Bài học dùng và chọn huấn luyện viên, nhìn từ Saudi Arabia

Thứ Hai, 15/11/2021, 08:39

Ít ngày trước trận tái đấu với Việt Nam ở vòng loại World Cup, HLV trưởng Saudi Arabia, ông Herve Renard được xướng tên trong danh sách đề cử HLV trưởng xuất sắc nhất thế giới. Đâu là lý do khiến Renard nhận được vinh dự này, và câu chuyện của ông có thể giúp gì cho bóng đá Việt Nam chọn HLV trong tương lai?

Danh và thực

Nếu nhìn vào danh sách những HLV từng làm việc với đội tuyển quốc gia Saudi Arabia trong quá khứ, chúng ta có thể thấy xu hướng thay đổi theo từng giai đoạn. Ở thập niên 70, họ chuộng những HLV đến từ Anh. Bước sang thập niên 80-90, Saudi Arabia chuyển sang dùng HLV Brazil. Không ít người trong số họ là người cực kỳ nổi tiếng, bao gồm cả những nhà vô địch World Cup như Mario Zagallo và Carlos Alberto.

Không thể phủ nhận bóng đá Saudi Arabia cuối thế kỷ trước luôn có những HLV tài năng bậc nhất, nhưng thành tích của họ lại không tương xứng chút nào. Kỳ World Cup đầu tiên Saudi Arabia góp mặt là USA 1994, và những kỳ Cúp thế giới sau đó họ không bao giờ tái lập được thành tích lọt vào vòng 16 đội nữa. Đó là nguyên nhân khiến những người làm bóng đá ở quốc gia giàu có bậc nhất xứ Arab thay đổi góc nhìn về việc chọn HLV trưởng ĐTQG.

Saudi Arabia chưa bao giờ thiếu tiền làm bóng đá. Không phải đến khi họ mua lại CLB Newcastle United, mọi người mới biết tiềm năng của quốc gia xứ Arab này lớn đến mức nào. Các đội bóng thuộc top 4 giải vô địch quốc gia Saudi Arabia tiêu tốn khoảng 40 triệu USD/đội/năm. Nhưng theo thời gian, các ông hoàng Arab cũng nhận ra là họ cần chi tiêu một cách thông minh, chọn HLV phù hợp chứ không cần rải tiền để hướng đến World Cup.

Từ chỗ chọn HLV theo danh tiếng, theo thành tích từ thời họ còn làm cầu thủ hoặc quốc tịch, đội tuyển Saudi Arabia dần chuyển hướng sang những con người làm việc thực chất. Người lãnh vị trí thuyền trưởng của đội tuyển phải là một cá nhân có kinh nghiệm huấn luyện bóng đá đỉnh cao, đồng thời am hiểu môi trường bóng đá châu Á và Trung Đông. Họ từng bổ nhiệm Cosmin Olaroiu làm việc trong giai đoạn 2014/15, và giờ là HLV Herve Renard.

Trước khi bén duyên với bóng đá Saudi Arabia, Renard đã nếm trải đủ đắng cay ngọt bùi sau gần 2 thập niên ngược xuôi giữa 3 châu lục Á, Âu, Phi. Năm 2004, ông nhận lời làm HLV trưởng CLB Nam Định và tuyên bố từ chức chỉ sau 2 tháng! Những năm sau đó, ông trầy trật chứng tỏ bản thân ở giải Ligue 1 và các đội tuyển Zambia, Angola, Bờ Biển Ngà và Morocco. Đó chính là lý do giúp Renard được chọn làm HLV trưởng Saudi Arabia.

Người tiền nhiệm của Renard, Cosmin Olaroiu là một nhà cầm quân khá vô danh ở châu Âu. Bù lại, mọi nhân vật trong giới bóng đá Saudi Arabia đều biết rõ ông nhờ thâm niên làm việc nhiều năm ở cấp độ CLB. Thay vì bổ nhiệm HLV sở hữu CV hoành tráng nhưng đến một môi trường hoàn toàn lạ lẫm, Saudi Arabia giờ đây có xu hướng sử dụng "người quen" để hướng đến thành công. Renard chính là minh chứng rõ nhất cho thành công đó.

anh-1-(1).jpg -0
Renard vừa lọt vào danh sách bình chọn HLV trưởng xuất sắc nhất thế giới.

Tối ưu hóa công việc

Có nhiều ý kiến nói công việc của HLV trưởng ở đội tuyển bóng đá quốc gia giống như việc làm bán thời gian. Thời gian biểu và cường độ làm việc của họ tuân theo nguyên tắc 80-20. Phần lớn thời gian của HLV trưởng ĐTQG được dùng để chuẩn bị sổ sách và đi xem giò cầu thủ tại CLB. Họ chỉ thực sự làm việc ngày đêm trong các đợt tập trung đội tuyển quốc gia, thi đấu giao hữu hoặc các giải đấu lớn.

Đó chính là công việc của Herve Renard trên cương vị HLV trưởng đội tuyển Saudi Arabia. Mục tiêu hàng đầu của ông với đội tuyển này là giành vé dự World Cup, thế nên Renard dành toàn lực để hướng tới yêu cầu đó. Mọi giải đấu khác như Asian Cup, Cúp Vùng Vịnh, Cúp Arab, Cúp Tây Á... hoàn toàn được tạm gác qua một bên. Rõ ràng việc vô địch Asian Cup hay Cúp Vùng Vịnh chẳng có ý nghĩa gì với Renard nếu không giành vé đi World Cup.

Ở các cấp độ trẻ, đặc biệt là đội U23, Renard hoàn toàn không can dự vào bất cứ phần việc nhỏ nào. HLV trưởng đội U23 Saudi Arabia tham dự vòng loại U23 châu Á mới đây là Saad Al-Shehri, một HLV nội. Công việc của 2 người hoàn toàn không liên quan đến nhau. Việc này vừa giúp cho Renard không bị mâu thuẫn lợi ích khi làm việc, vừa có thể toàn tâm toàn ý làm việc cho đội tuyển Saudi Arabia hướng đến mục tiêu World Cup.

Nhìn sang đội tuyển Saudi Arabia với Renard được vinh danh là HLV xuất sắc hàng đầu thế giới, hẳn HLV Park Hang-seo ít nhiều cũng chạnh lòng. Thời gian gần đây, thầy Park liên tục tất bật qua lại giữa đội tuyển quốc gia và U23. Lịch tập trung của đội tuyển theo mô hình khép kín cũng khiến HLV Park Hang-seo phải làm việc quần quật, thay vì phân bổ thời gian 80-20 như những HLV đội tuyển quốc gia khác. Đó có thể là nguyên nhân dẫn tới căng thẳng và những quyết định không sáng suốt.

Trước Renard, bóng đá Saudi Arabia đã mất gần nửa thế kỷ mới chọn ra được công thức chọn HLV phù hợp với họ. Về phần Việt Nam, chúng ta đã phần nào dần hình thành con đường chọn HLV sau nhiều năm thử chọn thầy nội và thầy ngoại, từ châu Âu, Brazil đến Nhật Bản, Hàn Quốc. Điều chúng ta còn thiếu bây giờ là việc làm thế nào để phân bổ đầu việc cho HLV trưởng ĐTQG một cách phù hợp nhất, qua đó giúp họ tối ưu hóa công việc với những mục tiêu trước mắt.

Cường độ và áp lực khủng khiếp của HLV Park Hang-seo

Trong 2 năm giữ cương vị HLV trưởng đội tuyển Saudi Arabia, ông Herve Renard cầm quân ở 17 trận đấu. Nếu tính thêm các trận đội bóng xứ Arab ra sân từ giờ đến cuối năm, Renard cũng chỉ phải làm việc tổng cộng 21 trận. Trung bình mỗi năm ông cầm đội tuyển chơi 10-11 trận và luôn có khoảng thời gian nghỉ khá dài giữa các đợt tập trung. Đó là điều HLV Park Hang-seo không bao giờ có.

Khác với Renard, thầy Park phải kiêm nhiệm cả đội tuyển quốc gia, U22 và U23. Từ lúc đảm nhiệm vị trí HLV trưởng đội tuyển Việt Nam đến nay, HLV Park Hang-seo đã phải cày ải liên tục ở mọi giải đấu thuộc cấp độ đội tuyển và U22, U23, bao gồm cả những trận vòng loại và vòng chung kết. Tính đến thời điểm hiện tại, thầy Park đã trực tiếp cầm quân khoảng 70 trận trong 4 năm qua, và con số sẽ còn tăng lên khi AFF Cup khởi tranh. Tính ra, ông đang phải làm việc gấp đôi những HLV đội tuyển khác.

An Khánh
.
.
.