Airlander 10: Sản phẩm ‘lai’ giữa khí cầu máy và trực thăng

Thứ Tư, 18/03/2015, 20:38
Dài hơn một sân bóng đá, được bơm đầy khí heli, Airlander 10 của hãng Hybrid Air Vehicles (HAV) thiết kế cho quân đội Mỹ sẽ là một vật thể bay lớn nhất được chế tạo. Dự án vốn đã bị đình chỉ cùng với quá trình cắt giảm ngân sách của Bộ Quốc phòng Mỹ nhưng khoản ngân quỹ 3,4 triệu Euro (5,1 triệu USD) từ chính phủ Anh các nhà thiết kế và kỹ sư HAV đang sẵn sàng cho Airlander 10 cất cánh vào cuối năm 2015.

Ý tưởng cũ, thiết kế mới

Khí cầu máy vốn là một phương tiện có tuổi đời gần một thế kỷ. Kỷ nguyên của nó gần như chấm dứt sau thảm họa Hinderburg vào năm 1937 (khí cầu máy của nước Đức nổ tung khi đang cố hạ tại Mỹ) làm 36 người thiệt mạng. Tuy nhiên với kỹ thuật của thế kỷ 21, HAV tự tin sẽ đưa khí cầu máy trở lại bầu trời nước Anh vào năm 2016.

Nguời đứng đầu bộ phận khách hàng và truyền thông của HAV ,Chris Daniels cho biết, vấn đề của khí cầu máy thế hệ cũ là cần rất nhiều người hỗ trợ dưới mặt đất khi cất và hạ cánh cũng như sự hạn chế về tải trọng và đặc biệt dễ bị ảnh hưởng của thời tiết, tuy nhiên HAV đã giải quyết tất cả với một thiết kế mới có thế "máy bay hybrid".

“Máy bay hybrid” có thể nói đó là sự pha trộn của máy bay cánh bằng và khí cầu và trực thăng. Chiếc khí cầu máy được bơm đầy khí heli tuy nhiên nó vẫn có khối lượng riêng nặng hơn không khí do vậy nó có cánh quạt đẩy để cất và hạ cánh như trực thăng. Kiểu cất hạ cánh này giúp loại phương tiện bay như Airlander 10 không gặp các vấn đề như khí cầu bình thường, ngược lại nhờ có thế tích lớn chứa khí heli nó nhẹ hơn máy bay bình thường cũng tiêu tốn ít nhiên liệu hơn.

Thời gian bay lâu và không yêu cầu quá lớn về sân bay nó có thể hạ cánh ở bất cứ nơi nào. Airlander 10 giống như tên gọi của nó có thể chuyển chở khối lượng hàng hóa nặng tới 10 tấn. Sử dụng khối động cơ V8 diesel 325 sức ngựa, Airlander 10 có thể bay liên tục 5 ngày. Airlander 10 có khả năng hoạt động trong điều kiện hết sức khắc nghiệt (từ 54 đến âm 56 độ C)

Đa ứng dụng

Hãng Ocean Sky của Thụy Điển cũng muốn sử dụng Airlander 10 cho việc vận chuyển các tua bin gió qua khu vực rừng ở Bắc Âu. Ông Daniels giải thích, nếu không sử dụng Airlander, người ta sẽ phải tạo ra một con đường rộng tới 50 mét xuyên qua khu rừng nguyên sinh ở Bắc Âu và như vậy là tác động lớn đến môi trường.

NASA cũng đang để mắt tới sản phẩm này với mục đích làm phương tiện thí nghiệm. Tổ chức từ thiện Oxfam cũng muốn có một phương tiện làm nhiệm vụ cứu trợ tại các nơi xảy ra thảm họa thiên nhiên.

Với các ứng dụng cho  cả mục đích dân sự và quân sự, một tương lai đầy hứa hẹn đang mở ra cho khí cầu máy thế kỷ 21 mà Airlander 10 là đại diện đầu tiên.

Bình Nguyễn (theo CNN)
.
.
.