi của người hâm mộ Billiards và các giải đấu của PBA đang làm được điều đó".

Ly khai và trở lại

Sức hút của PBA đã khiến hàng loạt cơ thủ tìm đến và đầu quân. Không chỉ có những cơ thủ quốc tế, nhiều VĐV Billiards của Việt Nam như Nguyễn Quốc Nguyện, Nguyễn Đức Anh Chiến, Mã Minh Cẩm đã nhận lời đầu quân cho PBA. Bên cạnh khoản thu nhập cao, những cơ thủ đến với PBA vì họ sẽ có cơ hội tranh tài tại một hệ thống giải đấu mới, thi đấu liên tục và chạm trán cùng những cơ thủ hàng đầu thế giới.

anh1.jpg -0
Nhiều cơ thủ Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện tại PBA.

Ở chiều ngược lại, số cơ thủ từ bỏ PBA để trở lại thi đấu theo hệ thống giải UMB không nhiều. Người hiếm hoi từng làm điều này là Jean Paul de Bruijn, cơ thủ Carom 3 băng người Hà Lan. Bù lại, hàng loạt cơ thủ khác như Semih Sayginer, Han Ji Eun và Daniel Sanchez đã đồng loạt từ bỏ UMB để đến với PBA trong năm nay. Dự kiến vào cuối năm 2023, PBA sẽ tổ chức 2 sự kiện ở Việt Nam.

Theo chia sẻ từ Tổng Giám đốc PBA, các hệ thống giải đấu do họ tổ chức hiện có 800 cơ thủ tham gia, gồm 300 người thuộc hạng nhất, 500 người thi đấu ở hạng 2 và 3. Tổng tiền thưởng cho các cơ thủ PBA hằng năm rơi vào khoảng 6 triệu USD. So với số tiền tài trợ và doanh thu từ bản quyền truyền hình, PBA thu lời mỗi năm 7-10 triệu USD.

An Khánh
.
.
.