Cả một nền bóng đá thất bại nếu Hoàng Vũ Samson tiếp tục “trắng án”

Thứ Sáu, 03/02/2017, 08:19
Một cầu thủ “trắng án” sau một pha vào bóng mà cả trọng tài Việt Nam lẫn trọng tài AFC đều khẳng định: "Đấy là một pha bạo lực, đáng phải nhận thẻ đỏ" thực chất chỉ là một chuyện bé xíu, giống như một hòn đá kê dưới chân cột đình. Nhưng khi cái hòn đá bé xíu ấy lung lay thì cột đình đứng trước nguy cơ gãy đổ, và cả một ngôi đình cũng đối diện với khả năng sụp đổ.

Thành thử, nếu VFF, VPF không xem xét lại vụ việc này thì có thể nói đấy là sự thất bại của cả một nền bóng đá nói chung.

1. Nhìn từ phương diện VFF, VPF

Như chúng tôi đã phân tích trong những bài viết trước đây, việc Ban trọng tài và Ban tổ chức V.League 2017 cứ khăng khăng cái mệnh đề: "Hoàng Vũ Samson chỉ liều lĩnh, chứ không bạo lực", từ đó không đưa ra bất cứ án phạt nào chẳng khác gì một việc làm đã đẩy họ đứng ở phía đối lập với những chuyên gia bóng đá và đông đảo những người yêu bóng đá chân chính. Thế nên mới có chuyện trên các diễn đàn Internet, người hâm mộ không ngừng bày tỏ sự thất vọng về VPF, VFF, thậm chí đã có cả những lời kêu gọi tẩy chay V.League, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Nỗi lòng của người hâm mộ là có thể hiểu được, vì xưa nay, đặc biệt là trước thềm mùa giải 2017, nhận những chỉ đạo từ Tổng cục Thể dục Thể thao, chính VFF và VPF đã nêu cao ngọn cờ đấu tranh mạnh mẽ với các hành vi bạo lực, phản cảm trên sân cỏ. Và thực tế là họ cũng đã treo cầu thủ ngoại Omar của FLC Thanh Hoá đến 8 trận sau khi cầu thủ này có những hành vi thô lỗ với khán giả và cầu thủ đối phương. Vậy thì tại sao khi đụng vào trường hợp Hoàng Vũ Samson - một cầu thủ của CLB Hà Nội, họ lại tuyệt đối không xử phạt?

Cách đối xử theo kiểu bên trọng bên khinh này tạo cho người hâm mộ một cảm giác: Ban tổ chức giải luôn xử lý các vấn đề theo kiểu "nhìn mặt mà giơ đao"(?), và nếu đúng thế thì còn đâu nữa cán cân công lý?

Thêm nữa, im lặng đồng loạt trước một hành vi bạo lực của Hoàng Vũ Samson cũng đồng thời cho thấy sự bất lực có tổ chức của các phòng ban VFF, VPF trước một sự vụ mà ai cũng thấy nhưng riêng VFF và VPF... không thấy gì. Trong bối cảnh mà chưa bao giờ tổ chức lãnh đạo, điều hành nền bóng đá tạo được niềm tin mạnh mẽ cho người hâm mộ thì những dấu hiệu bất lực có tổ chức này sẽ càng khiến họ đánh mất một chút uy tín còn sót lại.

Và như thế, sẽ không bất ngờ nếu những vòng V.League tới đây, số lượng khán giả tới các sân vận động giảm sút với một mức độ lớn chưa từng thấy.

2. Nhìn từ phương diện nhà tài trợ V.League

Kể từ khi ông bầu Nguyễn Đức Kiên - cựu Phó Chủ tịch VPF xộ khám, tổ chức này luôn gặp khó trong việc tìm kiếm các nhà tài trợ cho V.League. Phải tận dụng mọi kênh quan hệ thì rốt cuộc họ mới tìm được một nhà tài trợ đến từ Nhật Bản, nhưng giá trị tài trợ mà đơn vị này rót vào V.League thấp hơn nhiều so với giá trị tài trợ họ rót vào Thai - League (giải vô địch quốc gia Thái Lan). Lý do: Chất lượng và hình ảnh V.League không thể sánh bằng Thai League.

Trong suốt quá trình hợp tác, nhà tài trợ này cũng không ngừng yêu cầu VPF phải có trách nhiệm quảng bá giải đấu và nâng cao hình ảnh giải đấu trên các phương tiện truyền thông. Việc họ có tiếp tục tài trợ hay không và giá trị của bản hợp đồng tài trợ tiếp theo (nếu có) phụ thuộc tối quan trọng vào điều này. Đó là lý do giải thích vì sao ở ngày khai mạc V.League, khi BTC sân Lạch Tray không cho đơn vị truyền thông của VPF vào tác nghiệp thì VPF đã phải chữa cháy bằng cách truyền hình trực tiếp trận đấu từ... hàng trà đá.

Chắc chắn vụ xử Hoàng Vũ Samson trắng án, tạo nên một làn sóng phẫn nộ dữ dội từ các chuyên gia bóng đá, người hâm mộ không nằm ngoài tầm kiểm ngắm của nhà tài trợ. Và chắc chắn, sau vụ việc này uy tín của VPF trong mắt nhà tài trợ sẽ giảm sút nghiêm trọng.

Trưởng giải Nguyễn Minh Ngọc phải chính thức lên tiếng trước dư luận về những quyết định gây phẫn nộ dư luận của Ban Trọng tài Quốc gia. Ảnh: H.M.

3. Nhìn từ phương diện CLB Hà Nội

Trong mặt bằng V.League khoảng 5 năm trở lại đây, dù muốn hay không cũng phải thừa nhận CLB Hà Nội - CLB chủ quản của Hoàng Vũ Samson là một trong những CLB mang tính cống hiến cao nhất. Tính cống hiến ấy được thể hiện ở một lối chơi tấn công giàu kĩ thuật, và quan trọng nhất là ở việc họ không ngừng mở ra các kênh tương tác với khán giả, để bằng mọi giá kéo khán giả tới sân.

CLB này từng mời một cổ động viên nổi tiếng Thủ đô tổ chức các hoạt động cổ vũ trong mỗi trận đấu của mình. Họ cũng từng mời một diễn viên nổi tiếng làm Chủ tịch Hội Cổ động viên, và phải khẳng định trong từng bước đi nhỏ nhất của đội bóng này cái khẩu hiệu "hành động vì người hâm mộ" luôn được đặt lên hàng đầu.

Nhưng bây giờ, với việc VPF xử Hoàng Vũ Samson trắng án thì chính một bộ phận các cổ động viên của CLB Hà Nội cũng bày tỏ sự bất bình trên một số diễn đàn Internet. Họ bảo, cách hành xử như thế đã làm hại hình ảnh đội bóng của mình, và đẩy đội bóng của mình đứng xa hơn khỏi người hâm mộ Thủ đô - những người không dễ gì im lặng trước một pha bóng, một hành vi xấu. Nếu điều này là sự thật thì những nỗ lực cố gắng kêu gọi người hâm mộ tới sân của CLB Hà Nội suốt bao năm qua đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Cựu Phó ban Trọng tài Quốc gia Đoàn Phú Tấn bày tỏ quan điểm: Giá mà VFF ra án phạt, Hoàng Vũ Samson chủ động cúi đầu xin lỗi thì cả VFF, VPF lẫn CLB Hà Nội cũng sẽ hiện lên đẹp đẽ biết bao nhiêu. Đằng này...

4. Nhìn từ các lò đào tạo bóng đá trẻ

Một khi Ban Trọng tài Quốc gia khẳng định pha vào bóng của Hoàng Vũ Samson chỉ "liều lĩnh", chứ không phải "bạo lực" thì từ nay trở đi các lò đào tạo trẻ bóng đá Việt Nam hoàn toàn có thể lấy pha vào bóng này làm một chuẩn mực đào tạo của mình. Họ hoàn toàn có thể dạy các cầu thủ trẻ vào bóng theo kiểu chỉ "liều lĩnh" chứ "không bạo lực" để đạt được mục đích kép: vừa có thể trả đũa đối thủ, vừa thoát khỏi án phạt của trọng tài và Ban tổ chức.

Trong trường hợp mà tất cả các lò đào tạo đều dạy các cầu thủ phát huy tinh thần vào bóng theo kiểu "liều lĩnh, chứ không bạo lực" như vậy, chắc chắn bóng đá Việt Nam loạn to.

Rõ ràng, bỏ qua một pha phạm lỗi của Hoàng Vũ Samson, VFF, VPF sẽ cùng lúc tạo nên rất nhiều hệ luỵ nguy hiểm. Cái hệ luỵ ấy không chỉ ảnh hưởng đến uy tín và sự tồn tại của chính họ, mà đáng sợ hơn có thể sẽ tạo ra sự sụp đổ giá trị và hàng loạt hình ảnh của cả một nền bóng đá nói chung.

"Thượng bất chính, hạ tắc loạn" - câu nói này chưa bao giờ sai cả!

Phan Đăng
.
.
.