Sau 55 năm, người Anh lại học được chữ khôn

Thứ Sáu, 09/07/2021, 07:27
Quá nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ lần gần nhất đội tuyển Anh lọt vào chung kết một giải đấu lớn. Đó cũng là khoảng thời gian Tam Sư luôn đóng vai đội bóng khôn nhà dại chợ. Mọi chuyện chỉ dần khác đi tại EURO 2021 dưới bàn tay của HLV Gareth Southgate.

Gã khổng lồ khờ khạo

Rất lâu rồi, từ lúc còn mang tên Giải hạng Nhất (First Division) cho đến ngày khoác lên mình mỹ danh Premier League, bóng đá Anh luôn mặc định được xếp chung mâm với Đức, Pháp, Italia và Tây Ban Nha. Nhưng trong khi đội tuyển của những quốc gia kia đều lẫy lừng thành tích quốc tế, những gì người Anh làm được gần như chỉ là con số không.

15 kỳ World Cup đã tham dự, ĐT Anh vô địch 1 lần, lọt vào bán kết 2 lần khác. Còn tính ở đấu trường EURO, đây là lần đầu tiên Tam Sư chơi trận đấu cuối cùng sau khi bị loại 2 lần ở bán kết các năm 1968 và 1996. Tại ngày hội USA 1994 hay EURO 2008, người Anh còn dừng bước ngay ở vòng sơ loại. Đó không thể được xem là thành tích của một đội bóng lớn mang tầm đẳng cấp thế giới.

Tuy nhiên, xét ở chiều ngược lại, ĐT Anh có thực sự là một tập thể yếu luôn được truyền thông gắn mác hùng mạnh hay không? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy trở về 24 năm trước, thời điểm diễn ra Cúp Tứ hùng (Tournoi de France). Đó là giải đấu trước thềm World Cup 1998, với hình ảnh đáng nhớ nhất là cú sút phạt hình quả chuối của Roberto Carlos vào lưới Barthez.

Ai đã vô địch Cúp Tứ hùng 1997? Câu trả lời là đội tuyển Anh. Họ thắng Italia 2-0, thắng Pháp 1-0 và chỉ chịu thua 0-1 trước Brazil ở trận cuối tùng. Ở giải đấu năm đó, Tam Sư cho thấy họ là một đội bóng công thủ toàn diện cùng hàng phòng ngự tầng tầng lớp lớp ngăn mọi chân sút Pháp và Italia lập công. Vậy tại sao một đội tuyển mạnh như vậy lại gần như không có thành tích nào đáng kể ở những giải đấu chính thức?

Có 2 lý do giải thích cho những thất bại liên tiếp của ĐT Anh. Đầu tiên là việc họ sở hữu giải vô địch quốc gia khắc nghiệt bậc nhất châu Âu. Premier League luôn nổi tiếng nhờ lịch thi đấu dày đặc vào mùa đông, khiến ngay cả những danh thủ như Veron và Di Maria cũng phải hụt hơi khi đến Anh thi đấu. Sau một quãng thời gian chơi bóng như vậy, các cầu thủ cần nghỉ ngơi, nhưng thay vào đó, họ phải tiếp tục cày ải vào mùa hè.

Wayne Rooney có lẽ là người đầu tiên lên tiếng mong người hâm mộ thông cảm về những kỳ EURO và World Cup thất bại trong sự nghiệp của anh. Ra mắt Tam Sư với màn trình diễn hoàn hảo ở EURO 2004, chân sút vĩ đại nhất lịch sử ĐT Anh từ đó mất hút ở các giải đấu lớn. Khi được hỏi vì sao Rooney thường chơi tệ, Sir Alex Ferguson trả lời: "Cậu ấy chưa bao giờ lên tuyển với thể trạng lành lặn, lúc chấn thương, lúc hụt hơi. Sao có thể đá tốt được chứ?".

Thứ 2, cũng là điều quan trọng nhất: Các ngôi sao không hợp nhau. John Stones và Harry Maguire chưa thể sánh ngang Rio Ferdinand và John Stones trong quá khứ, nhưng cách họ tổ chức phòng ngự và bọc lót cho nhau lại vượt xa 2 người đàn anh. Đâu là nguyên nhân dẫn đến chuyện đó? Rio lý giải trước đây mỗi khi lên tuyển, anh thường xuyên mâu thuẫn với Terry.

Xích mích giữa Ferdinand và Terry, từ chuyện thi đấu cho 2 CLB đối địch đến bê bối phân biệt chủng tộc khiến hai người chưa bao giờ phối hợp ăn ý. Câu chuyện xếp Lampard và Gerrard cùng đá chính ở ĐT Anh cũng là một ví dụ khác. Ai cũng muốn làm thủ lĩnh, nhưng bỏ một người lại không hay chút nào. Hậu quả là các đời HLV ĐT Anh cố kết hợp cả 2 đều gặp thất bại.

Đội tuyển Anh năm 2021 có rất nhiều điểm tương đồng với thế hệ vô địch World Cup 1966.

Thành công khi biết khôn khéo

Lần duy nhất ĐT Anh đạt được thành tích đúng như kỳ vọng người hâm mộ là ở World Cup 1966. Hồi tưởng về chiến tích vô địch World Cup cùng ĐT Anh, Sir Bobby Charlton nói: "Chúng tôi đến từ những đội bóng hàng đầu như MU, Liverpool, West Ham... nhưng không hề ganh đua, chia bè kéo phái hay đố kỵ. Tất cả đều ra sân nhằm hướng đến kết quả tốt nhất".

Thay vì tập trung gấp trong vòng chưa đến 1 tháng rồi lập tức chinh chiến ở những trận đấu chính thức, ĐT Anh mùa hè 1966 có 1 tháng rưỡi chuẩn bị. Việc này giúp cho các cầu thủ có thêm thời gian nghỉ ngơi, qua đó phục hồi thể trạng tốt. Bên cạnh đó, World Cup và EURO thời điểm ấy chỉ diễn ra trong vòng 2 tuần, ít hao tổn sức lực các ngôi sao hơn.

So sánh về thế hệ vô địch World Cup 1966 của ĐT Anh với Tam Sư dưới thời HLV Southgate, chúng ta có thể thấy rất nhiều điểm chung. Họ đều là những tập thể xuất sắc với các ngôi sao đoàn kết như gia đình.

Tuy nhiên, cũng không thể bỏ qua một nhân tố ngầm khác có thể ảnh hưởng trực tiếp đến thành tích của Tam Sư: trọng tài. World Cup 1966 đến giờ vẫn được nhắc đến với bàn thắng ma trong phút bù giờ của Geoff Hurst. 25 năm sau, Đại học Oxford (Anh) mới mổ băng phân tích kỹ lại tình huống và chỉ ra trái bóng phải lăn qua vạch vôi thêm 7,66cm nữa mới được tính vào gôn.

Người Anh, với tinh thần phớt Ăng-lê, tỉnh táo và ngạo nghễ chiến thắng nhờ trọng tài đã sai. Họ thậm chí còn đến tận Azerbaijan thăm vị trọng tài biên năm xưa "tặng" họ bàn thắng và đặt lên mộ ông những chiếc áo Tam Sư in số 66. Lần này, người Anh dường như lại được trọng tài ưu ái và lọt vào chung kết. Phải chăng vận may sẽ tiếp tục mỉm cười với họ? 

Đường vào chung kết EURO của Anh y hệt World Cup 1966

Tại World Cup 1966, Anh được xếp vào bảng số 1 cùng Uruguay, Mexico và Pháp. Họ đứng đầu với thành tích 2 thắng, 1 thua, ghi 4 bàn và không để thủng lưới bàn nào. 

Đến tứ kết, Tam Sư đánh bại Argentina với tỷ số 1-0 (World Cup thời đó chỉ có 16 đội tham dự, được chia làm 4 bảng). Đến vòng bán kết, họ mới bị "báo đen" Eusebio của Bồ Đào Nha chọc thủng lưới nhưng vẫn thắng chung cuộc 2-1.

Đến EURO 2021, ĐT Anh cũng làm được như thế hệ cha anh của họ 55 năm trước: thắng 2, hòa 1 ở vòng bảng, giữ sạch lưới đến hết vòng tứ kết, và thắng 2-1 ở bán kết. Những điểm trùng lặp đến không ngờ đó dường như đang là điềm báo cho một chức vô địch của Tam Sư. 

Họ từng vô địch ở lần đầu tiên lọt vào một trận chung kết World Cup, và điều đó có thể tái diễn tại EURO. Tuy nhiên sẽ rất khó để thầy trò Southgate vượt qua Italia với tỷ số 4-2 như họ từng làm cách đây 55 năm.

Chuyển động euro

* Tiền đạo Harry Kane thừa nhận anh đã may mắn khi ghi bàn ở trận bán kết gặp Đan Mạch. Cú sút phạt đền của Kane ở hiệp phụ bị Kasper Schmeichel cản phá, nhưng lại bật ra ngay trước mặt Kane và anh đã lao vào đá bồi thành công. Đây đã là bàn thắng thứ 4 của Kane tại EURO.

* Martin Braithwaite, tiền đạo của ĐT Đan Mạch đang khoác áo Barcelona khẳng định trọng tài đã quá nặng tay khi thổi phạt đền. Tuy nhiên cầu thủ này cho biết anh không dám nói thẳng suy nghĩ, bởi Braithwaite cần cẩn thận lời nói nếu không muốn gặp vạ miệng.

* Đồng ý với học trò, HLV Kasper Hjulmand nói ĐT Đan Mạch bị oan khi trọng tài thổi phạt đền. Ông cũng tỏ ra vô cùng thất vọng với quyết định của vị trọng tài chính, người trước đó cũng cầm còi trong chiến thắng của ĐT Anh trước Đức ở vòng 1/8.

* Thủ môn Jordan Pickford đã ghi dấu kỷ lục giữ sạch lưới mới của ĐT Anh dù phải vào gôn nhặt bóng ngay hiệp 1. Anh có thành tích 725 phút liên tiếp không phải nhận bàn thua nào, vượt qua kỷ lục đã tồn tại 55 năm của huyền thoại Gordon Banks (720 phút).

* Bất chấp lệnh giãn cách vì dịch COVID-19 vẫn chưa được gỡ bỏ, hàng chục ngàn CĐV đội tuyển Anh đã xuống đường ăn mừng chiến tích lọt vào chung kết EURO. Việc này dấy lên lo ngại nguy cơ bệnh dịch lây lan trong bối cảnh biến chủng virus Ấn Độ vẫn đang hoành hành tại Anh.

An Khánh
.
.
.