Sài Gòn FC và Vũ Tiến Thành: Bình mới, rượu cũ?

Thứ Hai, 30/12/2019, 09:03
Trong những ngày cuối năm 2019, CLB Sài Gòn gây bất ngờ khi tách hoàn toàn khỏi sự quản lý của bầu Hiển. Bên cạnh đó, họ còn tuyên bố nuôi tham vọng bằng việc đưa một nhân vật mới mà cũ lên làm Chủ tịch CLB, ông Vũ Tiến Thành.

Nhưng liệu họ có thể thổi một sức sống mới vào V.League, hay vẫn chỉ mắc kẹt loanh quanh những vấn đề cũ như vài năm qua?

4 năm, 2 tên, 4 HLV, 4 Chủ tịch

Kể từ khi chính thức thăng hạng vào năm 2015, CLB Sài Gòn là một trong những đội bóng liên tục có biến động về mặt nhân sự ở những vị trí quản lý cấp cao. Phận ba chìm bảy nổi của họ bắt đầu từ mùa giải V.League 2016, khi chỉ sau vài vòng đấu đầu tiên, đội bóng tiến hành Nam tiến, thay đổi đại bản doanh.

Không chỉ vậy, tên gọi CLB cũng thay đổi từ CLB Hà Nội thành CLB Sài Gòn. Vì lý do đó nên ngay cả khi chơi tốt, CLB Sài Gòn cũng khó thu hút khán giả đến sân.

Thống kê cho thấy trong mùa giải V.League 2019, CLB Sài Gòn chính là đội bóng có ít khán giả đến sân theo dõi nhất. Trung bình mỗi trận trên sân nhà, chỉ có khoảng 3.700 người đến cổ vũ họ. Đáng chú ý là cũng trên sân Thống Nhất, CLB TPHCM lại thu hút tới 6.800 CĐV tới sân mỗi trận, gần gấp đôi người anh em cùng thành phố. Điều đó phần nào cho thấy với người hâm mộ bóng đá thành phố mang tên Bác, CLB Sài Gòn chỉ là "người ngoài" chứ không hề đại diện cho bóng đá địa phương.

Ngoài biến động ở cái tên, CLB Sài Gòn cũng gây chú ý bởi việc liên tục thay chức danh lãnh đạo đội bóng. Sau một thời gian điều hành CLB, Chủ tịch Nguyễn Giang Đông được thay bởi ông Trần Tiến Đại. Trong quá khứ, nhân vật này thường được biết tới là chuyên gia môi giới, nâng khống giá cầu thủ ở thời buổi V.League mới lên chuyên nghiệp. Không ít ngoại binh ở Việt Nam từng kiếm hợp đồng bạc tỷ nhờ "cò" Đại, nhưng cũng phải trả hoa hồng cho ông không ít.

Một trong những việc đầu tiên "cò" Đại làm trên cương vị Chủ tịch CLB Sài Gòn hồi đầu năm 2018 là sa thải HLV Nguyễn Đức Thắng, người đang làm rất tốt công việc chuyên môn khi đó. Rốt cục, bầu Đại cũng chỉ ngồi ghế Chủ tịch CLB Sài Gòn chưa đầy nửa năm với lời dè bỉu từ CĐV "ông Đại đi đến đội nào là đội đó đi xuống". Người được "cò" Đại hậu thuẫn làm HLV trưởng là Tài Em cũng phải ra đi khi đội bóng ở vị trí bét bảng.

Với một Chủ tịch mới (ông Dương Nghiệp Khôi) và HLV mới (Nguyễn Thành Công), CLB Sài Gòn dần hồi sinh trong giai đoạn lượt về. Họ kết thúc V.League 2018 ở vị trí thứ 8, rồi đứng thứ 5 ở mùa giải vừa qua. Nhưng khi thành tích đội bóng dần đi vào ổn định thì một lần nữa CLB Sài Gòn đổi nhân sự, đổi cả chủ sở hữu. Trong tuyên bố mới nhất, đại diện CLB tuyên bố họ không còn liên quan đến bầu Hiển nữa, đồng thời nuôi tham vọng trở thành một thế lực mới của bóng đá Việt Nam.

Vũ Tiến Thành (thứ 2 từ phải sang) từng là trợ lý ngôn ngữ đời đầu cho các HLV Đội tuyển quốc gia.

Sự trở lại của Vũ Tiến Thành

Vũ Tiến Thành được giới thiệu là một trong những nhà quản lý bóng đá có nhiều bằng cấp chuyên môn nhất tại Việt Nam, nhưng ông lại chủ yếu được nhớ đến vì bê bối. Năm 2005, ông Thành là một trong những lãnh đạo của CLB Ngân hàng Đông Á bị bắt giữ liên quan đến vụ án đưa hối lộ trọng tài ở giải hạng Nhất quốc gia. Ban đầu ông Thành khăng khăng chối tội, nhưng sau đó thừa nhận "có đưa tiền để bồi dưỡng trọng tài, vì lương trọng tài Việt Nam không đủ sống".

Tại phiên tòa xử các nhân vật có liên quan, Thành bị tuyên án 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Về phần Thành, ông chia sẻ mình đếm từng ngày trong trại tạm giam, tổng cộng 395 ngày. Án phạt không làm ông mất nghề, nhưng lụt nghiệp. Ở thời điểm bị bắt giữ, Thành đang theo học hóa đào tạo giảng viên bóng đá của AFC và FIFA. Nếu không có vụ án đó, bóng đá Việt Nam bây giờ hẳn đang có một chuyên gia giảng dạy ở tầm quốc tế.

Không còn đường trở lại với công tác điều hành CLB, Vũ Tiến Thành chuyển qua làm kinh doanh. 10 năm trước, có thời điểm ông từng nuôi mộng làm người môi giới cầu thủ. Nhưng không giống "cò" Đại, một người thi trượt chứng chỉ môi giới cầu thủ của FIFA nhưng vẫn làm người đại diện cho hàng tá ngoại binh ở V.League, Vũ Tiến Thành không dám lách luật ở sân chơi bóng đá Việt Nam nữa. Ông chọn qua Mỹ định cư, đồng thời làm đầu mối với LĐBĐ Brazil nhằm hỗ trợ các CLB phía Nam tuyển chọn ngoại binh.

Bẵng đi một thời gian, cuối năm 2019 Vũ Tiến Thành bất ngờ nắm giữ cương vị Chủ tịch CLB Sài Gòn. Chia sẻ về màn tái xuất không ai nghĩ đến này, ông nói mình vốn chỉ muốn làm Giám đốc kỹ thuật, nhưng lại được tin tưởng nắm giữ cả chức vụ quản lý. Trên cương vị mới, mục tiêu hàng đầu của ông là kéo khán giả đến sân Thống Nhất, giúp CLB Sài Gòn thoát khỏi tên gọi CLB có ít khán giả đến sân nhất. Ông thậm chí còn dự tính áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất hỗ trợ người hâm mộ theo dõi bóng đá.

Tuy nhiên, điều cốt yếu giúp một CLB duy trì và phát triển là họ phải giữ vững được hướng đi dài hạn. Điều này quá xa xỉ với CLB Sài Gòn, một đội bóng có tới 4 đời HLV lẫn Chủ tịch chỉ trong vòng 4 năm. Thành tích thi đấu trên sân của CLB hiện tại không thể bù đắp cho cách làm bóng đá ăn xổi trong quá khứ, với những con người cũ.

Vũ Tiến Thành và những nghi án "lật ghế"

Ở thập niên 90 và đầu những năm 2000, Vũ Tiến Thành không chỉ làm HLV trưởng đội Bưu Điện và các đội trẻ của CLB TPHCM. Với vốn ngoại ngữ xuất sắc (nói thông thạo tiếng Bồ Đào Nha và Anh), ông từng làm trợ lý cho các đời HLV ngoại ở ĐT Việt Nam, từ Weigang, Murphy đến Riedl, Dido và Calisto. Đó cũng là khoảng thời gian Vũ Tiến Thành liên tục dính vào những bê bối nhưng chỉ dừng lại ở mức nghi án.

Ở SEA Games 21 tổ chức tại Malaysia, Văn Quyến là một trong số những cầu thủ trẻ được tập trung vào đội U23. Nhưng cuối cùng, anh lại bị loại tức tưởi cùng một tài năng khác là Ánh Cường. Nhiều người nghi ngờ chính Vũ Tiến Thành đã dịch sai nội dung cuộc nói chuyện của Quyến và HLV Dido, khiến ông đuổi cổ tài năng trẻ của SLNA.

Sau này, Vũ Tiến Thành cũng tham gia vào buổi phiên dịch đàm phán hợp đồng giữa HLV Calisto và ĐT Việt Nam cho chiến dịch SEA Games 22, nơi xảy ra mâu thuẫn giữa thầy Tô và các quan chức VFF.

Đơn Ca
.
.
.