Giải mã RB Salzburg, vì tinh tú ẩn trong vũ trụ bóng đá Red Bull

Thứ Năm, 17/06/2021, 08:30
Những năm qua, mọi người thường nhắc đến RB Leipzig như một ví dụ điển hình về thành công của giới kinh doanh lấn sân sang bóng đá. Tuy nhiên ít ai biết đội bóng Đức chỉ sao chép nguyên mẫu từ CLB anh em của họ bên Áo. Salzburg chính là viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho vũ trụ bóng đá Red Bull, với minh chứng là hàng loạt ngôi sao tại EURO 2020 đã và đang thi đấu cho họ.


Từ nước uống đến bóng đá

Áo tham dự EURO 2020 với đội hình gồm 9 cầu thủ có quá khứ và hiện tại gắn liền với RB Salzburg. Họ là Alexander Schlager, Andreas Ulmer, Martin Hinteregger, Stefan Lainer, Stefan Ilsanker, Valentino Lazaro, Xaver Schlager, Konrad Laimer và Marcel Sabitzer. Nếu mở rộng phạm vi sang các ĐTQG khác, Salzburg có thể xếp nguyên một đội hình với Duje Caleta-Car (Croatia) và Peter Gulacsi (Hungary) là lựa chọn bổ sung.

Ngoài những cái tên kể trên, Dayot Upamecano, Dominik Szoboszlai, Nabi Keita, Sadio Mane và cả Erling Haaland cũng chọn CLB Áo làm bến đỗ trước khi đầu quân cho những đội bóng lớn hơn. Điều gì biến RB Salzburg trở thành địa chỉ đỏ cho những ngôi sao mai như vậy? Kiến trúc sư đặt nền móng cho thành công của họ, rồi RB Leipzig sau này không phải một HLV, mà là một doanh nhân: Dietrich Mateschitz, người đồng sáng lập Tập đoàn Red Bull.

RB Salzburg đã vô địch Áo 8 năm liên tiếp.

Câu chuyện về đế chế Red Bull bắt đầu từ 4 thập niên trước, khi Mateschitz còn là một nhân viên tiếp thị sản phẩm kem đánh răng. Từ một nhiệm vụ bất khả thi được cấp trên giao phó, mở rộng thị phần công ty từ châu Âu sang châu Á, Mateschitz bất ngờ tìm ra thứ thay đổi hoàn toàn cuộc đời ông. Trên đường công tác ở Thái Lan, ông ngồi lại một quán vỉa hè và gọi đồ uống. Người bán đưa cho ông một lon nước màu vàng với logo hình 2 con bò tót húc nhau.

Hương vị mãnh liệt của lon nước khiến Mateschitz uống xong thấy tỉnh cả người. "Đây là loại đồ uống kỳ diệu nào vậy?", ông hỏi người bán. Tìm hiểu thêm thông tin về loại đồ uống mang tên Krating Daeng tại Thái Lan thời điểm đó, việc đầu tiên Mateschitz làm sau khi trở lại châu Âu là viết đơn xin nghỉ việc! Ông viếng thăm Thái Lan một lần nữa để gặp ông chủ Krating Daeng bàn kế hoạch làm ăn, với mục tiêu đưa loại nước giải khát này vươn ra toàn thế giới.

Nhờ việc dành phần lớn lợi nhuận tái đầu tư vào quảng bá sản phẩm, doanh thu của Red Bull tăng lên theo cấp số nhân. Từ một công ty bán đồ uống, Mateschitz muốn tập đoàn thâm nhập vào mọi ngóc ngách của châu Âu. Đó là lý do họ lần lượt lấn sân sang đua xe công thức 1 và bóng đá. Thương vụ mua lại CLB Austria Salzburg vào tháng 6-2005 chính là phát pháo mở đầu cho công cuộc bành trướng của Mateschitz. Tuyên bố "chúng tôi sẽ làm lại lịch sử bóng đá Áo" của Salzburg lúc mới thành lập nghe có vẻ ngông cuồng, nhưng giờ đây đang dần trở thành sự thật.

Công thức 100% thành công

Không chi tiền rầm rộ như Abramovich thuở mới tiếp quản Chelsea, Mateschitz xây dựng nền móng cho Salzburg ngay từ ngày đầu làm ông chủ CLB. Ông mới Franz Beckenbauer làm cố vấn, đồng thời chiêu mộ nhiều cầu thủ kỳ cựu như Alex Manninger, Thomas Linke, Alex Zickler và Vratislav Lokvenc làm nền móng tái thiết. Từ một CLB ngấp nghé xuống hạng, Salzburg trở thành thế lực tuyệt đối của bóng đá Áo từ đó đến nay. 16 mùa gắn liền với Red Bull, họ vô địch quốc gia 12 lần, bao gồm 8 lần liên tiếp đứng trên đỉnh cao nhất từ mùa 2013-2014 đến hiện tại.

10 năm qua Salzburg không hề chi ròng để tiếp tục giữ ngôi vương bóng đá Áo. Trái lại, họ liên tục kinh doanh có lãi theo từng năm nhờ chính sách mua rẻ bán đắt của mình. Triết lý của CLB với những cầu thủ tiềm năng là không bao giờ giữ họ lại quá 2 năm. Salzburg sẵn sàng bán lúa non khi cầu thủ còn chưa đạt độ chín để đảm bảo lợi nhuận kỳ vọng từ khoản đầu tư trước đó. Với trường hợp của Erling Haaland, anh thậm chí chỉ ở Áo vỏn vẹn 6 tháng.

Những cầu thủ mới đặt chân đến Salzburg thông thường sẽ được đưa sang CLB FC Liefering theo dạng cho mượn. Dù chơi ở giải hạng Nhì nước Áo, Liefering có thực lực đủ để chinh chiến ở hạng đấu cao nhất. Lý do khiến họ thi đấu ở Bundesliga 2 nước Áo đơn giản vì đây là CLB vệ tinh của Salzburg nên không được thăng hạng. Sau 1-2 năm, cầu thủ ở Liefering sẽ trở lại Salzburg, tự đánh bóng tên tuổi mình để tìm đến những chân trời mới. Phần lớn họ chọn... RB Leipzig, CLB anh em của Salzburg tại Bundesliga.

Nguồn cầu thủ cung cấp cho Salzburg đến từ khắp mọi nơi trên thế giới. Đội bóng này sẵn sàng chi vài triệu euro để mua một cầu thủ mới 15, 16 tuổi như Dayot Upamecano rời nước Pháp về đầu quân cho họ vào năm 2015. Một nguồn khác đáng tin cậy hơn là những lò đào tạo cầu thủ trẻ của Red Bull trên khắp thế giới như Đức (RB Leipzig), Mỹ (New York Red Bulls), Brazil (RB Brasil) và Ghana (RB Ghana). Dòng cầu thủ luân chuyển trong vũ trụ bóng đá Red Bull quá đủ để họ cạnh tranh ngôi vô địch ở mọi quốc gia họ hiện diện.

Người Áo từng không thích cách một doanh nghiệp như Red Bull lấn sân sang bóng đá và phá vỡ truyền thống, giờ đây dần chấp nhận và ủng hộ. Một phần ba thành viên ĐT Áo tham dự EURO 2020 là sản phẩm của lò đào tạo Salzburg và họ chiếm những vị trí không thể thay thế. Chẳng ai có thể từ chối một mô hình xã hội hoá bóng đá thành công 100% và giúp nước nhà hưởng lợi như RB Salzburg.

Bị ghét vẫn thành công

Salzburg là một trong những đội bóng bị ghét nhất nước Áo vì phương pháp làm bóng đá theo kiểu "công nghiệp" của họ. Bức xúc vì việc CLB bị tập đoàn Red Bull mua lại rồi tuyên bố "đây là một đội bóng mới và làm lại lịch sử từ đầu", những người hâm mộ trung thành đã lập một CLB mới lấy tên SV Austria Salzburg. Tuy nhiên sau 15 năm, đội bóng này vẫn chưa thể vươn lên hạng đấu cao nhất nước Áo như RB Salzburg.

Ngay cả những người hâm mộ hiện tại của RB Salzburg cũng không hài lòng với đường lối phát triển theo kiểu mua rẻ bán đắt. Họ đã quá no nê danh hiệu quốc nội và muốn nhìn thấy CLB thể hiện ở những sân chơi lớn hơn. Tuy nhiên thành tích tốt nhất của CLB mạnh nhất nước Áo hiện tại chỉ là lọt vào bán kết Europa League mùa giải 2017-2018. "Chính sách kinh doanh của Salzburg đang huỷ hoại đội bóng", hậu vệ Martin Hinteregger nhận xét khi khoác áo CLB. Dù vậy sau đó chính anh cũng rời đội để đến CLB Đức Augsburg.

2 khán giả trận Đức - Pháp đã phải nhập viện vì chấn thương vùng đầu sau khi va chạm với một người nhảy dù lượn vào sân. Người này được xác định là một công dân Đức 38 tuổi nhảy dù phản đối Tập đoàn Volkswagen. Anh bị bắt ngay sau khi hạ cánh.

Sau trận Đức - Pháp, tiền vệ Paul Pogba xác nhận anh bị Antonio Rudiger cắn khá đau. Tuy nhiên thay vì báo cáo vụ việc lên trọng tài, Pogba đã im lặng vì không muốn Rudiger bị truất quyền thi đấu trong cảnh ĐT Đức đang hoàn toàn lép vế trước nhà đương kim vô địch thế giới.

Hậu vệ Pháp Benjamin Pavard thừa nhận anh đã bất tỉnh khoảng 10-15 giây trên sân sau khi va chạm với Robin Gosens bên phía ĐT Đức. Pavard sau đó trở lại thi đấu bình thường trong nỗi bất an của các CĐV. Họ cho rằng HLV Deschamps nên thay anh ra ngoài ngay lập tức.



An Khánh
.
.
.