Cây thuốc quý ba kích - tiềm năng còn bỏ ngỏ
Hiện nay ba kích chủ yếu được sử dụng bằng cách ngâm rượu – không thích hợp cho những người không uống được rượu hay phải kiêng rượu, hơn nữa tiêu thụ nhiều rượu còn gây hại cho sức khỏe. Bên cạnh đó, rượu ba kích chủ yếu được sử dụng với mục đích bổ thận tráng dương, tăng cường sinh lực. Trong khi, nhiều nghiên cứu khoa học lại chỉ ra tác dụng chống loãng xương trong rễ ba kích.
Rễ cây ba kích tím. |
Thế nhưng, trên thị trường chưa có dạng bào chế nào của ba kích được khai thác cho mục đích phòng, chống loãng xương. Hơn nữa, nhược điểm của anthraquinone là khó tan trong nước, trong khi đó, các phân tử nhỏ iridoid dễ bị đào thải khỏi cơ thể. Do đó cần có một hệ dẫn thuốc thích hợp vừa làm tăng độ tan và hấp thu của các anthraquinone và iridoid chống loãng xương từ ba kích, vừa thích hợp và thuận tiện sử dụng cho mọi đối tượng, đồng thời giá thành không quá cao. Hệ dẫn thuốc nano là một giải pháp tối ưu. Với kích thước nano, các hệ dẫn này có khả năng hòa tan tốt trong dịch sinh học, hấp thu qua các khe nang ở niêm mạc đường tiêu hóa để vào hệ mạch máu, bảo vệ thuốc an toàn khi đi qua gan, đồng thời không bị đào thải quá nhanh khỏi hệ thống tuần hoàn. Nhờ đó, hiệu quả điều trị của thuốc tăng đáng kể, trong khi liều sử dụng thấp hơn so với bình thường.
Dược sĩ Phan Kế Sơn trong phòng thí nghiệm. |
Để tăng cường giá trị của cây ba kích, Trung tâm Vật liệu y dược tiên tiến, Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã thực hiện thành công đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ nano phát triển các sản phẩm từ cây ba kích tím Quảng Ninh phối hợp thêm một số dược liệu khác” do Công ty CP Dược Mỹ phẩm CVI và Viện Khoa học vật liệu hỗ trợ kinh phí, thực hiện năm 2017, do PGS.TS. Hà Phương Thư làm chủ nhiệm. Trước đó, nhóm nghiên cứu đã tham gia đề tài “Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ nano phát triển một số sản phẩm từ cây ba kích tím Quảng Ninh”.
PGS.TS. Hà Phương Thư và cộng sự đã bảo vệ thành công các đề tài về nano hóa các dược chất phục vụ trong lĩnh vực chăm sóc sức khóe cộng đồng cấp Nhà nước Quỹ Nafosted, cấp Viện Hàn lâm KHCN VN, Viện Khoa học vật liệu, đề tài do doanh nghiệp đặt hàng như:
1. Đề tài “Nghiên cứu chế tạo và thử nghiệm vật liệu mang thuốc kích cỡ nano mét có khả năng nhả chậm, định hướng chọn lọc đến tế bào ung thư”, do Quỹ Nafosted tài trợ, thực hiện năm 2010 – 2012. (Chủ nhiệm)
2. Đề tài “Nghiên cứu quy trình chế tạo và thử nghiệm hệ dẫn thuốc hướng đích cấu trúc nano đa chức năng (polymer-drug-folate)” do Quỹ Nafosted tài trợ, thực hiện năm 2013 – 2016. (Một trong những sản phẩm của đề tài là nano Curcumin. Sản phẩm này được chuyển giao cho Công ty Anper Pháp làm thực phẩm chức năng Antri nano và CumarKul). (Chủ nhiệm)
3. Đề tài “Nghiên cứu quy trình bào chế hệ dẫn thuốc kích thước nano: nano (fucoidan-ginseng-curcumin) dùng trong phòng ngừa và hỗ trợ điều trị ung bướu” do công ty Cổ phần Dược Mỹ phẩm CVI và Viện Khoa học vật liệu tài trợ, thực hiện năm 2014 – 2015. (Chủ nhiệm)
4. Đề tài “Nghiên cứu chế tạo hệ dẫn thuốc nano Paclitaxel phối hợp Curcumin và đánh giá tác động của chúng lên các tế bào ung thư” cấp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, thực hiện năm 2016 – 2017. (Chủ nhiệm)
5. Đề tài “Nghiên cứu công nghệ bọc Curcumin bằng copolymer lưỡng tính nhằm chế tạo dược phẩm chống ung thư nhả chậm kích thước nano, có khả năng định hướng chọn lọc” cấp Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam, thực hiện năm 2009. (Chủ nhiệm)
6. Đề tài “Nghiên cứu đính kết phân tử nghệ (Curcumin) với hạt nano từ” cấp Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, thực hiện năm 2010. (Chủ nhiệm)
7. Đề tài “Nghiên cứu tận dụng nguồn nước suối khoáng tại Thừa Thiên Huế để sản xuất Spirulina làm thực phẩm chức năng” cấp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, thực hiện năm 2015-2017. (Chủ trì nhánh sản xuất Nano Spirulina-Curcumin)
8. Dự án “Phát triển công nghệ nano trong sản xuất thực phẩm chức năng và thương mại hóa sản phẩm Nano (Fucoidan-Curcumin-Ginseng) dùng trong phòng ngừa và hỗ trợ điều trị ung bướu” do Quỹ Innofund tài trợ, thực hiện năm 2016 – 2017. (Chủ nhiệm)
Sản phẩm của dự án khi được thương mại hóa sẽ làm tăng giá trị của cây ba kích, đồng thời, đem lại nhiều lợi ích cả về khoa học, kĩ thuật, kinh tế và xã hội.