Chứng khoán đảo chiều: Tín hiệu xấu chỉ là tạm thời?

Thứ Ba, 19/01/2021, 18:15
Sau một thời gian “làm mưa làm gió”, VN-Index liên tục lập đỉnh, mang lại lợi nhuận cho hầu như tất cả các nhà đầu tư tham gia thị trường, kể cả những nhà đầu tư mới- F0, thị trường chứng khoán (TTCK) ngày 19-1 đã đỏ rực với hàng loạt cổ phiếu “lau sàn”. Việc thị trườngđột ngột đảo chiều giảm mạnh đã khiến cho các F0 choáng váng. Liệu đây có là cơ hội để “sắp xếp” lại chiến lược của các nhà đầu tư?

Phiên giao dịch sáng 19/1 chắc chắn sẽ đi vào lịch sử giao dịch chứng khoán Việt Nam khi chỉ số VN-Index giảm kỷ lục 74,71 điểm (-6,27%) xuống 1.117,23 điểm và đây cũng là mức giảm sâu nhất (tính theo %) của thị trường từ quý I/2020 tới nay. Không chỉ giảm mạnh về điểm số, thanh khoản thị trường cũng lên mức kỷ lục với giá trị giao dịch hơn 16.000 tỷ đồng trên HoSE, trong đó giá trị khớp lệnh vào khoảng 15.500 tỷ đồng.

Như vậy, chỉ trong một buổi sáng, VN-Index lập liên tiếp các kỷ lục từ số điểm tuyệt đối mất đi trong 1 phiên, thanh khoản cao nhất trong 1 phiên, số mã giảm sàn trong 1 phiên. Điều này khiến cho thị trường rung lắc dữ dội, mà nhiều người gọi là “cú knock out không tưởng”.

Chứng khoán ngày 19/1 trải qua phiên giao dịch “lịch sử”.

Trên sàn HNX, giao dịch cũng diễn ra tương tự, đà bán tháo diễn ra trên diện rộng khiến thị trường cắm mặt thẳng đứng trong 30 phút cuối phiên. Chốt phiên sáng, sàn HNX có 32 mã tăng và 187 mã giảm, HNX-Index giảm 8,4 điểm (-3,65%), xuống 222,1 điểm. Trên UPCoM, sắc xanh nhạt cũng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn đầu phiên rồi nhanh chóng chìm sâu trong sắc đỏ.

Bước sang phiên buổi chiều, dù nhiều kỳ vọng được đưa ra vì các nhà đầu tư cho rằng thanh khoản đã vượt mốc “chịu đựng” của HOSE, khả năng lệnh mua bán gần như chắc chắn bị tắc nghẽn, nhưng các giao dịch vẫn được thực hiện. Đóng cửa, sàn HOSE có 44 mã tăng và 437 mã giảm (112 mã giảm sàn), VN-Index giảm 60,94 điểm (-5,11%), xuống 1.131 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 986,1 triệu đơn vị, giá trị 20.363,2 tỷ đồng.

Tương tự, trên sàn HNX có 48 mã tăng và 175 mã giảm, HNX-Index giảm 6,48 điểm (-2,81%), xuống 224,02 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 162,6 triệu đơn vị, giá trị hơn 2.437 tỷ đồng. Còn trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng thoát được mức đáy dù biên độ cải thiện không cao và chỉ số đi ngang quanh 76 điểm khi đến khi đóng cửa.

Giải mã phiên giảm điểm ngày 19/1, các chuyên gia cho rằng ở thời điểm hiện nay, không có thông tin tầm vĩ mô, hay thông tin đột biến gì tác động mạnh tới thị trường. Bởi vậy, sự tháo chạy này có vẻ bắt nguồn từ tâm lý của nhà đầu tư, đặc biệt là nhóm F0. Sau mấy phiên dùng giằng không vượt được qua mốc 1.200, nhiều tâm lý nghi ngờ sự bền vững của thị trường đến từ các nhà đầu tư “non gan”.

Cùng với đó, lượng đòn bẩy hiện đã ở mức cao và tâm lý lo sợ “nghẽn lệnh” như trước đó khiến cho nhiều người muốn “tháo chạy”. Ngoài ra, còn có ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ siết chặt lại dòng tiền vào TTCK- điều này đồng nghĩa với kỳ vọng chứng khoán tiếp tục tăng điểm bị ảnh hưởng nặng nề nền nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là đội ngũ F0 muốn chốt lời. Tuy nhiên, về thông tin này, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã khẳng định vào sáng 19/1 là không có chuyện siết dòng tiền vào chứng khoán. Theo ông Dũng, các quy định hiện nay đã chặt chẽ, không có ý định siết chặt hơn từ NHNN, thậm chí có thể nới thêm. Hiện tại, chứng khoán chỉ chiếm 0,3% tổng cho vay của hệ thống ngân hàng, đây là khoản rất nhỏ.

Trong bản tin cập nhật thị trường của mình, Công ty chứng khoán MBS cho biết việc nhiều cổ phiếu trong VN30 giảm sàn là một tín hiệu xấu. MBS còn cho rằng sau phiên 19/1, tín hiệu xấu tạm thời về xu hướng sẽ khiến thị trường mất thời gian ổn định và phục hồi. Chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm nghiệm lại vùng hỗ trợ 1.033 – 1.064 điểm và có thể sớm xuất hiện nhịp hồi phục mạnh trở lại ở vùng điểm này.

MBS lạc quan nhận định thông thường, về diễn biến giảm nhanh và mạnh thường sẽ không kéo dài mà chỉ trong 1-2 phiên giao dịch. Các cổ phiếu bị bán sàn sẽ sớm phục hồi ngay sau khi giao dịch ổn định trở lại. MBS khuyến nghị nhà đầu tư nên đưa tỷ trọng cổ phiếu và tiền về mức an toàn. Có thể xem xét mua trở lại tại các vùng hỗ trợ dự kiến từ 1.033 – 1.064 điểm. Tuy nhiên, khi tâm lý ngắn hạn ảnh hưởng, nhà đầu tư cũng cần quản lý chặt danh mục, thực hiện cắt lỗ chốt lời theo kỷ luật.

Cùng chung nhận định, các chuyên gia đánh giá, năm 2021 vẫn dự báo sẽ chinh phục được đỉnh 1.200 điểm, vì các yếu tố hội tụ đã có đầy đủ, từ số lượng nhà đầu tư, thanh khoản thị trường, giá trị giao dịch,… Yếu tố quan trọng không kém đang được thị trường kỳ vọng là hệ thống giao dịch mới có thể sớm đi vào vận hành sẽ hóa giải được tình trạng "nghẽn lệnh" như vừa qua sẽ giúp giảm tâm lý e ngại của nhà đầu tư về vấn đề lúc muốn bán lại không bán được.

Bởi vậy, nhà đầu tư nên cẩn trọng hơn, có thể giảm tỷ trọng cổ phiếu để giảm rủi ro khi thị trường có thể giảm thêm, có thể chờ thị trường tìm được điểm cân bằng mới để xem xét giải ngân trở lại.

Hà An
.
.
.