Bóng chuyền cần ngoại binh
Trong dòng chảy của thể thao hiện đại, việc đặt ra vấn đề này cũng là cần thiết.
Từ có đến không
Không phải đến lúc này việc thuê trở lại ngoại binh tại giải bóng chuyền vô địch quốc gia mới được đặt ra. Từ cách nay 1-2 năm, vấn đề này đã được bàn nhiều và câu hỏi cũng đã được gửi đến lãnh đạo Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam.
Còn nhớ, ở buổi họp công bố Giải vô địch bóng chuyền quốc gia 2020, đã có câu hỏi đặt ra cho lãnh đạo Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam về việc đã tính tới giải pháp cho các đội tham dự Giải vô địch bóng chuyền quốc gia được thuê cầu thủ ngoại hay chưa?
Khi ấy, Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam Lê Trí Trường chỉ thông tin là vẫn chưa cho các đội thuê cầu thủ ngoại ở kỳ giải 2021. Và đến họp công bố Giải vô địch bóng chuyền quốc gia 2021, câu hỏi trên lại được đặt ra.
Lần này, ông Lê Trí Trường thông tin rằng, ngay sau vòng 1 mùa giải quốc gia năm nay, tại hội thảo chuyên môn nhằm nâng chất giải bóng chuyền vô địch quốc gia, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam sẽ thảo luận về việc có cho thuê cầu thủ ngoại hay không từ những mùa giải tới.
Tất cả cho thấy có sự quan tâm đáng kể đến việc thuê ngoại binh trong làng bóng chuyền Việt Nam. Thực tế, bóng chuyền Việt Nam đã từng cho thuê cầu thủ ngoại ở giải vô địch quốc gia cách đây hơn chục năm.
Mục đích của việc này nhằm nâng tầm giải đấu cũng như tạo cơ hội cọ xát, sớm nâng trình độ cho các VĐV nội. Mục đích ban đầu là vậy nhưng rồi trong quá trình thực hiện của các đội lại nảy sinh vấn đề.
Đó là nhiều đội lao vào cuộc chạy đua tuyển mộ cầu thủ ngoại để cải thiện thành tích trước mắt. Trong số này, nhiều câu lạc bộ dù kinh phí eo hẹp nhưng vẫn phải nhảy vào cuộc đua tuyển mộ cầu thủ ngoại để "bằng chị, bằng em" và không bị thất thế về chuyên môn so với các đội khác - cũng thuê cầu thủ ngoại.
Nguồn kinh phí cấp cho các đội này cũng chỉ ở mức vừa phải nhưng vì cần thuê cầu thủ ngoại nên đã phải trích đáng kể kinh phí cho việc trên.
Đổi lại, hệ thống đào tạo trẻ của nhiều câu lạc bộ trở nên èo uột, trong khi nhiều cầu thủ nội phải làm khán giả bất đắc dĩ để nhường chỗ cho cầu thủ ngoại thi thố. Việc hỗ trợ chuyên môn cho các cầu thủ nội khác từ nguồn kinh phí nhà nước cũng khó khăn hơn.
Cũng phải kể đến việc nhiều ngoại binh chỉ thi đấu cho các đội bóng Việt Nam theo đúng kiểu mùa vụ, trong đó có mặt tại Việt Nam chỉ vài ngày trước khi diễn ra Giải vô địch quốc gia và thi đấu xong lại về nước ngay.
Quãng thời gian quá ngắn ở Việt Nam của các ngoại binh chỉ có thể giúp các câu lạc bộ thuê họ có thành tích tại giải đấu nhưng không đủ để các cầu thủ nội học hỏi, đúc rút kinh nghiệm.
Tất cả đã khiến Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam phải quay lại với phương án sử dụng toàn cầu thủ nội ở Giải vô địch quốc gia kể từ năm 2013. Xét theo thời thế, điều này đi ngược xu thế chung nhưng lại mang đến nhiều cơ hội thi đấu cho các cầu thủ nội.
Dù vậy, đến nay, đội tuyển quốc gia Việt Nam - bộ mặt của nền bóng chuyền quốc gia, lại đang sự chững lại ở sân chơi khu vực. Muốn vậy, đương nhiên phải có những cầu thủ ngoại để cầu thủ nội thường xuyên được cọ xát trong thời gian thi đấu giải quốc gia.
Các cầu thủ nội có cơ hội nâng cao trình độ nếu được thi đấu với các cầu thủ ngoại tại giải bóng chuyền vô địch quốc gia. Ảnh: VNE. |
…Và từ không lại đến có?
Đến gần đây, khi sức hút của bóng chuyền với truyền thông ngày càng tăng, trong khi đội tuyển bóng chuyền quốc gia cần gấp rút nâng tầm thì phương án sử dụng trở lại cầu thủ ngoại lại được đặt ra.
Đặc biệt, trong bối cảnh bóng chuyền Việt Nam cần quảng bá rộng rãi hơn thì sự xuất hiện của các cầu thủ ngoại không chỉ có lợi cho nhiều đội bóng, mà còn với cả việc truyền thông để thu hút tài trợ cho giải đấu.
Ở khía cạnh khác, nhiều đội bóng chuyền đang thuộc doanh nghiệp quản lý hoặc có sự tài trợ từ các thương hiệu mạnh cũng cần cầu thủ ngoại để thực hiện tham vọng chuyên môn.
Vì vậy, nhiều câu lạc bộ dạng này thực sự sốt sắng với việc đưa cầu thủ ngoại trở lại thi đấu ở giải vô địch quốc gia.
Việc này có căn cứ đến từ sự phát triển mạnh mẽ của Giải bóng rổ chuyên nghiệp quốc gia (VBA), nơi các cầu thủ ngoại và cầu thủ gốc Việt đang góp mặt.
Nhờ đó, khâu quảng bá giải đấu dễ dàng hơn và đạt hiệu ứng cần thiết, trong đó đưa bóng rổ ngày càng gần gũi lứa trẻ. Việc này cũng trùng với quan điểm của Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty truyền hình cáp Việt Nam (VTVCab) Hoàng Ngọc Huấn được đưa ra tại lễ ký hợp đồng tài trợ giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2021.
Trong đó, VTVCab sẽ xem xét để tạo một kênh truyền hình chuyên về bóng chuyền. Đây cũng là phương tiện hữu ích để có thể giải vô địch quốc gia thu hút tài trợ hay nhận sự đồng hành từ doanh nghiệp trên các phương diện khác, cũng như thu hút nhiều hơn sự quan tâm của khán giả với bóng chuyền.
Như đánh giá thì tại Việt Nam, bóng chuyền vẫn là miếng bánh kiếm lợi nhuận, quảng bá tốt thứ hai sau bóng đá.
Cũng phải kể đến việc các cầu thủ ngoại có thể nâng chất lượng giải vô địch quốc gia đồng thời giúp đội tuyển quốc gia mạnh hơn.
Điều này đã được chứng minh. Vấn đề vẫn là phải tận dụng tốt điều này để không lặp lại tình trạng bỏ bê đào tạo trẻ, dồn hầu hết kinh phí để thuê cầu thủ ngoại dẫn đến không còn kinh phí để chăm chút cho cầu thủ nội. Và cũng có những âu lo từ các đội bóng "nhà nghèo" như đội nam Hà Nội.
Trưởng bộ môn bóng chuyền - bóng rổ Hà Nội Bùi Đình Lợi từng bộc bạch, nếu Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam cho phép thuê cầu thủ ngoại, chắc chắn chất lượng chuyên môn của giải sẽ tốt hơn. Nhưng ngoài một số đội mạnh có nhà tài trợ, những đội còn lại thường dựa vào ngân sách nên kinh phí rất eo hẹp. Tiền ít nên chỉ lo trả lương và kinh phí tập luyện cho các VĐV cũng khó nên nếu thuê cầu thủ ngoại chất lượng tốt cũng là cả vấn đề lớn.
Trước mắt, như Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam Lê Trí Trường khẳng định là trong thời gian tới sẽ xem xét việc có nên hay không cho cầu thủ nước ngoài vào thi đấu tại giải bóng chuyền vô địch quốc gia.
Quan trọng là tìm ra phương cách để hạn chế hệ lụy từ sự xuất hiện của cầu thủ ngoại trước khi tính đến việc cho phép thuê cầu thủ ngoại.