Ánh Nguyệt và "nụ cười Olympic" bên cây cung

Thứ Sáu, 26/07/2024, 08:10

Olympic Paris là kỳ Thế vận hội thứ hai Đỗ Thị Ánh Nguyệt góp mặt. Giống như thời điểm tranh tài tại Tokyo 3 năm trước, cung thủ này luôn giữ nụ cười thường trực bên cạnh mình, dù cô luôn phải chịu không ít áp lực xung quanh.

Vui và buồn

Nếu nhìn qua trang Facebook cá nhân của Đỗ Thị Ánh Nguyệt, mọi người sẽ nghĩ một vận động viên có cuộc sống tràn ngập những ngày vui. Cô gái quê Hưng Yên luôn nở nụ cười qua những hình ảnh chia sẻ trên trang cá nhân. Bên cạnh đó là những tấm huy chương lấp lánh qua mỗi giải đấu.

Với Ánh Nguyệt, thành công trong môn Bắn cung đến bên cô như một dòng nước lớn. Ở tuổi 20, cung thủ sinh năm 2001 bất ngờ giành vé tham dự Olympic Tokyo. Cô cũng là VĐV trẻ nhất của đoàn thể thao Việt Nam đến Nhật Bản năm đó. Kỳ Olympic thứ hai đến với Ánh Nguyệt khi cô mới bước sang tuổi 23.

Ánh Nguyệt và

Tại các giải vô địch quốc gia, tên của Ánh Nguyệt cũng thường xuyên xuất hiện trong nhóm có huy chương. Phải chăng đó là lý do khiến Ánh Nguyệt luôn nở nụ cười? Có thể đúng, có thể không. Bởi, mỗi VĐV như cô đều hiểu, chẳng có thành tích nào đến với những ai không nỗ lực hay khổ luyện.

Bản thân Ánh Nguyệt trong 3 năm qua đều phải chịu không ít áp lực với tư cách một VĐV giành vé dự Olympic. Thành tích của cung thủ này, vì thế, cũng trải qua quãng thời gian không ổn định. Tại kỳ Đại hội Thể thao Toàn quốc 2022, Ánh Nguyệt tham dự 5 nội dung, nhưng chỉ giành 1 HCĐ.

Kết thúc năm 2022, Ánh Nguyệt trở lại mạnh mẽ trong năm 2023. Cung thủ GenZ liên tiếp đạt thành tích tốt tại các giải đấu quốc tế, bên cạnh việc trở lại vị thế của một VĐV hàng đầu Việt Nam. Nhưng bước sang năm 2024, thời điểm then chốt quyết định vé tham dự Olympic, thành tích của Ánh Nguyệt một lần nữa không như ý muốn.

Chẳng ai rõ vì sao Ánh Nguyệt thi đấu thiếu ổn định. Nhưng sự thật là điều đó khiến không ít người lo lắng. Bởi, Ánh Nguyệt được xem như một trong những VĐV "gánh" chỉ tiêu giành vé tham dự Olympic cho Đoàn thể thao Việt Nam, cũng như đơn vị chủ quản Hà Nội.

Tính đến hết tháng 5/2024, thể thao Việt Nam về cơ bản đã hoàn tất chỉ tiêu số suất tham dự Olympic. Tuy nhiên, số vé đến Thế vận hội của các VĐV khi ấy vẫn là 0. Mọi áp lực chỉ được giải tỏa khi VĐV Boxing Hà Thị Linh thắng trận playoff, sau đó tới tấm vé dành cho Ánh Nguyệt.

Suất tham dự Olympic lần thứ 2 dành cho Ánh Nguyệt, vì thế, có không ít gian khổ và cay đắng. Nhưng vượt qua tất cả, cung thủ 23 tuổi vẫn luôn cho thấy tinh thần lạc quan. Bởi, sau nhiều năm theo đuổi sự nghiệp thể thao thành tích cao, Ánh Nguyệt hiểu mình luôn phải tiến về phía trước.

Động và tĩnh

Ánh Nguyệt là một trong những ví dụ tiêu biểu cho mô hình phát triển thể thao thành tích cao của Việt Nam. VĐV này thuộc đơn vị Hà Nội, nhưng sinh ra và lớn lên tại Hưng Yên. Ngoài ra, Ánh Nguyệt từng có thời gian tập luyện, thi đấu bóng rổ trước khi chính thức gắn bó cùng môn bắn cung.

Từ một cô bé thôn quê, Ánh Nguyệt được các tuyển trạch viên bộ môn bóng rổ Hà Nội "chấm" khi đang học cấp 2. Viễn cảnh được học tập, rèn luyện ở Thủ đô thực sự khiến cô gái nhỏ cảm thấy hứng thú. Nhưng trong khoảng thời gian gắn bó cùng bóng rổ, Ánh Nguyệt bất ngờ chuyển hướng.

Người tác động lớn đến quyết định thuyết phục Ánh Nguyệt chuyển sang môn bắn cung lại chính là những HLV bóng rổ. Ban đầu, cô không cảm thấy phù hợp với môn thể thao mới này. Bởi, khác với một môn vốn thiên về tính "động" như bóng rổ, bắn cung lại đòi hỏi các VĐV phải có độ "tĩnh".

Ánh Nguyệt mất một khoảng thời gian ngắn để chấp nhận một sự thật: Cô cần gắn bó với bắn cung nếu muốn tiếp tục làm VĐV. Đây cũng là quyết định đúng của Ánh Nguyệt, cũng như HLV hai bộ môn bắn cung và bóng rổ. Lực tay của một VĐV bóng rổ giúp Ánh Nguyệt sớm có khả năng nâng và kéo một cây cung chuẩn quốc tế, vốn yêu cầu sức vóc không hề nhỏ.

Càng đi sâu vào tập luyện, thi đấu bắn cung, Ánh Nguyệt cũng nhận ra đằng sau sự "tĩnh" là quãng thời gian khổ luyện ít ai biết. Mỗi VĐV bắn cung phải chuẩn bị nguồn thể lực không thua bất cứ môn thể thao vận động cường độ cao nào khác. Đây là điều kiện tiên quyết giúp họ không run tay, không mất đi độ chuẩn xác thường thấy khi bước vào những loạt bắn dài.

Tương tự Ánh Nguyệt, những VĐV bắn cung hàng đầu thế giới đều có thành tích ấn tượng lúc đầu. Nhưng không lâu sau đó, điểm số của họ sẽ đi xuống sau mỗi loạt bắn. Ở một cuộc đấu như thế, chiến thắng sẽ thuộc về ai bền bỉ hơn, tỉnh táo hơn trong những phát bắn cuối cùng. Đó cũng là điểm thú vị cho cuộc chiến thầm lặng trong môn bắn cung.

Ánh Nguyệt cũng hiểu rõ hơn ai hết về sự khó khăn khi phải giữ vững thành tích trong môi trường thể thao đỉnh cao. Đồng đội của cô tại Olympic Tokyo là Nguyễn Hoàng Phi Vũ đã không thể vượt qua vòng loại lần này. Đồng hành cùng Ánh Nguyệt ở Paris là Lê Quốc Phong, cung thủ người Vĩnh Long.

Sau tấm vé Olympic thứ hai, Ánh Nguyệt biết cô còn nhiều mục tiêu. Tại đấu trường SEA Games, cung thủ này mới có 1 HCB và 1 HCĐ. Việc đổi màu huy chương tại đấu trường Đông Nam Á tưởng dễ dàng, nhưng thực chất lại vô cùng khó. Bởi, cạnh tranh với Ánh Nguyệt sẽ là những cung thủ đẳng cấp thế giới của Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Philippines.

Không nghĩ mình vượt qua vòng loại Olympic

Theo tính toán ban đầu của ban huấn luyện đội tuyển bắn cung Việt Nam, Ánh Nguyệt không tích lũy đủ điểm số cần thiết để vượt qua vòng loại Olympic Paris. Vì thế, cung thủ này chỉ biết mình chính thức có vé đến Paris sau khi nhận thông báo qua mạng xã hội. Đây được xem là một trong những bất ngờ thú vị nhất của thể thao Việt Nam trong năm 2024.

Nguyên nhân giúp Ánh Nguyệt dù không tích đủ điểm số nhưng vẫn có vé xuất phát từ bảng xếp hạng quốc tế. Ở đó, Liên đoàn Bắn cung Thế giới đã dành thêm một số vé tham dự Olympic cho từng châu lục. Ánh Nguyệt nằm trong số những VĐV được nhận vé trong nhóm suất châu Á. Cô cũng là VĐV Hà Nội thứ 2 tranh tài ở Thế vận hội Paris bên cạnh Hà Thị Linh.

Tương tự người đàn chị trong môn Boxing, suất tham dự Olympic sẽ giúp Ánh Nguyệt có nguồn thu nhập đảm bảo trong thời gian tới. Ở thời điểm hiện tại, thể thao Hà Nội đã thông qua chính sách hỗ trợ VĐV thể thao thành tích cao. Ánh Nguyệt và Hà Thị Linh sẽ được hưởng 17 triệu đồng/tháng trong 48 tháng liên tiếp, không tính lương các đội tuyển.

An Khánh
.
.
.