V.League 2019: Đã đến lúc không cần phụ thuộc ngoại binh

Thứ Bảy, 23/02/2019, 06:56
Kể từ lúc giải VĐQG của Việt Nam được gắn mác “chuyên nghiệp”, giải đấu dường như trở thành sân chơi riêng của những đội bóng có dàn ngoại binh mạnh nhất. Nhưng đây đã là năm 2019, thời điểm thích hợp để các đội bóng Việt Nam nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung tự lớn lên bằng những cầu thủ cây nhà lá vườn.

Sự phụ thuộc nặng nề

V.League 2019 mới mở màn bằng trận đấu giữa Thanh Hóa và Becamex Bình Dương. Trận đấu chẳng có gì đặc biệt, Thanh Hóa gây bất ngờ đôi chút khi mở tỷ số nhưng rồi đội khách đến từ miền trong gỡ hòa trong hiệp hai để khép lại tỷ số đẹp 1-1. V.League 2019 đã có 2 bàn thắng và thêm một điều bình thường khác, đều do công của hai cầu thủ nước ngoài: Rimario Gordon và Victor Mansaray.

Sẽ tiếp tục chẳng có gì lạ nếu trong 6 trận đấu còn lại của vòng một, các cầu thủ nước ngoài thi nhau lập công. Câu chuyện này sẽ tiếp diễn sang vòng hai, vòng ba... rồi đến tận vòng hai mươi sáu. Trong danh sách “Vua phá lưới”, nếu không phải cầu thủ nước ngoài thì cũng là cầu thủ nhập tịch lấn át.

Ví dụ trong mùa trước, Top 10 chân sút hàng đầu V.League 2018 chỉ có 2 cầu thủ người Việt Nam gốc là Nguyễn Tiến Linh và Nguyễn Công Phượng,V.League 2017 có một người là Nguyễn Anh Đức, V.League 2016 có hai người là Lê Văn Thắng và Vũ Minh Tuấn... Các mùa giải trước đó cũng như vậy.

Rõ ràng, với các khán giả không biết nhiều về V.League, họ sẽ tưởng giải đấu của chúng ta cởi mở về ngoại binh như Ngoại hạng Anh. Nhưng không, BTC V.League luôn cố gắng kiểm soát, khống chế số lượng cầu thủ nước ngoài đến thi đấu để tạo điều kiện tốt nhất cho những tài năng bản địa phát triển. Nhưng kết quả thì không khác gì Ngoại hạng Anh khi những ngôi sao hàng đầu V.League đều là người nước ngoài.

Mùa trước, khi CLB Hà Nội vô địch V.League đầy thuyết phục, hai chân sút ngoại là Oseni và Hoàng Vũ Samson (đã nhập quốc tịch Việt Nam) đã đóng góp tới 32 bàn thắng – một con số thực sự điên rồ. Điều này phần nào che lấp đi lứa cầu thủ nội đầy tài năng mà bóng đá Thủ đô đang sở hữu. Những Quang Hải, Văn Quyết, Thành Lương, Đức Huy, Hùng Dũng... chỉ là người làm bóng cho cặp tiền đạo bên trên mà thôi.

Đương nhiên, đây là bóng đá chuyên nghiệp và yếu tố hiệu quả, danh hiệu được đặt lên hàng đầu. Nhưng nhìn một cách sâu xa, cách thức triển khai này không có lợi cho bóng đá Việt Nam một chút nào khi luôn phải trông chờ vào phong độ của những “ông Tây”.

Điển hình như trong trận đấu với Shandong Luneng, CLB Hà Nội đã bỏ lỡ cơ hội lịch sử để góp mặt ở AFC Champions League. Khán giả càng tiếc hơn khi theo dõi trận đấu này bởi đội bóng đến từ Thủ đô chơi trên chân so với đối thủ trong phần lớn thời gian. Dàn cầu thủ nội của CLB Hà Nội đã có một ngày thi đấu tuyệt vời khi tạo ra rất nhiều cơ hội. Nhưng trong một ngày mà Oseni và Samson vô duyên, CLB Hà Nội đã thua tức tưởi với tỷ số 1-4. Bàn thắng duy nhất của trận đấu được ghi do công của Văn Quyết.

Cầu thủ Việt Nam đủ sức làm chủ sân chơi của mình.

Thời điểm phải thay đổi

Sẽ có người nói rằng tại sao phải cải tổ V.League nếu bắt chước mô hình của Ngoại hạng Anh? Chẳng phải đội tuyển Anh vừa vào đến bán kết World Cup 2018 đấy sao? Nhưng so sánh chất lượng ngoại binh của giải đấu hấp dẫn nhất thế giới và V.League là quá khập khiễng.

Bởi lẽ các đội bóng Việt Nam vẫn đi theo một motip cũ thường là chiêu mộ các cầu thủ gốc Phi cho những vị trí như tiền đạo và trung vệ. Lối chơi thì cũng gần tương tự nhau, trung vệ ngoại phát dài cho tiền đạo ngoại bứt tốc, rồi ghi bàn. Các cầu thủ nội, nếu có đóng góp vào khâu sản xuất bàn thắng, thì cũng rất hạn chế.

Điều đó cho thấy đầu tư thêm vào ngoại binh chưa hẳn là hướng đi chuẩn xác. Trong cái rủi luôn tồn tại cái may, trình độ các cầu thủ ngoại của V.League gặp hạn chế chính là cơ hội để dàn cầu thủ Việt Nam vươn lên khẳng định năng lực.

Sau hơn một năm đại thành công của các lứa đội tuyển Việt Nam, truyền thông thế giới đã phải có một cái nhìn khác về các cầu thủ Việt Nam. Chúng ta có đủ sức cạnh tranh, chinh phục các giải đấu tầm cỡ khu vực và châu lục bằng chính sức mạnh nội địa, tại sao lại không thể làm điều tương tự với chính giải đấu của mình?

Nếu được bồi đắp một cách đúng đắn, sẽ không chỉ có CLB Hà Nội hay Hoàng Anh Gia Lai có quyền tự hào về dàn cầu thủ cây nhà lá vườn của mình. Chúng ta phải làm chủ chính ngôi nhà của chúng ta đã, trước khi nghĩ tới những mục tiêu lớn hơn.

Hà My
.
.
.