Cuộc đua xe đạp tranh Cúp Truyền hình TP Hồ Chí Minh năm 2017:

Thương hiệu mạnh ở tuổi 29

Thứ Năm, 20/04/2017, 07:53
Đến ngày 19-4, cuộc đua xe đạp tranh Cúp Truyền hình TP Hồ Chí Minh năm 2017 đã đi được nửa chặng đường. Sự khốc liệt của cuộc đua nổi tiếng nhất Việt Nam này vẫn đang hiển hiện trên từng chặng đua.


Thương hiệu khó cạnh tranh

Lịch sử 29 mùa giải khiến cuộc đua xe đạp tranh Cúp Truyền hình TP Hồ Chí Minh đã trở thành thương hiệu tốt nhất trong làng đua xe đạp Việt Nam. Truyền thống cùng quy mô, sự cạnh tranh gắt gao của giải đấu là điều không phải bàn cãi.

Vì thế, mỗi lần giải diễn ra đều quy tụ được những tay đua mạnh nhất Việt Nam. Như người trong nghề thường nói thì giải này chẳng khác một giải “Vòng quanh nước Pháp” của Việt Nam. Trong chiều dài lịch sử giải đấu, không ít lần đã diễn ra lộ trình đua xuyên Việt, tạo nên điểm nhấn cho giải đấu.

Thế nên chiếc Áo Vàng hay chức vô địch đồng đội của giải đấu càng trở nên danh giá. Có lần HLV trưởng đội đua xe đạp VUS TP Hồ Chí Minh Đỗ Thành Đạt đã chia sẻ: “Trong cả năm, dù dự nhiều giải đấu nhưng Cúp xe đạp Truyền hình TP Hồ Chí Minh vẫn là ưu tiên số 1 của đội đua chúng tôi. Trước đây, đội đua Cảng Sài Gòn của chúng tôi cũng luôn coi trọng nhất giải đấu này. Và đến giờ, những thế hệ VĐV của VUS TP Hồ Chí Minh cũng coi trọng giải đấu. Chúng tôi có thể thua ở giải đấu nào đó tại Việt Nam nhưng không thể thua ở Cúp xe đạp Truyền hình TP Hồ Chí Minh. Ít nhất, đội cũng phải đoạt được Áo Vàng hoặc ngôi vô địch đồng đội. Còn về nhì ở cả hai nội dung trên coi như thất bại”.

Cuộc đua xe đạp Cúp Truyền hình TP Hồ Chí Minh luôn gay cấn.

Sự phát triển mạnh mẽ và vị thế của giải đấu càng khiến các tay đua coi trọng giải đấu. Từ đó, nhiều tay đua có bước tiến lớn trong sự nghiệp. Gần đây nhất, trường hợp của tay đua Nguyễn Trường Tài (VUS TP Hồ Chí Minh) được coi như điển hình của việc “bước ra ánh sáng”. Ở Đồng Tháp, tay đua này luôn ở mức làng nhàng. Nhưng đến khi đầu quân cho VUS TP Hồ Chí Minh, tay đua này có tới hai lần đoạt Áo Vàng cho tay đua có tổng thời gian thi đấu ít nhất và được gọi vào đội tuyển quốc gia.

Ngay như một đội đua ít tiếng tăm như Hà Nội cũng luôn kỳ vọng vào cuộc đua xe đạp tranh Cúp Truyền hình TP Hồ Chí Minh. Ở nơi hiếm có giải xe đạp đỉnh cao, đội đua Hà Nội chỉ trông vào giải này để nâng cao trình độ VĐV. Chính từ những giải đấu này, nhiều tay đua trẻ của Hà Nội nhanh chóng trưởng thành và được nhiều đội khác để ý, xin mượn trong những mùa sau. Như năm nay, có ít nhất 4 tay đua Hà Nội góp mặt ở các đội đua ngoài Hà Nội như Gạo Hạt Ngọc Trời An Giang, Bike Life Đồng Nai.

Với vị thế của mình, giải đấu cũng được nhiều nhà tài trợ đồng hành trong suốt 29 năm qua, trở thành mô hình xã hội hóa thể thao tiêu biểu ở Việt Nam. 2 năm gần đây, khi Tôn Hoa Sen chia tay giải đấu, lập tức một hãng khác là Tôn Đông Á thế chỗ để trở thành nhà tài trợ chính của giải đấu. Như nhiều người nhìn nhận thì chính thương hiệu của giải đấu đã khiến giải có sức hút mạnh mẽ với các nhà tài trợ.

Khốc liệt nhất từ trước đến nay

Chưa hết nửa chặng đường của giải nhưng Chủ nhiệm bộ môn xe đạp Hà Nội Nguyễn Minh Thành – đang cùng đội Hà Nội tham dự cuộc đua, đã đúc kết:” Đây chắc chắn là mùa giải Cúp xe đạp Truyền hình TP Hồ Chí Minh khốc liệt và khó nhất từ trước đến nay. Giải đấu thực sự là “lửa thử vàng, gian nan thử sức””.

Những cung đường đèo liên tục hay mặt đường xấu cùng thời tiết nắng gắt trong những ngày qua ở miền Nam và Tây Nguyên đã thử thách tối đa sức chịu đựng của VĐV tham dự. Theo ông Nguyễn Minh Thành, giải đấu năm nay không dành cho những tay đua non bản lĩnh và có sức chịu đựng kém. Trong 20 chặng đua, có không ít chặng dài, phải vượt qua địa hình từ đồng bằng đến nơi có độ cao từ 600 - 1.200m so với mực nước biển. Thế nên, chỉ khi tích lũy đáng kể thể lực thì các tay đua mới có thể đi trọn cuộc đua.

Ngoài ra, sự cạnh tranh chuyên môn của giải đấu cũng tăng đáng kể khi Ban tổ chức cho phép các đội đua thuê VĐV nước ngoài. Đội VUS TP Hồ Chí Minh sở hữu tay đua từng đoạt HCV SEA Games Ariya Phounsavath; tân binh giải đấu là đội Bike Life Đồng Nai sở hữu cựu tuyển thủ U-23 Pháp Loic Desriac; đội Premium Cycling Vĩnh Long có sự góp mặt của tay đua người Australia Berry Josh.

Những ngoại binh góp mặt tại giải khiến các nhà chuyên môn e dè khi nhận định về cuộc đua tới danh hiệu Áo Vàng. Theo đó, các danh hiệu cao quý như Áo Vàng hay vô địch đồng đội sẽ chỉ được xác định ở 1-2 chặng cuối.

Cũng vì độ khó, độ khắc nghiệt như vậy mà đến lúc này vẫn không giải xe đạp nào ở Việt Nam có thể sánh được với cuộc đua xe đạp tranh Cúp Truyền hình TP Hồ Chí Minh. Đấy là tự hào nhưng cũng là áp lực với nhà tổ chức trong việc duy trì vị thế của giải đấu xe đạp giàu truyền thống bậc nhất Việt Nam này.

Giải thưởng lớn nhất trong làng đua xe đạp Việt Nam

Giải đua năm nay với 20 chặng đua, diễn ra từ ngày 9-4 đến 30-4, có tổng lộ trình khoảng 2.000km, xuất phát từ TP Hồ Chí Minh đi qua các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Lâm Đồng và kết thúc trước Hội trường Thống Nhất, TP Hồ Chí Minh vào ngày 30-4.

Cuộc đua có tổng tiền thưởng lớn bậc nhất trong lịch sử xe đạp Việt Nam, lên đến 1,2 tỷ đồng, trong đó người đoạt  Áo Vàng chung cuộc nhận 100 triệu đồng, đội vô địch đồng đội trị giá 80 triệu đồng. (Minh Hoàng)

Tay đua Lê Nguyệt Minh thắng chặng 10

Ngày 19-4, tay đua Lê Nguyệt Minh (đội Trẻ TP.HCM) đã giành chiến thắng ở chặng đua thứ 10 cuộc đua xe đạp Cúp Truyền hình TP Hồ Chí Minh 2017 từ Ba Tiêu (huyện Ba Tơ) đến TP Quảng Ngãi dài 88km. Sau chặng 10, Áo Vàng vẫn đang thuộc về Nguyễn Văn Dương, tay đua Hà Nội đang thi đấu dưới dạng cho mượn trong màu áo đội đua Bike Life Đồng Nai. (Minh Nhật)

Minh Khuê
.
.
.