U.23 Việt Nam đã "lỳ", và cần tiếp tục "lỳ"

Chủ Nhật, 21/01/2018, 17:41
Bóng đá Việt Nam xưa nay mỗi khi "đấu" với Thái Lan hoặc các đại gia châu lục thường không giữ được sự lỳ lợm cần có của tinh thần. Nhưng riêng với U.23 Việt Nam ở VCK U.23 châu Á thì có vẻ điều này đã được khắc phục đáng kể. 


Có ba thời điểm rất đáng chú ý để "mổ xẻ tinh thần" của U.23 Việt Nam trong trận tứ kết với người Iraq. Đầu tiên là thời điểm phải nhận một quả 11m rất nặng tay từ phía trọng tài và bất ngờ bị gỡ 1-1. 

Thực ra trước thời điểm bị gỡ, các cầu thủ đá nhuyễn, nhưng khi bị gỡ thì độ nhuyễn có giảm đi. Từ chỗ thường xuyên lấn sân chúng ta bị co đội hình lại, và từ chỗ thường xuyên cầm bóng đập nhả chúng ta đã phải chấp nhận phá bóng nhiều hơn. 

Chính sự lỳ lợm đã giúp U.23 Việt Nam tạo nên những khoảnh khắc tuyệt đẹp như thế này!

Có nghĩa, nếu bảo tinh thần của các cầu thủ không bị ảnh hưởng sau "bàn gỡ chết tiệt" này thì không đúng. Nhưng dẫu có bị ảnh hưởng thì chỉ số an toàn tối thiểu vẫn được duy trì, và việc kết thúc 45 phút đầu tiên với tỷ số hoà 1-1 là một kết quả đáng khen. 

Thời điểm thứ hai là khi chúng ta bị dẫn ngược 2-1 ở những phút đầu tiên của hiệp phụ. Với một đội bóng vốn đang thất thế về trận pháp và  thể lực thì một bàn thua lúc đó rất dễ tạo ra những sự hoảng loạn.

 Nhưng không những không hoảng loạn, toàn bộ  hệ thống vẫn bình tĩnh triển khai thứ bóng đá của mình. Nhìn cái cách hàng phòng ngự phối bóng qua trung tuyến rồi ban bật trước khu cấm địa đối phương, người ta có cảm giác là các cầu thủ đều rất tin vào việc có thể gỡ hoà. 

Lâu lắm rồi mới lại có một đội bóng Việt Nam, đá một giải bóng đá tầm châu lục, ở trong một bối cảnh và một tỷ số thất thế mà vẫn giữ được niềm tin ấy.

Thời điểm thứ ba là khi đứng trước những loạt sút luân lưu 11m. Theo lời kể của trung vệ Bùi Tiến Dũng, nhiều cầu thủ chủ động xin HLV Park Hang Seo đá 11m, và thực tế là cả 5/5 quả 11m của chúng ta đều được thực hiện rất gọn gàng. 
Việt Nam bước vào trận đấu trên sân Thường Thục (Trung Quốc) với tư thế cửa dưới so với Iraq - đội đứng đầu bảng C nhờ thành tích bất bại (thắng 2, hoà 1), ghi 5 bàn và chỉ thủng lưới một lần.

Chứng kiến cái cảnh một tập thể sống sót và chiến thắng 3 thời điểm rất "có tính vấn đề" ấy có thể kết luận, đấy là một tập thể có một tinh thần thi đấu lỳ lợm. Sự lỳ lợm ấy, ngay cả "thế hệ vàng" của những Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Hữu Thắng...trước đây cũng không có được. Sự lỳ lợm ấy, thế hệ U.19 hồi mới trình làng của những Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Toàn...càng không có được.

Câu hỏi đặt ra: Tại sao chúng ta lại có được một sự lỳ lợm đến như thế?

Vì thứ nhất, phần lớn các cầu thủ dù còn rất trẻ nhưng đã được thử thách qua sân chơi V.League và rất nhiều giải đấu quốc tế khác nhau. Thứ hai, HLV trưởng Park Hang Seo đến lúc này cho thấy mình là một HLV "làm tâm lý" giỏi. Ông luôn luôn bơm vào não trạng các cầu thủ một niềm tin rất lớn, rằng họ có thể làm được những điều mà không nhiều người nghĩ họ làm được. 

Nhưng niềm tin ấy không phải là một thứ hô hào suông, mà quan trọng nhất là nhận được trợ lực từ một lối chơi rất phù hợp với mình. Cái lối chơi mà nói như lời ông Park sau chiến thắng trước Australia ở vòng đấu bảng, thì: "Chúng ta đã tìm ra công thức thi đấu với những đối thủ mạnh hơn mình".

Bất chấp áp lực từ muôn hướng, các chàng trai áo đỏ vẫn thi đấu kiên cường. 

Tuy nhiên, bên cạnh hai yếu tố chủ quan ấy, còn có sự đóng góp của một yếu tố khách quan khác: Đá giải U.23 châu Á thực ra không áp lực như đá SEA Games. Ở SEA Games, chúng ta vào giải với tư cách của một kẻ đi chinh phục cúp vàng, còn ở giải U.23 châu Á chúng ta thậm chí chỉ là "hạt cát" trong mắt rất nhiều đối thủ.

Thế nên ở SEA Games 29, các quan chức VFF hô hào mục tiêu "đoạt huy chương vàng", và còn nhấn nhá bằng khẩu hiệu: "Bây giờ không có vàng, biết bao giờ có vàng?", còn ở giải châu Á năm nay VFF thậm chí không dám đặt ra bất cứ chỉ tiêu nào, dù chỉ là 1 điểm.

Phân tích một cách rạch ròi như thế để thấy sự thoải mái, lỳ lợm về tinh thần thi đấu của chúng ta đến từ cả những yếu tố chủ quan lẫn khách quan, và chính sự thoải mái, lỳ lợm ấy là cái căn cốt để chúng ta có thể bất ngờ vào bán kết.

Các cầu thủ Việt Nam ào vào sân ăn mừng chiến thắng.

Bây giờ thì hy vọng các cầu thủ vẫn có thể tiếp tục duy trì sự lỳ lợm đang có ấy, bất chấp việc đang trở thành trung tâm điểm của một hoàn cảnh mới - một hoàn cảnh không tưởng: sự bủa vây tứ phía của những "lời có cánh". 

Bây giờ phải lỳ lợm trước những "lời có cánh" thì mới có thể tiếp tục ổn định và lỳ lợm trước Qatar!/

Bản lề nằm ở trận đấu đầu tiên 

Sau trận đấu đầu tiên với U.23 Hàn Quốc, cảm giác lớn nhất bao trùm toàn bộ Đội tuyển là sự tiếc nuối. Công Phượng bảo: "Chúng em tiếc vì hoàn toàn có thể chơi tốt hơn, và có một điểm số tốt hơn". 

HLV Park Hang Seo thì bảo: "Các cầu thủ có thể chơi tự tin hơn thế nữa!". Trận thua sát nút khiến toàn đội có cảm giác là mình hoàn toàn có thể "chơi được" trước những đối thủ có đẳng cấp cao hơn. Cái cảm giác "có thể chơi được" cộng với những tiếc nuối bao trùm chính là nguồn động lực quan trọng để tất cả quyết đấu - quyết thắng với Australia. 

Điều này khác hẳn so với Vong chung kết U.19 châu Á năm 2014 tại Myanmar, giải đấu mà lứa U.19 đầy hy vọng của những Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh... cũng khởi đi với trận gặp Hàn Quốc, nhưng đã thua rất nặng, và vì thế đã dẫn đến những hiệu ứng tâm lý không tốt trong những trận đấu tiếp theo. 

Ngọc Anh

Phan Đăng
.
.
.