Cầu lông Việt Nam tiếp tục tìm đường đến Olympic
- Cầu lông Việt Nam tìm đường đến Olympic
- Cầu lông Việt Nam: Ra biển mới biết biển rộng
- Cầu lông Việt Nam giành chiến thắng thứ 2 tại Sudirman Cup 2015
Cuộc đua chưa chấm dứt
Khi dịch COVID-19 bùng phát toàn cầu, khiến nhiều giải đấu thể thao bị hoãn, Liên đoàn Cầu lông thế giới đã quy định sẽ tính điểm xếp hạng tại vòng loại Olympic 2020 môn cầu lông bắt đầu từ ngày 29/4/2019 đến 26/4/2020.
Trong một năm đó, các tay vợt sẽ phải lựa chọn các giải đấu thích hợp với khả năng để tích điểm trên bảng xếp hạng đến Olympic 2020.
Nguyễn Tiến Minh vẫn cần tích lũy thêm điểm để chắc chắn giành vé dự Olympic tới tại Nhật Bản. |
Các tay vợt Việt Nam có khả năng giành vé dự Olympic 2020 như Nguyễn Tiến Minh, Vũ Thị Trang, Nguyễn Thùy Linh đều có một chiến lược nhất quán là tham dự những giải đấu cấp độ vừa phải để dễ tích lũy điểm. Đổi lại, họ sẽ phải di chuyển đến những địa điểm thi đấu xa xôi, chi phí cũng tốn kém hơn.
Thực tế, cách làm này đã được các tay vợt Việt Nam, đặc biệt là Nguyễn Tiến Minh, thực hiện từ nhiều năm qua. Cũng nhờ vậy, Nguyễn Tiến Minh đã giành vé dự Olympic 2008, 2012, 2016. Cho đến trước khi Liên đoàn Cầu lông thế giới phải hoãn các giải đấu quốc tế vào tháng 4 vừa qua, cả Nguyễn Tiến Minh và Nguyễn Thùy Linh đều đã đạt được mục tiêu là trong nhóm giành vé dự Olympic tại Nhật Bản.
Trong số này, trên hệ thống tính đếm vòng loại Olympic, Nguyễn Tiến Minh xếp vị trí 27/38 VĐV đủ chuẩn tham dự. Trong khi đó, Nguyễn Thùy Linh đứng hạng 44 thế giới và giữ vị trí thứ 25 tại vòng loại Olympic tới tại Nhật Bản.
Đáng chú ý, tay vợt Vũ Thị Trang cũng trong nhóm các tay vợt hạng 25 tại vòng loại Olympic nhưng xếp hạng 46 thế giới. Theo quy định của Liên đoàn Cầu lông thế giới, mỗi nội dung đánh đơn sẽ có 38 tay vợt tham dự, mỗi quốc gia chỉ có tối đa 2 người được góp mặt, nếu cả hai tay vợt cùng đứng trong nhóm 16 tay vợt hàng đầu thế giới. Từ hạng 17 trở xuống, mỗi quốc gia chỉ được 1 VĐV và chọn người có thứ hạng cao hơn. Cứ theo cách tính này thì Nguyễn Thùy Linh sẽ được chọn lựa tham dự Olympic.
Đến tháng 4 vừa qua, khi Liên đoàn Cầu lông thế giới sớm khép lại các giải đấu quốc tế trong quãng thời gian trước ngày khai mạc Olympic 2020 (dự kiến tháng 7/2020) vì dịch COVID-19, đã có thông tin rằng cả Nguyễn Tiến Minh và Nguyễn Thùy Linh sẽ giành vé dự Olympic 2020.
Tuy nhiên, khi Olympic 2020 tạm hoãn vì dịch COVID-19, tất cả lại vào chế độ chờ. Và đến khi Liên đoàn Cầu lông thế giới vừa quyết định điều chỉnh phương án chọn các tay vợt vòng loại Olympic Tokyo tới thì rõ ràng, các tay vợt Việt Nam sẽ phải tham dự một loạt giải đấu trong thời gian tới để tích điểm.
Theo cách tính của Liên đoàn Cầu lông thế giới, việc lựa chọn các tay vợt dự Olympic tới và xếp hạt giống ở môn cầu lông sẽ dựa vào bảng xếp hạng "Đường tới Tokyo", sẽ chốt ngày 18/5/2021 để làm cơ sở chọn hạt giống cũng như những tay vợt dự Olympic.
Hành trình không dễ dàng
Theo lịch thi đấu của cầu lông thế giới, từ tháng 3 đến tháng 5/2021 sẽ có 6 giải đấu để các tay vợt tích điểm dự Olympic tới tại Nhật Bản. 6 giải đấu này gồm Thụy Sĩ mở rộng (2-7/3); Đức mở rộng (9-14/3); Malaysia mở rộng (31/3-4/4); Singapore mở rộng (13-18/4); Giải vô địch châu Á (27/4-2/5); Ấn Độ mở rộng (11-16/5).
Việc Liên đoàn Cầu lông thế giới kéo dài thời gian để các tay vợt tích điểm dự Olympic tới đương nhiên mang đến cơ hội cho những tay vợt tưởng như đã hết cơ hội. Trong số này có Vũ Thị Trang, cựu tay vợt số 1 Việt Nam. Hiện tại, Vũ Thị Trang cũng trong nhóm các tay vợt cùng xếp hạng 25 trên đường đua đến Olympic tới. Việc không thua kém quá nhiều điểm trước Nguyễn Thùy Linh đương nhiên mang đến cơ hội đảo ngược tình thế cho Vũ Thị Trang.
Vấn đề là cô sẽ tận dụng cơ hội như thế nào. Thực tế, hiện tại, phong độ của Vũ Thị Trang không còn ở đỉnh cao, trong đó cô không thể lên ngôi vô địch đơn nữ trong hai giải đấu thuộc hệ thống thi đấu quốc gia 2020.
Trong khi đó, cả Nguyễn Tiến Minh và Nguyễn Thùy Linh, những người tưởng như đã giành vé dự Olympic nếu kỳ Đại hội thể thao này diễn ra vào đúng tháng 7/2020, lại gặp những thách thức đáng kể. Ở 6 giải đấu vừa kể trên, nếu tham dự thì cả Tiến Minh cũng như Thùy Linh hay Vũ Thị Trang hầu như khó có thể giành thành tích tốt để tích lũy điểm. Tuy nhiên, để tích thêm điểm số thì họ buộc phải tham dự.
Kinh phí không hẳn là vấn đề quá lớn với những tay vợt này. Dự kiến, cả Nguyễn Tiến Minh, Nguyễn Thùy Linh và Vũ Thị Trang đều sẽ được Tổng cục TDTT tạo điều kiện tham dự bên cạnh nguồn kinh phí từ các nhà tài trợ. Vấn đề là nếu có nhiều giải đấu quốc tế cấp độ thấp hơn thì các tay vợt Việt Nam sẽ có nhiều hy vọng tích điểm để giành vé dự Olympic tới hơn. Còn như hiện tại, họ sẽ buộc phải tham dự các giải đấu lớn, nơi dự báo sẽ có nhiều tay vợt hàng đầu thế giới tham dự.
Rõ ràng, hành trình giành vé dự Olympic tới của các tay vợt Việt Nam sẽ không hề dễ dàng. Khả năng không giành vé cũng đang hiển hiện. Tuy nhiên, tất cả sẽ phải chấp nhận cuộc chơi để vượt qua. Và nếu vượt qua thì tấm vé dự Olympic của họ sẽ càng danh giá.
Vẫn dè chừng COVID-19 Dù các giải đấu cầu lông quốc tế trong khoảng từ tháng 3 đến tháng 5-2021 để tích điểm dự Olympic vẫn trong lịch thi đấu của Liên đoàn Cầu lông thế giới nhưng khả năng hoãn các giải này vẫn được đặt ra. Dịch COVID-19 vẫn phức tạp, khiến nhiều quốc gia phải thực hiện giãn cách xã hội ở mức cao nhất là nguyên nhân chính khiến người ta lo ngại nhiều giải đấu trong số này không thể diễn ra. Minh Khuê |